Đầu mùa mưa Hậu Giang đã có 40 điểm sạt lở nghiêm trọng

(PLO) - Chỉ vừa bước vào đầu mùa mưa, nhưng tại tỉnh Hậu Giang đã có đến 40 điểm sạt lở, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân hai huyện Châu Thành và Châu Thành A. 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên (bìa trái) kiểm tra sạt lở tại huyện Châu Thành
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên (bìa trái) kiểm tra sạt lở tại huyện Châu Thành

Để tìm ra giải pháp khắc phục tại các điểm sạt lở, ngày 13/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan đã đến thị sát các điểm sạt lở nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn. 

Theo nhận định của các sở, ngành chuyên môn, tình hình sạt lở tại tỉnh Hậu Giang đang diễn biến hết sức nghiêm trọng. Bởi chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã ghi nhận 40 điểm sạt lở (nhiều hơn 13 điểm sạt lở so với cùng kỳ năm 2015), tổng chiều dài sạt lở là 668 mét, diện tích mất đất là trên 2.639m2, với tổng thiệt hại hơn 1 tỷ 300 triệu đồng. Trong khi đó, trong năm 2015 toàn tỉnh chỉ có 36 điểm sạt lở. 

Theo thống kê, huyện Châu Thành có số điểm sạt lở nhiều nhất là 36 điểm, Châu Thành A là 2 điểm và huyện Phụng Hiệp là 2 điểm. Mới đây nhất, ngày 11/6/2016, tại xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tình hình sạt lở càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Bởi con lộ bê tông rộng 3,5 mét, dài gần 100 mét nối liền từ cầu Ba Láng (thuộc địa bàn TP Cần Thơ) chạy dài đến UBND xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) vừa mới đưa vào sử dụng chưa đầy bốn ngày nhưng sạt lở nghiêm trọng đã đưa toàn bộ tuyến đường dài gần 80 mét xuống con sông Ba Láng. Được biết dự án lộ giao thông rộng 3,5 mét này do Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Châu Thành A làm chủ đầu tư, bắt đầu thi công từ tháng 1/2016. 

Đoạn đường dài 100 mét bị sạt lở nghiêm trọng gần 20 mét khi vừa đưa vào sử dụng 4 ngày
Đoạn đường dài 100 mét bị sạt lở nghiêm trọng gần 20 mét khi vừa đưa vào sử dụng 4 ngày

Theo nhận định của Đoàn công tác, nguyên nhân dẫn đến sạt lở là do: “Đồng bằng sông Cửu Long có nền địa chất yếu, chênh lệnh mực nước tương đối cao. Cùng với mùa khô hạn kéo dài, khi mưa lớn kéo dài sẽ dễ dẫn đến sạt lở. Đồng thời, việc xây dựng nhà cửa các công trình giao thông sát mé kênh, sông cũng là nguyên nhân dẫn đến sạt lở diễn ra nhanh hơn”.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết: Với diễn biến bất thường của thời tiết, đặc biệt là tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai đã làm hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân.

Chính vì vậy, sau khi thị sát thực tế tại 2 địa phương Châu Thành A và huyện Châu Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo gấp rút khảo sát lên phương án thi công bờ kè chống sạt lở: “Chúng tôi cũng chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương từ ấp, xã tới huyện thực hiện ngay một số giải pháp hết sức cụ thể, đó là tuyên truyền vận động và khuyến cáo cho người dân về diễn biến phức tạp về tình hình thiên tai.

Tăng cường kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở để trên cơ sở đó khuyến cáo cho những hộ dân sống liền kề di dời tài sản để giảm thiểu thiệt hại cho con người. Đối với những điểm xảy ra sạt lở, phải xử lý bằng giải pháp công trình, gia cố bằng bờ kè ngay để đảm bảo lưu thông cho bà con”, Phó Chủ tịch Trương Cảnh Tuyên đưa ra giải pháp trước mắt khắc phục sạt lở.  

Bên cạnh đó, địa phương cũng kiến nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ cho Hậu Giang về chương trình phát triển chống sạt lở đưa vào mục tiêu quốc gia để có mức hỗ trợ phù hợp với tình hình ngân sách của tỉnh do ngân sách của tỉnh vẫn còn khó khăn.

Theo dự tính của Ban Phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn tỉnh nhận định, Hậu Giang có 110 điểm có nguy cơ sạt lở cao. Nếu gia cố, xây kè chống sạt lở thì Hậu Giang cần kinh phí khoảng 800 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn quá lớn so với khả năng ngân sách của địa phương. Vì vậy, vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, sạt lở đất được xem là giải pháp phi công trình được tỉnh ưu tiên hàng đầu của tỉnh. 

Đọc thêm