Đá xanh, gỗ quý khiến rừng thiêng chảy 'máu'

(PLO) - Dòng người từ khắp nơi đổ về “băm nát” cánh rừng thiêng để tìm đá quý. Giấc mơ đá quý chưa lắng xuống thì vấn nạn “lâm tặc” lại hoành hành, giày xéo rừng xanh.
Trong những cánh rừng nguyên sinh, những thân gỗ lớn, dài trên dưới 20m bị đốn hạ
Trong những cánh rừng nguyên sinh, những thân gỗ lớn, dài trên dưới 20m bị đốn hạ

“Trẩy hội” đá xanh

Nói đến đá xanh, đá thạch anh… ở cánh rừng Xuân Lẹ đã nổi tiếng cách đây cả chục năm về trước, tình trạng khai thác đá xanh đã làm cho chính quyền huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) phải vất vả lắm mới có thể dẹp yên.

Thời điểm năm 2007, khắp các cánh rừng của xã nghèo Xuân Lẹ bỗng chốc trở nên huyên náo khi cơn lốc đá quý tràn qua. Cơn lốc đá quý diễn ra từ ngày này đến tháng nọ, hết năm này đến năm khác khiến cả cánh rừng đang tràn đầy nhựa sống bỗng trở nên tiêu điều đến lạ thường.   

Trước tình trạng “máu” rừng đang ngày đêm chảy, chính quyền huyện Thường Xuân đã ban hành văn bản chỉ đạo, phối hợp cùng các cơ quan chức năng tiến hành nhiều đợt truy quyét “đá tặc” một cách gắt gao nhằm trả lại sự bình yên vốn có của của rừng. Trước quyết tâm cao độ của lãnh đạo chính quyền huyện Thường Xuân, tình trạng khai thác đá quý nơi đây tạm lắng được một thời gian rồi lại bùng phát trở lại.

Bất chấp lực lượng chức năng ngăn cản, các đối tượng vẫn ngày đêm thi nhau “đục khoét”, săn tìm đá quý ở mọi cánh rừng trên địa bàn xã Xuân Lẹ. Với những người tham gia khai thác đá quý, các ký ức đau thương đã sớm lùi xa vào dĩ vãng, đơn giản với họ bây giờ là còn rừng còn hi vọng, còn đánh đổi.

Trong vai nhóm người đi tìm phong lan rừng, chúng tôi mất nửa ngày trời luồn lách khắp cánh rừng để ghi nhận tình trạng tàn phá rừng già săn đá quý. Khắp cánh rừng là những hố sâu thăm thẳm được đục khoét theo nhiều hình thù khác nhau, hố được đào theo phương thẳng đứng, hố đào hàm ếch…Tất cả đều được thực hiện bằng phương pháp thủ công, thô sơ, đào đến đâu chuyển đất lên đến đấy, tuyệt nhiên không làm giàn giáo chống đỡ, vì thế việc sập hầm xảy ra như cơm bữa. Với những “đá tặc” nơi đây, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong tích tắc.

Khu vực đồi Tỷ của thôn Liên Sơn, chúng tôi bắt gặp một nhóm người đang hì hục đào bới tìm đá quý. Thấy chúng tôi xuất hiện, một người đàn ông đứng tuổi ngưng tay rồi hỏi: “Các chú đi dao ở khu vực mô đó?”. Nhanh lời tôi đáp: “Bọn em đang tìm khu vực, mấy hôm nay tìm mãi chưa ra”. Người đàn hỏi tiếp: “Thợ mới hả?”. Tôi: “Vâng, bắt đầu làm quen với nghề này anh ơi”.

Sau một hồi bắt chuyện, phu đá Cầm Bá Thao (trú tại thôn Na Mén, xã Vạn Xuân, Thường Xuân) thật thà thuật lại vanh vách những câu chuyện “thâm cung bí sử” của nghề: “Làm cái nghề như anh em mình hên xui lắm, ông trời thương thì cho mà không thương thì chỉ trắng tay thôi. Đôi khi ăn dầm ở dề cả tháng, hì hục làm nhưng trắng tay vẫn cứ trắng tay, ấy vậy nhưng hên cái thì chỉ cần “chạm tay” vào đất cái là xuất hiện đá xanh, đá đỏ thì có ngay cả tỷ bạc chú à. Tất cả vì miếng cơm manh áo, hên thì có tí lộc, không hên có khi bỏ mạng nơi rừng sâu này”.

“Mỗi nhóm như này thường 4 đến 5 người, chủ yếu là anh em họ hàng với nhau. Các thành viên trong nhóm ai cũng phải có sức khỏe tốt để đáp ứng tính chất công việc nặng nhọc. Trước khi xuất phát, cả nhóm phải chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, thuốc men  trong vòng một tuần đến 10 ngày, có khi kéo dài nửa tháng”, anh Thao cho biết thêm.

Khu vực đồi Tỷ của xã Xuân Lẹ có thể nói là mỏ đá xanh lớn nhất của cánh rừng nơi đây. Vì vậy đồi Tỷ là nơi thu hút hàng trăm con người ngày đêm về đây xới tung từng centimet đất, lúc đấy cả cánh rừng trở nên huyên náo như một đại công trường. Có điều, lấy của rừng thì trả lại cho rừng bằng mạng nên mỗi khi có người bỏ mạng tại chốn rừng thiêng nước độc này cũng khiến các phu đá toát mồ hôi, rùng mình khi xuất hiện luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng. 

Phu đá Cầm Bá Thao (bên trái) trò chuyện cùng tôi
Phu đá  Cầm Bá Thao (bên trái) trò chuyện cùng tôi

“Lâm tặc” hoành hành

Suối làng Vèn thuộc thôn Liên Sơn, nơi cách trụ sở xã Xuân Lẹ vài km là nơi khởi điểm của tình trạng phá rừng. Đập vào mắt chúng tôi là những cây gỗ to, tròn đã được “lâm tặc” kéo về đây tập kết rồi đưa đi nơi khác tiêu thụ. 

Thống kê sơ bộ, đến thời điểm cuối năm 2015, việc khai thác đá quý trái phép tại xã Xuân Lẹ đã có đến 7 trường hợp tử vong, trong đó đau thương nhất là vụ sập hầm khiến 3 phu đá ở xã Vạn Xuân mất mạng vào tháng 12/2015.

Phát hiện ra nhưng cây gỗ lớn, xúc gỗ lớn được “lâm tặc” đưa về đây tập kết, chúng tôi tò mò tìm kiếm dọc hai bên bờ suối thì phát hiện thêm nhiều xúc gỗ lớn khác được kéo về đây giấu vào bờ suối ở những khu vực nước sâu. Một số tấm nằm lộ thiên trên mặt nước, nhiều tấm khác được ngụy trang khéo léo bằng cách phủ cỏ cây lên trên, nhìn thoáng qua rất khó nhận biết.

Những ngày này, Xuân Lẹ trời đổ mưa rả rích không ngớt, con đường độc đạo dẫn vào rừng nguyên sinh trở nên lầy lội, gập ghềnh, dốc cao thẳng đứng… Ngoài việc đánh vật với con đường gian khó chốn rừng sâu, chốc chốc chúng tôi lại phải nhìn xuống để kiểm tra lũ vắt rừng đang đói máu bu bám khắp chân.

Dường như những kiên trì băng rừng của chúng tôi cũng đã được đền đáp khi dấu vết tàn phá rừng ngày càng lộ rõ. Để dễ bề cho việc vận chuyển gỗ, “lâm tặc” đã cho đào chi chít các rãnh sâu ở khắp cánh rừng. “Lâm tặc” thường cột gỗ vào ách trâu để kéo ra suối, trong khi kéo, nếu gặp lực lượng chức năng, “lâm tặc” tháo gỗ rồi cả người và trâu chạy vào rừng. Vì vậy, có đến hơn 90% gỗ bị bắt trở thành gỗ vô chủ?

Theo ghi nhận của chúng tôi, rừng từ địa phận thác Trai Gái đến khu vực thác Xà Pạc, địa điểm giáp ranh với xã Thông Thụ (Quế Phong, Nghệ An) có dấu hiệu của việc khai thác. Thủ đoạn khai thác rừng của “lâm tặc” hiện nay cũng rất tinh vi, xảo quyệt, nếu như trước đây chúng ồ ạt khai thác thì bây giờ chúng chuyển sang khai thác ở nhiều điểm lẻ tẻ. Khi đốn hạ cây xong, chúng để đó rồi rút ra ngoài nghe ngóng tình hình, nếu im ắng chúng tiếp tục vào lấy gỗ.

Trong quá trình ghi nhận thực tế, chúng tôi phát hiện nhiều thân cây lớn, nhỏ đủ mọi kích cỡ bị đốn hạ. Hàng loạt cây khai thác từ lâu đã xuất hiện dấu hiệu mục nát, ngược lại có những cây kích thước một vòng tay người ôm không xuể, dài trên dưới hai chục mét vẫn nằm chỏng chơ giữa chốn rừng già.

Ngay tại sân trụ sở UBND xã Xuân Lẹ, lực lượng chức năng cũng mới bắt giữ được 12 tấm gỗ, với khối lượng 1,3m3 . Theo như lãnh đạo xã cho biết,  toàn bộ số gỗ này là gỗ tạp, giá trị kinh tế không cao.

Chính quyền nói không có nạn khai thác đá, phá rừng?

Trao đổi với chúng tôi về tình hình an ninh rừng trên địa bàn, ông Hoàng Trọng Lưu - Chủ tịch UBND xã Xuân Lẹ khẳng định chắc nịch: “Triển khai công tác quản lý bảo vệ rừng, đầu năm 2017 địa phương đã thành lập một tổ chốt tiến hành kiểm tra, rà soát hàng ngày, cuối tuần đều tổng hợp, báo cáo chi tiết. Hiện nay trên địa bàn không có điểm nóng về rừng, nhân dân sinh hoạt, canh tác sản xuất ổn định”.

Ngoài ra ông Lưu cũng cho biết, năm 2015 có xảy ra tình trạng khai thác rừng trái phép. Tuy nhiên, sau khi rừng được giao khoán cho nhân dân bảo vệ thì tình trạng này được khắc phục triệt để. Còn tình trạng khai thác đá quý, ở đây thì không chỉ có dân bản địa mà nhiều người dân khác ở các nơi như: xã Vạn Xuân (Thường Xuân), Bái Thượng (Thọ Xuân), huyện Như Xuân, tỉnh Nghệ An cũng tham gia, tuy nhiên việc này cơ bản đã hoàn toàn chấm dứt từ năm 2014.

Tuy nhiên, khi chúng tôi cung cấp hình ảnh, video ghi lại thực tế tại khu vực rừng Xuân Lẹ thì ông Lưu mới lúng túng nói: “Tất nhiên vẫn còn xảy ra, nhưng tình hình đã có nhiều chuyển biển”. Cách trả lời của vị lãnh đạo xã Xuân Lẹ dường như câu sau đá câu trước, không thuyết phục.

Cũng tại thời điểm nói trên, trong khuôn viên trụ sở Ủy ban có rất nhiều tấm gỗ xẻ vuông vắn được đặt chồng lên nhau. Ban đầu, ông Lưu cho rằng tất cả là gỗ tạp, không có nhiều giá trị được dùng để gia cố lại cơ sở hạ tầng làm việc. Thế nhưng, khi chúng tôi đưa ra những lập luận xác đáng, vị Chủ tịch xã lại lập tức chống chế: “Đây là gỗ vô chủ do các đối tượng “lâm tặc” bỏ lại, gồm tổng cộng 12 tấm, trong đó có 2 tấm gỗ sến, 3 tấm gỗ táu”.

Trao đổi với ông Phạm Thăng Long - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thường Xuân, ông cho biết: “Tôi mới về nhận công tác từ ngày 4/4. Về tình trạng khai thác đá quý và gỗ tại khu vực rừng xã Xuân Lẹ chúng tôi đang cho người kiểm tra. Hiện một đồng chí Hạt phó cũng được tôi phân công xuống đây để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng”. “Đúng là khu vực rừng tại xã Xuân Lẹ cũng đang có những dấu hiệu chưa ổn định”, ông Long nói. 

Đọc thêm