Con chó ghẻ và những chiêu lừa ngoạn mục vét sạch túi người nông dân

(PLO) - Vì nhẹ dạ cả tin, thương người nên anh Nguyễn Hoàng Nam (51 tuổi) và ông Đặng Văn Ri (76 tuổi, cùng ngụ ấp 3 xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đã “ngây thơ” ôm chó và tiền trao vào tay kẻ gian. Đến khi họ đủ tỉnh táo để biết mình bị gạt thì những kẻ lừa đảo đã cao chạy xa bay.
Ông Ri kể lại màn kịch lừa đảo của “hành khách bí ẩn”.
Ông Ri kể lại màn kịch lừa đảo của “hành khách bí ẩn”.
Cả ấp “khâm phục” chiêu lừa bắt con chó xà mâu  
Chuyện xảy ra cách đây đã mấy năm, thế nhưng mỗi khi nhắc lại, anh Nam vẫn không thể nhịn cười. Anh kể lại, vào đầu năm 2007, nhà anh có nuôi một con chó nặng chừng 25kg nhưng bị xà mâu (ghẻ) ăn trụi hết lông. Anh dự tính khi nào gặt lúa sẽ làm thịt để đãi bà con chòm xóm một bữa cho ra trò. Không ngờ, khi lúa vừa trổ đòng đòng thì đối tượng “thầy thuốc” rởm xuất hiện, dùng lời ngon ngọt, than khổ than cực gạt bắt mất con chó khiến anh tiếc ngẩn tiếc ngơ.
Hôm đó anh Nam đi vắng, “thầy thuốc” chạy xe gắn máy vào nhà gặp vợ anh là chị Nguyễn Thị Mười (50 tuổi) để xin nước uống. Khi thấy con chó bị xà mâu ăn không còn một cọng lông nào trên người, “thầy thuốc” reo lên: “Trời ơi may quá! Tui đi kiếm khắp nơi mà giờ mới thấy con chó xà mâu, vậy là em gái tui được cứu rồi”. 
Ngạc nhiên trước thái độ của người lạ, chị Mười gặng hỏi lý do thì “thầy thuốc” cho biết: “Tui làm nghề bốc thuốc ở xã Phương Thịnh (giáp với xã Ba Sao - PV), em gái tui bị ghẻ lở rồi ung thư ở háng, mấy tháng nay tui xuôi ngược khắp nơi để hái thuốc và tìm chó xà mâu để chạy chữa. Loại bệnh đó, chỉ có lấy ráy tai của chó xà mâu về bôi lên mới trị khỏi”.
Dứt lời, “thầy thuốc” liền ngỏ ý xin chị Mười giữ chó lại để mình lấy ít ráy tai của nó về trị bệnh cho em gái. Tuy nhiên, chị Mười kêu “thầy thuốc” gắng đợi chồng mình làm đồng về mới quyết định.
Khi anh Nam về, nghe vợ và “thầy thuốc” trình bày lại sự việc thì cũng gật đầu đồng ý. Hai vợ chồng liền đè chó ra cho “thầy thuốc” hành sự. Tuy nhiên, cả 3 người loay hoay mãi cũng chẳng lấy được tí ráy tai nào. Nghe tiếng con chó tội nghiệp tru tréo inh ỏi, một số người hàng xóm cũng tới nhà anh Nam xem có chuyện gì. Lúc này “thầy thuốc” mắt rưng rưng mếu máo: 
“Tui tưởng tìm được chó xà mâu thì sẽ cứu được em gái tui, ai ngờ lấy ráy tai của nó khó quá. Hay anh chị cho tui mượn con chó này 3 ngày, tui đem nó về cho nó liếm trực tiếp vào vết lở loét trên cơ thể em gái tui, xong xuôi rồi sẽ trả lại cho”. 
Thấy bộ dạng của “thầy thuốc” quá đáng thương, vợ chồng anh Nam cũng như một số bà con có mặt tại đó liền gật đầu đồng ý. Thế rồi, kẻ lấy dây, người lấy bao tải cùng xúm nhau lại trói gô con chó xà mâu, đưa cho “thầy thuốc” mượn. Khi mọi việc xong xuôi, “thầy thuốc” không ngớt lời cảm ơn cảm tạ mọi người rồi cầm tay anh Nam lắc đi lắc lại nói lời tạm biệt:
“Nói thiệt với anh, tui là cháu ông Ba Hùng, huyện đội trưởng huyện Cao Lãnh, sau này nhất định tôi sẽ đền ơn anh chị và bà con nơi đây”.
Thời hạn 3 ngày trôi qua, vẫn không thấy “thầy thuốc” quay lại trả chó như lời hứa. Tuy nhiên vợ chồng anh Nam vẫn ôm “hy vọng mong manh” chờ đợi. Mãi đến 3 tháng sau, họ mới biết chắc chắn mình bị gạt.  
Nhớ lại việc mình mất con chó, anh Nam vừa buồn cười, vừa tỏ vẻ bực bội: “Vì quá thương người nên vợ chồng tôi mới bị lừa. Nhưng cũng phải thừa nhận, hắn rất có tài, vừa nói hay vừa diễn giỏi khiến bà con ai cũng tin răm rắp”. 
Anh Nam cùng ông Tho tếu táo nhắc lại chuyện bị gạt mất con chó xà mâu.
Anh Nam cùng ông Tho tếu táo nhắc lại chuyện bị gạt mất con chó xà mâu. 
Ông Nguyễn Văn Tho (60 tuổi), người chạy đi lấy bao tải cho “thầy thuốc” đựng chó cho biết: “Bản thân tôi từng làm trong ngành công an tỉnh Đồng Tháp. Lúc nghe “thầy thuốc” trình bày, tôi cùng hơn chục người dân chứng kiến. Tuy nhiên, ai cũng tin răm rắp chứ không nghi ngờ gì, chúng tôi còn phụ giúp bắt chó cho ông ta mượn nữa. Nghĩ cũng tức vì mình bị qua mặt nhưng cũng phải “thán phục” hắn rất tinh ranh. Hắn lợi dụng việc con chó bị xà mâu ăn để bịa ra chuyện em gái bị ung thư háng rồi mượn chó một cách quá hoàn hảo”.
Kẻ lạ nhận làm người quen vét sạch túi ông già khốn khổ
Anh Nam “dâng” chó cho “thầy thuốc” được 1 tháng thì ông Đặng Văn Ri (60 tuổi, hàng xóm của anh Nam)  cũng “tình nguyện” trao cho kẻ gian 1 triệu đồng. 
Theo hồi tưởng của ông Ri, hôm đó, trời vừa chập tối thì có một thanh niên lạ hoắc lạ huơ tìm tới nhà ông rồi đọc vanh vách tên tuổi của ông cùng nơi làm việc và tên con ông là Đặng Văn Tròn (35 tuổi). Sau đó, người thanh niên tự nhận là Thanh, “thầy” dạy con trai ông chạy máy tiện trên TP.HCM rồi trình bày rằng: “Hai thầy trò đang trên đường đi nhận hàng về thì xe bị hư. Hiện Tròn đang giữ xe ngoài TP. Cao Lãnh rồi nhờ cháu vào đây mượn tiền bác ra sửa xe để tiếp tục công việc. Mai mốt cháu và Tròn sẽ gửi lại bác”. 
Nghe người thanh niên nói quá chính xác tên tuổi, địa chỉ và nơi làm của con trai nên ông Ri không một chút nghi ngờ. Sau đó, ông vào lục trong tủ lấy ra được 700 ngàn. Sợ chừng đó chưa đủ, ông kêu vợ chạy sang hàng xóm vay thêm 300 ngàn và móc sạch số tiền lẻ trong túi trao cho “thầy” của con trai. 
Nghĩ đoạn đường từ nhà mình ra tới TP. Cao Lãnh cũng khá xa nên ông nhờ người quen là Trần Hoàng Mai (44 tuổi) chở “thầy” tới chỗ con trai mình đang ở. Tuy nhiên, khi ra đến trung tâm thành phố, người thanh niên này kêu anh Mai dừng xe lại để vào mua nước rồi biến mất tiêu. Khi anh Mai quay về, kể lại sự việc, ông Ri liền mượn điện thoại gọi lên hỏi chuyện con trai mới biết mình bị lừa. 
Ông Ri chia sẻ: “Con cái đi làm ăn xa trên thành phố, vợ chồng tôi ở quê nên không hiểu biết nhiều. Không biết từ đâu mà người thanh niên đó nắm được thông tin chính xác về tên tuổi của con và của vợ chồng tôi. Lúc nghe thanh niên đó trình bày sự việc, tôi chỉ cố gắng xoay sở với ý đình giúp người, cũng là giúp con trai chứ đâu biết mình bị lừa”.
Ông Nguyễn Thanh Tiền (50 tuổi, nguyên Trưởng công an xã Ba Sao) cho biết: “Xã Ba Sao là một vùng quê nghèo, một số người dân không học cao nhưng chất phác, chân thật. Bởi vậy đây trở thành vùng đất “béo bở” cho một số đối tượng lừa đảo hoạt động. 
Thời tôi còn làm công an xã, có rất nhiều trường hợp bà con bị kẻ gian lừa gạt rồi lấy tiền hoặc tài sản. Hầu hết các đối tượng lừa đảo đều nắm rất kĩ những thông tin về phía gia đình những người bị gạt rồi lợi dụng tình thương người của bà con để hành sự”./.

Đọc thêm