Cụ bà chèo đò giữ “hồn” phố Hội

(PLO) - Cụ già 79 tuổi như một nét phác thảo buồn buồn trong mắt du khách khi xuôi bước đi dọc bờ Bắc sông Hoài, trong cái lạnh buốt tê tái của trời đêm.
Cụ Ớt tếu táo nói chuyện khi chở khách.
Cụ Ớt tếu táo nói chuyện khi chở khách.
Có người may mắn sinh ra, lớn lên có mẹ, có ba, cũng có người sinh ra cõi đời đã mang phận mồ côi. Cụ Đặng Thị Ớt (79 tuổi, trú khối phố 4, phường An Hội, TP.Hội An) cũng vậy, cha mẹ mất sớm, dù là phận gái nhưng cụ vẫn phải ra bến sông Hoài chèo đò mưu sinh. Cái nghề bám níu giữa cuộc sống xô bồ thoáng chốc mà đã non 70 năm. 
Nét hồn phố Hội
Khác với những nơi từng đến, Hội An để lại một ấn tượng khó quên. Đó không chỉ là nét rêu phong cổ kính trầm mặc của một cảng thị thuở vàng son “lụi tàn” mà trên hết là sự thân thiện, lịch lãm, chân chất của con người xứ Quảng “ăn cục, nói hòn”.
Từ hình ảnh của chị bán cá, cô bán rau, bà bán chè, anh xe ôm, bác xích xô, lão tào phớ, xí mà; cho đến dáng dấp, lời nói của những vị lãnh đạo đều phảng phất chất “hồn quê” dân dã đáng quý. Họ trò chuyện cởi mở, chân thành, không rào trước, đón sau, nghĩ gì nói nấy. Hay đúng như cách gọi người Quảng là “ăn to, nói lớn”. 
Khi trời càng về đêm, gió từ biển mang hơi lạnh thổi vào càng lạnh buốt, tê tái. Xuôi bước đi dọc bên bờ bắc sông Hoài, có lẽ hình ảnh một cụ già đêm qua đêm vẫn ngồi lom khom bên nia tò he đất trên dãy phố đông đúc rực đỏ ánh đèn lồng, thỉnh thoảng lõm bõm đôi ba câu tiếng Anh “bồi” sẽ khiến khách lạ không khỏi hiếu kỳ. 
Tuy nhiên, với những bác xe ôm, chị hàng nước chè hay cô lao công, hình ảnh đó đã quá đỗi quen thuộc. Đó là cụ Đặng Thị Ớt (79 tuổi, trú khối phố 4, phường An Hội, TP.Hội An). Cả đời mình, cứ đêm đêm, cụ lại ở đúng vị trí đó, bên nia tò he đất như để góp thêm một chút nét phố xưa.
Cụ mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ nên đã sớm biết bươn chải cuộc sống bên bến sông Hoài. Ban ngày sống dưới chiếc ghe nhỏ, đêm đến cụ lại lên bờ cùng những con tò he đất. Nghề chèo đò, nghề nặn tò he là hai nghề gia truyền mà cụ không thể rời xa. Cụ cũng có nhà cửa, có con cái, cháu chắt nội, ngoại. Những đứa con của cụ nay đã thành gia lập thất yên bề, có công ăn việc làm ổn định. Tuy thế, cụ lại không chịu sống cuộc sống an nhàn mà cứ cần mẫn tìm ra sông Hoài. 
Tài sản của cụ là chiếc ghe nhỏ, mái chèo, nia tò he đất, một đôi quang gánh cũ, bộ đồ bà ba đã bạc màu thời gian và chiếc nón lá cũ kĩ đã sờn. Đó như là những vật dụng bất ly thân ở cụ suốt gần 70 năm qua.
Nụ cười hiền hậu của cụ Ớt.
Nụ cười hiền hậu của cụ Ớt.
Gần 70 năm miền sông nước
Thường thì cứ đến đêm, cụ bưng nia tò he đất ra phố. Tầm 11- 12h khuya, cụ lại lọ mọ gom tất cả quẩy gánh về với bao nỗi niềm. Cứ thế, ngày qua ngày không mệt mỏi. Cũng chừng ấy thời gian, cụ chứng kiến những bước trở mình từng ngày, từng giờ của phố cổ. Nghề này có vất vả, thu nhập ít nhưng với cụ, như là một phần cuộc sống của mình.
Thi thoảng có khách muốn ngắm phố cổ, cụ lại xuống làm “thuyền trưởng” đưa khách dạo chơi. Nhìn cánh tay chèo vẫn còn chắc nịch của cụ Ớt, chúng tôi không khỏi thán phục. Cụ năm nay đã bước sang tuổi 80 nhưng sức khỏe xem ra còn hết sức dẻo dai. Một mình cụ ngồi trên mỏm ghe rất tỉnh táo, hai tay cầm chắc mái chèo thong thả chèo đưa con thuyền lướt sóng. 
Vừa chèo, cụ vừa nói chuyện rôm rả khi khách tỏ vẻ ngạc nhiên về sức chèo của mình: “Già à? Chèo từ khi lên mười tuổi kia, nay đã 70 năm rồi. Khúc sông này già quen từng con nước, có chi mà sợ…”. Nói rồi, cụ còn nhắc khách ngồi thật chắc rồi chỉ tay giới thiệu cảnh vật bên sông: đằng kia là cầu Cẩm Nam, kia là chợ, còn đây là cảng thị một thời, như một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp.
“Nghề ni cũng đánh đổi nhiều lắm mấy con à. Sướng ích chi mô. Ngày trước ông nhà (chồng cụ Ớt) cũng mất sớm vì cái nghề ni đây. Ngày đó, già còn nhớ, ổng đi chèo ghe về bị lạnh nước rồi phát ốm và ra đi. Nghĩ lại hồi nớ dại thiệt, giá như biết đưa ổng đi bệnh viện thì có hề chi mô. Nhưng sau này mới biết là ổng đi chèo ghe bị lặm nước vào người nên phát sốt cao…”, cụ Ớt trầm ngâm nhớ lại.
Cụ Ớt vừa móm mém nhai trầu, vừa nở nụ cười hiền, nói tiếp: “Nghề ni cũng hên xui. Siêng thì đêm cũng kiếm được 50.000 – 100.000 đồng. Bởi vậy, đêm nào không ra phố là thấy thiếu, thấy nhớ nên cứ đêm đêm, nếu không đau ốm thì ra đây ngồi đến 11-12h khuya mới về. Nhưng nhiều hay ít còn trông đợi và chờ…”.
Nếu không có khách đi đò, cụ lại lên phố bán tò he đất, giá mỗi đồ vật chỉ từ 2.000- 3.000 đồng. Cụ Ớt vừa thoăn thoắt rung những chú tò he trên tay, nụ cười tươi nhưng vẫn có gì đó ngậm ngùi, xót xa: “Những chú tò he đất nay cũng hết thời rồi. Giờ đồ chơi bán nhiều, có còn đứa trẻ nào  ham hố chi với thú thổi từng con tò he đất quê mùa ni nữa đâu”.
Có lẽ, ai ai cùng sẽ có chung một cảm nhận ấm áp trong lòng khi gặp và tiếp xúc với nụ cười nồng hậu của cụ Ớt. Nếu vị khách nào cần giúp đỡ gì thì cụ tận tình, chú đáo. “Thân già ni ngồi đây 70 năm rồi đó chứ. Ba mẹ mất, hai chị em chèo đò đưa khách qua sông. Nơi phố này không có gì già không thân thuộc. Vì thế, khách cần tìm chỗ nào, cần mua gì làm quà về quê, già đều giúp được”, cụ Ớt chu đáo dặn dò khi đưa khách lạ cập bến sông.
Về đêm, phố Hội sương nhiều, gió thổi về khuya se se lạnh. Chia tay cụ Ớt, chúng tôi cầm trên tay một chú tò he đất thổi. Thanh âm tò he đất phát ra như gieo vào lòng phố khuya những cảm giác rất riêng, rất lạ và như một phần máu thịt, rồi bỗng thấy  chạnh lòng xót xa. Để rồi một ai đã một lần về với phố Hội, chùa Cầu vang mãi câu ca: “Ai qua phố Hội, chùa Cầu/ Để thương để nhớ để sầu cho ai/ Để sầu cho khách vãng lai/ Để thương để nhớ cho ai chịu sầu”. Cụ Ớt đã lại đẩy mái chèo đưa đò ra giữa sông. Dáng cụ vẫn chắc nịch nơi đầu mũi đò, tưởng như thời gian, cái lạnh không thấm vào đâu...

Đọc thêm