Cứu trợ người dân vùng lũ: Người làm thiện nguyện, kẻ trục lợi bất chính

(PLVN) -  Những ngày này, rất nhiều đoàn từ thiện từ các nơi đang đổ về miền Trung. Tấm lòng của những người thiện nguyện rất đáng ghi nhận. Nhưng phía sau những hành động đẹp vẫn có những nỗi niềm khó tả.
Các đoàn từ thiện từ xa đến phải thuê thuyền để tiếp cận người dân.
Các đoàn từ thiện từ xa đến phải thuê thuyền để tiếp cận người dân.

Đừng “liều mình” đi cứu trợ

Hàng ngàn chuyến xe chở lương thực, thực phẩm hướng về miền Trung. Cũng hàng ngàn cá nhân kêu gọi quyên góp, ủng hộ, và vô số người tổ chức những chuyến cứu trợ lớn nhỏ ra vùng bão lũ. Có thể ghi nhận được tinh thần tương thân tương ái của đồng bào lên cao hơn cả nước lũ. Tuy nhiên, bên cạnh lòng nhiệt thành và tinh thần nhân ái, cũng có những vấn đề cần cân nhắc. Đầu tiên là vấn đề an toàn cho người đi cứu hộ. 

Thời điểm lũ đạt đỉnh cao, trước tiếng kêu cứu của đồng bào, hàng đoàn, hàng đoàn cứu hộ đã đổ về “khúc ruột” miền Trung. Trong đó, có những đoàn được tổ chức bài bản, chỉn chu, chuẩn bị kĩ lưỡng. Nhưng không thể phủ nhận, cũng có những đoàn đi với tâm thế “đi chơi”, “đi cho biết”, không lường trước được những nguy hiểm có thể xảy đến.

Trong đỉnh điểm nước lũ, có không ít thông tin về tai nạn xảy ra cho những người đi cứu trợ. Một cụ ông đã rơi xuống nước mất tích khi đi cứu trợ cùng con trai. Một số đoàn xe chở người cùng vật phẩm cứu trợ bị nước cuốn trôi khi đang chạy trên đường khiến các chiến sĩ phải trắng đêm cứu nạn. Nhiều đoàn đi “chết hụt” vì núi sập, vì sạt lở đất.

Nhiều đoạn clip quay lại cảnh “chết hụt” của người cứu trợ khiến người xem phải rùng mình: Xe ô tô của đoàn cứu trợ bị núi lở cuốn xuống vực, rất may không có thiệt hại về người; đoàn cứu trợ không mang đồ bảo hộ, bị lật thuyền khiến đội cứu hộ và người dân phải nhảy xuống cứu; thuyền cứu hộ nhỏ, không quen thuộc địa hình nhưng vẫn tìm cách tiếp cận nhà dân, đi vào vùng nước xiết, để rồi vỡ thuyền, súy chết…

Cạnh đó, hiện nay, thông tin tại một số khu vực lũ lụt cho thấy, có những đoàn từ thiện cùng xe hàng ra đến nơi thì “bơ vơ” vì không biết đường biết lối, không có người đưa vào những vùng nước lũ. Rồi thiếu phương tiện phù hợp, cũng không thể tiếp cận được với những vùng sâu, vùng người dân bị chia cắt.

Thế nên, nhiều đoàn đánh tập trung tại các khu vực gần đường lớn, dễ tiếp cận để cứu trợ. Từ đó cũng dẫn đến tình hình có những vùng đoàn cứu trợ tiếp cận nhiều, giúp đỡ nhiều đến mức dư dả thực phẩm. Ngược lại, một số vùng sâu bị chia cắt, người dân vẫn lên tiếng kêu cứu thông qua điện thoại, mạng xã hội. Có trường hợp đau ốm, đói mấy ngày trời không tiếp cận được đoàn cứu hộ.

Ấy là còn chưa kể đến một khía cạnh không mấy đẹp của câu chuyện cứu trợ, đó là “từ thiện theo phong trào”. Mới đây, một hot girl có tiếng trên mạng xã hội đã bị dư luận chỉ trích là chỉ đi đến những vùng rìa, ven nơi có lũ, những nơi dễ đi. Và trong suốt hành trình, cô gái trẻ say sưa với những bức ảnh tự sướng đăng tải lên mạng xã hội.

Những bức ảnh ấy sử dụng phần mềm làm đẹp quá đà, đến mức những ông, bà cụ đến nhận quá cũng đâm ra “mặt hoa da phấn”. Có đoàn cứu trợ khác thì đến nơi, giữa vùng nước lũ mênh mông, quên cả phát đồ cho người dân, chỉ lo tụm năm tụm bảy chụp ảnh đăng Facebook, vì “lần đầu thấy lũ lớn như thế”.

Hiện nay, các đoàn cứu trợ tự phát khá nhiều. Có đoàn các bạn trẻ chỉ vài người, trang bị sơ sài cũng tiến về miền Trung. Đành rằng tấm lòng là quý, nhưng việc cứu trợ trong thời điểm mưa lũ, nếu thiếu kinh nghiệm, thiếu kế hoạch chu toàn rất dễ dẫn đến những hậu quảđáng tiếc.

Nếu được, có lẽ nên có sự cân nhắc, dồn sức cho những đoàn đã có kinh nghiệm lâu năm về hoạt động cứu trợ, có mối quan hệ chặt chẽ với người dân và địa phương để nắm sâu sát tình hình nhất. Và nếu được, có lẽ cũng cần có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để được hướng dẫn, phân bổ hàng hóa hợp lý đồng thời đảm bảo sự an toàn cho bản thân.

Khi lòng nhân ái đặt sai chỗ

Cạnh câu chuyện cứu trợ theo phong trào, cứu trợ liều lĩnh, thì đằng sau bức tranh đẹp về tình người, vẫn còn cả những mảng màu loang lổ, xấu xí. Đó chính là những kẻ lợi dụng bão lũ để trục lợi, làm giàu trên nỗi khổ của đồng bào.

Cách đây mấy ngày, một quán ăn tên Thu Huế ở Hà Tĩnh đã bị cơ quan quản lý thị trường phạt sau khi “chặt chém” một đoàn cứu trợ. Cụ thể, đoàn từ thiện về đến Hà Tĩnh để giúp người dân vũng lũ, có ghé quán này để ăn sáng. Khi thanh toán tiền, đoàn từ thiện phát hiện quán ăn đã tăng giá gấp đôi, sau đó hạ xuống gấp rưỡi so với bát bún bình thường.

Một đoàn từ thiện “tố” bị nhà hàng này "chặt chém".
 Một đoàn từ thiện “tố” bị nhà hàng này "chặt chém". 

Bức xúc, các thành viên của đoàn đã lên mạng tố sự việc trên. Hành vi của chủ quán này đã khiến dư luận cực kì bức xúc. Trong khi người dân đang chung tay hướng về đồng bào lũ lụt, không quản vất vả, hiểm nguy, không sợ tốn tiền bạc. Thậm chí, có những nhà hàng, quán ăn miễn phí cho đoàn cứu trợ, những hãng vẫn tải nhận vận chuyển không đồng thì có những quán ăn vẫn mang thói quen trục lợi bất chính như thế.

Ngay giữa tâm lũ, một lực lượng khiến công tác cứu trợ thêm phần phức tạp, đó là những “cò từ thiện”. Sự việc này đầu tiên được ca sĩ Thủy Tiên “bóc phốt” trên trang cá nhân của cô. Khi Thủy Tiên đang trên hành trình cứu trợ, một phụ nữ đã nhắn tin vào Facebook kêu cứu. Sau đó, người phụ nữ này tiếp cận Thủy Tiên nhờ giúp đỡ một gia đình khó khăn trong vùng lũ.

Sau khi đoàn từ thiện xác minh hoàn cảnh đã gửi tiền ủng hộ, rồi nhóm của Thủy Tiên phát hiện người này quay lại “ăn chặn” một phần số tiền từ thiện nói trên với cớ là “trả công”. Tương tự, một số người dân vùng lũ phản ánh chuyện lực lượng “cò” tiếp cận họ, đề nghị bắt tay hợp tác để xin tiền nhà hảo tâm, sau đó chia nhau theo phần trăm.

Chuyện trục lợi đoàn cứu trợ không chỉ ở những quán ăn bất lương. Nhiều đoàn từ thiện phản ánh, có chuyện “chặt chém” giá thuê đò, xuồng. Bởi nhiều đoàn đến vùng lũ mà không liên lạc trước với người địa phương, không nắm tình hình, khi đến nơi lạ nước lạ cái, bị những đội cho thuê thuyền thiếu lương tâm hét giá thuê cao ngất.

Một số đoàn cứu trợ vì đã lỡ mang hàng đến, mong mỏi đi hỗ trợ người dân nên đành tặc lưỡi chấp nhận giá trên trời. Nhưng có đoàn, vì tức giận, không đồng thuận nên phản ứng bằng cách ném tất cả hàng xuống nước, để “trôi tự do”, đến tay ai thì đến. Ấy là còn chưa kể đến phản ánh từ chính quyền một số nơi, nhà nào có thuyền thì liên tục bơi thuyền ra nhận hàng cứu trợ, về chất đầy nhà. Những nhà không có ghe thuyền đành ở yên một chỗ, chờ có đoàn nào ghé ngang, hoặc hàng xóm thương tình chia sớt.

Nhưng cũng có những hàng xóm nảy lòng tham, tích trữ hàng cứu trợ mà không chia cho bà con chung quanh, gây mất tình làng nghĩa xóm. Những cảnh tượng bát nháo ấy đã khiến người trông thấy phải xót xa, vì xuất phát từ lòng tốt, nhưng lại trở thành câu chuyện méo mó, đáng buồn. 

Những ngày gần đây, lại thêm những vấn đề mới phát lộ khi dòng nước lớn bắt đầu rút xuống. Lúc này, những đồ cứu trợ cấp kì đã gần như không còn phù hợp nữa. Mì gói, lương khô bắt đầu trở thành thực phẩm dư thừa, cho không ai nhận ở một số nơi.

Các hình ảnh được quay chụp ở một số khu vực cho thấy, người dân sau khi nhận bánh chưng, mì gói, lương khô đã vứt bỏ lại. Mới đây, một đoàn từ thiện đã chia sẻ cảnh tượng đáng buồn: Từng đoàn xe chở quần áo cũ, chăn màn đến gửi cho người dân, nhưng người dân chỉ lấy thực phẩm và tiền, còn hàng đống quần áo chăn màn bị vứt bỏ lại đầy hai bên đường.

Chủ nhân chuyến xe từ thiện kể, bản thân cùng bạn bè đã cùng xin, chọn lọc những quần áo, chăn màn còn rất mới, đẹp và giặt sạch sẽ thơm tho, thuê xe hết không ít tiền để vận chuyển ra nhưng kết quả thật đáng buồn. Vì thế, đoàn từ thiện đành thu gom lại, chở thẳng lên miền núi phía Bắc, nơi nhiều người dân rất cần cho mùa rét.

Có thể thấy, đằng sau câu chuyện đẹp về những hành động chung tay, góp sức vì đồng bào cũng có mặt trái, có lắm nỗi niềm. Nhưng cuộc sống luôn là như thế, bao giờ mặt tiêu cực cũng tồn tại bên cạnh điều tích cực. Tất cả những gì đã xảy ra luôn có lý do của nó. Từ đây, những con người hoạt động thiện nguyện sẽ có thêm những bài học kinh nghiệm, hoàn thiện thêm những kĩ năng trong hoạt động cứu trợ.

Và cho dù nhiều câu chuyện không hay đã xảy ra, thì cũng chỉ như là viên đá cản đường, là chướng ngại vật phải có. Không ai, không điều gì có thể ngăn những những bàn tay ấm, những tấm lòng vàng đến để nâng đỡ người hoạn nạn. Bởi người Việt luôn bao dung, giàu nghĩa nhân. 

Đọc thêm