Cuộc sống cơ cực của đôi vợ chồng bán củi vùng sông nước Kiên Giang

(PLO) - Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, nhà ở trong vùng sâu hun hút, bao quanh là sông nước mênh mông, chân thì bị tật bẩm sinh nên anh Lê Văn Nhiều (ở ấp Sơn Tân, xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) chỉ biết ngày ngày chèo ghe vào rừng kiếm củi bán lấy tiền sinh nhai.
Gia đình anh Nhiều sống ở nơi bao quanh là sông nước
Gia đình anh Nhiều sống ở nơi bao quanh là sông nước

Cuộc sống của anh cứ như thế trôi qua một cách lặng lẽ, đến khi lập gia đình với chị Nguyễn Thị Lê thì hai vợ chồng cũng sinh sống bằng nghề bán củi. Từ ngày ấy, tổ ấm nghèo vá víu lần lượt đón hai đứa con chào đời. Niềm vui những đứa con chào đời cũng là những nỗi lo cuộc sống tăng lên. Nhà quá nghèo nên mấy đứa trẻ cũng không đủ ăn, đủ mặc, đói khóc lả đi. 

Anh Nhiều phải làm việc cật lực nhiều hơn để kiếm tiền đong gạo. Do chân anh bị tật bẩm sinh nên việc đi lại cũng khó khăn và không thể lao động nặng nhọc như người bình thường. Ban ngày thì anh chèo ghe vào rừng kiếm củi mang về cưa ra bán, đến đêm xuống, anh lại đi đặt bẫy bắt chuột đồng. Cố gắng làm quần quật cả ngày đêm nhưng số tiền kiếm được cũng không đáng là bao.

Chị Lê ngoài việc phụ chồng cưa củi, lo toan nhà cửa thì chèo ghe đưa đón hai con đi học hàng ngày
Chị Lê ngoài việc phụ chồng cưa củi, lo toan nhà cửa thì chèo ghe đưa đón hai con đi học hàng ngày

Vì nhà ở trong vùng sâu hun hút, bao quanh là sông nước nên đứa con gái đầu mãi đến năm lên 9 tuổi mới được đến trường học lớp 1. Nhưng dù có nghèo khó đến đâu thì anh chị vẫn phải cố gắng cho các con tìm đến con chữ để sau này có tương lai tươi sáng hơn. Chị Lê ngoài việc phụ chồng cưa củi, lo toan nhà cửa thì chèo ghe đưa đón hai con đi học hàng ngày.

Với hoàn cảnh của gia đình hiện nay thì không biết đến khi nào cuộc sống mới thoát khỏi cảnh nghèo khó, không biết đến khi nào gia đình mới hết nỗi lo cơm áo gạo tiền, hai con của anh chị có thể cắp sách đến trường và bước chân vào ngưỡng cửa đại học như chúng bạn hay phải chấp nhận khép lại ước mơ theo cha vào rừng kiếm củi, đi bẫy chuột đồng hoặc đi làm thuê để kiếm tiền.

Hoàn cảnh của gia đình anh chị cũng là hoàn cảnh chung như các gia đình nghèo khác trong chương trình Lục Lạc Vàng đã từng đến giúp đỡ ở khắp mọi miền quê. Mặc dù họ đã rất cố gắng nhưng cái nghèo, cái khổ vẫn mãi đeo bám.

Với sự giúp đỡ cặp bò cái từ chương trình Lục Lạc Vàng, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo
Với sự giúp đỡ cặp bò cái từ chương trình Lục Lạc Vàng, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo

Và rồi, cánh cửa tương lai trở nên tươi sáng hơn khi nhận được “chiếc cần câu” là những cặp bò do chương trình Lục Lạc Vàng và nhãn hàng Trà Thảo Mộc Dr Thanh thuộc Tập đoàn Number 1 – Tân Hiệp Phát trao tặng.

Trong 5 năm qua, chương trình Lục Lạc Vàng đã trao tặng bò tại 37 tỉnh, thành, 1.248 hộ dân nhận được 2.496 con bò. Hơn 2/3 số hộ dân được nhận bò từ chương trình Lục Lạc Vàng đã có những thay đổi tích cực trong việc thoát nghèo, nhiều hộ gia đình đã có cuộc sống tốt đẹp hơn khi được chương trình giúp đỡ, con em của các hộ dân được thực hiện giấc mơ tiếp tục cắp sách tới trường. 

Đọc thêm