Để con thơ của nữ công nhân không còn khát sữa mẹ

(PLVN) - Khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho thấy, nữ công nhân ở các khu công nghiệp có thể tiết kiệm được 12% thu nhập nếu doanh nghiệp tạo điều kiện tốt cho họ nuôi con bằng sữa mẹ…
Nhiều doanh nghiệp bố trí không gian vắt, trữ sữa cho lao động nữ nuôi con nhỏ.
Nhiều doanh nghiệp bố trí không gian vắt, trữ sữa cho lao động nữ nuôi con nhỏ.

Nuôi con nhỏ, chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, công nhân Công ty CP Giày Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc phần lớn phải vắt bỏ sữa vì nếu xin về cho con bú thì không kịp làm ca chiều.  Với đồng lương công nhân ít ỏi, chị phải dành một khoản để mua sữa ngoài cho con ăn, trong khi mỗi ngày đi làm chị lại phải hai lần vắt bỏ sữa.

Tình trạng này đã được khắc phục khi công ty chị có cabin vắt, trữ sữa dành cho cho các bà mẹ. Mỗi người có một bình ghi tên riêng, đến giờ nghỉ, chị Hạnh lại đến phòng vắt sữa và trữ lạnh, chiều mang về cho con. 

Giống như chị Hạnh, chị Mai Thị Thùy Dung công nhân của Công ty TNHH Tohoku Pioneer - Việt Nam có trụ sở tại Lô G, Khu công nghiệp Nomura, Hải Phòng cũng nhờ cabin vắt, trữ sữa mà nuôi được con bằng sữa mẹ. Chị kể, con thứ hai của chị nhờ bú sữa mẹ sớm và bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu nên rất khỏe mạnh.

Trước đây, với đứa con đầu nhà xa chỗ làm nên trưa chị cũng không về cho con bú được, toàn phải vào nhà vệ sinh vắt bỏ sữa. Đến cháu thứ hai, công ty chị làm có phòng vắt và tủ lạnh trữ sữa cho nữ công nhân nuôi con nhỏ, nên trong giờ nghỉ giải lao chị tranh thủ lên phòng vắt sữa, trữ vào tủ lạnh để mang về cho con ăn vào hôm sau.

Tiết kiệm 12% thu nhập

Nuôi con bằng sữa mẹ giúp nữ công nhân tiết kiệm được 12% thu nhập, đây là thông tin được các chuyên gia về lao động đưa ra tại hội thảo công bố kết quả khảo sát đời sống gia đình công nhân lao động và tình hình hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc do Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa tổ chức. 

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động cao trên thế giới với 72,9%. Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định, chính sách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cường các biện pháp bảo vệ thai sản, trao quyền cho lao động nữ. Các chính sách này đang phát huy hiệu quả tốt trong thực tiễn khi có ngày càng nhiều lao động nữ được hưởng lợi.

Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động cũng cho thấy trên 98% người lao động tham gia hài lòng và gắn bó hơn khi làm việc tại doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tốt và ủng hộ quy định mỗi doanh nghiệp nên có tối thiểu một phòng vắt, trữ sữa. 95% đại diện doanh nghiệp tham gia khảo sát đồng ý rằng doanh nghiệp hoàn toàn có thể chi trả được chi phí trung bình cho việc thiết lập một phòng vắt, trữ sữa ở mức khoảng 15-20 triệu đồng.

Nếu năm 2014, cả nước chỉ có 70 phòng vắt, trữ sữa tại các doanh nghiệp ở 14 tỉnh/thành được khảo sát, thì tháng 5/2020, sau gần 5 năm thực hiện Nghị định 85/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ, nhiều doanh nghiệp đã lắp đặt đầy đủ phòng vệ sinh, phòng tắm, không gian vắt, trữ sữa tại nơi làm việc cho lao động nữ nuôi con nhỏ. Cả nước đã có 826 phòng vắt trữ sữa được thiết lập ở 515 cơ quan, doanh nghiệp tại 40 tỉnh, thành phố.

Đánh giá về các biện pháp các công đoàn cơ sở và doanh nghiệp đã thực hiện, bà Phan Thị Hồng Linh - Phó giám đốc Khu vực Đông Nam Á của chương trình Alive & Thrive (dự án về dinh dưỡng tại Việt Nam) cho biết: “Một trong những đầu tư hiệu quả của doanh nghiệp nhằm đảm bảo đời sống gia đình công nhân lao động chính là hỗ trợ lao động nữ duy trì nuôi con bằng sữa mẹ thông qua lắp đặt phòng vắt trữ sữa tại nơi làm việc.

Trẻ được bú mẹ có nguồn dinh dưỡng tốt nhất, giảm nguy cơ bệnh tật cho cả mẹ và con. Gia đình công nhân lao động cũng có thể tiết kiệm được khoảng 12% thu nhập khi không phải mua sữa công thức và giảm rất nhiều chi phí khám chữa bệnh. Nhờ đó mà bố mẹ có thể tập trung vào công việc”.

“Luật hóa” điều kiện chăm sóc lao động nữ

Bên cạnh tín hiệu khởi sắc nói trên thì thực tế nữ công nhân lao động vẫn đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp được khảo sát chưa có thời gian và nhân lực để quan tâm sâu sát đến đời sống hôn nhân gia đình của người lao động, một số lao động nữ gặp khó khăn trong phân công công việc nhà, đảm bảo bình đẳng giới và duy trì đời sống hôn nhân lành mạnh, gây ảnh hưởng tới hiệu quả công việc…

Năm 2021, Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung mới có hiệu lực, theo bà Phan Thanh Minh chuyên viên Vụ Pháp chế Bộ LĐ-TB&XH trong đó có nhiều điểm mới cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ.

Đơn cử như các quy định khuyến khích người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động. Trường hợp người sử dụng lao động sử dụng từ 1.000 người lao động nữ trở lên thì phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc…

Từ góc độ của Ban Nữ công – Tổng LĐLĐ Việt Nam, bà Trịnh Thanh Hằng, Trưởng Ban Nữ công cũng kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố cần quan tâm quy hoạch các khu công nghiệp có tính toán đến các dịch vụ phụ trợ phục vụ sinh hoạt vật chất và tinh thần cho công nhân lao động như nhà trẻ, mẫu giáo, nhà ở, nhà văn hóa… 

“Ngoài ra, chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế sớm nghiên cứu ban hành các quy chuẩn về buồng tắm, buồng vệ sinh, phòng vắt trữ sữa để đảm bảo tốt sức khỏe sinh sản và nuôi con bằng sữa mẹ của lao động nữ” – bà Hằng nêu đề xuất. 

Đọc thêm