Cụ bà hơn 100 tuổi vẫn khiến chồng "say như điếu đổ"

(PLO) - Dù kết hôn 78 năm nhưng cụ Tương vẫn chỉn chu giống như cô gái mới về nhà chồng. Vợ chồng cụ tế nhị với nhau từ lời nói, việc làm cho tới lối sống. Cụ Tương bảo, đó chính là một phần bí quyết giúp vợ chồng cụ hạnh phúc tới bây giờ.
Cặp vợ chồng đã có cuộc hôn nhân 78 năm hạnh phúc
Cặp vợ chồng đã có cuộc hôn nhân 78 năm hạnh phúc
Cụ bà “duyên thầm”
Dù đã hơn 100 tuổi, hai cụ Phạm Thị Tương (SN 1914), Phạm Lai (SN 1913)  ngụ xóm 1, thôn Đệ Đức 3, xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), vẫn rất minh mẫn. 
Thấy có khách tới nhà, cụ Tương vội đứng dậy đến góc giường lấy hộp đồ, khăn, gương, lược; vấn lại tóc gọn gàng. Ông Phạm Tuấn (SN 1961, con trai út của cụ) cho biết: “Những ngày con cháu tụ tập ăn uống, mọi người cứ bảo hai ông bà ngồi gần nhau cho tình cảm, nhưng bà vẫn giữ ý, quyết không đồng ý, chỉ bẽn lẽn ngồi ở một góc chiếu. Nhiều lúc, anh em tôi vẫn hay bông đùa “mẹ từng này tuổi rồi mà vẫn cứ e lệ như con gái 18”.
Nghe con nói, cụ Tương cười móm mém: “Từ hồi con gái tới giờ tôi vẫn vậy. Ngày xưa bố mẹ tôi chỉ dạy tường tận bài bản từ những việc nội trợ cho tới lễ nghi, lúc lấy chồng, có con, có cháu, rồi nay tuổi xế chiều vẫn vậy”. 
Cụ ông mỉm cười: “Đó là một trong những nét “duyên thầm” khiến gần 80 năm qua tôi “say” bà ấy như điếu đổ”.
Cụ Tương giải thích: “Càng già, phải càng sống mẫu mực để làm gương cho con cháu. Ngày xưa chúng tôi được dạy rằng “phu thê tương kính như tân”, nghĩa là vợ chồng kính nhau như khách. Mới nghe ra chắc các cháu thấy buồn cười và vô lý. Vợ chồng là mối quan hệ thân thiết nhất, thế thì tại sao cần phải khách sáo?”. 
Theo lý giải của cụ Tương, chính việc thân thiết quá mức khiến nhiều cặp vợ chồng đối xử với nhau thiếu tế nhị, rồi hiểu lầm và xung đột xảy ra. Vì thế, vợ chồng đối đãi nhau như khách, không có nghĩa là làm bộ xa lạ, kiểu cách; mà giúp gắn bó sâu sắc hơn với nhau.
Thời trẻ, hai cụ là những hàng xóm thân thiết, đến với nhau theo tiếng gọi của con tim chứ không giống nhiều cặp đôi khác thời đó do cha mẹ sắp đặt. “Nhà chúng tôi chỉ cách nhau cái giậu mùng tơi, lại lớn lên với nhau từ nhỏ, nên tình cảm rất thân thiết”, cụ Tương nhớ lại.
Sống thọ, sống hạnh phúc
Tình cảm hai cụ được thử thách qua hoạn nạn. Khi còn trẻ, cụ Lai bị tai nạn, tưởng sẽ thành khuyết tật. Trong khi bạn bè khuyên nên suy nghĩ lại, họ hàng nhiều người ngăn cản, tình cảm cô thôn nữ dành cho anh hàng xóm đã chiến thắng tất cả.
 “Lúc tôi đau ốm, bà ấy vẫn một lòng muốn cưới tôi, mong muốn chăm sóc tôi cả đời, dù cho tôi có tàn tật vì bệnh. May mắn sau đó chân tôi được chữa trị. Cái tình bà ấy đối với tôi lớn lắm”, cụ ông tâm sự.
Vợ chồng cụ sinh đến chín người con. Ngày trước khó khăn thiếu thốn tứ bề cộng với chiến tranh loạn lạc, phải đi lánh nạn nhiều nơi, bốn người con lần lượt lâm bệnh mất sớm. 
Hiện hai cụ có 24 cháu nội, ngoại, 30 cháu gọi bằng cụ cố. Hai cụ ở cùng con trai út. 
Cuộc sống hàng ngày của hai cụ rất bình dị, rảnh rỗi cụ ông ngồi đọc sách cho cụ bà nghe, thỉnh thoảng hai cụ lại thong dong qua nhà hàng xóm hay đi thăm các cháu. 
Ông Phạm Hường (SN 1942, con trai thứ 3 của hai cụ) cho biết: “Thời trước, hằng năm khi xong mùa màng, ông bà lại lên nguồn, xuống biển buôn bán, nấu dầu dừa gánh đi bộ hàng trăm cây số ra tận Quảng Nam, Quảng Ngãi bán. 
Gian nan tần tảo là vậy nhưng chưa bao giờ các cụ dùng lời lẽ nặng nề hay roi vọt với anh em chúng tôi. Nay tuổi đã đại thọ, cả đời cha mẹ tôi luôn thuần hậu, rộng lượng, không ghen ghét đố kỵ ai bao giờ”.
Còn bà Phạm Thị Mai (SN 1950, con gái hai cụ) tâm sự: “Khi các cụ tuổi đã cao, anh chị em chúng tôi ngỏ lời mong các cụ nghỉ ngơi để các con phụng dưỡng, nhưng các cụ nhất quyết không chịu vì không muốn các con, các cháu phải vướng bận. 
Ngoài tiền trợ cấp người già hàng tháng của Nhà nước, các cụ vẫn thường xuyên chăm sóc cả sào rau xanh, vườn lá gai cộng thêm khoản thu nhập từ cây trái, gà vịt trong vườn nhà”.

Đọc thêm