Đây là chuyện về việc tôi đã thần tượng mẹ mình như thế nào

(PLO) - Tôi bắt đầu viết năm tám tuổi. Ngoài chuyện viết lách ra thì tôi không phải một đứa tám tuổi nổi bật. Dù sao thì chỉ từ khi tám tuổi một đứa trẻ mới có cá tính rõ rệt; tôi-tám-tuổi, cũng giống như mọi người, bắt đầu xây dựng mình bằng từng nắm đất một. Viết chỉ vô tình là một trong những nắm đất đó mà thôi.

Tuổi vị thành niên đòi hỏi một điều gì đó làm trung tâm cho thế giới của mỗi người; có người chọn một ban nhạc hay diễn viên, có người chọn việc học hoặc việc chơi, tôi chọn viết. Tôi khi cấp hai bị ám ảnh bởi viết, như một vài người bị ám ảnh bởi việc sưu tầm bài quái thú hoặc tượng nhân vật hoạt hình. Tôi thậm chí đã tự xưng rằng viết là sứ mạng của mình, rằng tôi sinh ra để viết truyện (!!!).

Trong thời hiện tại, tôi sẵn sàng thú nhận rằng tình yêu của tôi đối với văn chương không mãnh liệt đến thế, và rằng có lẽ việc viết lách sẽ tuột khỏi tay tôi một ngày nào đó trong tương lai; nhưng có một sự thật không đổi, rằng nó đại diện cho cái bốc đồng của đứa trẻ mười hai, mười ba tuổi là tôi khi xưa, và mọi chuyện xảy ra đối với tôi thời kì này đều là xung quanh nó.

Vấn đề bắt đầu như thế này: mẹ tôi cũng viết. Viết hay. Không phải chỉ từ miệng mẹ, tôi nghe nhiều người họ hàng kể về tài năng này. Mẩu chuyện nổi tiếng nhất là về truyện ngắn đạt giải nhì của cuộc thi viết truyện ngắn cho báo tỉnh. Bác tôi thỉnh thoảng lại kể cho tôi về tập tản văn mẹ tôi viết đã làm bác đổ nước mắt. Bản thân mẹ cũng thường hồi tưởng về trại hè viết văn mẹ tham gia thời phổ thông - nơi mẹ học nhảy và gặp nhiều nhà văn nổi tiếng. So với những thành tích ấy, những gì tôi làm được có vẻ rất nhỏ bé; nhưng khi lần đầu đem truyện tới cho mẹ, tôi vẫn thích tự coi mình là một đứa trẻ lạc quan. Truyện ngắn này không phải truyện đầu tiên tôi viết - nó chính xác là truyện ngắn thứ bảy và tác phẩn thứ chín của tôi, sau ba năm học tập viết lách. Kể cả nếu tôi không phải một cá nhân xuất sắc, thì sau bảy truyện người ta cũng phải ngộ ra được một điều gì đấy, tôi tự bảo như vậy.

Mẹ tôi, sau khi lướt qua mấy trang truyện, với một cái cau mày ở chỗ này hay chỗ kia, đưa trả bản thảo cho tôi với một cái gật đầu và một nụ cười mỉm, “Cố gắng đầu tiên như vậy là ổn.”

Mẹ đã trở thành thần tượng của con gái
Mẹ đã trở thành thần tượng của con gái

Tôi thích tự coi mình là một đứa trẻ lạc quan, nhưng một đứa trẻ mười hai tuổi như tôi khi đó đơn giản là không lạc quan. Chúng tôi cần phải khẳng định một cái gì đấy, bản thân hay chỗ đứng hay vị thế, mỗi người một kiểu; và chúng tôi thường tìm cách không khôn ngoan lắm để hoàn thành mục tiêu. Tôi-mười-hai-tuổi rất dễ coi mọi phản ứng lưng chừng là một sự chỉ trích hướng đến chính mình - suy nghĩ hơi quá về một câu nói của mẹ tôi không phải là điều tệ nhất tôi đã từng làm với bản thân mình trong khoảng thời gian dậy thì sóng gió ấy.  Thay vì tiếp tục nói chuyện với mẹ về bản thảo và xin lời khuyên, tôi lẩm bẩm một câu cảm ơn và nhanh chóng rút lui, rồi thức đến ba giờ sáng suy nghĩ một cách đầy bi kịch về bản thảo của mình.

Tình trạng mất ngủ của tôi còn kéo dài. Trong khoảng thời gian đầy thăng trầm này, gia đình tôi có sang ăn tối và giao lưu với nhà bác gái bên ngoại của tôi. Bác trai là một người ham đọc văn chương, và chắc chắn cũng đã từng là người hâm mộ những tác phẩm của mẹ tôi khi xưa. Tôi khoe với bác về việc viết truyện trong bữa ăn; như tôi dự đoán, bác chuyển từ chỉ thỉnh thoảng gợi nhớ lại về tài năng của mẹ tôi, sang một bài thuyết trình, tuy có hơi hoa mĩ nhưng tôi tin đa phần là chính xác, về tất cả những gì mẹ tôi đã viết hoặc kể mà bác biết được. Câu chuyện của bác gợi lại sự tò mò trong tôi, và sau đó tôi có dò hỏi xung quanh xem liệu có ai còn giữ những tác phẩm của mẹ tôi ngày xưa ngoài thơ ra không, nhưng không có kết quả.

Đó là cách một huyền thoại được dựng lên, và huyền thoại chính xác là thứ tôi đã dựng lên cho mình về mẹ. Trước khi sang tuổi mới, tôi đã trở thành fan ruột của chính câu chuyện huyền thoại do mình dựng lên, và dần dần là của cả nhân vật chính trong đó.

Tác giả Nguyễn Đan Thi và gia đình
Tác giả Nguyễn Đan Thi và gia đình 

Giờ tôi sẽ nói một chút về quá trình bắt đầu thần tượng một ai đó.

Tuổi vị thành niên là một giai đoạn quan trọng trong cái gọi là “quá trình trưởng thành”; trong khoảng thời gian này, thường người ta tìm một ai đó làm hình mẫu cho mình. Sự thần tượng thường bắt đầu như thế. Và đối với một đứa trẻ mười ba tuổi giàu trí tưởng tượng, chỉ cần cho nó một câu chuyện về một người tốt có tài và một hình ảnh đẹp, bản thân nó sẽ làm nốt phần còn lại.

Điều tối quan trọng trong việc thần tượng một ai đó là ấn tượng về sự cao cả và toàn diện. Bắt đầu từ một khía cạnh duy nhất, nó lan dần ra toàn bộ góc nhìn của đứa trẻ; sớm thôi, tôi bắt đầu nhận ra rằng mẹ tôi không phải chỉ giỏi viết - mẹ tôi giỏi quá nhiều thứ: nấu ăn, công việc, chăm lo con cái, mua sắm, … Chưa kể mẹ tôi lại là một người tinh tế, độc lập, thẳng thắn, ý thức rất rõ về giá trị của chính mình… vô vàn những điều khác.

Sự thần tượng được phóng đại nếu gặp một người cùng câu lạc bộ hâm mộ: có đồng chí giúp người ta cảm thấy mình được ủng hộ, và khiến sự thần tượng bám sâu hơn. Tôi phát hiện ra thêm, trong vòng một vài tháng, rằng đa số các chị em họ bên nhà ngoại của tôi cũng thần tượng mẹ tôi. Sau đó, bằng trí tưởng tượng của một đứa trẻ mười ba tuổi, tôi hoàn thành ấn tượng về mẹ mình, hoàn hảo với chỉ vài vết sứt đáng yêu. Một hình mẫu thần tượng đúng chuẩn.

Biết tôi khi ấy, có lẽ tôi chưa bao giờ nghĩ rằng điều này có hại gì. Hay có gì không bình thường. Mọi bé gái đều thần tượng mẹ mình mà, phải không? tôi tự nhủ như vậy. Chỉ khi tôi lớn hơn một chút, tôi mới bắt đầu khôn ra. Quá trình khôn ra, cũng như quá trình thần tượng, cần một khoảng thời gian tương đối. Nhưng khác với quá trình thần tượng, nó đem lại nhiều đau thương.

Hôm đó là một buổi đi chơi chỉ-mẹ-và-con của tôi, với điểm đến thường xuyên là phố cổ. Cho đến thời điểm này, những ngày như thế đang là một cách để mẹ tỏa ánh hào quang lên tôi, và cũng là một sự kiện gặp gỡ và kí tên mà các ngôi sao ca nhạc hay tổ chức. Mẹ và tôi nói chuyện về nhiều thứ; câu chuyện vì thế cứ đi tứ tán, cho đến khi chính tôi đem nó quay trở lại chủ đề viết. Tôi kể về nhà văn ưa thích của tôi, về con trai mắc chứng khó đọc của ông, và cách mà những tác phẩm của ông giúp con trai không những thạo đọc viết hơn hẳn, mà còn trở nên hứng thú với văn chương. “Con chỉ nghĩ rằng,” tôi nói như thế, “nếu giả sử mẹ chọn con đường viết văn, thì bây giờ gia đình mình cũng có thể có một truyền thống phụ huynh-con cái như vậy.”

Mẹ tôi đã im lặng một lúc, rồi nói với tôi, “Con cũng nên suy nghĩ kĩ trước khi theo đuổi văn chương, bởi vì nghiệp văn không phải thứ ép được.”

Cuộc nói chuyện thổi lên một ngọn lửa bực tức trong tôi mà khi đó tôi coi là hoàn toàn chính đáng: có một vết rạn mới trong hình ảnh thần tượng của tôi! Một người đã từng sống bằng văn chương, nói ra thơ thở ra văn (ấn tượng của tôi lúc đó là như vậy) không thể từ bỏ đam mê một cách đơn giản như vậy. Mẹ đang không ứng xử giống như mẹ-tôi-trong-đầu-tôi ứng xử - một sự lệch so với hình ảnh tôi đặt ra.

Sự bực tức không biến mất sau vài ngày, cũng như nỗi trăn trở khi lần đầu tôi nhờ mẹ đọc bản thảo. Sau đó ít lâu, tôi hoàn thành một truyện khác, và lần này tôi thu hết can đảm nhờ mẹ tôi nhận xét cụ thể. Như dự đoán, truyện của tôi bị xé thành vụn bởi những nhận xét của mẹ; nhưng trong ngày hôm đó tôi cũng nhận ra rằng cách tôi và mẹ nhìn nhận về việc viết truyện quá khác nhau. Nhân vật tôi dựng lên cho mẹ ngày càng sứt mẻ.

Mọi thứ trượt dốc từ đó. Tôi chưa bao giờ hết bực tức vì mẹ tôi không trở thành nhà văn. Như đứa trẻ mười lăm đầy giận dữ với cuộc đời nói chung khi ấy, tôi bắt đầu xét nét mọi thứ mẹ tôi làm. Mẹ tôi nấu ăn giỏi, có khả năng nêm mà không nếm, nhưng mẹ chỉ làm những món không cần quá hai công đoạn. Mẹ tôi giỏi mua sắm, nhưng gu thẩm mĩ của mẹ và tôi quá khác nhau. Mẹ tôi độc lập, nhưng cũng không có một người bạn tri kỉ. Mẹ tôi viết, nhưng mẹ tôi không phải người đã-có-thể-trở-thành-nhà-văn mà tôi tưởng tượng.

Cũng như khi tôi tự xây lên huyền thoại về mẹ, tôi tự xé bỏ nó, đốt nó thành tro, và tức tối ném nắm tro ấy vào thinh không. Tôi bỏ cả viết - không thể tìm được đúng thứ tôi cần - và càng ngày càng khó nói chuyện với mẹ hơn. Tôi khi ấy nghĩ rằng đây là cái chết của sự nghiệp của mình, và với sự uất hận của một đứa trẻ mười lăm chưa thực sự biết uất hận là gì, tôi mặc kệ.

Có chút may mắn là tuổi mười sáu của tôi đến trước khi mọi thứ đổ bể hẳn; qua năm nổi loạn nhất trong thời vị thành niên, đầu óc tôi thoáng ra nhiều, và mọi thứ cũng chậm bớt lại.

Một ngày trong tuổi mười sáu, tôi ngồi xuống trước máy tính, viết một truyện ngắn với chủ đề người mẹ. Tôi dự định chỉ coi đó như một bài tập, nhưng trước khi tôi để ý, tôi đã nhấn xóa toàn bộ ít nhất ba lần, và đang chống cằm suy nghĩ về mẹ. Tôi nhận ra rằng hình tượng người mẹ tôi đang xây dựng đang ngày càng bị lý tưởng hóa hơn. Tôi không còn biết phải viết tương tác giữa mẹ và người con như thế nào nữa.

Câu chuyện về sự giác ngộ của tôi bắt đầu như thế. Truyện ngắn ấy tôi bỏ dở; tôi cần thêm tư liệu. Tôi nói chuyện với mẹ nhiều hơn. Một khi tôi đã bắt đầu vượt qua khoảng cách tự tôi đặt giữa mình và mẹ, sự thần tượng nhanh chóng vỡ vụn. Tôi nhận ra mẹ tôi đã “hai chiều” như thế nào trong mắt tôi trước kia; dần dần, tôi bắt đầu yêu quý mẹ trở lại như một người trong cuộc đời mình, chứ không phải một nhân vật lý tưởng hư cấu. Tôi đã ngồi xuống nói chuyện với mẹ về điều này; cuộc nói chuyện không quá thoải mái, nhưng là một bước tiến quan trọng. Tôi bắt đầu viết trở lại, lần này thì cho tôi thay vì để đạt chỉ tiêu của mẹ.

Cũng trong khoảng thời gian này, tôi bắt đầu học vẽ một cách nghiêm túc. Khi rời khỏi thứ đã là tâm điểm của toàn bộ mọi vấn đề thời mới lớn của mình, tôi và mẹ bắt đầu tiếp cận nhau theo một cách khác hẳn. Sự ủng hộ của mẹ đối với tôi trong việc vẽ rõ ràng hơn, và tôi cũng nhìn nhận mọi thứ từ một vị trí khác. Tôi bắt đầu lại từ cùng chỗ tôi bắt đầu viết khi xưa, nhưng lần này tôi biết rõ hơn mình phải tập trung vào đâu, và mẹ tôi đã giúp rất nhiều trong việc đó.

Đầu năm tôi mười bảy, tôi cầm bút lên hoàn thành câu chuyện về mẹ. Nó chắc chắn không hoàn hảo, nhưng tôi hài lòng với nhân vật người mẹ hơn rất nhiều.

Và đó là câu chuyện về việc tôi đã thần tượng mẹ mình như thế nào. Mẹ tôi tiếp tục là một sự ảnh hưởng lớn và nguồn cảm hứng cho tôi, nhưng sau mọi chuyện, mẹ tôi cũng là một người bạn và người thân. Tôi đã tốn vài năm để học được điều đó, nhưng tôi thấy cũng đáng: mẹ xứng đáng một vị trí gần trái tim con hơn nhiều chỉ là một thần tượng.

Đọc thêm