Công thần mở đất Tây Nam Bộ dám chỉ mặt mắng kẻ chuyên quyền

(PLO) -Tổ tiên Nguyễn Cư Trinh (1716-1767), trong “Đất và người Nam Bộ”, Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh cho hay vốn người Thanh Hóa. Cái đất ấy, là nơi “đất của vua, nhà của chúa”, văn thần, võ tướng cũng nhiều không ít. Và Nguyễn Cư Trinh thì xứng đáng là một công thần thời Nguyễn chúa. 
Công thần miếu ở Vĩnh Long có thờ Nguyễn Cư Trinh
Công thần miếu ở Vĩnh Long có thờ Nguyễn Cư Trinh

Vốn Cư Trinh không phải họ Nguyễn, cái nguyên nhân đổi họ, xuất phát từ đời cha là Đăng Đệ, và đó là chính tích tốt đẹp. Nguyên thủy, Đăng Đệ họ Trịnh, thuộc dòng dõi Binh bộ Thượng thư Trịnh Cam đời Lê.

Khi Đăng Đệ làm quan đời chúa Minh Nguyễn Phúc Chu, như Đại Nam chính biên liệt truyện cho hay, bởi “tấu đối tường tận, rõ ràng, bàn bạc rộng rãi, Chúa lấy làm lạ và yêu lắm, cho họ là Nguyễn”. Từ ấy mà dòng con cháu của Đăng Đệ, chuyển sang họ Nguyễn. 

Nổi danh từ thuở đầu xanh

Anh em Nguyễn Đăng Cẩn, Nguyễn Cư Trinh là hai người con ưu tú kiệt xuất của Nguyễn Đăng Đệ. Người anh Nguyễn Đăng Cẩn tính phóng khoáng, giỏi võ nghệ, từng là kiện tướng thời chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát. Trong khi đó, chính tích của Nguyễn Cư Trinh, người con út của Đăng Đệ, lại trải khắp nơi triều chính cũng khi cầm quân. 

Theo như Văn học miền Nam (thời Nam Bắc phân tranh) cho biết, gốc Cư Trinh ở đất Thanh (ấy thế, trong Phủ biên tạp lục, sau có thêm Văn học Nam Hà (Văn học Đường Trong thời phân tranh) thì cho rằng dòng dõi ông không phải ở đất Thanh, mà ở Thiên Lộc, Hà Tĩnh), còn quê của ông, thuộc xã An Hòa, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Nay đất ấy, thuộc phường An Hòa, thành phố Huế. 

Sử nhà Nguyễn có ghi, Nguyễn Cư Trinh, tên tự là Nghi, hiệu Đạm Am, được tiếng là “thông minh sớm hơn người”. Chứng cứ cho lời khen ấy, là khi mới 11 tuổi, Trinh đã có tài nghiên bút, hay văn, giỏi thơ phú, văn chương làm rất có phép tắc, niêm luật chứ không tùy tiện, sai khác như bạn bè đồng niên.

Tài năng của Trinh nổi tiếng ngang với anh họ là Nguyễn Đăng Thịnh (Thịnh là con của Nguyễn Đăng Trị, anh trai Nguyễn Đăng Đệ. 14 tuổi Đăng Thịnh đã thi đỗ, khi được bổ làm lễ sinh thì từ chối không nhận. Sau này nổi tiếng về văn chương, các lệnh đời ấy đa phần do ông viết và ông còn là thầy dạy cho Nguyễn Phúc Khoát).   

Năm Canh Thân (1740), bấy giờ Nguyễn Cư Trinh 24 tuổi, thi đỗ Hương cống (tương đương Cử nhân), được chúa cử làm Tri phủ Triệu Phong. Bởi làm tốt, ông được thăng văn chức (chức đại thần bên văn).

Làm quan dù trẻ tuổi, nhưng Nguyễn Cư Trinh đã có được tiếng tốt, như Liệt truyện ghi là “gặp việc dám nói, có phong cách người bề tôi biết can ngăn”... “là người khảng khái, có mưu lược, liệu sự biết phán đoán thường hợp cơ nghi”.

Một trường mang tên danh nhân Nguyễn Cư Trinh
Một trường mang tên danh nhân Nguyễn Cư Trinh

Tài văn chức

Tài năng, cơ mưu hơn người, nhưng không phải lúc nào lời nói phải cũng được chúa nghe theo. Thế nên mới có chuyện thời chúa Nguyễn Phúc Khoát ở ngôi, theo Phủ biên tạp lục thì Nguyễn Cư Trinh “bàn nói không gì là không mưu ngay lẽ phải, nhưng đều không được theo”.

Nhưng cũng thời Võ vương, ông được chúa trọng dụng, như lời ghi trong Liệt truyện “điển chương pháp độ đều do Đăng Thịnh kiến lập rõ ràng, còn từ lệnh thì ra tay từ Cư Trinh”. Như vậy là pháp độ, từ lệnh đều do tay hai anh em họ dòng Nguyễn Đăng làm cả. 

Khi chúa Trịnh định làm kế “mượn đường diệt Quắc”, viết thư đưa cho chúa Nguyễn, bày tỏ việc mượn đường đi Trấn Ninh để diệt tôn thất nhà Lê bấy giờ là Lê Duy Mật, Nguyễn Cư Trinh thay mặt chúa Nguyễn viết thư từ chối. Chúa Trịnh biết Đàng Trong đã cảnh giác phòng bị, bèn thôi. 

Võ vương Nguyễn Phúc Khoát về trời, Nguyễn Phúc Thuần lên giữ ngôi chúa năm Ất Dậu (1765), đây cũng là lúc Trương Phúc Loan bắt đầu nổi lên tác oai, tác quái, chuyên quyền, bạo ngược không biết sợ ai.

Lúc ấy, Nguyễn Cư Trinh đương làm Lại bộ kiêm tào vận sứ, thấy tên quyền thần một tay muốn che phủ bầu trời, ông không những không sợ, mà còn mắng thẳng vào mặt kẻ loạn thần.

Việc này, chứng cứ còn được Liệt truyện ghi lại, khi Loan hay triệu các quan đến nhà riêng bàn việc: “Cư Trinh nghiêm nét mặt nói: “Bàn việc ở công triều chế độ đã định từ lâu. Phúc Loan sao dám vô lễ như thế! Chực chuyên quyền à? Loạn thiên hạ, tất là người này”.

Các quan nghe ông nói thì đều không dám theo lời Loan, còn Phúc Loan căm giận ông lắm, nhưng “vẫn kính sợ không dám làm hại”. Quả nhiên sau này, lời ông nghiệm thật. 

Cái tài khi làm quan văn của ông, được nhận định là “có tài lược, khéo quyết đoán. Những việc ông tâu bày phần nhiều là lời trung, bàn phải”. Xét những việc làm trong đời làm quan của ông, rõ là lời khen trên chẳng có ngoa dụ chút nào. 

Núi Thạch Bích
Núi Thạch Bích

Uy cầm quân

Có tiếng là vị quan giỏi văn chương, tấu sớ, nhưng tài năng của quan họ Nguyễn không chỉ phủ bóng nơi giấy tờ mà thôi. Khi được chúa giao cho trách nhiệm cầm quân đánh giặc, Nguyễn Cư Trinh cũng tỏ rõ tài lược của mình. Bằng cớ được sử cũ ghi lại nhiều lắm, cứ xem trong Đại Việt sử ký tục biên, Đại Nam thực lục… thì rõ như ban ngày vậy. 

Năm Canh Ngọ (1750), ở đất Quảng Nghĩa, có bọn mọi Đá Vách (hay Man Thạch Bích) nổi lên làm loạn, quấy nhiễu dân lành, chúa Nguyễn lấy đó làm lo lắng lắm. Mọi Đá Vách như miêu tả trong Văn học Nam Hà là nhóm người thiểu số, dữ tợn, thường hại dân Việt “Đến đâu là tảo tận, bắt đặng ắt giết tươi. Đã vào làng cướp của hại người, lại xuống nội đuổi trâu bắt ngựa”.

Chúa đã cử nhiều quan tướng đi dẹp rồi, mà cứ dẹp xong chúng lại nổi lên không lúc nào yên. Chúa Nguyễn Phúc Khoát thấy Nguyễn Cư Trinh tài năng, lại có mưu lược, bèn cử ông làm Tuần phủ Quảng Nghĩa những mong dẹp được chúng.

Về Đá Vách, những tưởng cũng nên chú ý qua cái địa thế hiểm trở của nó từ ghi chép trong Đại Nam nhất thống chí: “Thế núi chót vót, vách đá rất hiểm trở, cỏ mọc rậm rạp, chưa từng có tiều phu đến chặt củi. Buổi sớm khói mây ngưng sắc tía, suối hang ngậm màu son. Lúc mặt trời chiếu xuống, núi đá đều sáng láng như ánh sao đêm”.

Theo ghi chép trong Văn học miền Nam (thời Nam Bắc phân tranh), trong phần ghi về tiểu sử của ông cho biết, khi Nguyễn Cư Trinh đến đất này, “đem tài văn thơ ra ứng dụng mà vô hiệu quả.

Ông bàn việc tiến đánh thì ai nấy đều can vì sợ đất hiểm, khí độc, tụi mọi vạm vỡ, mạnh mẽ, lanh lẹ. Ông bèn soạn truyện “Sãi Vãi” để vận động tâm lý quan quân và dân chúng trước khi cử binh. Sau đó ông tiến quân, bọn mọi bỏ sào huyệt lẩn trốn hết”.

Đánh được rồi, ông lại chẳng chịu rút, chiếm đóng luôn sào huyệt của mọi Đá Vách. Lại dựng trại, mở đồn điền ngay nơi ấy, tăng cường canh phòng cẩn mật, giả đò sẽ ở đấy lâu dài. Bọn phản loạn kia thấy thế thì hoảng sợ, bèn kéo nhau lũ lượt ra hàng.

Biết chúng đã có lòng thành thật, ông dùng lời hơn lẽ thiệt mà phủ dụ, vỗ về cho yên tâm làm ăn, sinh sống, không nổi loạn chống đối triều đình nữa. Thế là mọi Đá Vách được dẹp tận gốc. 

Bởi có tài làm quan văn, dùng đầu óc mà tính toán muôn việc, nên khi cầm quân ra trận, thì cái tài nơi màn trướng lại càng thể hiện rõ hơn. Lắm khi, chẳng cần mất mũi tên, ngọn lao hay hao tổn sức quân, mà ông vẫn thu được thắng lợi lớn. Cứ xem năm Quý Dậu (1753), có thể lấy đó làm bằng.

Địa danh Đá Vách
Địa danh Đá Vách

Năm ấy, Nguyễn Cư Trinh được sung chức tham mưu, điều khiển quân năm dinh, Phủ biên tạp lục ghi: “Có cơ mưu trí lược, hay quyết đoán, trù hoạch rất rành rọt, bèn thu được ba vạn người Côn Man ở Thuận Thành, bắt vua Cao Miên là Ông Nguyên hàng phục, lập Ông Tôn lên thay, Gia Định Hà Tiên lẫy lừng danh vọng”...

(Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 71, ngày 19/9/2016)

Đọc thêm