Covid-19 triệt tiêu những thú vui xa xỉ

(PLVN) - Covid-19 đã làm thay đổi nhiều quan niệm, thói quen của người dân trên thế giới và Việt Nam. Trong đó, có trào lưu khoe của, sống ảo.
Ngọc Trinh từng nổi tiếng với những màn đập hộp hàng hiệu.
Ngọc Trinh từng nổi tiếng với những màn đập hộp hàng hiệu.

Mới đây, tại Mỹ, nữ người mẫu Chrissy Teigen lên mạng xã hội kể về một trải nghiệm “dở tệ” của mình, đó là chi 13.000 USD để thưởng thức một ly rượu không đem lại chất lượng như ý. Thay vì nhận được sự ngưỡng mộ của cư dân mạng về mức độ “sang chảnh”, Chrissy trở thành đối tượng bị “ném đá” vì khoe lối sống xả xỉ, tiêu hoang vô độ, đặc biệt giữa tình cảnh bao người trên thế giới bị khốn khó vì Covid-19.

Năm vừa qua, nhiều ngôi sao giàu có nổi tiếng thích khoe khoang của Mỹ cũng trở nên im hơi lặng tiếng sau khi Kim Kardashian bị cướp tại Paris, kết quả của những gì cô khoe khoang trên mạng xã hội.

“Đời sống trở nên khó khăn hơn bao giờ hết vì đại dịch. Nhưng họ tiếp tục khoe khoang sự xa xỉ và một lối sống “thiên đường”. Đó là lý do họ thu hút những phản ứng tiêu cực và cả lòng tham của những con người bần cùng hay bọn đạo tặc” - một nhân vật có tiếng trên mạng xã hội tại Mỹ đã phê phán thẳng thừng thói xấu nói trên.

Tại Trung Quốc, nhiều “cậu ấm, cô chiêu”, những người đã tạo ra những trào lưu khoe của, tiêu tiền đình đám các năm trước, giờ đây cũng trở nên “im ắng” hơn bao giờ hết.

Tại Việt Nam, những năm trước đây, có một trào lưu khoe của nổi tiếng trong giới “nhà giàu trẻ” và showbiz Việt. Đó là trào lưu “đập hộp hàng hiệu”. Các cô gái trẻ thi nhau livestream khoe cảnh mình đang mở những túi đồ sang chảnh mới mua với giá trị hàng ngàn, chục ngàn USD. Trào lưu này một thời kéo theo cơn sốt sống ảo, thi nhau “đập hộp” khoe khoang, kể cả khoe… hàng nhái để làm oai.

Bên cạnh đập hộp hàng hiệu, trào lưu khoe siêu xe, nhẫn kim cương cũng khá thịnh hành trong giới giải trí và người giàu trẻ tuổi. Thậm chí, nhiều cô gái trẻ còn lên mạng thẳng thừng đòi “đổi tình” lấy điện thoại mới, xe hơi… Đây là những trào lưu từng bị lên án vì cổ súy cho lối sống ảo, sống thực dụng, ưa chuộng vật chất, bất chấp hậu quả.

Tuy nhiên, năm 2020 vừa qua, giữa thời điểm dịch bệnh hoành hành, đời sống kinh tế khó khăn, bao người thất nghiệp, phá sản thì hành vi khoe của trên hầu như biến mất.

Thay vào đó, những trào lưu tích cực hơn được hình thành. Đã có rất nhiều ngôi sao “khoe” các hoạt động thiện nguyện, giúp người. Nhiều bạn trẻ, con nhà giàu có không khoe điện thoại, hàng hiệu, xe sang mà “chuyển hướng” khoe các dự án hỗ trợ người nghèo, ủng hộ lũ lụt, ủng hộ phòng cách ly áp lực âm, ủng hộ tiền cho cơ quan y tế. Hay mới đây, nhiều người trẻ “có điều kiện” đã tổ chức những chuyến xe “giải cứu” nông sản Hải Dương.

Dù thế nào đi nữa, sự biến mất của những trào lưu đáng phê phán là dấu hiệu đáng mừng cho thấy phần nào sự trưởng thành của người trẻ trong sự khó khăn chung của thế giới.

Đọc thêm