Cô học trò nghèo và nghĩa cử “lá rách đùm lá tả tơi”

(PLO) - Đầu năm học mới, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đến dự khai giảng và thăm hỏi, động viên, tặng 30 suất học bổng và 30 chiếc xe đạp cho các em học sinh nghèo ở Trường THCS – THPT Nguyễn Thị Một (xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An). 
Thanh Tuyền cho biết chiếc xe đạp của mình vẫn còn tốt, nên nhường xe cho bạn khác khó khăn hơn
Thanh Tuyền cho biết chiếc xe đạp của mình vẫn còn tốt, nên nhường xe cho bạn khác khó khăn hơn

Trong khi ai nấy đều cảm thấy vui mừng vì nhận được quà của Phó Thủ tướng, thì Trần Thị Thanh Tuyền (học sinh lớp 10A1) đã liên hệ với ban tổ chức xin nhường món quà ấy lại cho bạn học sinh khác có hoàn cảnh khó khăn hơn.  

Nghèo tiền nhất ấp, nhưng giàu nghị lực

Những ngày qua, câu chuyện về cô học trò nghèo xin được từ chối phần quà là một chiếc xe đạp mới tinh của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình để tặng lại cho một bạn học sinh khác có hoàn cảnh khó khăn hơn, được người dân địa phương cảm phục.

Ông Nguyễn Bá Huy (63 tuổi, trưởng ấp Tân Thanh B, xã Phước Lại), nhận xét: “Con bé còn nhỏ, nhà thì thuộc một trong những hộ gia đình nghèo nhất trong ấp mà đã biết nghĩ cho người khác như thế, thật là một tấm lòng thơm thảo”. 

Theo chân ông Nguyễn Bá Huy trên con đường mòn nhỏ hẹp, quanh co, đầy sỏi đá, chúng tôi tìm về ngôi nhà của Trần Thị Thanh Tuyền nằm lọt thỏm giữa những đồng ruộng đầy rơm rạ. Phía trước căn nhà ghi rõ dòng chữ nhà tình thương.

Ông Huy cho biết, trước đây, nhà Tuyền nghèo lắm, chỉ lợp ngói xiêu vẹo, tường nhà được dựng lên từ những lớp vách nứa. Những ngày mưa gió, căn nhà nhỏ không đủ che mưa, khiến cho căn nhà nền đất trở nên lầy lội.

Vài năm trước lại không may bị một trận hỏa hoạn thiêu đốt, nhà em trở thành nhà nghèo nhất ở trong ấp. Năm 2013, Hội phụ nữ xã Phước Lại vận động các công ty tài trợ xây dựng lên nhà tình thương để 5 con người che mưa che nắng.

Căn nhà tình thương nhỏ ấy chẳng có gì đáng giá ngoài hai chiếc xe đạp được trao tặng là phương tiện để hai chị em Tuyền đi học mỗi ngày. “Gia tài” của Tuyền là một chiếc tủ đựng sách vở, một chiếc bàn nhựa cỏn con. Bên góc học tập nhỏ, cô bé với gương mặt bầu bĩnh chia sẻ tâm sự với khách. 

Sinh ra trong một gia đình nghèo, ba mẹ ly hôn khi em còn đang học lớp 1, mới 6 tuổi cô bé Tuyền phải tự chăm sóc cho mình và trông nom cho người em gái 4 tuổi. Lớn lên, Tuyền phải học cách lo toan trong gia đình cùng bà nội.

Trong ký ức của Tuyền, em không nhớ nhiều đến mẹ. “Hồi đầu, em cũng nhớ mẹ lắm, nhưng sau này quen rồi, có bà nội ở cạnh rồi em không còn nhớ đến nữa. Mẹ cũng chưa một lần về thăm hay gọi điện, liên lạc. Em cũng không trách mẹ. Có lẽ, mẹ có lý do khó nói nào đó”, Tuyền cười nói, nhưng đôi mắt lại buồn buồn. 

Thấy cháu gái vẻ ưu tư khi nhắc đến mẹ, bà Trần Thị Thông Lập (77 tuổi) cho biết, mẹ em vốn quê ở Châu Đốc, An Giang. Ngày trước cha mẹ em quen nhau trên TP HCM, rồi về quê cưới hỏi, lập nghiệp.

Thanh Tuyền bên góc học tập
Thanh Tuyền bên góc học tập  

Cuộc sống ngày đó còn nghèo khổ, cày thuê cuốc mướn không được bao nhiêu, hai người nảy ra ý định đào ao nuôi tôm, thả cá. Thế nhưng nguồn nước bị nhiễm mặn, đầu tư bao nhiêu thua lỗ bấy nhiêu.Cuộc sống rơi vào cảnh túng bấn, nợ nần chồng chất. 

Theo lời bà nội, chính những nỗi lo về cơm áo gạo tiền khiến con dâu mình phiền muộn.  Một sớm thức dậy, người phụ nữ bỏ lại hai đứa con thơ ở lại rồi về quê ngoại sinh sống. Nhìn hai con gái đang tuổi ăn tuổi lớn, cha Tuyền nén nỗi buồn, ngày ngày đi phụ hồ kiếm tiền nuôi con. 

“Lá lành đùm lá rách”

Từ ngày mẹ bỏ đi, chị em Tuyền sống trong tình yêu thương của bà nội, của cô chú và bà con lối xóm. Người bà đã già yếu thay người mẹ chỉ dẫn em. Số tiền hỗ trợ hộ nghèo ít ỏi hàng tháng, bà dồn cả cho em sử dụng để may áo, mua dụng cụ học tập, sách vở, đóng các khoản phí trong trường.

Ngoài giờ học, Tuyền về nhà giúp bà những công việc thường nhật. Em cũng thường xuyên tham gia các hoạt động ngoại khóa như nhặt rác ở bến phà, làm đường, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Nhờ đó em có thêm nhiều trải nghiệm, hiểu được sự quan trọng của tình tương thân tương ái trong cuộc sống.

Hiểu hoàn cảnh của mình, lại thấy nhiều bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn, nên khi biết mình được nhận thêm một chiếc xe đạp mới từ Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Tuyền không đắn đo suy nghĩ đã mở lời: “Em muốn tặng lại xe cho bạn khác”. 

Tuyền kể: “Năm học lớp 8, em cũng rất vinh dự được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tặng một chiếc xe đạp và cho đến giờ em vẫn còn đi rất tốt. Em gái em đang học lớp 8 tại trường, cũng vừa được bác Trương Hòa Bình trao tặng một chiếc xe. Vì vậy em muốn nhường chiếc xe này lại cho bạn khác có hoàn cảnh khó khăn chưa có xe đạp để đến trường”.

“Ngay sau khi biết được nguyện vọng của em, em được các thầy cô trong ban tổ chức đưa đến gặp bác Sáu Bình (tên gọi thân mật của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình – PV).Bác Sáu Bình khuyên em nên giữ chiếc xe ấy và sẽ đề nghị nhà tài trợ tặng thêm một chiếc xe cho bạn khác. Nhưng xe của em còn đi rất tốt, em lấy thêm xe này làm chi nữa? Bác cười xoa đầu em, chúc em học giỏi, chăm ngoan”, Tuyền kể lại.

Khi được hỏi, em đã có dự định sẽ đề xuất tặng chiếc xe đạp này lại cho bạn nào, Tuyền kể đến hoàn cảnh của người bạn cùng lớp tên Hồng Thúy. Theo Tuyền, người bạn này có hoàn cảnh gia đình khó khăn như mình, ba mẹ đi làm ăn xa, Thúy sống cùng với em trai và bà nội. Gia đình Thúy lại xa trường, trong khi đó chiếc xe đạp hiện tại của bạn này đã hư nặng.    

Sau một ngày làm việc tất tả, ông Trần Vĩnh Phụng (45 tuổi) trở bên mâm cơm nóng hổi chỉ vài ba món rau dưa đạm bạc. Khi được hỏi đến hành động của con gái, ông cười, ánh mắt long lanh: “Hoàn cảnh gia đình từ trước đến nay luôn nghèo khó, nhưng tôi luôn dặn các con mình “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Lá lành đùm lá rách”.

Căn nhà tình thương nơi Tuyền và gia đình đang sinh sống
Căn nhà tình thương nơi Tuyền và gia đình đang sinh sống

Khi quyết định nhường xe cho bạn khác, Tuyền không hề hỏi trước ý kiến của tôi, nhưng tôi luôn ủng hộ con. Và tôi tự hào vì con gái tôi biết thương cảm với những bạn học có hoàn cảnh khó khăn như mình”. 

Được biết, sau buổi khai giảng năm học 2016 – 2017 vừa qua, ngoài Trần Thị Thanh Tuyền, còn hai em học sinh khác là em Nguyễn Thị Hoàng Yến (học sinh lớp 10A3) và em Huỳnh Phước Khương (học sinh lớp 10A4) cũng xin được nhường lại phần quà của mình cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Nghĩa cử cao đẹp của các em đã được Ban giám hiệu Trường THCS – THPT Nguyễn Thị Một ghi nhận. Đoàn trường đã tuyên dương các em trong buổi sinh hoạt dưới cờ nhằm động viên, khích lệ và lan tỏa tinh thần tương thân tương ái của các học sinh khác. 

Đọc thêm