Cuộc tháo chạy bi thảm (Bài 3): 'Hợp đồng tác chiến' kiểu máy bay VNCH oanh kích… quân Sài Gòn

(PLO) - Sang ngày 19/3/1975 thì đơn vị tiền phong của quân VNCH trong đoàn quân triệt thoái tới gần con sông chỉ còn cách bờ biển chừng 40km. Nhưng ở phía sau của đoàn quân, khoảng cách giữa Cheo Reo và con sông nói trên, QGP lại nhắm đánh vào sườn của đoàn quân triệt thoái, khu vực quận lỵ Phú Túc (nay thuộc huyện Krông Pa, Gia Lai). 
Súng ống bị binh sĩ VNCH ném lại
Súng ống bị binh sĩ VNCH ném lại

Quân VNCH gọi xin không quân yểm trợ để giúp chặn cuộc tấn công. Nhưng khi phi tuần chiến đấu cơ của không quân VNCH tới thì thay vì nhắm oanh kích QGP, phi tuần ấy lại nhằm vào các đơn vị thuộc Liên đoàn 7 Biệt Động quân.

Đoàn quân triệt thoái qua được Cheo Reo thì đến ngày 21/3/1975, QGP phá vỡ phòng tuyến của Liên đoàn 23 Biệt Động quân, vượt lên để chiếm tỉnh lỵ Phú Bổn và cắt đứt đường giao thông. Liên đoàn 8 và Liên đoàn 25 bị cắt đứt với đơn vị còn lại của Sư đoàn 23 VNCH.

Sau khi báo cáo với tướng Phú, tướng Tất được phép ra lệnh cho các đơn vị VNCH đang bị cô lập vứt bỏ mọi vũ khí và chiến cụ nặng nề để tìm lấy sự thoát thân khỏi Phú Bổn. Lúc này, tướng Tất vẫn còn ở phía sau của đoàn quân. Rất nhiều binh sĩ VNCH chạy vào trong rừng.  

Thách thức sông Ba

Trong khi đoạn hậu của đoàn quân triệt thoái chịu áp lực nặng nề của QGP thì đoạn đầu chỉ còn cách Tuy Hòa có 20km và chỉ còn đương đầu với trở ngại lớn sau chót. Đó là sông Ba. Tướng Cao Văn Viên đã cho chở cây cầu tới vùng này đúng hẹn nhưng QGP đã dựng lên những chướng ngại vật không cho các đơn vị VNCH qua được sông để tiến tới Tuy Hòa.

Những đoạn rời của cây cầu không thể chở bằng xe qua bờ sông bên kia. Về sau, quân VNCH phải mượn bốn trực thăng khổng lồ loại CH-47 của vùng IV để chở từng phần của cây cầu qua bên kia sông.

Ngày 22/3/1975, đúng một tuần sau khi đoàn xe ra khỏi Pleiku, cây cầu lớn trên sông Ba đã được ráp xong. Ngay ở giờ đầu tiên, vì số người và xe đi trên cầu quá nhiều nên một nhịp bị sập, đưa luôn cả người và xe cộ xuống sông. Công binh lại sửa chữa, và đến buổi chiều thì cây cầu mới lại đưa được người và xe sang sông.

Chiến đấu cơ của không quân VNCH đã oanh kích nhầm vào các đơn vị thuộc Liên đoàn 7 Biệt Động quân đang rút khỏi Tây Nguyên
Chiến đấu cơ của không quân VNCH đã oanh kích nhầm vào các đơn vị thuộc Liên đoàn 7 Biệt Động quân đang rút khỏi Tây Nguyên

Nhưng đến đây thì thời tiết bỗng trở nên rất tồi tệ. Thay cho cái nắng cháy da thịt của những ngày trước, bây giờ là mưa và lạnh. Thời tiết này không phải chỉ tai hại cho đoàn quân, mà còn tai hại cho cả sự yểm trở của không quân, trong khi sự yểm trở ấy rất là sinh tử cho sự sống còn của các đơn vị quân lực VNCH trên đường sắp tới Tuy Hòa.

QGP đóng nhiều chốt rải rác dài theo con đường đi của đoàn quân triệt thoái. Thời tiết xấu khiến cho không quân VNCH không thể yểm trở đắc lực, do đó, các binh sĩ VNCH phải tìm cách xoay sở, không được một phút nào nghỉ ngơi.

Từ ngày 22/3/1975 trở về sau, liên đoàn 6 Biệt Động quân phải giao tranh rất ác liệt với QGP. Lúc này thì đoạn đầu của đoàn quân triệt thoái đã tới được bờ phía nam sông Ba. Các đơn vị thuộc đoạn đầu này bắt đầu phá các chướng ngại do QGP dựng lên.

Sau khi bị thiệt hại nặng vì không quân VNCH đánh lầm vài ngày trước đó, các đơn vị còn lại của Liên đoàn 7 đã cố gắng sử dụng trên 10 chiếc thiết vận xa M-113 trong đoàn xe triệt thoái để “mở đường máu”, gặp được các đơn vị Địa phương quân VNCH cũng từ bên trong Tuy Hòa tiến ra.

Trong tổng số 179 ngàn quân nhân của Quân đoàn 2 VNCH lúc QGP mở đầu trận đánh vào Ban Mê Thuột, còn được bao nhiêu về tới Tuy Hòa? Thông cáo sau đó của Bộ tổng Tham mưu quân VNCH nghe thật não lòng. Trong tổng số 20 ngàn binh sĩ thuộc các đơn vị yểm trợ và tiếp vận, chỉ có 5000 tới Tuy Hòa.

Trong tổng số 7000 binh sĩ Biệt Động quân của Quân đoàn II, chỉ còn 900 người tới được bản doanh mới của Quân đoàn II tại Nha Trang... Tướng Cao Văn Viên buồn bã tuyên bố với báo chí: “75% số quân chiến đấu của Quân đoàn II, kể cả Sư đoàn 23 Bộ binh, Biệt Động quân, Thiết giáp, Pháo binh, Công binh và Truyền tin đã bị loại một cách bi thảm trong khoảng từ ngày 10 - 25/3/1975”.

Tướng Viên không chịu nói thêm cho rõ hơn nữa, là trong tổng số 179 ngàn quân nhân của Quân đoàn II, gần phân nửa bị loại khỏi vòng chiến mà không phải vì giao tranh! Riêng Sư đoàn 23 chỉ còn 700 người về được tới Nha Trang.

Thiệu tắt mọi ảo tưởng

Sau thông cáo ảm đạm nói trên, người ta không còn nghe Nguyễn Văn Thiệu nói gì tới sự “hành quân tái chiếm Ban Mê Thuột” nữa.

Người ta không được biết rõ là tướng Cao Văn Viên đã than thở hoặc tâm sự những gì với các nhà báo hoặc tác giả ngoại quốc sau cuộc triệt thoái bi đát này. Tuy nhiên hai tác giả Clark Dougan và David Fulghum có trích lại nhận định của tướng Viên về trách nhiệm của tướng Phú trong cuộc triệt thoái ấy.

Trụ sở Bộ tư lệnh Không quân VNCH
Trụ sở Bộ tư lệnh Không quân VNCH

Tướng Viên nói rằng liên tỉnh lộ 7B mà tướng Phú chọn làm đường rút quân có thể là con đường tốt, nếu các cây cầu trên tỉnh lộ ấy được làm xong, hoặc sửa chữa xong kịp thời. Về điểm này thì tướng Viên nói rằng tướng Phú, và chỉ một mình tướng Phú, chịu trách nhiệm.

Tướng Viên cho rằng, lẽ ra tướng Phú phải hoãn ngày rút quân thêm ít ngày để công binh có thời giờ làm xong những cây cầu, và sự hoãn thời gian ấy còn cho phép lập một kế hoạch thô sơ (chữ thô sơ ở đây làm cho người ta càng có thêm cảm tưởng là như vậy có nghĩa tướng Phú không có kế hoạch nào hết, dù là một kế hoạch thô sơ).

Đi tìm những lời phê bình cuộc triệt thoái tại hai này, hai tác giả Clark Dougan và David Fulghum trích dẫn nhận xét của một tướng lãnh Mỹ “hiểu nhiều về tướng lãnh của quân lực VNCH”. Hai tác giả này không ghi rõ tướng Mỹ kia tên là gì, và chỉ ghi rằng tướng Mỹ kia cho là “vấn đề ở đây không phải là việc tướng Phú có lập kế hoạch hay không, mà là cá nhân của chính tướng Phú, và đường lối chỉ huy của tướng Phú”.  

Clark Dougan và David Fulgrum còn ghi nhận được ý kiến của một sĩ quan Mỹ giữ vai trò liên lạc giữa giới quân sự Mỹ tại Nam Việt Nam và quân lực VNCH. Sĩ quan Mỹ này nói: “Một tư lệnh Quân đoàn mạnh bạo như tướng Toàn (tướng Nguyễn Văn Toàn là tư lệnh Quân đoàn II trước khi bị tướng Phạm Văn Phú thay thế) phản công để tái chiếm Ban Mê Thuột, dùng mọi lực lượng có trong tay, cùng với hỏa lực yểm trợ tối đa của không quân thì có lẽ có thể chặn được đối phương ở cao nguyên, và tránh được sự thảm bại thêm một năm nữa”.

Người ta có thể tóm tắt nhận định về cuộc triệt thoái tai hại của Quân đoàn 2 vào mấy hàng sau đây: Không có kế hoạch để rút, mệnh lệnh thì luôn trái ngược nhau, do đó cuộc triệt thoái đã biến thành một cuộc tháo chạy theo đúng nghĩa dễ hiểu nhất của người trần tục.

Như đã nêu ở các bài trước, ngoài một kế hoạch thiết lập thật kỹ, tỉ mỉ, cuộc triệt thoái còn phải được thi hành trong kỷ luật triệt để, được bảo vệ tối đa về quân sự để có thể rút từng chặng, và rút nhưng vẫn yểm trợ lẫn nhau, và điều tối kỵ là không thể để cho thường dân xen lẫn vào các đơn vị triệt thoái.

Những lãnh đạo chính trị và quân sự của VNCH đều hiểu rằng liên tỉnh lộ 7B đã bị bỏ hoang từ nhiều năm. Họ cũng biết rằng cầu cống trên tỉnh lộ ấy hoặc bị hư nát, hoặc không có cầu bắc ngang một số sông nữa.

Nhưng rồi họ vẫn đi tới quyết định là cứ dùng liên tỉnh lộ 7B, nói rằng hi vọng “bất ngờ” làm cho QGP không kịp tấn công. Từ sự lựa chọn này, người ta bắt buộc phải kết luận rằng liên tỉnh lộ ấy được chọn lựa để làm đường tháo chạy, để chạy trốn, chứ không phải để triệt thoái theo đúng ngôn ngữ quân sự.

Tướng hồi hưu của Úc là Serong đã từng khuyến cáo Nguyễn Văn Thiệu về việc nên bỏ bớt lãnh thổ để có thể rút ngắn đường tiếp vận, có thể tiết kiệm lực lượng và làm cho hệ thống phòng thủ của VNCH hữu hiệu hơn.

Đoàn người và xe bị tắc nghẽn trước chiếc cầu bắc qua sông Ba
Đoàn người và xe bị tắc nghẽn trước chiếc cầu bắc qua sông Ba

Bộ tổng Tham mưu quân lực VNCH đã biết các ý kiến này của Serong nhưng không dám thuyết phục Thiệu cho thi hành kế hoạch rút bớt lãnh thổ ấy khi còn đủ thời gian để thảo một kế hoạch kỹ lưỡng và có thể có đủ ngày giờ để thi hành kế hoạch ấy trong sự an toàn và không gây tai họa. 

Một tác giả nhận xét: “Thiệu bám lấy cái chủ trương “bốn không” (Không liên hiệp, Không nhượng bộ đất đai, Không đầu hàng, Không thương lượng) ấu trĩ cho đến cùng. Cho đến phút chót Thiệu vẫn còn ôm lấy ảo tưởng là không bị nước Mỹ bỏ rơi. Vì bản chất ngoan cố tham lam cũng như lưu manh, Thiệu bám lấy địa vị lãnh đạo cho đến ngày biết VNCH không thể tự cứu được nữa thì mới từ chức để ra đi thảnh thơi”.  

Chỉ huy sai lầm, binh sĩ lãnh họa

Lệnh rút lui vô trách nhiệm của Thiệu đã đưa hậu họa tới hàng chục ngàn binh sĩ VNCH. Từ cấp chỉ huy cao nhất đến cấp thấp, không ai muốn nghĩ đến an toàn cho binh sĩ thuộc cấp nữa, vì đó là giờ phút: “Mỗi người chỉ biết tự lo cho mình, sống chết mặc bay.”

Sự tan rã của cả một đội Biệt Động quân VNCH tại Pleiku trước giờ triệt thoái là một minh chứng về sự bất tài của Thiệu và của những sĩ quan có trách nhiệm lãnh đạo quân sự tại Quân đoàn II. Đây là một đại đội có quân số 120 người, do một đại úy làm đại đội trưởng.

Đại đội này giữ một vị trí ở cách thị xã Pleiku gần 10km về phía Tây, không xa căn cứ Holloway cũ của quân đội Mỹ trước đó. Lúc một đơn vị đặc công của QGP chuẩn bị tấn công vào vị trí của đại đội này thì viên đại úy VNCH đang ra lệnh cho binh sĩ của mình trước tin đồn rằng thị xã Pleiku sẽ bị bỏ ngỏ.

Lệnh rút lui ở đây không phải là lệnh trực tiếp mà chỉ là thứ lệnh “truyền cho nhau nghe”. Hôm Chủ nhật, một binh sĩ của đại đội này về thăm gia đình ở thị xã. Là một quân nhân kỉ luật, anh ta về thăm gia đình, và cũng là để giúp tìm cho gia đình có chỗ trên chuyến bay lánh nạn về Sài Gòn.

Anh ta kể lại rằng đã phải “dùng tới mũi súng” của anh ta để hăm dọa những người xung quanh nên mới lấy được chỗ cho gia đình. Khi chiếc máy bay cất cánh rồi, anh ta trở lại đơn vị, và nói cho các binh sĩ khác biết cảnh hỗn loạn đang diễn ra tại thị xã Plieku. 

Thoạt đầu, viên đại đội trưởng của anh ta không tin là Pleiku bị bỏ nhỏ, và càng không tin là đại đội của mình cũng bị bỏ rơi luôn. Nhưng đến khoảng nửa đêm thì viên trung úy đại đội phó hớt hải từ trên chiếc jeep vừa từ thị xã trở về, nhảy xuống cho biết, quả thật Pleiku đang hỗn loạn, ai cũng tháo chạy, phi trường thì đóng cửa. Viên trung úy này không tìm được một sĩ quan cao cấp nào để hỏi thăm tình hình, và có thể là các sĩ quan cao cấp ấy cũng đã tháo chạy sạch rồi.

Binh sĩ Sài Gòn tháo chạy bằng mọi loại phương tiện
Binh sĩ Sài Gòn tháo chạy bằng mọi loại phương tiện

Viên đại đội trưởng chỉ kịp suy nghĩ trong vòng năm phút để có một quyết định. Sau đó, ông ta ra lệnh cho binh sĩ dưới quyền chuẩn bị để gấp rút ra khỏi Pleiku. Mọi quân xa lớn nhỏ chạy được đều phải chứa vũ khí, đạn dược để ba tiếng sau lên đường. Viên đại đội trưởng tin rằng vào khoảng 3h sáng là đại đội của ông ta sẵn sàng ra đi.

Trong khi đại đội này chuẩn bị để lên đường rút lui vào 3h sáng thì nửa tiếng trước đó, nghĩa là vào lúc 2h30, đơn vị đặc công QGP bắt đầu tấn công vị trí của đại đội Biệt Động quân. QGP tiến tới cách hàng rào kẽm gai của vị trí đại đội Biệt Động quân chưa tới 700m mà không gặp một phản ứng nào. QGP dừng lại để chờ màn hỏa lực bắn súng cối và hỏa tiễn.

Hai trinh sát QGP bò sát vị trí của đối phương để nghe ngóng rồi trở về báo cáo rằng có một điều gì rất kì lạ ở bên trong vị trí: Quân xa nào cũng chất đầy đồ và thùng. Chỉ có một binh sĩ VNCH đang đứng canh gác “tượng trưng” tại mặt nguy hiểm nhất của vị trí.

Người chỉ huy đơn vị đặc công QGP không hiểu tại sao đối phương lại sắp rút đi, nhưng hiểu rằng nếu tấn công ngay thì có nhiều hi vọng tiêu tán được toàn thể đại đội này. Do đó người chỉ huy quyết định rút ngắn thời gian bắn chuẩn bị là 3 phút thay vì từ 10 - 15 phút như dự trù.

Và quả thật là sau khi QGP nổ súng thì toàn thể đại đội Biệt Động quân bị hoàn toàn bất ngờ. Chỉ có chừng 20 người, trong đó có viên đại úy đại đội trưởng, là chạy thoát được ra ngoài.  

Tướng lãnh kiểu… bói toán rồi mới hành quân

Sau Nguyễn Văn Thiệu, cần nói đến trách nhiệm của hai kẻ khác là tướng Cao Văn Viên và tướng Phan Văn Phú, vì những sĩ quan khác chỉ là những kẻ thừa hành, những nạn nhân của một hệ thống lãnh đạo nghèo nàn của VNCH trong giờ phút nguy kịch nhất.

Tùy viên của tướng Phú là thiếu tá Phạm Huấn ghi nhận rằng lúc tới Cam Ranh họp “chiến lược” với Thiệu và Khiêm, tướng Cao Văn Viên “rất ngoan ngoãn, gần như không giám nói điều gì trái ý của Thiệu”. “Tài thao lược” của ông ta được biểu lộ trong lời tán thành của lựa liên tỉnh lộ 7B làm đường rút lui. 

Giày dép tư trang của binh sĩ ném lại trên đường
Giày dép tư trang của binh sĩ ném lại trên đường

Nếu quả thật tướng Viên có tài lãnh đạo quân sự thì đó là lúc phải nói cho Thiệu biết rằng rút lui khi đang giao tranh với đối phương mà thiếu chuẩn bị tức là tự sát. Cao Văn Viên mà có được một chút khí phách để nói cho Thiệu biết rằng rút lui lúc ấy là nguy cho quân VNCH, thì có thể tình thế sự việc không tồi tệ với quân VNCH quá mau như vậy.

Một tác giả nhận xét: “Nhưng tướng Viên là người khôn ngoan, theo nghĩa trong ngôn ngữ Việt Nam là “ngậm miệng ăn tiền”. Trong sáu bảy năm ngồi ghế Tổng Tham Mưu trưởng, ông ta đã rất im hơi lặng tiếng, đến nỗi bên ngoài phải kết luận rằng Bộ tổng Tham mưu của ông ta chỉ là một “hộp thư khổng lồ” của quân lực VNCH.

Thất bại lớn nhất của tướng Viên là trong nhiều năm ngồi ở đây, ông ta không thuyết phục được Thiệu lập một Bộ tổng Tư lệnh cho quân lực VNCH. Thiệu không lập cơ cấu ấy vì muốn tự mình trực tiếp điều khiển luôn cả nỗ lực quân sự quân VNCH nữa”.

Lúc mặt trận Ban Mê Thuột ác liệt nhất, tướng Viên chỉ làm được một việc là ra lệnh cho máy bay thả tướng Lê Trung Tường xuống sân bay Phước An để chỉ huy các đơn vị còn lại của Sư đoàn 23. Tướng Viên có biết tướng Lê Trung Tươờng là người thế nào không?

Thiếu tá Phạm Huấn đi cùng tướng Phú tới thăm bản doanh sư đoàn 23 của tướng Tường, chứng kiến việc viên tướng này còn có thói quen… bói toán rồi mới hành quân. Đó là thứ tướng lãnh mà tướng Cao Văn Viên tin là có thể điều khiển nỗ lực “tái chiến Ban Mê Thuột”.

Thiếu tá Phạm Huấn nhận xét: “Thiệu chịu trách nhiệm tổng quát về cái lệnh rút lui tai hại là điều dễ hiểu, nhưng chính tướng Cao Văn Viên trong chức vụ Tổng tham Mưu trưởng của quân lực VNCH cũng không thể tránh được phần trách nhiệm nặng nề của ông ta, nếu không muốn để bên ngoài nghĩ rằng ông chỉ là một tướng lãnh công chức và nô bộc cho Thiệu.

Đoàn quân “triệt thoái” bỏ lại sau lưng những đám cháy đốt kho tàng, nhiên liệu
Đoàn quân “triệt thoái” bỏ lại sau lưng những đám cháy đốt kho tàng, nhiên liệu

Thiệu và Viên đã cho tướng Phú một mệnh lệnh vô cùng tổng quát mà không cho tướng Phú thêm một sự hướng dẫn tối thiểu nào khác. Đến khi cuộc triệt thoái cao nguyên thất bại hoàn toàn, tướng Viên còn trút hết trách nhiệm lên đầu tướng Phú. Tướng Viên đã không có thái độ quân tử tối thiểu để can đảm nhận trước dư luận phần trách nhiệm của mình”.

Một tác giả nhận xét: “Thiếu tá Phạm Huấn đã gay gắt lên án tướng Phú vì quá hấp tấp ra lệnh rời bỏ cao nguyên. Lời trách cứ này rất xác đáng vì người ta nhớ rằng lúc tướng Phú ra lệnh gấp rút tháo chạy thì Pleiku chưa đến nỗi ở trong cảnh sắp bị QGP chiếm.

Lời buộc tội ghê gớm nhất của Thiếu tá Phạm Huấn là tướng Phú đã thua luôn cả chí khí của một người đàn bà. Bà vợ của tướng Phú không muốn thấy tướng Phú là “một viên tướng bại trận”. Bà ta muốn rằng, ít ra tướng Phú cũng phải ở lại để “đánh một trận thư hùng” với đối phương trước đã. Nhưng tướng Phú quá ngoan ngoãn tuân theo lệnh của Thiệu, dù rằng lệnh đó tai hại đến đâu”.

“Thiếu tá Phạm Huấn và nhiều người khác đã uổng phí khá nhiều thời giờ để kết án tướng Phạm Văn Phú trong việc rút khỏi cao nguyên. Các người ấy sẽ tiết kiệm được thời giờ, nếu nghĩ tới khả năng của tướng Phú trước tình thế quân sự đen tối của quân VNCH tháng 3/1975: Tướng Phạm Văn Phú đã giữ một vai trò vượt quá khả năng của ông ta rất nhiều.

Người ta cũng nên làm như vậy khi kết luận về Thiệu, Khiêm và Viên nhắm mắt ra lệnh rút vô trách nhiệm trong ngày 14/3/1975, những kẻ ấy cũng lại đã giữ một vai trò vượt quá khả năng của mình rất nhiều”.

(Còn tiếp)

Đọc thêm