Có luân hồi trong thế giới con người?

(PLO) - Có một số người bảo “nhà Phật nói luân hồi để ru ngủ con người trong giấc mơ mê tín “. Đâu là sự thật về luân hồi?
Có luân hồi trong thế giới con người?

Thuyết luân hồi là một thuyết quan trọng trong nhà Phật. Không thông lý luân hồi, người Phật tử khó bề tiến tu được, do đó chúng ta cần phải hiểu cho thấu đáo. PLVN xin giới thiệu những kiến giải của Hòa thượng Thích Thanh Từ - một bậc cao tăng đương đại – về vấn đề luân hồi dưới con mắt Phật học…

Luân hồi là xoay vần, cứ mãi đảo lên lộn xuống xoay vần trong khuôn khổ cố định. Mọi sự đổi thay, biến chuyển không đứng yên một vị trí nào, luôn xê dịch biến thiên từ trạng thái này sang trạng thái khác, từ hình tướng này sang hình tướng khác. 

Sự thật về luân hồi

Định nghĩa trên cho thấy, luân hồi là một triết lý thực tiễn không còn gì phải nghi ngờ. Con người và vũ trụ hiện tại đều nằm chung trong một định luật “biến thiên”.

Nhờ khoa học chứng minh mà chúng ta biết quả địa cầu này đang xoay tròn quanh một cái trục trong không gian. Do sự xoay tròn này, phía hướng về mặt trời là sáng, phía bị khuất là tối; từ đó, con người mới đặt ra thời gian.

Sự xoay tròn này không phải luân hồi là gì? Quả đất xoay khiến có ngày đêm và hai mươi bốn tiếng đồng hồ nhịp nhàng theo chiều quay của trái đất, lại có chia Xuân, Hạ, Thu, Đông, do sự xê dịch gần và xa mật trời. Từ sự xoay tròn của quả đất, nảy sinh thời gian, thời gian và trái đất đều là luân hồi. Quả đất là chỗ tựa nương để sống còn của vạn vật và con nguời; bản thân nó đã luân hồi thì những vật tựa nương vào nó làm sao thoát khỏi luân hồi.

Thế thì cả vũ trụ lẫn vạn vật cùng toàn thể chúng sinh đều là luân hồi, là một sự thật căn cứ trên khoa học, chứ không phải là chuyện huyền thoại mơ hồ. 

Hình minh hoạ

Hình minh hoạ

Vạn vật luân hồi

Muôn vật trên quả địa cầu đều cùng chung luân hồi. Về sinh vật, từ cái cây cọng cỏ bởi do hạt nảy mầm tăng trưởng thành cây, sinh hạt, đảo đi lộn lại mãi không cùng. Các loài động vật thì từ trứng nở thành con, con lại sinh trứng; hoặc từ bào thai thành hình, khi trưởng thành lại có bào thai, lẩn quẩn loanh quanh không cùng.

Đó là nói sự luân hồi trong cuộc tiếp nối. Chúng sinh trưởng thành là do đất, nước, gió, lửa; khi tan hoại cũng trở về đất, nước, gió, lửa, tụ lại tán ra theo duyên biến chuyển chẳng cùng. 

Bản thân đất, nước, gió, lửa cũng bị luân hồi. Như sáng sớm ta lấy thau múc một phần ba thau nước đem để ngoài trời nắng, đến chiều thau nước cạn khô. Thử hỏi nước đi đâu? Nước mất hết rồi sao? Nước không đi đâu, nước cũng chẳng mất, chẳng qua nước là thể lỏng do ánh nắng nóng bốc lên thành thể hơi, hơi theo gió bàng bạc trong hư không; thể hơi gặp khí lạnh đọng lại rơi xuống thành nước, nước lại bốc thành hơi, cứ thế mãi luân hồi không cùng.

Gió, lửa, đất cũng thế, tùy duyên từ hình thái này đổi sang hình thái khác, đổi đổi thay thay không có ngày cùng. Hình tướng trạng thái luôn luôn đổi thay, sự thật vẫn không bao giờ mất. Từ một hình tướng thô đổi thành một trạng thái tế, với cái nhìn thô thiển người ta bảo là mất, thật sự nào có mất mà chỉ là biến thái.

Con người luân hồi

Nói đến con người tạm chia thành hai phần, vật chất và tinh thần, như bóng đèn và điện. Ngọn đèn phát huy được ánh sáng phải có đủ hai điều kiện hỗ tương nhau: Có bóng đèn mà không có điện trở thành vô ích, có điện mà không có đèn cũng vô nghĩa. Sự hỗ tương này không thể tách rời, không thể đặt giá trị thiên trọng, không thể xem như chủ khách mà cần phải thấy sự tương quan bất khả phân ly. 

Để thấy sự luân hồi một cách tường tận, đạo Phật nhìn con người ở hai mặt để dễ bề nhận xét:

Phần vật chất nơi con người, nhà Phật chia tổng quát làm 4 phần: đất, nước, gió, lửa. Những loại cứng trong thân người như da, thịt, gân, xương, tóc, lông, răng, móng...thuộc về đất. Các loại ướt như máu mủ, mồ hôi, đờm dãi, nước mắt, nước mũi...thuộc về nước. Hít không khí vào cho phổi hô hấp, quả tim đập, các mạch máu chảy.... mọi thứ động thuộc về gió.

Nhiệt độ trong người làm cho thức ăn tiêu hóa, máu không đông đặc, ấm áp toàn thân.... thuộc về lửa. Trong 4 thứ này, hễ thiếu một là con người chết ngay.

Phần “đất” trong con người luân hồi thế nào? Thu nhận tế bào mới, đào thải tế bào cũ, thay mới đổi cũ không thể nào dừng, ấy là luân hồi. Cho đến thân này sống nhờ những thứ có chất bột (đất), khi chết nó tan hoại trở thành đất, khi sống mượn những chất đất bồi dưỡng, lúc chết trả lại cho đất. Hợp lại tan ra, tan ra hợp lại, không phải luân hồi là gì?

Phần “nước” trong con người luân hồi ra sao? Này nhé, máu từ quả tim chạy khắp các mạch, rồi trở về quả tim, chạy ra trở về, trở về chạy ra, sự tuần hoàn như vậy gọi là luân hồi. Cho nên khi sống mượn nước đem bồi bổ chất ướt trong thân, lúc chết nước chảy ra trở về lòng đất. Sự mượn trả mà không bao giờ mất ấy gọi là luân hồi.

Thế còn phần “gió” luân hồi thế nào trong người? Hít không khí vô, thở không khí ra, hít vô thở ra cả đời như vậy là luân hồi. Nhờ cái động của thở - hít không khí mà các cơ quan trong toàn thân hoạt động, mà các cơ quan hoạt động thì thân sống còn. Đến khi thở không khí ra mà không hít lại, liền ngừng hoạt động, tức là thân chết. Thế thì là sự sống của thân này đích thực do luân hồi của “gió”, “gió” ngưng luân hồi thì thân phải hoại diệt.

“Lửa” trong người luân hồi thế nào?  Do những thức ăn sinh chất nóng nuôi dưỡng phần lửa trong thân. Lửa dùng sưởi ấm toàn thân, thiêu đốt vật thực, lại do vật thực bồi bổ chất lửa. Cứ tiêu dùng bồi bổ, bồi bổ tiêu dùng, đảo đi lộn lại là luân hồi. Khi tiêu dùng mà không bồi bổ kịp, lửa từ từ tắt, con người chết. Lửa ấy trở về với thiên nhiên, tùy duyên chuyển biến trong không gian, mà chưa bao giờ mất là luân hồi.

Tóm lại, đạo Phật quan niệm “tứ đại” - đất, nước, gió, lửa - tụ họp quân bình nhau thì con người sống khoẻ mạnh, nếu mất cân bằng là ốm đau và nếu phân tán thì người tử vong. “Tứ đại” tụ họp trong thân này phải luôn luôn biến chuyển tuần hoàn, không được ngăn trệ ứ đọng; bị ngăn trệ ứ đọng là thân thể nguy ngập. Sự biến chuyển tuần hoàn của “tứ đại” trong thân con người gọi chung là vật chất luân hồi. 

Còn tinh thần con người có luân hồi không? Phần tinh thần của mỗi người luôn luôn thay đổi bất thường, không bao giờ đứng yên một vị trí. Những thứ buồn vui, yêu ghét, thương giận, lành dữ, phải quấy... thường thay mặt đổi mày như trên sân khấu. Có khi chúng ta hiền lành như ông Phật, có lúc giận dữ như con cọp đói.

Nhiều lúc vui vẻ yêu thương, lắm khi bực bội thù địch. Những tâm trạng đổi thay không lùi được, chính tự thân chúng ta cũng không thể ước đoán nổi tâm trạng của mình sẽ xảy ra những cái gì. Sự buồn – vui,  thương- ghét, đổi thay thăng - giáng nơi nội tâm chúng ta là luân hồi.

Nói chung con người chúng ta, gồm hai phần vật chất lẫn tinh thần đều là tướng trạng của luân hồi. Sự luân hồi của chúng ta là sự hoạt động sống còn của ta. Biết rõ vật chất, tinh thần chỉ đổi thay hình tướng trạng thái, chứ không một vật nào mất.

Nếu thấy mất chẳng qua do cái nhìn cạn cợt nông nổi mà kết luận như thế. Thực chất nó là “biến thiên mà bất diệt”. Thấy đến chỗ tận cùng ấy, mới khỏi nghi ngờ về lý luân hồi. Sự luân hồi ngay trong hiện tại này là hiện tại luân hồi. Đến sự tụ lại tan ra, tan ra tụ lại của thân con người là luân hồi đời này sang đời khác.

Mọi sự tụ tán đều tùy duyên khiến hình tướng, trạng thái đổi khác. Ví dụ nước do duyên nóng bốc thành hơi, gặp duyên lạnh cô đọng thành khối. Sự biến thái này đều do duyên quyết định. Duyên quyết định cho sự luân hồi của con người là gì? Là nghiệp, nghiệp là động cơ chính yếu trong cuộc luân hồi của con người…

(Còn nữa)

Đọc thêm