Cô gái kết hôn giả nguy cơ bị “chồng ảo” ràng buộc “trọn kiếp”

(PLO) -Bảy năm trước chị Mộng kết hôn với người đàn ông Hàn Quốc để được xuất ngoại nhưng bị “vướng” thủ tục không thể ra nước ngoài. Sự việc bẵng đi. Bảy năm sau chị muốn lập gia đình thì mới nhận ra trên giấy tờ mình đang là người có gia đình. Trong tình huống này, cô gái đối diện với hàng mớ thủ tục rối rắm pháp lý và có thể không ly hôn được.
Hình minh họa
Hình minh họa

Chị Đỗ Thị Mộng (SN 1991) là con gái lớn trong gia đình đông anh chị em ở xã Đông Phú (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang). Năm 2009 chị đồng ý lấy chồng người Hàn Quốc qua mai mối với hy vọng đổi đời nơi xứ người. Sau đám cưới chóng vánh, chị cùng chồng ngoại quốc chỉ kịp đến Sở Tư pháp kí tá giấy tờ rồi người đàn ông quay về nước. Cô gái 9X chỉ biết vỏn vẹn “chồng” mình tên Park, sống ở thủ đô của Hàn Quốc.

Lấy nhau “giả”, giấy kết hôn thật  

Tuy nhiên sau đó vì một số vướng mắc thủ tục, chị Mộng không thể xuất cảnh sang Hàn Quốc như dự định. Còn người “chồng” ngoại quốc cũng quay về nước “bặt vô âm tín” tới nay.

Mãi gần đây chị Mộng mới nghĩ đến chuyện lập gia đình thì tá hỏa khi được cán bộ tư pháp trả lời “chị đã có chồng, hiện chưa ly hôn nên không thể kết hôn”. Bấy giờ cô gái trẻ mới hoảng hốt tìm đến trung tâm trợ giúp pháp lý, lặn lội ra Hà Nội nhờ luật sư tư vấn.

Chị Mộng trình bày từ trước đến nay cứ nghĩ việc lấy chồng nước ngoài chỉ là “đóng kịch” để được đi nước ngoài. Sau khi việc xuất cảnh không thành, chị cũng không để ý đến những giấy tờ hôn thú với “chồng” ngoại.

Có điều cô gái không ngờ chuyện đăng kí kết hôn “đóng kịch” lại gây ra rắc rối khôn lường. Rắc rối nữa là chị không hề giữ bất kì giấy tờ nào. Mọi thủ tục đều do bên mai mối đứng ra “tự biên tự diễn”. Đến khi “hợp đồng” không thành, những “bà mối” cũng ngó lơ, không hề đưa lại cho chị Mộng bất kì giấy tờ nào.

Mãi đến khi được luật sư hỗ trợ, cô gái mới đến Sở Tư pháp Bắc Giang trình bày hoàn cảnh và được cung cấp những giấy tờ chứng nhận quan hệ hôn nhân của mình. Theo đó chồng chị Mộng có tên đầy đủ Park Hyun Min (quốc tịch Hàn Quốc, địa chỉ đăng kí trong giấy kết hôn là: 537-19, Gireum- dong Seongbuk- gu, Seoul, Hàn Quốc).

Hai người kết hôn vào ngày 17/8/2009 và đăng kí tại văn phòng Kangbuk-gu, Seoul, Hàn Quốc. Sau khi kết hôn, họ cũng đến Sở Tư pháp Bắc Giang đăng kí kết hôn vào ngày 8/9/2009.  

Với mong muốn chấm dứt cuộc hôn nhân “đóng kịch”, ngày 4/5/2016, chị Mộng gửi đơn khởi kiện ra tòa án tỉnh Bắc Giang yêu cầu được giải quyết ly hôn. Trong đơn chị trình bày “vợ chồng” sống ly thân từ năm 2009 tới nay, hai bên không hề có con chung, không có tài sản chung cũng như công nợ liên quan đến nhau.

Cuối đơn, cô gái khẩn thiết đề nghị cơ quan pháp luật giải quyết cho mình được ly hôn người chồng ngoại để được xây dựng gia đình và tránh những hệ lụy pháp lý khác.

Đơn khởi kiện ly hôn của chị Mộng.

Đơn khởi kiện ly hôn của chị Mộng.

Khi tiếp nhận đơn đề nghị ly hôn của chị Mộng, cán bộ tòa án tỉnh Bắc Giang “khóc dở mếu dở”: “Thi thoảng chúng tôi lại nhận những đơn tương tự, hiện vẫn phải vừa thực hiện vừa dò đường”. Qua tìm hiểu, mới biết được chị Mộng chỉ là một trong hàng trăm trường hợp phụ nữ “có tiếng mà không có miếng”, chỉ vì muốn được ra nước ngoài mà kết hôn giả.

Điều đáng nói, phần lớn những cuộc hôn nhân này đều được cá nhân hoặc tổ chức môi giới đứng ra thực hiện. Sự việc êm xuôi thì không sao. Nhưng cũng không ít chị em vì lý do nào đó không thể xuất ngoại như ý muốn, phải ôm “cục nợ” là tấm chồng ngoại quốc trên giấy tờ.

Khó “cởi trói” khỏi chồng ngoại

Xét về khía cạnh pháp lý, những trường hợp ly hôn như chị Mộng bị đánh giá là “cực kì nan giải”. Thứ nhất, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 thì những vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài (có người ở nước ngoài hoặc có tài sản ở nước ngoài) thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh giải quyết. Cái khó ở đây là xác minh thông tin bị đơn.

Nếu chị Mộng muốn ly hôn chồng, trước tiên cần có cơ quan pháp luật nước sở tại xác nhận tồn tại chồng chị ở địa chỉ trong giấy đăng kí kết hôn. Và muốn làm điều này phải cần tới thủ tục “ủy thác tư pháp”.

“Ủy thác tư pháp” là việc tòa án của một nước nhờ tòa án nước ngoài thực hiện giúp những hành vi tố tụng riêng lẻ cần thiết để bảo đảm giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Việc ủy thác phải bằng văn bản và phải được kí kết gửi cho nhau thông qua Bộ Tư pháp.

Đối với các vụ án hôn nhân gia đình, việc “ủy thác tư pháp” sẽ để ghi lời khai của những người đang ở những nước mà Việt Nam đã kí hiệp định tương trợ tư pháp (Việt Nam mới ký được 16 hiệp định và thỏa thuận với một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau).

Theo quy trình ủy thác, đầu tiên tòa án Việt Nam phải chuyển hồ sơ qua Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp sau đó chuyển đến Bộ Ngoại giao. Bộ Ngoại giao chuyển đến Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại. Từ đây hồ sơ vụ án mới được chuyển đến các cơ quan tư pháp nước bạn để nhờ thu thập, xác minh chứng cứ. Nếu quá trình xác minh thuận lợi, hồ sơ sẽ lần lượt ngược hành trình trên quay về tòa án Việt Nam. 

Tuy nhiên các chuyên gia pháp luật cho rằng để có kết quả từ “ủy thác tư pháp” là rất nan giải. Thứ nhất, phía tòa án thực hiện việc ủy thác có lợi gì trong khi không có phí ủy thác? Thứ hai, trong giấy ủy thác chỉ nêu chung chung là “tòa án có thẩm quyền” nước sở tại. Vậy tòa án nào sẽ thực hiện? Thứ ba, thời hạn để xét xử những vụ án ly hôn trên thường không được đảm bảo, có khi kéo dài đến bế tắc. Còn nếu các cơ quan nước bạn không nhiệt tình hào hứng giúp đỡ thì coi như vụ án “chôn chân tại chỗ”.

“Ngay cả với các quốc gia đã ký hiệp định với nước ta, việc ủy thác tư pháp cũng thường không có kết quả. Nhiều trường hợp tòa không nhận được trả lời của đương sự, của đại sứ quán và của tòa án có thẩm quyền của nước ngoài...”, một luật sư nêu kinh nghiệm của mình. 

Trở lại trường hợp chị Mộng, theo quy định, sau một năm mà không có căn cứ thụ lý, tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án. Và phải một năm sau chị mới có thể gửi đơn khởi kiện trở lại. “Nếu không có kết quả ủy thác tư pháp thì quy trình trên cứ lặp đi lặp lại, chị Mộng sẽ rất khó để ly hôn được chồng”, luật sư Trần Mạnh Tùng (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định.

Cô gái không ngờ chuyện đăng kí kết hôn “đóng kịch” lại gây ra rắc rối khôn lường. Rắc rối nữa là chị không hề giữ bất kì giấy tờ nào. Mọi thủ tục đều do bên mai mối đứng ra “tự biên tự diễn”. Đến khi “hợp đồng” không thành, những “bà mối” cũng ngó lơ, không hề đưa lại cho chị Mộng bất kì giấy tờ nào. Mãi đến khi được luật sư hỗ trợ, cô gái mới đến Sở Tư pháp Bắc Giang trình bày hoàn cảnh và được cung cấp những giấy tờ chứng nhận quan hệ hôn nhân của mình.

Theo đó chồng chị Mộng có tên đầy đủ Park Hyun Min (quốc tịch Hàn Quốc, địa chỉ đăng kí trong giấy kết hôn là: 537-19, Gireum- dong Seongbuk- gu, Seoul, Hàn Quốc). Hai người kết hôn vào ngày 17/8/2009 và đăng kí tại văn phòng Kangbuk-gu, Seoul, Hàn Quốc. Họ cũng đến Sở Tư pháp Bắc Giang đăng kí kết hôn vào ngày 8/9/2009.  

Đọc thêm