Dạy trẻ trong thời đại công nghệ - khó mà dễ

(PLO) -Nhiều người đã rất ngạc nhiên khi biết thông tin cựu Giám đốc điều hành của Microsoft – tỷ phú Bill Gates cấm các con sử dụng smartphone trước 14 tuổi. Trong thời đại kỹ thuật số này, ngoài việc dạy con "học ăn, học nói, học gói, học mở”, những bậc phụ huynh cần dạy cho con học cách ứng xử với công nghệ. 
Trẻ em thời nay thường xuyên tiếp xúc với công nghệ
Trẻ em thời nay thường xuyên tiếp xúc với công nghệ

Không để công nghệ kiểm soát cuộc sống của trẻ

Trẻ em vốn hoạt bát và năng động, thế nhưng trong thời đại kỹ thuật số này, nếu không có sự kiểm soát đúng mực, rất có thể sẽ khiến con lâm vào cảnh đờ đẫn, không biết làm gì nếu không có các thiết bị thông minh. Trong khi hầu hết trẻ em và thanh, thiếu niên thường bỏ ra nhiều giờ đồng hồ "dán mắt" vào máy tính bảng và điện thoại thông minh, thì nhiều gia đình đề ra những điều “cấm kỵ” trong thời đại công nghệ số đang bùng nổ như ngày nay.

Điện thoại thông minh cũng phải thua "luật bàn ăn". Đây là nguyên tắc trong gia đình anh Oliver Geyer tại Berlin, Đức. Bữa ăn là thời gian dành cho gia đình, nên đương nhiên không có chỗ cho những chiếc điện thoại thông minh. Anh Oliver Geyer cho biết: "Chúng tôi thường thảo luận về các biện pháp thay thế điện thoại thông minh như vận động, ra ngoài chơi hay bất cứ hoạt động nào mà các cháu muốn".

Tất nhiên không thể loại bỏ hoàn toàn các thiết bị số ra khỏi cuộc sống của trẻ. Vậy nên nhiều gia đình vẫn lựa chọn cách cho con tiếp xúc với điện thoại thông minh, hay máy tính bảng, tuy nhiên chỉ trong thời gian nhất định, sau khi trẻ đã làm xong bài tập, chơi thể thao, hay tham gia các hoạt động ngoại khác. Nhà báo Becky Worley nói: “Các phụ huynh nên cài một ứng dụng có khả năng tắt điện thoại sau khi trẻ đã dùng hết số giờ quy định, đồng thời chặn những trang web có nội dung độc hại và gợi ý cho các con những gì nên xem trên mạng Internet”.

“Người sáng tạo ra công nghệ” Bill Gates lại có chiến lược nuôi dạy con tuyệt vời và hiếm hoi trong thời đại công nghệ số. Trong cuộc phỏng vấn với tờ Mirror, cựu Giám đốc điều hành của Microsoft cho biết, ông đã hạn chế sự tiếp xúc của các con của mình với màn hình kỹ thuật số.

Điều thú vị nữa là Bill Gates - người đàn ông giàu nhất thế giới - còn không cho các con của mình tiếp cận điện thoại di động cho đến khi chúng đủ 14 tuổi. Năm nay, mặc dù các con của ông đều đã lần lượt 20, 17 và 14 tuổi, đủ tuổi được tự do sử dụng thoải mái điện thoại di động, nhưng Bill Gates vẫn cấm các con sử dụng điện thoại di động khi cả nhà đang ăn tối.

Ông Gates cho biết thêm: “Chúng ta có thể thấy điện thoại thông minh rất tuyệt vời, có thể giúp chúng ta làm bài tập hoặc giữ liên lạc với bạn bè – nhưng cũng có những chuyện nó đã vượt quá mức kiểm soát”.

Với giá trị tài sản của Bill Gates ước tính khoảng 86,9 tỷ đô la, chúng ta có thể nghĩ rằng các con của nhà tỷ phú này sẽ sớm quen thuộc với một số công nghệ sang trọng nhất. Nhưng thực tế lại không hẳn như vậy. Thay vì cho các con sử dụng công nghệ được nhiều giới trẻ ưa chuộng nhất của Apple, các con của Bill Gates lại nhận được sản phẩm công nghệ Windows. 

Bill Gates từng chia sẻ: “Tất nhiên, các con tôi cũng muốn sở hữu các sản phẩm của Apple, nhưng tôi lại tặng chúng các công nghệ Windows, tài sản của gia đình tôi đều thu nhập từ Microsoft, chính vì thế, không có lý do gì chúng tôi lại đầu tư cho đối thủ cạnh tranh”. Trước đó, bà Melinda - vợ của Bill Gates cũng từng khẳng định gia đình bà không sử dụng bất kỳ một sản phẩm của Apple nào trong nhà.

Thời gian và liều lượng chính là lời khuyên mà các chuyên gia dành cho phụ huynh, trong việc dạy trẻ cách ứng xử với công nghệ bởi nếu cứ để trẻ sử dụng các thiết bị số một cách tự do, rất có thể, tất cả những gì trẻ nhìn thấy chỉ là màn hình chiếc điện thoại thông minh nhỏ xíu chứ không phải cuộc sống sôi động ngoài kia.

Tỷ phú Bill Gates có cách dạy con cực hiếm trong thời đại công nghệ
Tỷ phú Bill Gates có cách dạy con cực hiếm trong thời đại công nghệ

Cách dạy học cũng cần thay đổi

Đó là trong phạm vi gia đình, còn khi bước ra ngoài xã hội để tới trường học, trẻ em cũng cần được tiếp cận cách giáo dục mới. Một giáo viên chia sẻ, thay vì cách dạy truyền thống xếp học sinh thành từng cấp bậc theo đường thẳng đi lên, ví dụ như tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông,… cách đó chúng ta gần như “sản xuất” (product) học sinh, thì giờ chúng ta phải “canh tác” (cultivation) khai thác khả năng của học sinh, chứ không đơn giản truyền đạt kiến thức và học sinh tiếp nhận nữa. Đấy chính là cách chúng ta sẽ làm trong thời đại ngày nay.

Theo vị giáo viên này, mỗi học sinh có một khả năng riêng, cảm hứng học tập riêng khác nhau, vì thế cần phải có cách dạy khác nhau. Nhiệm vụ của người giáo viên thời đại mới là nhận ra các điểm mạnh, điểm yếu của học sinh để có phương pháp tác động khác nhau, thay vì đổ dồn một lượng kiến thức cho học sinh tiếp thu một cách thụ động; khởi dậy niềm đam mê, tạo điều kiện cho học sinh phát triển. Không biết 20 năm tới học sinh cần kiến thức gì, do đó điều mà giáo viên cần dạy cho học sinh là kĩ năng nghiên cứu, kĩ năng giải quyết vấn đề, kĩ năng tự học.

Một thống kê về bạn trẻ đến 21 tuổi cho thấy, một người thường dùng 10.000h để chơi điện thoại, viết 20.000 email, dành 20.000 giờ để xem tivi, 10.000 giờ để chơi game trong khi lại dành dưới 5.000 giờ đọc sách. Trẻ em bây giờ được “đắm mình” trong công nghệ từ rất còn nhỏ, các con dùng để học hoặc chơi, thậm chí các bé 2, 3 tuổi cũng đã chơi iphone. Giới trẻ thường xuyên lên mạng và lên để làm gì? Thứ nhất để tìm kiếm thông tin mà các em cho là thú vị. Thứ hai là để tự học thêm. Thứ ba để kết nối với cộng đồng. Thứ tư để thể hiện cho người khác thấy mình làm được gì. Thứ năm để được lắng nghe. 

Sự khác biệt giữa hai thế hệ (giáo viên và học sinh) ảnh hưởng đến việc dạy học như thế nào, ảnh hưởng của công nghệ đối với việc dạy học như thế nào? Người học thời đại này là những người sành về công nghệ, luôn luôn di động (mobile), lúc nào cũng trong trạng thái bận (điện thoại, facebook, yahoo… không bao giờ tắt), muốn được khám phá và trải nghiệm, thích các hoạt động xã hội (kết nối). Do vậy, giáo viên cần dựa vào đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, sở thích của học sinh hiện nay để có những phương pháp dạy hiệu quả hơn.

Đọc thêm