Đau đầu cha con không dùng họ

(PLO) -Con gái sinh ra lại không được đặt tên theo họ cha mà phải đặt theo chữ đệm sau họ. Cho con đi làm con nuôi từ nhỏ, lớn mới đến đón về. Thế nên mới có chuyện con đẻ cứ ngỡ con nuôi, mà con nuôi lại tưởng con đẻ… Đó là những tục lệ độc đáo có từ lâu đời ở những ngôi làng cổ thuộc ngoại thành Hà Nội.
Ông Nguyễn Danh Hữu, thủ thư đình làng So
Ông Nguyễn Danh Hữu, thủ thư đình làng So

Làng nhiều họ lạ

Từ nhiều đời nay, ở làng So (xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai), một làng thuộc ngoại thành Hà Nội có một tục lệ rất đặc biệt, đó là con gái sinh ra không mang họ cha mà lấy theo dòng họ đệm. Ngôi làng này vì thế có nhiều họ lạ. 

Ông Nguyễn Danh Hữu, 75 tuổi, là thủ thư của đình làng So, cho biết làng có gần 40 dòng họ nhưng đặc biệt phải kể đến bốn dòng họ lớn là Vương Xuân, Vương Đắc, Vương Sỹ và Nguyễn Hữu. Ông cho biết, nếu sinh ra trong dòng họ Vương Xuân thì con gái sẽ lấy họ là Xuân Thị, hay sinh ra trong dòng họ Vương Sỹ thì lấy họ là Sỹ Thị. Vì vậy làng So có khá nhiều người họ tên đặc biệt như Xuân Thị Mai, Hữu Thị Ngà, Sỹ Thị Hải, Trí Thị Lợi, Tiếp Thị Hồng… 

Theo cách lý giải của người dân nơi đây, trong các dòng họ lớn nêu trên, chữ “Vương”, chữ “Nguyễn” không phải là họ chính mà chỉ là họ đệm, còn chữ “Xuân”, “Sỹ”, “Đắc”, “Hữu” mới là họ chính.

Tuy nhiên khi hỏi về nguồn gốc của việc đặt tên kỳ lạ này, ông Hữu cũng như nhiều cụ cao niên trong làng đều không biết tục này có từ bao giờ và bắt nguồn từ đâu.  Các cụ cũng cho biết không có gia phả hay bất kỳ tài liệu nào ghi chép lại việc này, chỉ biết tục đặt tên họ cho con gái làng So đã có từ rất lâu.

Ông Nghiêm Quốc Đạt, được coi là “người chép sử làng” So cho rằng: “Đây là những hệ lụy của những hủ tục thời phong kiến còn tồn tại đến ngày nay.

Do coi trọng con trai trong gia đình hơn nên con trai được đặt họ gốc, còn con gái chỉ được lấy tên của chi chính là họ đệm”.

Có rất nhiều ý kiến lý giải cho phong tuc của làng So. Có ý kiến cho rằng việc lấy tên đệm của bố để làm họ chính một phần là để phân biệt giữa các chi, nhằm giúp mọi người phân biệt đó là con gái của dòng họ nào.

Nhiều người lại bảo do ở làng các dòng họ quan niệm họ đệm mới là họ chính nên mới lấy họ đệm làm họ chính cho con gái, để con gái dù đi lấy chồng vẫn mang dòng họ của cha. Với người dân nơi đây thì đặt tên con gái mang họ đệm của cha là để nhắn gửi con dù đi lấy chồng xa vẫn nhớ về nguồn cội, gốc tích của mình.

Không chỉ ở làng So mà ở xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức chuyện lấy tên đệm của cha đặt tên cho con cũng không phải là hiếm. Chuyện anh em ruột không cùng họ đã không phải chuyện xa lạ từ nhiều đời nay ở xứ này.

Ông Nghiêm Quốc Đạt, được coi là “người chép sử làng” và nhiều năm mở lớp dạy chữ Nho cho trẻ em Sơn Đồng cũng như nhiều lão niên ở đây cho rằng: “Đây là những hệ lụy của những hủ tục thời phong kiến còn tồn tại đến ngày nay. Do coi trọng con trai trong gia đình hơn nên con trai được đặt họ gốc, còn con gái chỉ được lấy tên của chi chính là họ đệm”.

Bà Trung Thị Huệ, 74 tuổi, một người dân xã Sơn Đồng cho biết con gái trong xã xưa nay đều theo phong tục của làng và không có ai thắc mắc truyền thống đó bắt nguồn từ đâu.

“Đau đầu” cha con không cùng họ 

Ông Nguyễn Chí Mậu, Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng cho biết, nếu tính họ gốc ở xã thì chỉ có khoảng 5 dòng họ lớn là họ Nguyễn, Phạm, Trần, Lê, Nghiêm. Cách đặt họ khác thường ở Sơn Đồng đã tồn tại nhiều năm nay, khiến việc con gái không mang họ cha và xuất hiện các họ nhiều lên theo câp số nhân. Điều này cũng dẫn tới việc khó quản lý nhân khẩu ở địa phương, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính.

Đã có không ít những câu chuyện bi hài xảy ra xung quanh việc đặt tên theo tục lệ ở làng So cũng như xã Sơn Đông và cũng đã rất nhiều người phải làm thủ tục xin chuyển đổi lại tên họ cho trùng khớp với tên họ của cha. 

Cô giáo Nguyễn Kim Oanh, Phó hiệu trưởng trường tiểu học Sơn Đồng nhớ lại thời còn học phổ thông, năm học lớp 8, cô Oanh nằm trong đội thi học sinh giỏi cấp huyện. Biết trước những phức tạp nếu để họ tên cũ nên cô giáo chủ nhiệm đã bảo gia đình cô Oanh làm thủ tục thay đổi một loạt giấy tờ để khớp với họ của bố, từ tên Xuân Thị Oanh sang tên Nguyễn Kim Oanh.

Thủ tục được hoàn thành trước khi cô đi thi. Nhưng khi vào phòng thi, do quen tay cô Oanh vẫn viết tên mình là Xuân Thị Oanh trên tờ giấy thi. Mặc dù điểm của cô khá cao nhưng kết quả lại không được chấp nhận vì họ tên trên bài thi và họ tên mới đổi không khớp nhau.

Cô Oanh cũng cho biết vẫn còn nhiều em gái có hoàn cảnh giống cô ngày trước, sẽ gặp nhiều vấn đề phức tạp trong giấy tờ hồ sơ chỉ vì lấy tên họ theo kiểu cũ.

Ông Vương Đắc Thủy, chủ tịch UBND xã Cộng Hòa cho biết: “Đi nhiều vùng, nhưng tôi không thấy nơi đâu có tục lệ lạ như quê tôi. Cũng từ tục lệ này mà nhiều người khi ra ngoài đi làm bị phía tuyển dụng gây khó dễ. Khi so sánh giữa giấy khai sinh, bố và con gái không trùng họ với nhau họ đều thắc mắc. Vì thế nhiều người trong làng gặp nhiều khó khăn trong việc học hành và khi đi xin việc. Đã nhiều đơn vị phải về tận chính quyền xã để xác nhận lại nhân thân”. 

Ông cũng cho biết do có quá nhiều người dân trong xã, đặc biệt là con gái gặp phiền phức xung quanh chuyện tên họ, nên từ năm 2008, các cháu dù ra đời là trai hay gái cũng đều thống nhất mang họ bố để phù hợp với luật hiện hành và cũng để tránh những rắc rối, phiền phức về sau.

Đến trường mầm non Cộng Hòa, các cô giáo ở đây cho biết: “Hiện nay các cháu không còn đặt họ theo họ đệm của cha nữa mà đặt họ theo đúng họ của bố cho trùng khớp. Tuy nhiên cá biệt cũng vẫn có một hai trường hợp đặt tên theo tục cũ”. 

Làng có cha mẹ nuôi nhiều nhất nước

Nếu câu chuyện lấy họ đệm của cha để làm tên họ cho con gái ở làng So và xã Sơn Đồng khiến cho nhiều người nghĩ rằng họ chỉ là con nuôi thì câu chuyện ở làng Phù Lưu lại hoàn toàn ngược lại. Ngôi làng có nhiều con nuôi mà nhiều người cứ ngỡ đó là con ruột.  

Làng Phù Lưu hay còn được gọi là làng Giầu thuộc phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh, tuy gọi là làng nhưng dân ở đây vốn quen với nghề buôn, số người làm ruộng chỉ đếm trên đầu ngón tay và sinh hoạt theo nếp thị dân.

Trước năm 1945, nơi đây đã có nhà cao tầng và những cột đèn, cứ 6 giờ tối là có người đi châm đèn chẳng khác gì trung tâm Hà Nội. Những gánh hàng phở, thức quà xa xỉ thời bấy giờ càng làm tăng chất phố ở Phù Lưu.

Người Phù Lưu quảng giao, buôn bán với tứ phương. Dân Phù Lưu vẫn luôn tự hào: Ở đâu có chợ, ở đó có người Phù Lưu. Nhưng người đi buôn hầu hết lại là phụ nữ. Quanh năm suốt tháng người phụ nữ phải lo việc làm ăn buôn bán hết chợ gần lại đến tỉnh xa nên việc nuôi con chẳng dễ gì kết hợp chu toàn.

Để tròn trọng trách, phần lớn các gia đình phải “chọn mặt gửi vàng” thường là những làng lân cận “gửi u” nuôi giúp con mình từ tấm bé, đến khi con đến tuổi đi học lại đón về. Làng Phù Lưu được mệnh danh là “làng có cha mẹ nuôi nhiều nhất nước” là vì thế. Đến nỗi có người còn nói nếu ở độ tuổi 60 trở lên mà không có bố mẹ nuôi thì không phải là người Phù Lưu.

Nhiều người nhớ lại tuy làm con nuôi nhưng lại được mọi người trong gia đình nhà bố mẹ nuôi quan tâm và chăm sóc chẳng khác gì con đẻ, đến khi bố mẹ ruột đến đón về nhà còn chẳng muốn về và đòi ở lại. Thế nên tuy làm con nuôi nhưng lại chẳng khác nào con đẻ.

Đọc thêm