Dân Thủ đô “đùa” với tính mạng trên cầu phao dân sinh sông Đáy

(PLO) - Từ thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội đi xuôi dọc sông Đáy, không khó để nhận thấy những chiếc cầu phao đã cũ kỹ, xuống cấp. Hàng ngày, người dân vẫn bỏ tiền mua vé qua cầu trong mối hiểm họa rình rập.
Dân Thủ đô “đùa” với tính mạng trên cầu phao dân sinh sông Đáy
Theo tìm hiểu từ người dân nơi đây, những chiếc cầu phao ở hai huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức đều có trên 20 năm tuổi, có chiếc đã hơn 30 năm sử dụng. Từ đầu thập niên 90, những chiếc cầu phao này là phương tiện vượt sông chính ở hạ lưu sông Đáy (chủ yếu ở huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức) thay cho đò ngang. Điều đáng chú ý là những cây cầu này đều do một số người dân hai bên bờ tự bỏ tiền ra làm rồi  đấu thầu thu phí người và phương tiện qua lại.
Những cầu phao dân sinh đang xuống cấp
Những  cầu phao dân sinh đang xuống cấp 
Với 14 chiếc thuyền bằng bê-tông làm trụ cầu, chiếc cầu phao nối xã Phù Lưu Tế (huyện Mỹ Đức) và xã Hòa Xá (huyện Ứng Hòa), được hai gia đình anh Nguyễn Sỹ Hữu và chị Nguyễn Thị Ánh góp vốn xây dựng năm 1993. Cầu dài khoảng 80m, nhiều thanh gỗ làm sàn đã mục, gãy ngang, gãy dọc, mối dây sắt buộc nối hầu hết đã hoen gỉ. Chỉ có một đoạn cầu có lan can nhưng các sợi sắt gãy đôi, gãy ba, chằng chéo, một vài cây tre ống buộc làm lan can đã ruỗng, buộc víu vào những thanh sắt gãy. Đoạn giữa cầu, một bên dây nối sàn cầu bị đứt, cầu được nối liền bằng hai tấm ván gỗ. 
Theo ghi nhận của PV, chỉ cần từ hai đến ba người đi bộ qua cầu là cầu rung mạnh, dập dềnh, nhiều người dân không biết bơi nói rằng khi đi qua cầu rất run chân và cảm thấy không an toàn.
Người lớn, trẻ em đi qua cầu đều vô cùng nguy hiểm, đặc biệt thời điểm mùa nước lũ.
Người lớn, trẻ em đi qua cầu đều vô cùng nguy hiểm, đặc biệt thời điểm mùa nước lũ. 
Anh Nguyễn Duy Quân (40 tuổi, người dân Phù Lưu Tế) cho biết: “Từ trước đến nay, đã có một vài trường hợp cả người và xe máy ngã xuống sông, tuy nhiên rất may mắn chưa có ai mất mạng”. Từ khi cầu Phùng Xá ở thị trấn Vân Đình xây dựng, lượng người qua lại giảm, chính vì thế khi cầu xuống cấp thì ít được sửa chữa, nâng cấp. 
Là một trong hai người góp tiền xây cầu, anh Nguyễn Sỹ Hữu chia sẻ: “Hiện giờ người qua lại ít nhưng hàng tháng chúng tôi vẫn phải đóng phí cho xã đều đặn”. 
Hiện trên địa bàn nhiều xã của hai huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức còn rất nhiều cây cầu phao “cao tuổi” được người dân sử dụng (mỗi xã có từ 1 đến 2 cây cầu phao). Không phủ nhận giá trị sử dụng của những cây cầu phao này từ hơn 20 năm trở lại đây, nhưng với hiện trạng xuống cấp như hiện nay cùng sự “bỏ quên” của chính quyền địa phương, đang tiềm tàng những rủi ro cao, đặc biệt là thời điểm trước mùa lũ./.

Đọc thêm