Đậm đà Tết Việt

(PLO) - Những ngày cuối cùng của năm Đinh Dậu dần khép lại, tràn ngập không khí chuẩn bị đón Tết cổ truyền trên khắp đất nước, từ thành thị nhộn nhịp đến thôn quê thanh bình, từ những cánh đào nở sớm nơi biên ải đến những chuyến tàu chở Tết cập bến đảo xa.
Mâm cơm ngày tết (Ảnh minh họa)
Mâm cơm ngày tết (Ảnh minh họa)

Dường như những hối hả trong thời điểm năm cùng, tháng tận đã khỏa lấp những lo toan, vất vả đời thường. Thì quanh năm đầu tắt, mặt tối chỉ để dành cho một cái tết đầy đủ và ấm cúng mà thôi. Cái tết đơn giản chỉ là điểm mốc đánh dấu thời gian nhưng trở thành thời hiệu của công việc, dự định và kết quả. Ai cũng muốn hoàn thành mọi việc của mình trước Tết, kể cả công nợ, không ai muốn kéo dài nợ nần sang năm mới. Âu cũng là nét văn hóa trong quan hệ vay – trả của người Việt chúng ta và không chỉ là chuyện tiền nong, ấy là chuyện nghĩa tình trọn vẹn, thanh thản đón một năm mới tốt lành.

Tết cổ truyền mang đậm ý nghĩa tâm linh, giờ khắc giao thừa chuyển giao trời đất hóa thiêng liêng bởi nhà nhà thành kính thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên, tưởng nhớ ông bà cha mẹ và tri ân công đức. Người đứng trước bàn thờ khói hương trầm mặc cũng là chính là lúc sửa mình, mong sao tu nhân, tích đức cho con cháu mai sau. Tết lưu giữ  và lan tỏa truyền thống gia phong, gia đạo, trong nhà có nền nếp thì xã hội mới có kỷ cương. 

Ý nghĩa nhất của ngày Tết là sự sum họp. Vì mưu sinh, công việc mà phải chịu sự xa cách thì đây chính là thời điểm cho sự sum vầy ấm cúng. Sự rộn rã, tất bật chuẩn bị Tết chính là lúc mọi thành viên trong gia đình xích lại gần nhau nhất, quây quần vui vẻ thì đó chính là hạnh phúc, cái hạnh phúc tưởng như rất giản đơn đó nhưng thật khó khăn để có nó! Hẳn nhiều người mong ước có niềm vui đón Tết cùng gia đình mà không thể được, mới càng thấm thía hơn giá trị không thể thay thế của sự sum họp!

Sự sum họp ấm cúng trong từng gia đình lan tỏa và cộng hưởng cùng cộng đồng, làng xóm, dân phố. Thăm hỏi và chúc Tết nhau mãi mãi là nét văn hóa đẹp, thời điểm để con người gần gũi với con người hơn, thậm chí, còn quên đi những mâu thuẫn và xích mích đời thường, mong muốn cho nhau  những điều tốt đẹp. Đó chính là hòa khí ngày xuân. 

Càng hiểu giá trị của sự sum họp thì đạo lý truyền thống càng nhắc nhở chúng ta nghĩ đến những người ở xa và vì nhiệm vụ không về vui Tết với gia đình được. Đó là các chiến sỹ nơi biên giới hải đảo, những người canh giữ phên dậu của đất nước để mọi người đón Tết bình yên và thật xứng đáng khi những người con đó được đồng bào cả nước hướng tới và chia sẻ, đảo biển lại là nơi ăn Tết trước tiên, đón xuân sớm nhất. 

Và, ngay cả những bữa cơm tất niên hoặc thời khắc giao thừa, nhiều người cũng không thể chung vui cùng gia đình. Đó là những người cần mẫn giữ cho dòng điện thắp sáng muôn nhà, những người giữ gìn trật tự, trị an xã hội và cả những lao công, vệ sinh viên vẫn âm thầm công việc làm phong quang, sạch sẽ phố phường,... 

Tết thêm đầm ấm vì có sự sẻ chia. Đó là nghĩa cử của những người từ thiện, là sự quan tâm từ đoàn thể, chính quyền, là những tấm lòng hảo tâm đối với những hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ, là chủ trương mang Tết đến cho người nghèo,... Mang niềm vui đến cho người khác, niềm vui của mình thu lại còn gấp bội. Sự nhân văn, đạo lý, tình người khi Tết đến, xuân về có dịp thăng hoa.

Trước thềm năm mới, số báo tất niên khép lại một năm này cũng mang phong vị Tết, như chén rượu nồng, như cành đào, cây quất đón xuân, như món khai vị tinh thần nhâm nhi trước lúc giao thừa. Chúc bạn đọc gần xa của Báo Pháp luật Việt Nam năm mới tràn đầy sức xuân cùng sự đồng cảm, đồng hành với những người làm báo! 

Đọc thêm