Đâu rồi văn hóa của người 'cầm cân nảy mực'?

(PLO) - Phản ứng với quyết định trọng tài trên sân Thống Nhất, đội khách Long An không thèm chơi bóng nữa, kệ cho đội bạn ghi bàn thoải mái vào lưới nhà. Lý giải kiểu chơi này, lãnh đạo đội bóng phát biểu: “Trọng tài thích cho Đội TP. Hồ Chí Minh thắng thì cho họ thắng!”. Chắc chắn, đây là hành vi coi thường tất cả, từ khán giả đến giải đấu, từ trọng tài đến Ban tổ chức và rất phi thể thao.
Đâu rồi văn hóa của người  'cầm cân nảy mực'?

Vài ngày trước đó, trọng tài cầm còi trên sân Hải Phòng bị khán giả la ó, chửi bới tục tĩu, dù trận đấu đang được truyền trực tiếp trên sóng truyền hình cũng vì một quyết định không có lợi cho đội chủ nhà.

Dường như, địa vị của các ông “vua sân cỏ” Việt Nam không có nghĩa lý gì đối với cầu thủ cũng như cổ động viên, họ bị xúc phạm bằng đủ mọi cách: tế sống, chửi bới, đánh, rượt đuổi và cả cái cách không thèm đá nữa!

Khi người “cầm cân, nẩy mực” mà cân vênh, mực cong thì hệ lụy ghê gớm xảy ra, họ bị đánh mất đi sự tôn trọng cần thiết vì những người phải chấp hành tự nhận thấy họ không có nghĩa vụ phải tôn trọng cái người có quyền lực mà ra quyết định sai trái. Chỉ cần một người trong đội ngũ những người “cầm cân, nảy mực” mà thiên vị cũng đủ làm cho cả đội ngũ của mình bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm lòng tin của mọi người.

Các thầy cô giáo cũng là người “cầm cân, nảy mực” trong việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục của mình. Các hiện tượng như phụ huynh đánh thầy, trò chửi thầy, thậm chí, mấy nam sinh xúm vào đánh hội đồng thầy, mới đây, có cả một nữ sinh ném sách vào mặt thầy,... đều bị dư luận lên án mạnh mẽ. Hiện tượng này được coi như biểu hiện của sự xuống cấp đạo lý nghiêm trọng của một dân tộc có truyền thống “tôn sư, trọng đạo”.

Ngược lại, dư luận còn lên án mạnh mẽ hơn trước việc những người thầy mà không giữ được nhân cách cao cả làm thầy. Có những giáo viên, hiệu trưởng chẳng những thiên vị, coi trọng vật chất, ăn cắp của công, mua dâm nữ sinh, lạm dụng tình dục trẻ em... mà còn gian dối, né tránh sự thật, bao biện cho sự sai trái của mình.

Gần đây nhất là hành vi và thái độ của hai vị Hiệu trưởng đều ở Hà Nội trước những tai nạn của học sinh mình khiến dư luận vừa bàng hoàng, vừa phẫn nộ. Sự thật trong các vụ việc này càng làm rõ sớm, càng xử lý nghiêm thì càng tốt, đó là cách bảo vệ uy tín cho cả đội ngũ người thầy tốt nhất!

Văn hóa của những người “cầm cân, nảy mực” là mẫu mực, trung thực, công bằng,... những cái đó làm nên phẩm chất họ và được mọi người xung quanh kính trọng, nghe và làm theo. Nếu ngược lại, họ xử sự theo kiểu văn hóa quyền lực, bắt mọi người phải tuân thủ các quyết định sai trái mà họ đưa ra thì họ sẽ không được tôn trọng nữa, thậm chí bị phản ứng tức thì và phản đối dài lâu. Đặc biệt, đã là người “cầm cân, nảy mực” thì không được diễn các trò lố, rất phản cảm!

Đọc thêm