“Đại gia” miệt vườn thời phong kiến: Ai giàu ba họ, ai khó ba đời

(PLO) - Các nhà giàu thời phong kiến ở Nam Kỳ không phải là một giai cấp đặc biệt trong xã hội với những đặc quyền đặc lợi như xã hội phong kiến bên Ấn Độ hay giai cấp quý tộc bên Âu châu. Họ không có đặc quyền cha truyền con nối. Hễ ai siêng năng làm lụng gặp cơ hội phát tài, trở thành nhà giàu, hưởng cuộc sống sung sướng, được người đời trọng đãi. Trái lại có những nhà giàu, tới thế hệ con cái chỉ biết ăn xài đến phá sản, rồi con cháu không còn cục đất chọi chim. Đó cũng là chuyện thường. 
Ngôi nhà của một đại điền chủ
Ngôi nhà của một đại điền chủ

1. Trước tiên nói về chuyện nhà cửa của “đại gia” xưa. Ở Bến Tre, còn có giai thoại về nhà của các đại điền chủ Hương Liêm (Huỳnh Ngọc Khiêm), Phủ Kiểng (Nguyễn Duy Hình), Phó Hoài tức Hội đồng Hoài… 

Nhà của ông Hương Liêm cất kiểu xưa, cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, đồ sộ, kiến trúc gần giống ngôi đình, có bốn mái. Nhà có bốn cây cột bằng căm xe, lên nước bóng ngời, một người ôm không xuể… Xuyến, trình, kèo và ngay cả nóc nhà đều chạm trổ tinh vi. Trong nhà, bàn tủ, trường kỷ, ghế ngồi đều chạm khắc theo điển tích xưa, cẩn xà cừ. 

Các thợ chạm rước từ miền Trung. Theo các cụ ở Mỏ Cày kể lại, khi khởi công làm nhà, ăn bưởi cúng khai trương, rồi liệng hột ra trước sân. Làm xong nhà, cây bưởi cũng bắt đầu có trái (khoảng năm năm). 

Tuy sống trong cảnh giàu sang, nhưng ai cũng nghĩ đến ngày chết. Họ cũng bỏ ra một số tiền lớn để xây nhà mồ dành riêng cho mình. Những chỗ đất ấy, được các “thầy” địa lý chọn lựa rất kỹ, hy vọng con cháu đời đời hưởng giàu sang phú quý. Gia đình ông Hương Liêm xây nhà mồ bằng đá xanh Biên Hoà, diện tích rộng 3000m2. Gia đình Phủ Kiểng xây nhà mồ bằng đá cẩm thạch mua từ núi Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng. 

Dàn xe hơi của các đại điền chủ tại Vĩnh Long đầu thế kỷ 20
Dàn xe hơi của các đại điền chủ tại Vĩnh Long đầu thế kỷ 20

Ở làng Thạnh Thói, quận Mỏ Cày, có ngôi mộ của ông Hàm Vàng (Nguyễn Tắc Vạn) cũng quy mô tương tợ. Xung quanh ngôi mộ có tường thành, có cổng sắt. Ngay chính giữa là mộ hai vợ chồng. Các mộ phía sau là hàng con, rồi cháu, chắt. Trong nhà mồ có mấy chục bức tượng đắp nổi, trong đó có tượng của chính ông, lớn bằng người thật, tạc từ lúc ông còn sinh tiền.

Nhà của ông chủ Trần Đắc Lý, con bà Hương Chanh, được cụ Vương Hồng Sển kể lại như sau: “Nhà chủ Lý, một ngôi nhà có ba căn, lẫm lúa, cội núi dăng dăng. Lý là tay hào hiệp, coi tiền như đất. Không đẹp mà khoái nhứt là cơ ngơi của Trần Kế Vĩnh (em chủ Lý), người đời thường gọi “Cậu Hai Vênh”. Nhà ở là một nhà lâu của ông bà để lại, thấp, xưa mà kiên cố. Vách tường dài ba lớp gạch (tường ba mươi), bọc thêm bên trong một lớp hàng rào sắt ba phân tròn, không sợ giặc cướp. Nhà cất nối dài cho gia nhân…”.

2. Thời nào cũng có những “trò chơi”. Cờ bạc là một thú vui mà khi đam mê, trở thành nỗi bất hạnh lớn cho gia đình. Các ông nhà giàu cũng không thoát khỏi cái vòng “tứ đổ tường”. 

Cậu Hai Miêng (Huỳnh Công Miêng, con Lãnh binh Huỳnh Công Tấn) là người nổi tiếng cờ bạc và hào phóng từ hồi những năm cuối thế kỷ 19. Nghe người cố cựu đất Gò Công kể lại “đương thời, cậu Hai Miêng thích hốt me và đá gà. Mỗi lần đi hốt me, cậu giành cầm chén (làm cái), có gia nhân theo vác từng bao tiền giấy và tiền kim loại”. 

Ông Hội đồng Trần Trinh Trạch, người giàu bậc nhứt ở miền Tây, thỉnh thoảng lên Sài Gòn cũng đến các sòng bạc Bảy Phương, Sáu Ngọ để chơi, nhưng chỉ chơi ở các sòng lịch sự, dành riêng cho giới quý tộc. Tuy vậy, ông Hội đồng Trạch chỉ thích “đánh bài theo kiểu cò con”, chớ không giỡn tiền, ngắt từng xấp bạc đặt xuống chiếu bài như các con của ông. Mỗi khi thấy ông Trạch tới sòng bài nào, tự động các con ông nhường chỗ.

Một cuộc đua thuyền
 Một cuộc đua thuyền

Trong các thú vui ở miền Nam thời trước thì đá gà là môn rất phổ thông. Nhiều gia đình mê đá gà đến chỗ tán gia bại sản. Hồi trước, khắp Nam Kỳ, chỗ nào cũng chơi đá gà, mặc dầu có lệnh của hội bảo vệ gia súc Pháp cấm. Tại Rạch Gầm, chợ giữa Mỹ Tho, có trường gà của ông Chủ Trước, nổi tiếng là nơi quy tụ của các nhà giàu vùng Tiền Giang.

Trường gà thầy Tường ở dầu kinh xàng Xà No, gần Cái Răng, trường gà Hội đồng Điếu Bạc Liêu là nơi quy tụ các đại điền chủ, các quan phủ, huyện, công tử… khắp Hậu Giang.

Nếu kể các tay chơi đá gà nổi tiếng thời đó, cụ Vương Hồng Sển từng nhắc: Ở Sóc Trăng có ông chủ On, tên thật là Trần On, làm hương chủ làng Nhâm Lăng, công tử con quan. Bao nhiêu đất cát châu thành Khánh Hưng đều là của tổ phụ ông chủ On để lại. Chủ On là người mê chơi đá gà khét tiếng. Mỗi lần cá độ phải ăn thua bạc ngàn trở lên (trên dưới 1000 giạ lúa).

Ở quận Kế Sách, có ông Hàm Cang (Trần Như Cang) cũng là một tay chơi đá gà có hạng, ăn thua bạc ngàn. Con ông Cang là công tử Ba Oai cũng kế nghiệp cha, trường gà nào cũng thường hay có mặt.

3. Tại Tân An, có anh em ông Hội đồng Vận và ông Cai Nguyên, cũng là những nhà giàu lớn. Các ông vừa chơi đá gà, đua thuyền, và đánh cờ tướng.

Hồi trước, cách nay gần thế kỷ, tại Tân An có hai trường gà nổi tiếng: Trường gà ông Hội đồng Vận và trường gà Tám Kiểng, thợ bạc.

Trường gà Hội đồng Vận là nơi quy tụ các nhà giàu, các ông phủ, huyện, ông phán, thơ ký, các thầy cai, đội trong tỉnh. Còn trường gà Tám Kiểng là chỗ dành cho giới lao động bình dân, ai tới chơi cũng được.

Vào những dịp lễ lớn như Chánh Chung (lễ Độc lập Pháp 14/7) ở Tân An, cũng như nhiều tỉnh tại Nam Kỳ, đều có tổ chức các cuộc vui chơi cho dân chúng, trong đó, tại Tân An có đua ghe. Hai anh em Hội đồng Vận (em) và Cai Nguyên là những Mạnh Thường Quân bỏ tiền sắm ghe, chọn các lực điền tập dượt.

Mỗi chiếc ghe đua thường có 24 người ngồi bơi. Hồi đó, những cuộc đua ghe này, ông Cai Nguyên thường làm thủ quân, đứng trên ghe, cầm cặp sanh. Mỗi lần ông gõ nhịp “cắc” thì mỗi bên có 24 cây dầm cắm xuống nước nghe “pháp”, tạo thành một âm điệu “cắc, pháp” liên tiếp trong khi các chiếc ghe đua lướt sóng liến về phía trước.

Mỗi lần, đua ghe trên sông Tân An, khi tới cầu quây thì trở lại điểm khởi hành trước dinh Tỉnh trưởng bây giờ. Mỗi lần tới cầu quây, quẹo gắt, nhiều ghe đua lật úp, các tay bơi đều nhảy xuống sông, lội vô bờ. Khán giả được dịp cười bể bụng. Ông Cai Nguyên và ông Chủ quận châu thành luân phiên chiếm giải nhứt hàng năm.

Vẫn về  ăn chơi sát phạt, có một giai thoại về chơi cờ tướng mà người Tân An còn lưu truyền: “Trong một trận đánh cờ tướng ăn thua 50 đồng mỗi bàn, bằng giá một lượng vàng năm đó (1930), giữa ông Bang Bỉnh (Tạ Bỉnh), chủ tiệm thuốc Bắc và ông Cai Nguyên. Lần đó, hai ông tranh tài cao thấp từ 10h sáng đến chiều mà chưa phân thắng bại.

Ngôi mộ của một người giàu tại Cầu Ngang (Trà Vinh)
Ngôi mộ của một người giàu tại Cầu Ngang (Trà Vinh)

Những người bên ngoài thường sáng nước hơn người trong cuộc, do đó luật ngầm cấm người ngoài không được chỉ chọc mách nước. Bỗng nhiên ông Bang Bỉnh chiếu tướng và tới phiên ông Cai Nguyên lúng túng, bối rối, chưa tìm được cách đối phó. Lúc đó, tình cờ ông Hội đồng Vận đi chợ, định ghé thăm ông Bang Bỉnh. Thấy nước cờ của anh mình là ông Cai Nguyên lâm nguy. Ông Vận bỏ đi ra ngoài. Vài phút sau, ông sai đứa ở trở lại nói với ông Cai:

- Bẩm ông Cai, thầy Hội đồng biểu vô thưa với ông Cai “con ngựa kim của ông sút chuồng chạy đâu mất. Mấy đứa ở của ông tản ra đi kiếm nhưng không gặp.

Ông Cai Nguyên tự hỏi: “Mình đâu có con ngựa kim nào?”. Nhìn vào bàn cờ, thấy con “mã” màu đỏ của ông có nước chiếu tướng đối phương, thì ông Cai gật gù, nói:

- Để một lát tao về rồi tính?

Tức thì ông đem con “mã” chiếu lại đối phương. Ông Bang Bỉnh đưa xe về chống đỡ. Kết cuộc, ông Cai Nguyên thắng ông Bang Bỉnh nhờ ông Hội đồng Vận khéo nhắc.

Đọc thêm