Đám cưới của tử tù được Chủ tịch nước tha tội chết

(PLO) -Trong ngày trọng đại của cuộc đời mình, đứng cạnh các cán bộ quản giáo cũ, bạn tù, người từng là tử tù nghẹn ngào: “Nhờ sự chỉ bảo, động viên ngày trong tù mà hôm nay tôi mới có cơ hội đứng ở đây. Tôi hứa sẽ nhặt từng hạt thóc để chăm sóc gia đình mới. Tôi hứa sẽ đem lại sự bình yên cho vợ và niềm tin cho bố mẹ”.
“Người tù thế kỷ” và vợ
“Người tù thế kỷ” và vợ

Sáng ngày 17/3 vừa qua, dù trời đổ mưa tầm tã nhưng nhiều người từ khắp nơi đã có mặt tại xã Mỹ Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) để tham dự đám cưới đặc biệt. Đó là đám cưới của anh Đặng Văn Thế (43 tuổi), hay còn gọi là Thế Xiềng, người được xem là “tử tù thế kỷ”, tử tù bị “lãng quên”.

Đây là đám cưới đặc biệt vì ngoài sự có mặt của người thân, hai bên họ hàng, bà con chòm xóm, đại diện chính quyền địa phương còn có sự hiện diện của các cán bộ quản giáo của nhiều trại giam. Chưa hết, tại hôn lễ còn có sự tham dự của bạn tù chú rể. Cuộc hội ngộ đặc biệt khiến đôi vợ chồng trẻ rưng rưng, cảm động.

Đặng Văn Thế từng được xem là tử tù thế kỷ bởi anh trải qua quá trình tù tội rất hy hữu. Từ mức án tử hình đếm từng ngày ra pháp trường, Thế bị cơ quan chức năng “lãng quên” thi hành án. Sau đó, Thế được nhận sự khoan hồng của pháp luật, hạ xuống tù chung thân, sau đó là án có thời hạn và được ra tù.

11 năm 10 tháng chờ xử bắn

Năm 1997, khi đang vận chuyển 20 kg ma túy thuê với giá 2 triệu đồng, Thế và một người bạn đi cùng tên Nguyễn Tất Dũng bị cơ quan chức năng bắt giữ tại địa phận huyện Tương Dương.

Một năm sau, TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt tử hình cả Thế và Dũng về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”. Năm 2000, Dũng bị đưa đi thi hành án, riêng với Thế do thành khẩn khai báo nên được cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An làm công văn xin hoãn thi hành án để tiếp tục điều tra mở rộng. 

Và cũng chẳng ai ngờ được cái sự hoãn ấy đã đưa Thế từ cõi chết trở về với cuộc sống tự do. Bởi những ngày tháng chờ đợi của Thế kéo dài suốt 11 năm 10 tháng. Tử tù đã trải qua 3 đời giám thị với 10 cán bộ quản giáo, ngôn ngữ mà sau này Thế dùng trong tự truyện “Lời sám hối của một tử tù” là “thấp thỏm chờ chết vắt qua hai thế kỷ với 4320 ngày đi tìm sự sống”. 

Cô dâu chú rể trao nhẫn trong ngày cưới
Cô dâu chú rể trao nhẫn trong ngày cưới 

Và điều kỳ diệu đã xảy ra. Ngày 23/6/2009, lần thứ hai trong đời, Đặng Văn Thế chính thức được khai sinh khi Chủ tịch nước ân xá từ tử hình xuống chung thân, nhờ có công lớn trong việc bóc gỡ đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia. Sau đó một tháng, Thế được chuyển đến Trại giam số 6 thụ án. 

Gần 7 năm thụ án tại đây, Thế không chỉ tu tâm cải tạo tốt mà trong các hoạt động phong trào, đặc biệt là các hội thi dành cho phạm nhân Thế luôn tham gia với vai trò người lĩnh xướng. Cũng chính bởi vậy, không ngạc nhiên khi năm nào Thế cũng có tên trong danh sách giảm án.

Đến tháng 6/2016, Thế chính thức được tự do, trở về đoàn tụ cùng gia đình. Chưa đầy 9 tháng sau ngày ra tù, Thế tiếp tục khiến mọi người bất ngờ khi tuyên bố đã tìm được một nửa của cuộc đời mình. Do vậy, đám cưới của Thế được rất nhiều người, đặc biệt là các cán bộ quản giáo quan tâm, đích thân đến chúc mừng.

Những cuộc hội ngộ cảm động

Đứng cạnh đôi vợ chồng trẻ, Thiếu tá Nguyễn Văn Quỳnh, cán bộ quản giáo trại giam số 6 cho hay: “Năm 1997, tôi gặp Thế ở trại giam, lúc đó với tư cách giữa người quản giáo và phạm nhân. Nhưng giờ đây, mối quan hệ của chúng tôi rất đặc biệt”.

Nghe vậy, anh Thế liền xin ngắt lời tâm sự: “Chính anh Quỳnh là người đầu tiên cưu mang, nâng đỡ trong khoảng thời gian tôi rơi xuống vực thẳm. Anh đã tác động rất lớn đến tư tưởng để tôi nuôi hy vọng. Trong quá trình tôi thụ án ở trại 6, anh Quỳnh là người đưa một phạm nhân chung thân lên làm đội trưởng. Nhưng sau đó lãnh đạo trại giam đã thông cảm, đã công nhận sự cải tạo tốt của tôi”.

Một người nữa mà anh Thế luôn biết ơn cũng có mặt tại đám cưới là Thượng tá Lê Văn Tài, Nguyên cán bộ quản giáo trại giam Nghi Kim (Công an tỉnh Nghệ An). Trong thời gian Thế bị giam ở đây, chính vị cán bộ này đã động viên tinh thần, làm công tác tư tưởng. Cán bộ Tài còn tặng cho Thế con mèo để nuôi cho khuây khỏa. Con mèo đó được tử tù đặt tên Mương.

Sau đó, Mương sinh được 3 mèo con được Thế đặt tên Xe, Pháo, Mã. Câu chuyện về tử tù tận tâm chăm sóc động vật đã gây cảm động trong cả trại. Và chính liều thuốc tinh thần ấy đã giúp người tử tù một thời ổn định tâm lý.

Vừa thấy người thầy một thời của cuộc đời mình, anh Thế liền chạy đến ôm chầm lấy và không quên lời cảm ơn. “Cảm ơn thầy đã nhớ đến con. Suốt cuộc đời này con mang ơn thầy”, Thế nghẹn ngào. Nghe vậy, thượng tá Tài liền động viên: “Thầy sẽ luôn theo dõi bước đời của con. Đừng làm mọi người thất vọng”.

Anh Thế vui mừng khi gặp lại các cán bộ quản giáo cũ
Anh Thế vui mừng khi gặp lại các cán bộ quản giáo cũ

Trong hàng trăm người tham dự hôn lễ đặc biệt còn có các bạn tù của chú rể. Họ là những người từng một thời lầm lỡ, chung “số phận” với anh Thế. Sau khi trả án xong, họ về quê làm lại cuộc đời. Dù sinh sống ở nhiều nơi khác nhau, xa cách về địa lý nhưng họ vẫn giữ liên lạc để động viên nhau. “Chúng tôi không giúp đỡ được tiền bạc nhưng về cuộc sống sẽ luôn động viên nhau. Hôm nay ngày vui của Thế, chúng tôi cố gắng thu xếp về tham dự, chúc mừng”, một người bạn tù tâm sự.

Cũng tại đám cưới này, còn có sự tham gia của đại diện gia đình, người thân vợ cũ. Chuyện là trước khi vướng vào lao lý, anh Thế từng có 40 ngày chung sống với cô gái trẻ ở huyện Tương Dương. Thời đó vì nhiều lý do nên cả hai chưa kịp làm các thủ tục đăng ký kết hôn mà mới chỉ tổ chức buổi tiệc nhỏ.

Khi anh Thế lãnh án tử không lâu, người vợ trẻ cũng quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân ấy, đi theo người đàn ông khác. Dù vậy, khi ra tù anh Thế vẫn không thù hằn, trái lại mối quan hệ giữa hai gia đình rất tốt. Tại đám cưới này, đích thân mẹ và anh vợ cùng một số người đã bắt xe vượt hơn 200 km về tham dự. 

Người anh vợ cũ tâm sự: “Dù Thế không còn là em rể nhưng nó sống rất tình cảm nên chúng tôi luôn xem nó như người thân trong nhà. Do vậy, hôm nay chúng tôi đã thu xếp để về chung vui với nó”. Anh Thế rơi nước mắt khi nhận được sự cảm thông của người thân vợ cũ. Những cái bắt tay, cái ôm giữa họ đã nói lên tất cả.

Tương lai rộng mở

Phát biểu trong ngày vui của con trai, ông Đặng Văn Sửu (86 tuổi) nói: “Cuộc đời con tôi gặp nhiều trắc trở, từng bị tù tội, nhưng rồi cháu nó đã được làm người. Giờ cháu nó lấy được vợ, chúng tôi rất mừng. Hy vọng nó sẽ vững vàng tâm lý để làm ăn lương thiện, nuôi vợ con”. Nghe bố phát biểu, anh Thế liền nắm chặt lấy bàn tay người vợ hiền. 

Người phụ nữ mà ngày hôm nay anh Thế cầm tay, trao nhẫn là chị Đào Thị Hiệp (33 tuổi). Chị Hiệp từng trải qua đổ vỡ trong hôn nhân, hiện đang nuôi một đứa con nhỏ. Chị kể, cả hai quen biết nhau chỉ vài tháng rồi tiến tới hôn nhân. Trước đó, dù sinh sống trong một làng, nhưng vì chênh lệch tuổi tác, chị Hiệp rời làng quê đi làm ăn từ nhỏ nên không biết đến quá khứ của anh Thế. Chỉ đến khi được người thân, bạn bè đánh tiếng chị mới biết quá khứ của người yêu.

“Lúc đầu tôi cũng có e dè, nhưng rồi trước tình cảm của anh ấy mọi lăn tăn trong đầu dần dẹp bỏ. Giờ đây tôi không quan trọng quá khứ, chỉ mong hiện tại và tương lai anh ấy sống tốt, làm ăn lương thiện, thương vợ con là tôi hạnh phúc, mãn nguyện rồi”, chị Hiệp nói.

Chia sẻ về dự định tương lai, anh Thế tâm sự: “Sau khi ra tù, tôi được bạn bè thương, tạo điều kiện cho đi làm phụ xe tuyến Vinh - Hà Nội để mưu sinh. Mới đây, tôi xin vào được một công ty vận tải, họ cho phụ trách công việc ở miền tây Nghệ An.

Anh Thế hội ngộ người thân quen
Anh Thế hội ngộ người thân quen

Với một người hơn 20 năm ở trong chốn lao tù như tôi, giờ đây tìm một công việc là rất khó. Do vậy, tôi bằng lòng với công việc hiện tại của mình. Còn vợ tôi đang làm công nhân ở Hà Nội. Trước mắt, tôi sẽ chủ động di chuyển để vợ chồng sẽ được gần nhau. Hy vọng sau này, cuộc sống của gia đình tôi sẽ ổn định hơn”.

Được biết, sau khi anh Thế ra tù, chính quyền địa phương đã ngỏ ý cho anh thuê một mảnh đất ở khu vực di tích lịch sử Truông Bồn để làm ăn. Tuy nhiên do chưa có vốn nên tham vọng kinh doanh của anh đành gác lại.

“Tôi dự định đi làm ăn một thời gian để kiếm thêm vốn, sau đó về quê hương làm ăn như gợi ý ban đầu của bác chủ tịch. Như vậy để vừa tiện chăm sóc gia đình, phụng dưỡng bố mẹ”, anh Thế nói đến tương lai.

Đọc thêm