Có “lo lót” được khi thi vào “ghế nóng” Tổng Cục trưởng?

(PLO) - Trái với tuyên bố của Bộ trưởng Đinh La Thăng sẽ không có chuyện can thiệp, chạy chọt chức vụ… trong cuộc thi tuyển Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam, TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia về giao thông đô thị nói với PLVN ông không tin mọi việc sẽ tròn trịa như lời Bộ trưởng, vì khi làm nhân sự luôn tồn tại “sự châm chước, bỏ qua cho nhau điểm này, điểm kia và có sự chú trọng về quan hệ…”.
Trong hai ngày (25, 26/4), bốn ứng viên (Phó Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cường, Tổng Giám đốc PMU2 Phạm Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Cty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải (GTVT) Phạm Hữu Sơn và Chánh Thanh tra Bộ GTVT Nguyễn Văn Huyện) sẽ bắt đầu cuộc đua vào “ghế nóng”. 
Với việc tổ chức cuộc thi này, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã được dư luận “vỗ tay”, song không phải không có ý kiến lo ngại rằng, cá nhân ông và cả ngành GTVT có thoát khỏi ra lối làm nhân sự theo kiểu cũ? Phóng viên PLVN có cuộc trò truyện với TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia về lĩnh vực giao thông đô thị và từng mang hàm Vụ trưởng tại Bộ GTVT. 
60% hay 40% cán bộ là dùng được?
Việc thi tuyển chức Tổng cục trưởng Đường bộ cho thấy nguồn nhân lực tại chỗ ở đây đang không ổn và đáng báo động, thưa ông?
- Trước tiên phải nói cuộc thi này là cần thiết. Cần chọn cho được người thực tài, có đạo đức, trách nhiệm để quản lý hơn 200.000km đường bộ và cả hàng trăm dự án với số tiền vốn rất lớn mà Nhà nước đầu tư mỗi năm. Việc chọn nhân tài ở Bộ, ngành nào cũng cần, nhưng GTVT là một trong những Bộ tác động mạnh đến đời sống xã hội nên điều đó là tối cần thiết. Dù Bộ đã tiên phong vấn đề này nhưng theo tôi, như vậy vẫn chậm. Nếu nhìn rộng ra, ở Bộ GTVT, số cán bộ có đạo đức, có năng lực và dùng được hiện nay cũng chỉ khoảng 60%.
Thời tôi, đã có tình trạng Vụ trưởng không đề xuất được vấn đề, không tham mưu được cho lãnh đạo Bộ về cái mình phụ trách. Nói vậy để thấy rằng, thời đó cán bộ tương đối tốt, nhưng có vị còn không làm được việc, còn bây giờ, ngày càng yếu. Vì họ đưa con ông cháu cha, rồi người đồng hương, lợi ích nhóm… vào quá nhiều, trong số đó có cả người yếu kém. Tôi nói con số 60% làm được việc, nhưng dư luận thì nói chỉ khoảng 40-50% thôi.
TS Nguyễn Xuân Thủy. Ảnh: Võ Tuấn
TS Nguyễn Xuân Thủy. Ảnh: Võ Tuấn 
Thi là để “đãi cát lấy vàng”, nhưng thể chế nhân sự lâu nay của ta vẫn tồn tại theo kiểu “Đảng cử, dân bầu”, cấp ủy chuẩn bị nhân sự… Liệu với cuộc thi này, Bộ GTVT có thoát được cách làm tổ chức theo lối truyền thống nói trên?
- Nói gì thì nói, mình cũng cần hoan nghênh vì ở đây đã có sự “sàng”. Tuy nhiên, có chọn được người tốt hay không, có xóa được những “bóng đen” trong công tác tổ chức cán bộ vốn tồn tại lâu nay không thì phải đợi, và  còn tùy thuộc vào cơ chế thi tuyển, thành phần Ban giám khảo (BGK), cách chấm ra sao? 
Bởi người ta nói do BGK quyết, nhưng biết đâu không phải vậy. Tôi ví dụ anh A được 10 điểm, anh C chỉ 6 điểm, nhưng vẫn chọn anh C vì theo họ, anh A điểm cao nhưng khi làm việc họ nói là thiếu quyết đoán hoặc thiếu này, thiếu nọ… nên không đậu. 
Trong công tác tổ chức cán bộ, cái đó là chuyện bình thường. Vì “anh” không trong “tầm ngắm” của tôi, không phù hợp quan điểm của tôi thì dù “anh” 10 điểm, tôi cũng không muốn. 
Đã “chọn mặt gửi vàng”!
Trong quản lý, lãnh đạo người ta hay nói tới từ ê kíp. Và ê kíp nếu hiểu theo hướng tích cực là chọn những người có năng lực, hiểu ý, hợp gu làm việc của nhau vào trong bộ máy của mình. Theo ông, bốn ứng viên tham gia thi lần này có theo tinh thần đó không?
- Ê kíp gần như là số một trong công tác cán bộ. Đúng là ê kíp không  hẳn là xấu như anh vừa nói vì nó là sự đồng nhất về quan điểm, tư tưởng trong một vấn đề nào đó để hoạt động hiệu quả hơn. Ngược lại, nếu không tốt, bao che cho nhau, dĩ hòa vi quý… thì ê kíp sẽ sinh ra sự tiêu cực, bè phái. Ê kíp tốt là người cán bộ cao nhất chọn những người cùng chí hướng, giỏi nghề, có đạo đức cùng làm việc với mình. 
Trong cuộc thi này, theo tôi là đã có sự “chọn mặt gửi vàng” rồi. Nếu vậy thì theo lý thuyết, người nào giỏi nhất về nghiệp vụ thì người đó thắng.
Ý ông là đã có sự “chấm” trước về nhân sự dự thi?
- Tôi nghĩ là vậy, bởi tại sao toàn tổng giám đốc này rồi vụ trưởng kia thi mà không thấy có thành phần khác? Quyết định bốn ứng viên, thực chất là “anh” đã có sự chọn trước, “ướm” trước rồi. Và tất nhiên là đã có sự “rỉ tai” giữa Bộ trưởng với Vụ trưởng Tổ chức cán bộ rồi. Vì vậy, theo tôi, kỳ này dẫu có chọn được Tổng cục trưởng đi chăng nữa thì người đó cũng chỉ đạt được khoảng 60% tiêu chuẩn thực tế cũng như yêu cầu của xã hội  mà thôi.
Đa số giám khảo là người của Bộ trưởng? 
Bộ trưởng Thăng đã từng tuyên bố với công luận rằng, cuộc thi này sẽ công bằng, minh bạch, phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của BGK và một ứng viên sẽ không tài nào "lo lót" được cả BGK gồm 15 vị?
- Lãnh đạo nào cũng nói vậy, nhưng tôi khẳng định trong công tác cán bộ luôn luôn có vấn đề châm chước, bỏ qua điểm này, điểm kia cho nhau rồi chú trọng vấn đề quan hệ, giữa cá nhân với cá nhân. Cái chính là thực tế đó  nó tồn tại ở mức độ nào thôi. 
Chúng ta mong muốn người thắng cuộc đạt được một giới hạn nào đó về đạo đức lẫn kỹ năng, chứ khó mà tuyệt đối hóa được. Chẳng hạn xã hội cần 10 thì người đó cũng phải được sáu, bảy điểm chứ chỉ đạt ba, bốn thì không thể nào chấp nhận được.
Chọn Tổng cục trưởng là chọn người tham mưu trực tiếp cho Bộ trưởng trong lĩnh vực đường bộ, nhưng Bộ trưởng không làm chủ khảo. Ông nghĩ gì về quyết định này của Bộ trưởng Thăng?
- Việc ông Thăng lánh mặt tại cuộc thi này là đúng, vừa là khách quan, vừa không để người ta nghĩ Bộ trưởng có định kiến hay dễ dàng với ai. Nhưng theo tôi, cuối cùng ông Thăng vẫn sẽ là người quyết định. Tôi khẳng định như vậy. Đơn giản vì những người trong BGK đều là người của Bộ trưởng, đều là cấp dưới của Bộ trưởng. 
Và tôi nghĩ, những người trong BGK chắc cũng sẽ có bàn với nhau khi chấm. Tôi nói ngay như tôi khi ngồi Hội đồng chấm Thạc sỹ, Tiến sỹ, đôi khi cũng có họp với nhau trước khi ra quyết định nữa kia mà. 
Gần đây, qua báo chí, bốn ứng viên dự thi đã công khai chương trình hành động của mình nếu được bổ nhiệm Tổng cục trưởng Đường bộ. Theo ông, “trình” của bốn người này đến đâu? 
- Xem qua phát biểu của bốn người này, tôi thấy họ nói chung chung và phần lớn giới thiệu về thời gian công tác của mình. Nếu vậy thì gần như ai cũng nói được như thế. Phải chăng là họ đang giấu bài? 
Hiện, mỗi năm Nhà nước đầu tư cho ngành GTVT bình quân hơn 30 - 40 ngàn tỷ đồng và phần lớn số này dồn cho đường bộ. Nhưng tôi chưa thấy ai nói đến việc làm sao để sử dụng đồng vốn này cho hiệu quả, chứ hiện nay đầu tư không trọng điểm, manh mún, và quá nhiều đường cao tốc, trong khi không đầu tư thích đáng cho giao thông đô thị, gây áp lực cho hai siêu đô thị đó là Hà Nội, TP.HCM; rồi thực trạng thiếu quan tâm cho vùng sâu, vùng xa vì vậy mà vẫn còn hàng ngàn cây cầu treo, hàng ngàn bến đò tiềm ẩn nguy cơ gây ra những tai nạn tang thương, vô lý. Bốn người này chưa có ai nói về những vấn đề đó. 
Ngoài ra, ông Tổng cục trưởng Đường bộ cũng cần trăn trở trước thực trạng vì sao chưa tận dụng hết năng lực của đường sắt, đường biển bởi nếu giải quyết tốt vấn đề này cũng sẽ giảm chi phí đầu tư cho đường bộ, giảm áp lực vận tải lên đường bộ, giảm giá cước, hạ tầng đỡ xuống cấp, tai nạn cũng sẽ giảm. 
Tại sao “ông” Đường bộ không tính chuyện ngồi lại với “ông” Đường sắt, Đường biển để bàn và chỉ đầu tư làm những tuyến đường ngang nối kết trục chính cảng biển với đường bộ cho bớt tốn kém thay vì phải bỏ ra một lượng vốn quá lớn cho hàng loạt đường cao tốc… Cái đó mới là tầm nhìn chiến lược, dài hơi mà nhân dân đang trông đợi.
Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm