Đảm bảo quyền của trẻ em có mái ấm gia đình thay thế

(PLO) - Qua gần 7 năm thực hiện Luật Nuôi con nuôi năm 2010 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011) và gần 6 năm thực hiện Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế, công tác giải quyết việc nuôi con nuôi đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, cũng còn một số vướng mắc thực tiễn và pháp lý cần xử lý để đảm bảo quyền của trẻ em có mái ấm gia đình thay thế.
Đảm bảo quyền của trẻ em có mái ấm gia đình thay thế

Hạn chế số lượng nhưng tăng về chất lượng

Theo thống kê từ đầu năm 2011 đến hết tháng 6/2017, các cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết 2.102 trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Công tác giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài nhìn chung được thực hiện đúng quy định pháp luật, có sự gắn kết với nghiệp vụ công tác xã hội trong quá trình giải quyết nuôi con nuôi. Mặc dù số lượng các trường hợp giải quyết nuôi con nuôi quốc tế sụt giảm mạnh so với giai đoạn trước khi có Luật nhưng việc giải quyết nuôi con nuôi lại có chuyển hướng tích cực về chất lượng và mang tính chuyên nghiệp hơn, bảo đảm tuân thủ Luật Nuôi con nuôi và Nghị định số 19/2011/NĐ-CP, tuân thủ nguyên tắc, trình tự, thủ tục của Công ước La Hay. 

Nhưng số liệu giải quyết nuôi con nuôi trên cả nước không chỉ cho thấy kết quả triển khai công tác nuôi con nuôi nước ngoài nói riêng còn rất hạn chế về số lượng mà còn chưa đồng đều, đặc biệt là chưa nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ phía các cơ quan có thẩm quyền của cấp tỉnh. Số lượng các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tham gia giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài năm 2011 là năm thấp nhất chỉ có 7 tỉnh/thành phố tham gia và năm 2015 là năm cao nhất có 19 tỉnh/thành phố tham gia, riêng năm 2016 là 26 địa phương. Việc chậm triển khai thi hành Luật và Nghị định 19 dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài và một số lượng lớn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở các cơ sở trợ giúp xã hội chưa/không tìm được gia đình thay thế ở trong nước và nước ngoài.

Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Nghị định 19 của Bộ Tư pháp nêu, trên toàn quốc có 80/408 cơ sở trợ giúp xã hội tham gia giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài, trong số đó có 55 cơ sở trợ giúp xã hội được UBND cấp tỉnh chỉ định giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng thừa nhận, việc còn một số lượng lớn các cơ sở trợ giúp xã hội chưa tham gia giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài ảnh hưởng tới quyền sống trong môi trường gia đình của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Đáng chú ý, trong số 55 cơ sở được chỉ định, 20 cơ sở nuôi dưỡng chưa hề giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài. Ngoài ra, một số cơ quan có thẩm quyền chưa thực sự đôn đốc sát sao việc thi hành Luật ở địa phương cũng góp phần làm cho nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt không được quan tâm tìm gia đình thay thế trong nước và nước ngoài.

Đề xuất cho phép lấy ý kiến người giám hộ

Từ thực tiễn của cơ sở, Nữ tu Mary Nguyễn Thị Thanh Mai - Giám đốc Cơ sở bảo trợ xã hội mái ấm tình thương Lagi chia sẻ: Được sự hướng dẫn, chỉ đạo của Cục Con nuôi, Cục Bảo trợ xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận, cơ sở Lagi đã tiến hành lập danh sách, từng bước tiến hành tìm kiếm gia đình thay thế người nước ngoài cho trẻ theo đúng quy định Luật Nuôi con nuôi. Theo đó, có 5 trẻ từ 8 - 15 tuổi đủ điều kiện được làm con nuôi nước ngoài, có 1 trẻ 9 tuổi tìm xác minh nguồn gốc và lấy ý kiến mẹ ruột, nhưng mẹ ruột đã không đồng ý, xin nhận lại trẻ về nhà vì cho rằng cơ sở kết hợp với cơ quan nhà nước để hưởng một món tiền lợi nhuận lớn khi cho trẻ làm con nuôi nước ngoài. Cơ sở cũng lập danh sách 40 trẻ có nhu cầu tìm gia đình thay thế trong nước và nước ngoài theo diện đích danh quy định tại Điều 28 Luật Nuôi con nuôi và Điều 3 Nghị định 19.

Trong quá trình lập danh sách, bà Thanh Mai cho biết, trở ngại lớn nhất là tìm mẹ ruột để xác minh và lấy ý kiến. Mặc dù hơn 80% số trẻ tại cơ sở có nguồn gốc (có tên mẹ ruột trong giấy khai sinh) song đáng buồn là thực tế các bé cũng phải cam chịu số phận như các trẻ bị bỏ rơi vì chưa một lần được mẹ ruột hoặc thân nhân đến thăm viếng hoặc liên lạc qua điện thoại để hỏi thông tin. Vì vậy, bà Mai kiến nghị, về mặt pháp lý, có thể cho phép những trẻ từ 5 tuổi trở lên tại cơ sở đi làm con nuôi với việc lấy ý kiến của người giám hộ hợp pháp là Giám đốc của cơ sở, không cần lấy ý kiến mẹ ruột mà suốt 5 năm trời không một lần tìm lại hoặc liên lạc hỏi han về trẻ.

Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM nêu kinh nghiệm, Sở đã phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát đánh giá hoạt động của các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập. Cuối tháng 12/2015, Sở tham mưu cho thành phố chỉ định 2 cơ sở ngoài công lập tham gia giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài. Từ năm 2017 đề xuất thêm một số cơ sở tham gia giải quyết và định hướng sẽ tiếp tục mở rộng. Việc mở rộng cơ sở ngoài công lập là phù hợp với chủ trương của Nhà nước thúc đẩy xã hội hóa công tác bảo trợ xã hội, thể hiện sự bình đẳng của các tổ chức khi tham gia hoạt động được Nhà nước cho phép và trên hết là đảm bảo quyền của trẻ em có mái ấm gia đình thay thế. 

Đọc thêm