Con gà mái “hư hỏng” khơi mào cuộc tranh cãi “độc nhất vô nhị”

(PLO) - Một ngày đầu tháng 10/2013, Ban nhân dân khóm 4 (phường Tân Thành, TP.Cà Mau) nhận được đơn thưa “đòi tài sản” giữa nguyên đơn Phạm Thị Hai và bị đơn Nguyễn Thị Út. Tài sản ở đây là 1 con gà mái và 6 gà con.

Con gà mái gây chuyện.
Con gà mái gây chuyện.
Bỗng dưng mất gà
Chiều ngày 1/10/2013, chị Hai rước con đi học về tới nhà thì “bắt quả tang” chị Út và má chồng là bà Phạm Thị H (81 tuổi) qua đám bố giữa ranh lùa đàn gà nhà chị về. Thấy hàng xóm “công nhiên” chiếm đoạt tài sản của mình, chị Hai lu loa ngăn cản. Chị Út thanh minh rằng “con gà đó là gà nhà chị đi lạc lâu ngày nên chị qua lùa về chứ không phải sang nhận bừa nhận bãi”. Sau đó, mẹ con chị Út đành nhượng bộ đi về.
Tờ mờ sáng hôm sau, chị Út lại sang lùa gà. Nghe tiếng gà quạc quạc, chị Hai nằm trong nhà tỉnh giấc nhưng không ra ngăn. Đến trưa, chị mới mò sang nhà hàng xóm “thăm dò” thì thấy con gái mái đã bị chị Út trói ở sau hè. Không lẽ, chịu mất oan đàn gà, chị Hai quyết định thảo đơn gửi ban nhân dân ấp, nhờ chính quyền đứng ra làm “trọng tài” phân xử cho khách quan.
Theo chị Hai trình bày, con gà ấy là của má chồng chị cho cách đây 2 năm. Điều này được bà Tạ Thị H (mẹ chồng chị Hai) xác nhận. “Má chồng thấy nhà tui nhiều cơm thừa bỏ thì uổng nên mới cho con gà để nó lượm cơm đổ. Đến nay con gà đã đẻ được 5 lứa. Hồi giữa tháng 9 mưa nhiều, tôi còn nhờ chị Vân hàng xóm sang phụ dựng mấy tấm tôn ở sau nhà để dọn ổ cho gà đẻ. Nó ấp nở được 6 gà con thì bị mẹ con cô Út vô cớ bắt giữ”, chị Hai tường trình.
“Đã đi bụi, còn... đẻ hoang” 
Trước những bằng chứng của nhà hàng xóm, chị Út cũng phản biện bằng những lý lẽ đanh thép không kém, nhà chị vốn có truyền thống nuôi gà để “tăng gia sản xuất” từ hơn 10 năm nay. Bán hết lứa gà thịt này, chị lại gầy giống nuôi lứa khác. Lúc nào trong nhà cũng có vài  chục gà lớn, gà nhỏ. Điều này, người dân trong khóm có thể làm chứng. 
Về con gà mái tranh chấp, chị Út kể chi tiết “nguồn gốc, xuất xứ” như sau: Con gà ấy được gây giống từ đàn gà con trước đây, đến nay đã được 3 năm. Tính luôn lần “đẻ bậy” này, nó đã đẻ được 3 lứa. Lần đầu đẻ 11 trứng. Vì là trứng so nên chị để dành ăn không cho ấp. Lần thứ 2, cách đây chừng 6 tháng, con gà mái ấy bị mấy gà mái khác nuôi cùng nhà ăn hiếp. “Đánh lộn” không lại nên nó bỏ nhà “đi hoang”, thỉnh thoảng đến giờ ăn mới mò về. Nghĩ con gà cũng chỉ quanh quẩn xung quanh vườn nhà nên chị Út để mặc không tìm về.
Đám bố giữa ranh đất hai nhà.
Đám bố giữa ranh đất hai nhà. 
Một hôm, chị nghe thấy tiếng gà cục tác quá lớn nên đi ra đám chuối ở chỗ ranh đất coi thì thấy gà ấp nở được 4 trứng. Chị Út liền bắt cả gà mẹ gà con về nuôi nhốt riêng. Một thời gian sau, chị thả gà ra thì nó lại tiếp tục “đi bờ ở bụi”. Do bận chăm con nhỏ nên chị cũng không đoái hoài tới. Gần 2 tháng trước, chị không còn nghe thấy tiếng gà “quen thuộc” nên đoán là đã bị mất. 
Đột nhiên, khoảng cuối tháng 9 vừa rồi, chị đang ru con ngủ thì nghe thấy tiếng gà mẹ. Chị Út đi kiếm thì phát hiện con gà đang nằm ổ phía sau nhà chị Hai hàng xóm nên qua lùa về. Nghĩ gà nhà mình nhưng chị hàng xóm cũng có công chăm sóc, dọn ổ cho gà ấp trứng nên chị Út dự định sẽ bắt con gà mái về còn biếu lại đàn gà con. Tiếc là phương án “hợp tình hợp lý” đó lại không được thực hiện. “Tại mẹ con chị Hai qua nhà lớn tiếng nặng nhẹ, cho tôi là kẻ nhận bừa nên tôi bực, không tình nghĩa, biếu xén gì nữa”, chị Út nói.
Vụ phân xử “có một không hai”
Trước ban dân ấp, chị Út và chị Hai vẫn mỗi người một ý, không ai chịu nhường ai. Chị Hai một mực quả quyết con gà mái đó là của mình nên phải đòi về bằng được, “nếu ban dân ấp không xử được thì tôi sẽ kiện lên cấp cao hơn. Chừng nào ra nhẽ thì mới thôi”. Ngược lại, chị Út trước sau vẫn cho rằng đó là con gà nhà chị đi lạc, “gà của chị thì chị bắt lại, không có lý do gì phải trả cho chị Hai”. 
Cả chị Út và chị Hai đều mô tả đặc điểm con gà tranh chấp gần y chang nhau. Chị Út còn cho rằng, gà nhà chị có đánh “dấu riêng”, khó lẫn lộn với nhà khác. Con gà nào cũng được cắt lông đuôi, gà có đi lạc cả tháng lông đuôi cũng không mọc kịp. 
Chị Hai “phản pháo” nói gà nhà chị mặc dầu không cắt đuôi nhưng cái dấu cắt đuôi vẫn còn “mới tinh”, chứng tỏ mẹ con chị Út mới cắt đuôi gà sau khi lùa về. Trong phần “tranh tụng”, bị đơn Út còn nêu thêm, chị Hai nói nuôi gà đã lâu nhưng nhà lại không có gà trống, không làm chuồng thì rõ ràng là vô lý. 
Buổi hòa giải không thành, ông trưởng khóm đã đích thân làm xuống từng gia đình thuyết phục, nói mỗi nhà nhường nhau một chút để êm đẹp tình làng nghĩa xóm nhưng hai bên không chịu. Trong cuộc chiến giành gà, má chồng chị Hai và chị Út thuộc hàng cố cựu lại cao tuổi ở địa phương, nhưng vì ra mặt đòi gà giùm hai cô con dâu nên cũng nảy sinh bất hòa. Không cam chịu mất gà, chị Hai sau đó còn làm đơn gửi lên UBND xã Tân Thành, yêu cầu chính quyền can thiệp.
Ngày 15/10, ban nhân dân khóm 4 tiến hành hòa giải lần hai. Lần này, sau một hồi phân tích điều hơn lẽ thiệt cho hai bên, “hội đồng phân xử” đã đưa ra một giải pháp “độc nhất vô nhị”. Con gà mái sẽ được đem ra thả giữa ranh đất hai nhà, gà đi mé về phía nhà nào thì thuộc quyền sở hữu của nhà đó. Phương án này được hai bên đồng tình. Ông trưởng khóm ôm con gà ra hiện trường, nghe tin xử vụ giành gà, bà con hàng xóm đến coi rất đông.
Trước sự làm chứng của đông đảo người dân trong khóm, con gà mái vừa được thả ra đã đi lệch về phía nhà chị... Út. Bà con vỗ tay rần trời khen cách phân xử tài tình còn mẹ con chị Hai thì không nói không rằng bỏ vào nhà. 
Sau khi được xử thắng, chị Út lại không nhốt con gà “hư hỏng” lại mà tiếp tục để nó đi hoang. Chướng mắt, giận con gà “phản chủ”, chị Hai cầm dao ra chặt đám chuối, chém đám bố tơi bời. Bị kinh động, đám gà to gà bé nhà chị Út chạy ráo rác. Trước thái độ “giận gà chém chuối” ấy, chị Út liền mang ngay con gà “gây chuyện” ấy cho người khác để yên chuyện.
(Tên nhân vật đã được thay đổi)./.

Đọc thêm