Công nhân với nỗi niềm tết… về hay ở

(PLVN) - Với những người công nhân xa quê thì dịp cuối năm là lúc họ mong muốn được trở về được đoàn tụ, sum vầy bên nồi bánh chưng nghi ngút khói. Nhưng mong muốn và thực hiện được là hai điều khá xa vời nhau bởi với họ còn lắm những nỗi lo. Vì vậy tết về hay ở với nhiều người là cả một câu hỏi lớn, chưa có lời giải.
Công nhân với nỗi niềm tết… về hay ở

Tranh thủ mua sắm để kịp chuyến xe hồi hương

Dịp Tết đến xuân sang là lúc con người ta nhớ về cội nguồn nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình và là lúc chúng ta… trở về để đoàn viên cùng gia đình, người thân. Tuy nhiên đâu đó khắp mọi miền đất nước vẫn còn những người phải trăn trở khi cái tết cận kề bởi chuyện về hay ở. Và cuối cùng nhiều người chọn về, nhiều người đành chấp nhận ăn tết nơi đất khách quê người nhưng trái tim lại thổn thức, đau đáu nhớ về quê hương.

Để hiểu hơn về cuộc sống của những người miền Trung, miền Bắc xa quê vào miền Nam lập nghiệp dịp tết Nguyên đán cận kề chúng tôi đã tìm đến nhiều khu trọ công nhân. Khung cảnh cuối năm tại các khu trọ công nhân vẫn còn khá nhộn nhịp với những chiều tan ca tranh thủ mua sắm hay í ới gọi nhau đi ăn tất niên, tạm chia tay năm cũ. Tất cả mọi thứ diễn ra tạo nên một bức tranh sinh động nhưng bên trong đó là bao la những chuyện đời đáng lưu tâm.

Điểm nhộn nhịp nhất của năm có lẽ đó chính là những khu chợ đêm công nhân bởi đêm về họ mới có thời gian đi sắm sửa đồ tết, quà tết cho bản thân và gia đình. Thời điểm này khi chỉ còn ít ngày nữa là tết về nên cứ mỗi chiều hoặc tối, sau giờ ta ca, công nhân tại tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đổ xô đến các chợ đêm lớn như Việt Lập, Đồng An, Mỹ Phước,… (Bình Dương); Biên Hùng, khu bán quần áo trên đường 30/4, Phạm Văn Thuận, Bùi Văn Hòa (TP.Biên Hòa), chợ đêm Long Thành (huyện Long Thành), nhiều khu chợ đêm ở huyện Nhơn Trạch,… để mua sắm tết. 

Tại đây công nhân chọn mua cho mình những mặt hàng như quần áo, giày dép, túi xách và cả mỹ phẩm,… Khắp cả khu chợ đều nhộn nhịp cảnh mua bán bởi đồng lương ít ỏi chắt chiu cả một năm dài đằng đẵng chỉ đủ và phù hợp với giá cả ở chợ đêm. 

Chị Hoa Thị Phương tiểu thương bán túi xách ở chợ đêm Nhơn Trạch cho biết từ khoảng 15 âm lịch tháng Chạp mỗi năm là lúc người mua hàng đông nhất. Thời điểm này sạp của chị bắt đầu tung ra những sản phẩm khuyến mãi để người mua dễ lựa chọn. “Cuối năm rồi nên chúng tôi chọn bán những sản phẩm giá rẻ, mẫu mã đẹp phối hợp với bán đồng giá 79 – 99 nghìn đồng/ túi xách. Và với giá cả như vậy công nhân có thể dễ dàng chọn cho mình được một túi xách ưng ý để mang tết”, chị Phương nói.

Còn anh Nguyễn Văn Tuấn người bán quần áo nam nữ cho biết cuối năm lượng khách mua bán tăng gấp 5 lần ngày thường. “Do công nhân trong khu vực chủ yếu sinh sống ở ngoài miền Trung và miền Bắc nên chúng tôi kết hợp bán cả áo len và áo ấm cho họ về quê ăn tết. Mặt hàng ấm cũng hút khách lắm vì có lẽ năm nay công nhân về ăn tết nhiều”, anh Tuấn chia sẻ.

Trong khi đó vừa thoăn thoắt lựa cho mình một vài chiếc áo thun và áo dạ để 27 tết lên xe về quê Nghệ An ăn tết chị Linh Hương phấn khởi nói: “Em tận 26 mới được nghỉ tết nên em tranh thủ cứ tối tối ra khu chợ đêm để mua sắm. Ngoài mua đồ cho bản thân về quê mặc tết ra thì em còn mua quà cho cha mẹ, anh chị và các cháu ở quê nữa tại 3 năm rồi em mới về."

"Cứ mỗi lần tết cũng muốn về lắm nhưng nhà em nghèo nên cứ phải chắt chiu gom góp, tết ở lại ăn tết, tiền đem gửi cho cha mẹ ăn tết vì về một lần tiền xe đã 4 triệu còn tiền mua sắm vui tết cũng mất thêm 4 hoặc 5 triệu nữa. Giờ em chỉ mong cha mẹ ở quê được vui vẻ, sống khỏe mạnh là mừng”, chị Hương tâm sự.

Anh Hoàng Văn Kiên phấn khởi khoe với chúng tôi là 25 tết anh sẽ lên tàu về quê Thanh Hóa ăn tết cùng vợ con và cha mẹ già. “Tôi sẽ mua thật nhiều đồ đẹp cho vợ và hai con của mình còn cha mẹ già tôi sẽ mua áo ấm và thuốc đau nhức xương khớp để trái gió trở trời còn có thuốc xức. Tôi vô đây đi làm công nhân đã 12 năm rồi nhưng năm nào cũng ráng về tết để sum vầy cùng gia đình. Thương vợ con tôi lắm, năm gặp tôi được 1 lần vì cha mẹ già yếu nên vợ tôi phải ở quê chăm sóc cha mẹ, không cùng tôi vào nam được. Nghĩ đến giờ phút đoàn viên lòng ấm hẳn, bao mệt nhọc trong năm đều tan biến hết”, anh Kiên phấn khởi.

Còn chị Trà vội vàng chọn cho mình đôi giày búp bê xinh xắn vừa giục nhân viên gói hàng để kịp về nhà xếp đồ đạc ngày mai lên xe về quê ăn tết. “21h mới tan ca nên tôi vội vã ra chợ mua thêm ít đồ rồi về nhà trọ xếp đặt đồ đạc mai còn lên xe về quê. Năm nay kinh tế khó khăn, dù tăng ca nhiều nhưng tiền trọ, điện nước và chi phí sinh hoạt cũng tăng nên chẳng tích góp được bao nhiêu nhưng tôi quyết định vẫn phải về quê vì đã 2 năm chưa về. Nhớ cha mẹ nhớ các em lắm, không về không được,…”, chị Trà rưng rưng nước mắt.

 

Đành gửi chút “nắng” phương Nam về nhà

Bên cạnh những người bóp bụng để mua vé, mua sắm về quê thì len lỏi giữa những khu chợ vẫn còn những người con xa quê chẳng dám về. Chỉ biết gói gọn chút quà bánh, chút “nắng ấm” của phương Nam cho người thân nơi quê nhà.

Lặng lẽ lựa quần áo cho con chị Hoa lại buồn rầu buông câu nói nặng nề “năm nay lại không dám về”. Chị Hoa cho biết cuộc sống khó khăn ở quê nên vợ chồng chị đưa nhau vào Nhơn Trạch làm công nhân đã được 7 năm và tại đây đã sinh một cô con gái, hiện cháu đã được 5 tuổi. Tuy nhiên khi cháu mới 3 tuổi thì vợ chồng chị không còn đủ khả năng trang trải mọi chi phí nên đành gửi cháu về quê Hà Tĩnh cho ông bà chăm sóc.

“Lúc gửi cháu về quê, cháu mới 3 tuổi, nay đã 5 tuổi, 2 năm rồi không gặp mặt con, chỉ nghe con nói chuyện qua điện thoại. Nói chung vợ chồng trong này cố gắng tăng ca, làm thêm để kiếm thêm chút tiền về quê ăn tết cho tươm tất nhưng năm nay khó khăn, lại đành lỗi hẹn với con bé. Giờ đi làm về thấy đồ đẹp nên vào mua quà để 26 này dì út nó về quê thì gửi về cho nó vui, khỏi tủi thân còn vợ chồng tôi đành hẹn năm sau lại về”, chị Hoa buồn bã.

Còn chị Mai lại đang chọn những chiếc ba lô trẻ em và những món đồ chơi với đủ màu sắc bắt mắt. Chị Mai cho biết năm nay chị không thể về quê nên ra chợ sắm quà tết gửi về cho con gái 7 tuổi và cha mẹ già ở Hà Tĩnh.

“4 năm mới dám về quê 1 lần nhưng quà tết hàng năm thì không thể thiếu cho con cái và cha mẹ. Tiền không có nhiều nhưng tết nhất cũng phải cố gắng chỉn chu để cha mẹ và con cái ở quê vui lòng. Thương con tôi lắm, được 13 tháng, vừa cai sữa xong đã phải về quê sống cùng ông bà nội để bố mẹ đi làm, giờ cháu đã 7 tuổi nhưng bố mẹ vẫn ít về thăm được. Tết đến thương nhớ con lắm, khóc suốt nhưng biết làm sao, tiền đâu mà về”, chị Mai than thở.

Riêng chị Chính một người mẹ đơn thân cũng trầm tư chia sẻ với chúng tôi là đợt hè vừa qua chị phải ôm con gái mới 18 tháng về quê Quảng Bình gửi ông bà ngoại chăm nhưng tết năm nay chị cũng không thể về cùng con. “Cuộc đời tôi thăng trầm quá, con vừa được 1 tuổi thì hai vợ chồng ra tòa ly dị bởi tôi không thể chịu đựng được người đàn ông cờ bạc, rượu chè ấy. Lấy nhau 5 năm mới có được mụn con đầu lòng thì chồng sinh tật rượu chè cờ bạc gái gú. Khuyên mãi không được nên tôi phải dứt áo ra đi rồi một thân một mình nuôi con. Nhưng mà hai mẹ con ở nơi đây khó khăn lắm nên hồi hè tôi phải đưa cháu về gửi ông bà ngoại ngoài quê rồi tiếp tục vào đây đi làm. Chỉ mong ông trời cho khỏe mạnh để đi làm nuôi con thôi, chẳng mong gì hơn còn tết chưa về được thì sang năm tôi ráng về”, chị Chính nói.

Cuộc sống của người xa quê, không chỉ hiện rõ ở những khu chợ đêm giá rẻ mà còn hiện diện tại các khu nhà trọ công nhân. Cuối năm kẻ ở người đi, lặng lẽ đìu hiu nhưng tất thảy đều phải thuận theo quy luật tự nhiên và dù trăn trở đến đâu họ vẫn không thể lựa chọn khác với thực tế. Bao nỗi niềm chất chứa khi mà người về quê trăn trở chuyện tiền bạc, người ở lại đau đáu nỗi niềm nhớ thương quê nhà, lạc lõng giữa cái tết tha phương.  Tết xa quê vẫn có thịt mỡ dưa hành, bánh chưng,… có chúc tết thăm hỏi qua lại nhau nhưng có lẽ ai cũng mong cái tết đoàn viên bên gia đình.

Và mong rằng tất cả những người công nhân dù đón tết xa quê hay được sum vầy đoàn viên cùng gia đình đều có một cái tết ấm áp, an lành. Mong cho cuộc sống của những người xa quê ngày càng sung túc hơn để họ không phải lăn tăn trước lựa chọn tết… về hay ở.

Đọc thêm