Cuộc gặp định mệnh giúp thầy giáo tiểu học vang danh cả nước

(PLO) -Khi đúc kết về quãng đời đã qua của bản thân, học giả Đào Duy Anh đã bày tỏ trong hồi ký “Nhớ nghĩ chiều hôm”, rằng đời ông, là đời nghiên cứu. Và để đi đến con đường nghiên cứu ấy “tôi đã phải lần mò khá lâu và nhiều khi đã phải đi vào những con đường ngoắt ngoéo”. Xét hành trình vạn dặm của đời ông, quả đúng.... 
Cụ Đào Duy Anh năm 1979 và GS Trần Văn Khê
Cụ Đào Duy Anh năm 1979 và GS Trần Văn Khê

Học giả Đào Duy Anh (1904-1988) sinh ra tại đất Thanh Hóa, nhưng theo GS. Phan Huy Lê cho hay trong bài viết “Đào Duy Anh, hành trình gian truân của một nhà sử học” đăng trên tạp chí “Xưa và nay” số 459, tháng 5/2015 thì gốc gác dòng họ ông, là làng Khúc Thủy, tổng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông xưa; đến đời ông nội thì chuyển ra xã Trung Chính, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. 

Sự học trước khi lập thân

Được gia đình cho theo nghiệp chữ nghĩa, như chính lời tâm sự của học giả họ Đào, thì Đào Duy Anh lớn lên khi chế độ khoa cử Nho học vẫn còn, dẫu đang đến hồi chung cục. Khi lên 6-7 tuổi, cha mẹ cho theo học chữ Hán. Đến năm 1915, khi thấy ở Bắc Kỳ chế độ khoa cử đã bỏ, việc học chữ Hán không còn hợp thời nữa, họ Đào mới được cha mẹ hướng học chữ quốc ngữ và Pháp ngữ. 

Trong thời gian theo học bậc Cao đẳng tiểu học tại Huế, nhờ siêng năng học tập, lại được dạy dỗ bởi những người thầy giỏi như cụ Võ Liêm Sơn, cộng thêm đó là việc tự học, nên vốn kiến thức về văn học Việt, văn học Pháp trong Đào Duy Anh đã khá dồi dào, là cơ sở để sau này ông rẽ ngang sang nghiệp báo thời gian đầu ra đời lập nghiệp. 

Năm 1923, ở tuổi 19, họ Đào tốt nghiệp Thành chung tại trường Quốc học Huế. Dẫu có cơ hội làm công chức ăn cơm Tây, nhưng bởi không muốn vào luồn ra cúi, phục vụ cho những kẻ cướp nước mình, đè đầu cưỡi cổ dân mình, chàng trai họ Đào chọn con đường riêng cho bản thân: dạy học. Ra trường, Đào Duy Anh làm giáo học tại trường Tiểu học Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. 

Việc “gõ đầu trẻ” nơi tỉnh lỵ miền Trung, cũng không phải là lựa chọn lâu dài của họ Đặng, như chính lời ông chia sẻ lúc bấy giờ “chỉ biết chăm chỉ dạy học và đọc sách mà đọc thêm để mở mang tri thức, mong một ngày kia có thể kiếm được công việc gì khác ở một nơi trung tâm văn hóa chính trị có cuộc sinh hoạt rộng rãi hơn tỉnh hẻo lánh này”.

Bởi bấy giờ nơi đất này, thành phần trí thức chỉ có vài chục người thuộc các cơ quan lệ thuộc vào chính phủ thực dân và quan lại hai dinh Bố chánh, Án sát lệ thuộc vào triều đình nhà Nguyễn. Sinh hoạt sau những công việc của công chức là những trò giải trí tẻ nhạt, chuyện phiếm hoặc đọc báo rất hạn hẹp. Ấy thế mà, cơ duyên khác lại đến, rồi rẽ ngang những định hướng của họ Đào lúc nào không hay. 

Báo Tiếng dân do Đào Duy Anh tham gia sáng lập, làm Thư ký tòa soạn
Báo Tiếng dân do Đào Duy Anh tham gia sáng lập, làm Thư ký tòa soạn

Cuộc gặp đổi hướng cuộc đời

Một bước rẽ quan trọng cho chàng thanh niên mới bước vào đời Đào Duy Anh, còn lưỡng lự, ngổn ngang với bao hoài bão, dự định, là cuộc gặp gỡ với nhà yêu nước Phan Bội Châu. Như ta đã biết, sau khi được ân xá sau phiên tòa xét xử tại Hà Nội năm 1925, cụ Phan bị Pháp đưa về giam lỏng tại Huế. Trên đường từ Hà Nội vào Huế, xe chở cụ dừng ở một số nơi, trong đó có đất Đồng Hới, và đó là cơ duyên với chàng trai họ Đào. 

Lúc bấy giờ, theo tâm sự của ông trong hồi ký “Nhớ nghĩ chiều hôm”, Đào Duy Anh là thành viên của Hội Quảng Tri, tham gia buổi đón tiếp, nói chuyện với nhà chí sĩ họ Phan. Buổi tiếp kiến này đã ảnh hưởng to lớn đến bầu máu nóng của chàng trai trẻ khi “đã định hướng cho cả cuộc đời tôi từ trước đến sau”.

“Đêm hôm ấy tôi thao thức không ngủ được”, Đào Duy Anh quyết định “không thể chờ đợi được nữa mà phải thoát ngay chốn ao tù để tìm nơi trời cao biển rộng hơn”. Và quyết định được đưa ra: đi Sài Gòn làm báo.  

Sau những cuộc bãi khóa diễn ra ở nhiều trường lớn, kết thúc năm học, Đào Duy Anh liền đệ đơn từ chức giáo học, và không chờ nhận được quyết định phản hồi, chàng giáo trẻ đi Đà Nẵng ngay sau đó. Lần này, họ Đào chủ động đến bái yết cụ Phan đang sống ở chùa Phổ Quang, Huế, và lại được cụ khuyến khích theo đuổi đam mê.

Thêm vào đó, Đào Duy Anh được tiếp xúc với nhiều nhóm trí thức yêu nước ở Huế đang hoạt động như Võ Liêm Sơn (thầy dạy cũ), Trần Đình Nam. Chính bởi thế mà “qua mấy lần gặp gỡ ở Huế, tôi càng thêm phấn khởi để chuẩn bị cuộc Nam du”.

Đến đất Đà Nẵng, nhờ không khi chính trị cởi mở hơn do là đất nhượng địa, nên họ Đào tiếp xúc đượ nhiều báo chí tiến bộ, và cũng từ đó mà làm quen với chủ nghĩa bất bạo động của Mahātmā Gāndhī , chủ nghĩa Tâm dân của Tôn Trung Sơn… Lại tiếp một cuộc gặp gỡ nữa, tạo nên ngã rẽ cho họ Đào nơi đất Tourane này. 

Báo Tiếng dân do Đào Duy Anh tham gia sáng lập, làm Thư ký tòa soạn
Báo Tiếng dân do Đào Duy Anh tham gia sáng lập, làm Thư ký tòa soạn

Làm báo Tiếng dân

Ấy là, trong thời gian ở Đà Nẵng, họ Đào được tiếp kiến cụ Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng tại Mỹ Khê. Lúc này, cụ Huỳnh cùng nhiều trí thức yêu nước đang chuẩn bị ra báo Tiếng dân. Biết được ý định vào Sài Gòn làm báo của họ Đào, Nguyễn Xương Thái, sau này là Thư ký thương chính của báo khuyên ở lại cùng xây dựng báo Tiếng dân những mong “làm cơ quan bênh vực quyền lợi của nhân dân, làm hậu thuẫn cho Viện dân biểu (bấy giờ cụ Huỳnh là Viện trưởng Viện dân biểu Trung Kỳ)”. Vậy là đất Đà Nẵng “anh hùng” bén duyên. Từ đây, công cuộc chuẩn bị cho việc ra đời tờ báo tiếng tăm đất Trung Kỳ dạo ấy, được gấp rút thực hiện. 

Bàn bạc việc lập Công ty Huỳnh Thúc Kháng xong, họ Đào được cử vào Sài Gòn, một chuyến đi kéo dài 3-4 tháng nhưng rất bổ ích, đặc biệt là mua được rất nhiều sách Pháp ngữ, Hán ngữ về lịch sử, triết học, xã hội học, kinh tế học… để giúp anh em, đồng chí có thêm tài liệu khảo cứu khi làm báo. Hòng chủ động trong việc in ấn, hè năm 1927, Đào Duy Anh cùng cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Xương Thái ra Hà Nội mua nhà in Nghiêm Hàm đem về Huế in báo. 

Điều thú vị là trong 5 người sáng lập Công ty Huỳnh Thúc Kháng để ra báo gồm cụ Huỳnh, Trần Hoành (bạn tù ở Côn Lôn của cụ), nhà nho Trần Đình Phiên, Nguyễn Xương Thái và Đào Duy Anh thì “năm người đảm đương sáng lập công ty thì lại không ai có đồng nào mà góp cổ phần. Thế là những người góp nhiều cổ phần, nhất là một số người tiến bộ ở Phan Thiết, cho chúng tôi mượn cổ phần của họ để có điều kiện hợp pháp mà đứng chân sáng lập viên”.

Tại báo Tiếng dân thời gian 1927-1929, công việc chủ yếu của họ Đào là viết báo, giữ chức Thư ký tòa soạn. Song song với hoạt động của một ký giả, họ Đào tham gia hoạt động chính trị (chúng tôi sẽ có phần viết rõ hơn ở kỳ sau), lập nên “Quan hải tùng thư” năm 1928 với sự cộng tác của nhiều trí thức yêu nước cấp tiến có sở học uyên thâm như Võ Liêm Sơn, Trần Đình Nam, Phan Đăng Lưu… nhờ đó xuất bản được 13 tập sách mang tính phổ cập tư tưởng khoa học và tư tưởng duy vật lịch sử như: Lịch sử các học thuyết kinh tế, Phụ nữ vận động, Tôn giáo là gì?, Xã hội là gì?...

Thời gian này, cũng là thời gian họ Đào còn tham gia hoạt động chính trị hăng say trước khi bị chính quyền thực dân bắt vào tháng 7/1929. Từ duyên với báo Tiếng dân, với nhà cách mạng Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, họ Đào đã có một quãng thời gian bản lề giúp ích rất nhiều cho hoạt động nghiên cứu sau này của bản thân để đóng góp nhiều công trình nghiên cứu giá trị cho học giới nước Nam...

Đọc thêm