Còn yêu hết hợp, có nên ly hôn?

(PLO) - Không ít cặp vợ chồng lâm vào tình cảnh từng tìm hiểu nhau rất kỹ, nhưng về sống với nhau một vài năm, dù tình yêu vẫn còn nhưng quan điểm sống đã bắt đầu “vênh” nhau.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Kiếm tiền và sinh con – ai vất vả hơn?
Hồng Lý và Tuấn Khoa ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) vẫn được bè bạn nói là một cặp đôi hạnh phúc. Họ có một căn nhà nhỏ, một cậu con trai. Công việc của Tuấn Khoa ổn định, còn Hồng Lý, không phải làm nhà nước nhưng thu nhập cũng khá. Nhìn vào vẻ mơn mởn của Hồng Lý và khuôn mặt rạng ngời của Tuấn Khoa, ai cũng nghĩ đây là một cặp uyên ương lý tưởng. Nhưng không, đó chỉ là cái nhìn bên ngoài. Đó là sự cố gắng của cả hai chứ thực ra họ đang quay cuồng với những mâu thuẫn. Có nhiều buổi hai người cãi vã nhau nảy lửa. Và có đợt Tuấn Khoa phải chuyển ra ngoài sống một mình. 
Hai người quyết định ly thân, nếu thấy cần nhau thì về, không thì thôi. Được dăm ngày, Hồng Lý phải gọi chồng về bởi thấy con buồn phiền vì nhớ bố. Họ lại làm hòa, cùng nói là phải vì con và tiếp tục sống bên nhau. Tuấn Khoa tâm sự: “Mình hơn vợ 8 tuổi, lúc yêu nhau thì cả hai đều cố gắng làm hài lòng nhau nên cố dung hòa về tuổi tác và quan điểm. Đến khi cưới nhau, cả hai đi làm, mỗi người một môi trường khác nhau, lúc ấy cô vợ tôi quan điểm mạnh lắm, nghĩ thoáng, lúc nào cũng đòi bình đẳng, rồi đòi người chồng phải quan tâm đến vợ nhiều hơn”.
Theo những gì Tuấn Khoa nói thì anh đã cố gắng đi làm để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Anh muốn vợ chăm sóc tốt cho con và coi đó là một nhiệm vụ. Nhưng càng ngày, mâu thuẫn càng nảy sinh từ chính việc con đau ốm, quấy khóc, gây ra những căng thẳng cho người vợ phải túc trực hàng ngày. 
“Tôi cũng biết là cô ấy mệt lắm, tôi rất thông cảm. Nhưng tôi còn phải đi kiếm tiền. Việc đó cũng đã khổ lắm rồi. Đằng này cô ấy lại muốn tôi vừa làm việc nhà giỏi, vừa kiếm được nhiều tiền. Nếu vợ không thông cảm, cứ cằn nhằn thì tôi cũng chẳng biết làm thế nào”.
Khi hỏi chuyện thì Hồng Lý nói rằng, cô không cần gì nhiều ở chồng, chỉ cần anh ấy bớt chút việc, chăm lo thêm cho gia đình bằng những hành động cụ thể. “Nhưng công việc đã đánh cắp anh ấy khỏi hai mẹ con. Thử hỏi, tôi sinh con vất vả, lại không có quyền yêu cầu sao?” - Hồng Lý nêu vấn đề. Còn anh Tuấn Khoa lật lại vấn đề: “Đã đi làm cả ngày rồi thì buổi tối hai người phải dành thời gian cho nhau và gia đình. Đằng này cô ấy lại muốn có nhiều thời gian được đi uống cà phê tối với bạn bè”.
Đối thoại để biết lý do “vênh”
Theo Tiến sĩ Tâm lý Đinh Đoàn, những bức xúc và sự “vênh” nhau về quan điểm sống cũng như quan điểm về tình yêu như cặp vợ chồng trên không phải là hiếm. Đa số những đôi mới yêu nhau đều nghĩ cuộc sống toàn màu hồng. Khi cưới nhau, phải đối mặt với chuyện cơm áo gạo tiền, nhất là khi có con, chi phí sinh hoạt tăng... khiến họ cảm thấy hụt hơi và choáng ngợp. Đó là chưa kể đến chuyện nếu chưa có nhà, phải đi thuê nhà rộng hơn, giá cao hơn thì mỗi người lại phải tiết kiệm hơn, đồng nghĩa với việc chi tiêu sẽ bị thắt lại; lại phải mua sắm những thứ đồ dùng cần thiết cho cuộc sống. 
Thêm nữa, chẳng may con ốm đau, thường xuyên quấy khóc, xa gia đình nội, ngoại, không có người giúp đỡ thì căng thẳng là chuyện bình thường. Điều lúc này cần làm hơn hết là hai người phải thông cảm cho nhau, ngồi với nhau thống nhất lại quan điểm và cùng gỡ những vướng mắc.
Nói thì vậy, nhiều cặp vợ chồng cũng biết cần phải làm gì, nhưng vì tự ái quá cao nên họ để mặc mọi chuyện trôi đi đến đâu thì trôi. Họ không muốn cứu vãn tổ ấm. Ví như trường hợp anh Trần Văn Hà, chị Trần Thị Nết ở quận Đống Đa (Hà Nội). Chồng hơn vợ 6 tuổi, nhưng đến lúc này họ đã “vênh” nhau hết cỡ, tức là không còn tìm được điểm chung nữa. Người chồng muốn giữ tổ ấm, cũng đã tìm cách thuyết phục vợ, nhờ bố mẹ hai bên tác động, nhưng chị vợ “cứng đầu” muốn “lành làm gáo, vỡ làm muôi”. Anh Hà đành phải chấp nhận hai người đưa đơn ra tòa ly dị. 
Anh Hà chia sẻ: “Mỗi người một ý, tôi nói cô ấy không còn nghe nữa. Cô ấy nói giờ cô ấy nghĩ rất thoáng, sống thoáng, còn tôi vẫn giữ nếp sống cũ, cổ điển. Như vậy là không hợp nhau nữa. Tôi thì muốn tốt với tất cả mọi người. Cô ấy nói phải người nào có lợi thì cô ấy mới chơi. Tôi muốn quan tâm đến bố mẹ vợ, còn cô ấy lại chỉ nghĩ cho mình, chẳng muốn quan tâm đến ai”.
Là người chuyên tư vấn về những khúc mắc trong gia đình, chuyên viên tư vấn Vũ Ánh Tuyết (Trung tâm tư vấn tâm lý tình cảm Linh Tâm) cho rằng: “Nếu mỗi người cứ giữ những khúc mắc trong lòng rồi chán nản thì tổ ấm sẽ tan vỡ. Vợ chồng cần phải đối thoại được với nhau để tìm ra nguyên nhân khiến cả hai chán nhau và cùng tìm cách khắc phục, cải thiện dần dần. Tôi tin nếu cả hai đều có thiện chí thì chuyện vợ chồng sẽ trở nên tích cực, hạnh phúc sẽ trở lại”.
Rất nhiều người nói rằng, chuyện vợ chồng hơn kém nhau mức tuổi quá lớn thì dễ “vênh” nhau về chuyện sinh lý. Nhưng từ hai ví dụ về hai đội vợ chồng trên có thể thấy “vênh” nhau về quan điểm cũng căng thẳng không kém, buộc mỗi người cần phải tỉnh táo, cân nhắc kỹ việc mình làm để không làm chuyện dại dột, rồi dẫn đến cảnh chia ly.

Đọc thêm