Cuộc hôn nhân cổ tích của cô gái bị lừa bán sang Trung Quốc

(PLO) -Cho đến giờ, em Đào Thị Phượng (SN 1997, ngụ thôn Noh Prong, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) vẫn chưa hết bàng hoàng về những ngày lưu lạc ở Trung Quốc.   
Đào Thị Phương tâm sự
Đào Thị Phương tâm sự

 Ám ảnh nơi xứ người 

Theo lời kể của nạn nhân, khoảng tháng 6/2013, qua giới thiệu của người chị họ, Phượng quen một người đàn ông. Người này nói quê ở tỉnh Đắk Nông. Sau một tuần trò chuyện qua điện thoại, anh ta hẹn gặp Phượng. Tuy nhiên, khi gặp nhau, người này lại dặn Phượng không được nói cho ai biết. Hắn cũng không vào nhà. Sáng hôm sau, anh ta rủ Phượng đi chơi. 

Khi đó, người đàn ông này có ngỏ ý rủ chị họ của Phượng cùng đi. Nhưng cô gái này không đồng ý. Vì cả tin nên Phượng vẫn quyết định đi một mình. Nạn nhân nhớ lại: “Anh ta dẫn em đi xe buýt ra một con đường lớn, sau đó đi taxi tới sân bay ở Lâm Đồng rồi bay ra Hà Nội. Xuống sân bay, hắn tiếp tục đưa em lên tỉnh Lào Cai ở trong 1 nhà trọ”.  

Phượng ở đó được vài ngày thì có 2 thanh niên và một người đàn ông khoảng 50 tuổi đến đón. Tưởng đó là người nhà của bạn trai nên nạn nhân đã nghe lời leo lên xe. Nhưng sau đó chỉ có người đàn ông lên xe và đưa cô đến  ngôi nhà của một cặp vợ chồng trung tuổi. 

Không thấy bạn trai đâu, Phượng có hỏi thì hai vợ chồng này cho biết: “mấy người đó buôn ma túy bị công an bắt đi rồi, cháu không gặp được nữa đâu. Cứ ngoan ngoãn ở đây sẽ có người đến đón cháu”.

Ngủ tại đây một đêm, sáng hôm sau Phượng được hai người đàn ông khác đến đón. Lên xe đi khoảng vài tiếng đồng hồ, họ đưa em đến một ngôi làng mà theo Phượng thì nó là làng người Mông của Trung Quốc.

Phượng kể: “Đến đây, em được cho ở chung với một cặp vợ chồng già. Nói chuyện với hai người này, em mới biết mình đã bị lừa. Ngoài em ra, trong nhà còn có 3 cô gái khác cũng đang bị giam lỏng. Trong đó, có 2 cô gái ở thôn Ea Lang (xã Cư Pui, huyện Krông Bông), cô gái còn lại ở tỉnh Lào Cai”.

Khi ở đây, thỉnh thoảng Phượng thấy lại có bạn mới đến và có những bạn bị bán đi cho người khác. Các nạn nhân phải chuyển nhà liên tục chứ không ở cố định. Riêng Phượng, một tháng ở tại đó, em bị đưa đi xem mặt 3 lần nhưng rất may trong những lần đó em đều không bị bán.

“Em không nhớ rõ có tất cả bao nhiêu cô gái bị lừa bán như em nhưng ít nhất cũng phải đến 10 người. Họ cho chúng em ăn uống, sinh hoạt bình thường chứ không đánh đập gì” – Nạn nhân cho biết thêm.

Hành trình trốn chạy

Trao đổi với chúng tôi, Phượng tâm sự: “Biết mình đã bị lừa bán nhưng lo sợ bị đánh đập nên em chỉ biết làm theo những gì chúng yêu cầu. Tuy nhiên, trong đầu em luôn nghĩ rằng khi có cơ hội sẽ chạy trốn”.

Vào một buổi trưa, sau khi ăn cơm xong, Phượng trong nhà chỉ còn một cô bé khoảng 17 tuổi – là một thiếu nữ người Mông, được bán sang đây, sau đó đã theo nhà chồng tiếp tục giúp sức kẻ xấu lừa bán những thiếu nữ khác. Để có tiền phòng thân, Phượng đã nghĩ cách lấy tiền của cô gái này.

Nhớ lại việc “ăn trộm”, nạn nhân thuật lại: “Thấy chị đi tắm, em lục trong túi áo của chị thì thấy có tiền. Những tờ tiền Trung Quốc, em không biết tờ nào trị giá hơn tờ nào, đành nhắm mắt lấy đại một ít còn lại thì cất vào chỗ cũ. Cầm tiền trong tay, em chia cho chị Vàng (một nạn nhân khác ở Điện Biên) một nửa. Đến khoảng 5h chiều thì hai chị em lẻn ra khỏi nhà chạy trốn”.

Đi được một đoạn thì hai nạn nhân bị mấy đứa trẻ trong xóm phát hiện. Liền lúc đó, Phượng thấy có một người đàn ông đuổi theo. Lúc này, em không dám quay đầu lại nhìn mà chỉ biết cắm đầu chạy.

“Đến một ngã ba, hai chị em quyết định chia nhau mỗi người một ngả. Chị Vàng chạy tiếp còn em thì mệt quá, chân không thể chạy nổi cũng không thở nổi nữa nên đành tìm một chỗ để núp. Từ đó, hai chị em lạc nhau, không biết chị ấy có chạy thoát không!” – Phượng lo lắng kể.

Ảnh cưới của Phượng và chồng
Ảnh cưới của Phượng và chồng 

Vì sợ đi ban ngày dễ bị phát hiện, thấy chỗ trốn khá an toàn nên Phượng ngồi núp ở đó tới nửa đêm mới dám mò ra ngoài và đi tiếp. Không xác định được phương hướng, để thoát khỏi móng vuốt của bọn buôn người, cô gái chỉ biết men theo con đường, đi càng xa càng tốt.

Nỗi sợ hãi và mong muốn trở về gia đình đã giúp Phượng quên đi cái đói. Gặp khe suối, cô uống vài ngụm nước lấy sức đi tiếp. Hết đường đất, rồi khe suối, rừng rậm cô gái cứ chạy và đi. Khi nào cảm thấy quá mệt thì mới dám chợp mắt một chút, sau gần 4 ngày đêm, cuối cùng nạn nhân cũng đã đến một thành phố của Trung Quốc.

Nhớ lại, nạn nhân vui mừng kể: “Thấy em đi bộ dáng vẻ thất thểu, một bác xe ôm người Trung Quốc đã đến hỏi han nhưng hai bác cháu không hiểu tiếng nhau. Mừng quá em chỉ biết nói ú ớ, chỉ lung tung. Dường như bác xe ôm tốt bụng cũng hiểu được điều gì đó nên đã trở em đi ăn rồi đưa em ra xe khách cho về một khu chợ gần biên giới”.

Vào chợ, thấy ai trông giống người Việt, Phượng đều tới hỏi nhưng không ai trả lời. Trong lúc tuyệt vọng, may mắn nạn nhân đã gặp được một người bán trái cây biết tiếng Việt. Mừng rơi nước mắt, cô chỉ biết ôm chầm lấy người này vừa cười vừa khóc. Mượn điện thoại báo tin cho người nhà khỏi lo lắng, sau đó em hỏi được xe khách về Lào Cai.

Hạnh phúc trước tấm chân tình

Gặp lại người nhà, kể lại toàn bộ sự việc, gia đình chỉ biết ôm chầm lấy nhau khóc trong vui mừng vì Phượng đã may mắn thoát nạn và đi một quãng đường dài để trở về an toàn. Tuy nhiên, sau đó thỉnh thoảng, Phượng vẫn nghe người ta dị nghị những điều không tốt về quá khứ của bản thân, em đành khăn gói lên TP. Buôn Ma Thuột trông con cho một gia đình.

Cũng trong thời gian này, nhờ sự giới thiệu của bạn bè, Phượng quen với một người con trai. Năm 2015 hai người đã quyết định tiến đến hôn nhân. Anh Lương Văn Hùng (SN 1988, chồng Phượng) không ngại chia sẻ: “Quen nhau được vài tháng, cô ấy cũng có nói với tôi về chuyện từng bị lừa bán sang Trung Quốc. Nhưng tôi nghĩ đã thương nhau thì đến với nhau chứ không nên nghĩ đến quá khứ”.

Những tưởng sau lầm lỡ, bản thân sẽ khó tìm được hạnh phúc chân chính, nhưng chính Phượng cũng không ngờ lại gặp được một người con trai tốt, biết cảm thông và thương yêu mình như vậy. Cho đến giờ, hai vợ chồng Phượng vẫn sống hạnh phúc và chưa bao giờ cãi vã nặng lời với nhau.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Bằng (thôn trưởng thôn Noh Prong) cho biết: “Sự việc cháu Phượng thoát trở về năm 2013 tôi có biết. Đây là một trong hai trường hợp may mắn thoát khỏi móng vuốt bọn buôn người trong tổng 5 vụ thiếu nữ mất tích xảy ra trên địa bàn trong khoảng 7 năm trở lại đây.

Nơi đây thuộc vùng sâu vùng xa, kẻ xấu hay hướng tới nên tôi đã rất tích cực kết hợp với chính quyền xã thường xuyên thực hiện công tác dân vận, lồng ghép tuyên truyền cho người dân về mưu đồ của kẻ xấu nhằm tránh sự việc đáng tiếc xảy ra”.

(Tên nạn nhân và người nhà đã được thay đổi)

Đọc thêm