Cô gái dân tộc giành học bổng danh giá trên đất Mỹ

(PLO) - Họ là những nữ sinh người dân tộc thiểu số, đến từ các bản làng xa xôi nghèo khó. Ở bản vùng cao vẫn còn quan niệm người phụ nữ cũng giống như con trâu, con ngựa trong nhà nên ban đầu các em cũng nghĩ rằng học cái chữ đã may mắn, quý giá lắm rồi. Thế nhưng, bằng sự nỗ lực vượt bậc, các em đã phấn đấu giành học bổng danh giá, không chỉ chứng tỏ khả năng, trí tuệ của mình mà còn khẳng định được vị thế của nữ sinh Việt với bạn bè năm châu…

Từ bản làng xa xôi đến ĐH danh tiếng Mỹ

 Đó là Bùi Trần Bảo Ngọc (SN 1997, quê TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình). Tuy nguồn gốc là người dân tộc Mường nhưng Bảo Ngọc may mắn xuất thân từ một gia đình trí thức nên được cha mẹ chăm lo học hành, bồi dưỡng năng khiếu từ rất sớm.

Học xong cấp 2, Ngọc thi đậu vào lớp chuyên Toán Trường Trung học phổ thông Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội. Học chuyên toán nhưng Ngọc học giỏi tiếng Anh, cô tốt nghiệp Tú tài quốc tế tại Trường Thế giới liên kết Đông Nam Á (UWCSEA), Singapore. 

Hành trình du học Singapore cùng trải nghiệm trong môi trường đa văn hóa là chất liệu cho bài luận phụ của Bảo Ngọc. Còn bài luận chính, cô gái Việt đã nói về tác động của bố và người dân tộc Mường lên việc hình thành nên con người mình.

Mặc dù xuống thị thành đã lâu, thậm chí đi du học, giao tiếp với nhiều nền văn hóa nhưng Ngọc luôn ý thức mình là người dân tộc Mường, cô thấu hiểu và trân trọng những giá trị văn hóa dân tộc mình. Đó cũng là nguồn cảm hứng của bài luận giúp Ngọc chinh phục suất học bổng “khủng” đất Mỹ.

Cô gái năng động, nhiều thành tích học tập và luôn trân trọng giá trị văn hóa cội nguồn đã giành suất học bổng “khủng” trị giá 240.000 USD/4 năm (5,5 tỷ đồng) từ Trường Đại học Duke, Mỹ (xếp thứ 8 trong top 10 trường Đại học Quốc gia tốt nhất nước Mỹ theo bảng xếp hạng của U.S. News & World Report năm 2016),

Cô gái Dao đỏ đầu tiên nhận học bổng thạc sĩ tại châu Âu

Đó là Chảo Thị Yến ở thôn Ngám Xá, xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Sinh ra trong một gia đình dân tộc Dao nghèo khó có 4 anh chị em, Yến phải thuyết phục cha mẹ rất nhiều mới được theo học tại Trường THPT số 2 huyện Bát Xát.

Học xong lớp 9, Yến phải ở nhà mất 3 năm mới thuyết phục được bố mẹ cho đi học cấp 3. Bước chân vào trung học, ban đầu cô gái quả cảm và nghị lực dự định sẽ thi đại học để trở thành giáo viên về dạy chữ cho các em nhỏ trong bản.

Thế nhưng, trận lũ lịch sử năm 2008 đã làm thay đổi ý định của cô gái dân tộc Dao. “Trong trận lũ đó, có một làng gần nhà em đã bị lũ cuốn hết. Ruộng nhà em cũng bị lũ cuốn mất sạch” - Yến vừa nhớ lại vừa rơm rớm nước mắt. Dường như ký ức về những trận lũ vẫn còn rất khủng khiếp với em.

“Sau này xuống trường được xem ti vi em mới biết là do rừng không bảo vệ tốt nên mới hay có những trận lũ như thế. Vì thế, em đã quyết định theo học ngành quản lý tài nguyên rừng và môi trường để làm kiểm lâm bảo vệ rừng” - Yến nói.

Để thực hiện ước mơ của mình, dù đang học khối C để thi làm giáo viên, cô gái sinh năm 1990 đã quyết định chuyển sang thi khối A vào Trường Đại học Lâm nghiệp đóng tại thị trấn Xuân Mai (Hà Nội). Vì tự học, không ôn thi ở đâu nên Yến chỉ thi đậu với mức điểm đầu vào không cao.

Tháng 12/2014, Yến tốt nghiệp đại học, sau đó làm cho một số công ty tại Hà Nội và Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Cáp treo Fansipan Sa Pa. Nhờ chăm chỉ học và có khả năng giao tiếp tiếng Anh tốt, Yến làm hồ sơ tìm cơ hội giành học bổng để du học tại Nhật và Đức.

Vừa qua, Yến đã nhận được học bổng của chương trình SUFONAMA khóa học thạc sĩ ngành Quản lý tài nguyên rừng bền vững của Trường Đại học Gottingen (Đức). Ở Bát Xát, Yến là người đầu tiên được nhận học bổng danh giá này. Với học bổng này, Yến sẽ được miễn hoàn toàn học phí và được nhận mỗi tháng 1.000 Euro sinh hoạt phí trong vòng 2 năm của chương trình đào tạo thạc sĩ. Tổng giá trị của học bổng là 47.500 Euro (hơn 50.000 USD).

Ngày 28/8, Yến bắt đầu lên đường sang Đức du học. “Sau khi kết thúc du học, em mong muốn trở về nước để đóng góp công sức xây dựng quê hương” - Yến chia sẻ.

Cảm động chuyện nữ sinh Chu Ru đầu tiên đỗ thủ khoa

Đó là cô gái Na U Ma Hiêng ở buôn Klong bong, xã Tà Lang, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng). Kỳ thi đại học năm 2011, Ma Hiêng dự thi khối C Đại học Đà Lạt đạt 3 môn 23 điểm, trở thành thủ khoa khối C của Trường Đại học này.

Mồ côi cha khi còn trong bụng mẹ, lúc Ma Hiêng 3 tuổi, mẹ đi “bắt” chồng khác nên Ma Hiêng phải sống với bà ngoại. Năm lớp 2, mẹ bảo Ma Hiêng nghỉ học ở nhà làm rẫy. Thế nhưng, khi thấy Ma Hiêng ham học, người cha dượng tốt bụng cùng với mẹ hàng tháng vẫn dành dụm gửi tiền cho em ăn học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đức Trọng, tiếp đó là Trường THPT Dân tộc nội trú Lâm Đồng.

Trong suốt 12 năm học, Ma Hiêng đều được nhận giấy khen về thành tích học tập tốt. Năm lớp 12, Ma Hiêng đoạt giải khuyến khích môn Ngữ văn tại kỳ thi Văn hóa - Thể thao các Trường Phổ thông Dân tộc nội trú toàn quốc lần thứ VI tại Quảng Ngãi; đoạt giải ba môn lịch sử tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2010-2011. Ma Hiêng từng được nhận học bổng Vừ A Dính, học bổng Vallet của Tổ chức Rencontres du Viet Nam dành cho học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập.

Ma Hiêng nhận được tin đỗ thủ khoa khối C ĐH Đà Lạt (á khoa toàn trường) khi đang hái đậu thuê ở vùng quê Ma Nới (huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận). Sau khi tham dự kỳ thi tuyển sinh ddại học, cao đẳng xong, Ma Hiêng khăn gói đi làm thuê kiếm tiền (60.000 đồng/ngày) để chuẩn bị cho việc nhập học sắp tới. Gia đình Ma Hiêng dự định sẽ phải bán một con trâu để giúp em nhập học.

Ma Hiêng từng mơ ước trở thành bác sĩ để về chăm sóc bà ngoại và dân làng. Nhưng nay em chọn ngành sư phạm như một cách để tri ân thầy cô giáo năm xưa và để sau này về dạy học ngay tại buôn làng của mình. UBND tỉnh Lâm Đồng đã quyết định cấp học bổng toàn phần cho Ma Hiêng trong suốt thời gian học đại học; trường hợp Ma Hiêng có nhu cầu du học, tỉnh sẽ liên hệ với các tổ chức xin học bổng.

Sau 4 năm nỗ lực học hành, năm 2015, Ma Hiêng tốt nghiệp đại học và được UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Sở Nội vụ và Sở Giáo dục và Đào tạo đặc cách tiếp nhận (không qua thi tuyển) và bố trí em Ma Hiêng vào công tác trong ngành giáo dục. Hiện Ma Hiêng đang là cô giáo Trường Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng.

Đọc thêm