Cuộc sống sẽ thế nào nếu thiếu những chuyến đi xa?

(PLO) - Nghiệp làm báo đôi lúc như thân cò lặn lội trong những chuyến viễn du, cái nghiệp phải đi, đi cho thành nghiệp, để mỗi vùng đất mình qua mà món quà mang về là những dư vị ngọt ngào của những phút giây đã thành kỷ niệm. Chẳng thế mà Chế Lan Viên đã nói thay lời cho bao kẻ có máu lãng du: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”…
Phóng viên Báo PLVN (bìa phải) trong chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa
Phóng viên Báo PLVN (bìa phải) trong chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa
Đằng đẵng những cung đường nhớ
Có  những lần mình đi như ma đuổi. Thoắt đã có mặt trong cái nắng miền Trung bỏng rát gió Lào, biển Cửa Lò xanh như mắt  thiếu nữ buồn tàn thu. Đi ven biển mà nhớ lại những tháng ngày mình cũng đã từng sống nơi đây. Giờ vùng biển này giàu quá  mà hồi ức về cái nghèo xa xưa chỉ còn là ký ức. 
Chưa kịp bứt mình ra khỏi những xúc cảm thành Vinh thì lại ngập mình trong bảng lảng sương giăng trên rẻo đất Lào Cai. Gập ghềnh những con đường vòng cua tay áo, những hun hút vực sâu trên cung đường thăm thẳm lúc xe đổ đèo. Mình đến với chợ Bắc Hà. Sóng váy người Mèo chấp chới men rượu say Bản Phố, mận xứ này vào mùa ửng đỏ như mặt người say rượu. 
Mình vào bản Phố mà ngất ngưởng với rượu ngô men lá. Cay nồng mà ngọt ngào, già làng Lý Seo Hồ bảo: “Cứ uống đi, say tao lấy ngựa đưa về mà”. Ừ thì uống, uống cho say cái tình người Mông. Khèn già Seo Hồ thổi như cái thời còn trẻ, trầm đục mà tha thiết lắm...
Thoắt lại chào nhé Bắc Hà, mình đến Sa Pa, những là ruộng bậc thang trơ mình sau mùa gặt. Đêm se lạnh ra chợ làm ngụm rượu táo mèo mà ăn trứng nướng và thứ phèo lợn bản quét gia vị ngầy ngậy trên đầu lưỡi. Những chàng trai, cô gái người Mông tụ tập trước nhà thờ cổ, định giơ máy chụp ảnh thì thấy reo réo: “Năm ngàn nhá”, nghe mà buồn cho du lịch thời mở cửa. Bản sắc văn hoá mai này còn không? Tiếng Anh bồi mấy em bé dân tộc xì xồ bán đồ lưu niệm cho Sa Pa thêm nhộn.
Vừa về Hà Nội đã có một cuộc đi Hải Phòng cùng Diễn đàn sức trẻ Việt Nam và chỉ sau một ngày ở Hải Phòng, chuyến xe đêm lại đưa mình trở lại Cửa Lò trong chuyến công tác mới. Vỏn vẹn một tuần mà mình đã  chạy một cung đường dài đằng đẵng Hà Nội - Nghệ An - Lào Cai - Hải Phòng rồi lại Nghệ An. 
Về Hà Nội ngồi viết những dòng này thì cũng chỉ còn một vài ngày nữa là mình lên đường đi Huế cho kỳ Festival… Đi làm báo có lúc còn hơn cả đi buôn chuyến, lữ hành mệt  rã rời trên những chuyến tàu, chuyến xe thăm thẳm xuyên đêm. Ai bảo ngề báo nhàn hạ và sung sướng? Biết là rã rời nhưng cuộc sống sẽ thế nào nếu thiếu những chuyến đi xa?
Xách ba lô lên và đi 
Cũng vậy mà dân làm báo hay mò mẫm đến những vùng đất xa xôi để tìm hiểu, khám phá những điều mà mình chưa biết. Đấy cũng là cách để tích luỹ vốn sống cho trọn đời làm báo và cũng để “thay đổi thực đơn giác quan” cho mình. 
Nhiều bạn đọc cho rằng nghề báo vốn nhẹ nhàng và “sạch sẽ”, nhưng qua những chuyến đi dài ngày đến những bản làng xa xôi tận Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Bái, Cao Bằng hay những buôn làng Tây Nguyên... mới thấy hết cái truân chuyên, cơ cực và nguy hiểm của nghề. Với tôi, đó là hành trình đi tìm những nhân vật đặc biệt, những số phận, những chân dung mà tôi yêu thích. 
Thường thì sau trang viết, sau hành trình mỗi nhân vật thì người  viết sẽ lãng  quên đi cùng năm tháng hay cũng mờ nhạt đi trong trí nhớ của mình. Đấy cũng là điều dễ hiểu bởi ngày lại ngày trong tư liệu của người viết báo lại ngồn ngộn những sự kiện mới và những con người mới. Nhưng cũng chính cái “sự quên” ấy, các nhân vật của mình đã không còn nguyên vẹn như trang viết, cuộc sống đổi thay, niềm tin đôi lúc cũng “phụ” chính mình. 
Nhiều năm trước đây tôi đi công tác ở tỉnh Cao Bằng, làm việc với Sở LĐTB&XH tôi biết có hai nhân vật rất đặc biệt và đã đi tìm hiểu, viết bài về hai con người này. Chàng trai này nghiện ngập, năm lần bảy lượt đi cai. Vợ bỏ, đã có con nhưng con sống nhếch nhác với bà mẹ già. Rồi “cơn vật” nó hành hạ, anh ta bán nốt cả chút đất cắm dùi. 
Cuộc sống đã khốn nạn lại càng khốn nạn hơn. Anh ta lại đi cai, đẩy mẹ ruột và con cái anh ta bước vào “đời phiêu dạt”. Đi cai lần ấy, anh ta gặp một cô gái từ Hoà Bình lên, cũng chung Trại 05, 06 với nhau ở Cao Bằng. Cô gái đã có “thâm niên” làm nghề cave, có một hoàn cảnh cũng bi đát không kém.  Trong trại, họ đã cảm thông, chia sẻ và đến với nhau bằng một tình yêu đẹp và chân thành. Một tình yêu không vụ lợi, thánh thiện đến tinh khiết. Rồi họ ra trại, đến với nhau và nguyện ước xây lại cuộc đời.
Họ đón con cái về sống chung và đưa nhau vào tận hồ Thang Hen ở Trà Lĩnh - Cao Bằng lập nghiệp. Tôi đã đến vùng đất này, gặp những con người này. Chàng thì đi lấy quả thau ca mang về bán, hay chèo đò đưa khách đi thăm hồ, vợ lặt vặt với mấy thứ hàng quán qua ngày. Họ đã có một cuộc sống hạnh phúc với chuyện tình đẹp đẽ bên hồ Thang Hen. 
Ý chí làm người và tình yêu đã giúp họ bước ra từ vũng bùn. Tôi yên tâm về họ, đã viết bài báo: “Lành lại những mảnh đời chắp vá” và gọi họ là những người sẽ làm nên huyền thoại ở hồ Thang Hen. Rồi một lần có dịp trở lại Cao Bằng cùng một số đồng nghiệp, anh em bảo tôi bằng mọi giá phải cho họ đến hồ Thang Hen bởi họ đã đọc hoặc nghe tôi hồ hởi kể về hai con người này. Thứ nhất là thăm lại họ, thứ hai là để một số đồng nghiệp khai thác theo cảm nhận của mình. 
Đến hồ Thang Hen, tất nhiên tôi là người hăm hở hơn cả. Cảnh thì vẫn vậy nhưng tất cả đã khác. Mặn chát lòng khi nghe một người dân trả lời: “Nó ấy à, nghiện lại rồi, giờ đi đâu cũng chẳng biết!”. Mái nhà huyền thoại vẫn xiêu xiêu nơi góc hồ, tôi cùng các đồng nghiệp lặng câm nhìn nhau. Sau mỗi nhân vật là một hành trình số phận, và cuộc đời thì chẳng mấy ai biết được ngày mai. Các bạn không trách tôi mà tôi thì tự trách mình, giá như mình gần với nhân vật của mình hơn nữa...
Thế nên nghề báo luôn cần những chuyến đi, vừa là để hâm nóng mình, vừa là để hội ngộ lại những nhân vật mình đã từng rung cảm để viết. Bởi chỉ cần nhãng ra là những mất còn, những chia lìa hay là những tiếc nuối vì nhân vật của mình đã không còn vẹn nguyên với trang viết ngày xưa. Sẽ lại xách ba lô lên và đi thôi, dù công việc có mấy bộn bề…

Đọc thêm