Đám cưới 2 năm... đợi chú rể

(PLO) - Câu chuyện nhỏ của ông Đàm Xuân Lễ (sinh năm 1953, xã Quảng Châu, Quảng Trạch, Quảng Bình), một người lính trên trận địa Trường Sơn khiến lòng người xúc động vô cùng. Giữa bom đạn, giữa rừng sâu, vực thẳm, nơi tưởng chừng như sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc nhưng người lính Cụ Hồ đã có những kỷ niệm thật khó quên.
Ông Đàm Xuân Lễ bên vợ mình.
Ông Đàm Xuân Lễ bên vợ mình.

Vượt qua thương tích để quyết ra chiến trường

Sinh ra trong một gia đình đông anh em, cha mẹ lại già yếu, đến năm 19 tuổi người trai trẻ xin nhập ngũ với ước mong được cầm súng đi đầu trong các chiến dịch Nam tiến. “Thời ấy cứ được đi được cầm súng chiến đấu vì Tổ quốc là sướng rồi, trong khi ai ai cũng đi cả, mình ngồi yên sao được chứ trong bụng nóng ran lên vậy. Ấy vậy là chia tay gia đình, người yêu ra trận thôi” - ông Đàm Xuân Lễ kể lại.

Nhập ngũ, mặc áo lính, tham gia huấn luyện vỏn vẹn được 1 tháng thì lại gặp nạn trong khi vận chuyển đạn cối 60 ly, từ đồi Mỹ Cương về đến khu vực cầu 4, đường 15, Cộn thì gặp máy bay B52 trút bom. Bị bom vùi, ông Lễ bất tỉnh. Sau khi đưa về điều trị tại trạm xá, ông bị chấn thương màng phổi, chấn thương phía trái cột sống, mảnh bom cắt gót chân trái…

“Trong quá trình nằm điều trị, mình lo lắm bởi vì gia đình có 7 anh, em, giờ mình mới nhập ngũ được một tháng mà phải trở về thì biết trả lời gia đình bố, mẹ làng xóm ra sao đây? Trong thời loạn, trong bom ngoài đạn vết thương mình thì có nhằm nhò gì chứ! Thức trắng một đêm với những ý nghĩ ấy, vậy là hôm sau mình quyết định xin ra viện trở về đơn vị để tiếp tục phục vụ chiến đấu, dù biết vết thương vẫn chưa hồi phục. Những ngày đầu tiên, lồng ngực khó thở, trái gió trở trời lại ho khan, nhưng với quyết tâm không thể gục ngã, mình gắng sức thở nén để tiếp tục, thế là cứ vừa huấn luyện, làm đường vừa tập thể dục, sáng nào mình cũng hít đất, tập tạ …” - ông Đàm Xuân Lễ nhớ lại.

Tích cực rèn luyện thân thể vượt qua bệnh tật để phục vụ sứ mệnh giải phóng đất nước theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dần dần ông Lễ đã vượt lên trên chính mình, sức khỏe dần bình phục. Ông hăng hái luyện tập, lao động để một ngày được cầm súng chiến đấu cùng các đồng đội giáp mặt với kẻ địch. Vết thương thuở ban đầu của người lính đã làm cho tinh thần người lính trẻ sắt đá hơn, sẵn sàng hoàn thành các nhiệm vụ tiếp theo trong quân ngũ.

Đám cưới không chú rể

Bên cạnh gia đình, ông Lễ còn gửi lại quê nhà một mối tình son sắt, ước hẹn đến khi đất nước trở lại hòa bình thì sẽ “kết tóc se duyên” cho đến “đầu bạc răng long”. Khi được chúng tôi hỏi chuyện, bà Đàm Thị Liễu, sinh năm 1957, vợ ông Lễ vẫn còn ngượng ngùng: “Thì có yêu ông ấy tui mới chờ đợi ông chứ sao, thời bom đạn đành vậy chứ biết làm sao được, có người yêu ra trận sống, chết trong gang tấc chẳng biết ngày mai ra sao. Lúc ấy còn trẻ lắm, mình cũng chẳng suy nghĩ được nhiều, cứ yêu hứa chờ là sẽ chờ thôi. Khi nghe tin ông ấy bị thương, ruột gan như xát muối, mong sao ông ấy về đây được là mình mừng lắm”.

Cuối năm 1974, khi đơn vị chuyển sang đóng quân tại xã Thạch Hóa, Quảng Trạch, gần nhà nên ông Lễ được ghé qua ăn Tết cùng gia đình. Thấy vậy, gia đình hai bên dự định ăn Tết xong sẽ tổ chức đám cưới. Nếp đã ngâm, gà, heo đã nhốt sẵn chỉ chờ đến ngày cưới nhưng lúc này đơn vị ông phải nhận nhiệm vụ mới, rất cấp bách.

“Nhưng đã chọn ngày cưới rồi, nếp ngâm, gà cột rồi thì hoãn lại sao được nữa, vậy là đám cưới vẫn tiếp tục diễn ra, lễ cưới không có chú rể. Đến khi đưa dâu, bên nhà gái nói không có chú rể thì không cho rước dâu về nên đám cưới dừng lại ở đó đợi chú rể” - ông Lễ kể lại.

Sau khi vào chiến trường, đến năm 1976, trong một lần được về phép, chàng rể Đàm Xuân Lễ mới qua nhà gái rước cô dâu về. Vậy là đám cưới đặc biệt này dài gần 2 năm trời, nếu tính cho đúng thủ tục của một đám cưới đúng nghĩa. “Đúng rồi đó, ông ấy cuối năm trước đến cuối năm sau mới đến rước dâu về thì hai năm là đúng chứ sao. Cho đến bây giờ, mỗi khi kể lại cho cháu, chắt nghe chúng nó không tin nổi ông, bà nó ngày xưa lại cách trở đến như vậy” - bà Liễu tâm sự.

Cho đến bây giờ, ở tuổi 63 nhưng cựu binh Đàm Xuân Lễ vẫn tiếp tục vào Nam làm thuê kiếm sống. Dù dáng vóc cứng rắn của người bộ đội năm nào vẫn chưa phai nhạt, nhưng di chứng từ các vết thương năm nào vẫn còn hành hạ, mỗi khi trái gió trở trời người lính vẫn ôm ngực thở dốc.

“Mấy năm nay cũng gắng làm hồ sơ để xin được chế độ cho ông ấy nhưng đành chịu thôi! Xã thì kêu lên, kêu xuổng rồi cuối cùng vẫn chỉ ôm đống giấy này về, họ nói là thiếu kết luận từ bệnh viện, nhưng khổ nổi trong thời buổi ấy thì ai giữ. Nhà chẳng có tiền mà chạy vạy đưa đi xét nghiệm lại nên đành an phận thôi”, bà Liễu cho biết.

Đọc thêm