Dẹp "loạn" lễ hội

(PLO) - Trái với hy vọng của nhiều người, mùa lễ hội đầu năm Giáp Ngọ lại diễn ra trong cảnh náo loạn, mà đỉnh cao là lễ hội Khai ấn đền Trần. Nhiều người băn khoăn, liệu sự cứng rắn của pháp luật có thể khiến  lễ hội giữ gìn được sự tôn nghiêm?
Dẹp "loạn" lễ hội
Hãi hùng đêm khai ấn
Để hạn chế những cảnh tượng náo loạn, rối ren đã diễn ra tại lễ hội Khai ấn đền Trần (Nam Định), ban tổ chức đã có  sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Ngay từ 13g chiều 13/2, hàng trăm cảnh sát cơ động đã tỏa ra các tuyến đường dẫn đến khu vực lễ hội ngăn chặn xe máy, ôtô vào đền. Các barie được dựng phong tỏa từ đường Trần Thừa, đường Trần Thủ Độ...
Trong những phút đầu, Lễ khai ấn vẫn diễn ra trong không khí linh thiêng, trang nghiêm, thế nhưng, đến phút phát ấn, rước kiệu thì không khí đã hoàn toàn thay đổi. Nhiều người dự lễ khai ấn nhận định mức độ “cuồng” của người dân tham gia lễ hội năm nay còn “đáng sợ" hơn năm trước. Kiệu vừa rước ngang, là hàng loạt tiền lẻ bay rào rào, tới tấp về phía tượng như một “cơn mưa tiền”.
Chưa hết, đám rước vô cùng chật vật mới có thể chen qua được đám đông hỗn loạn để vào trong đền, bởi hàng trăm cánh tay vươn ra từ đám đông, giật lấy tất tật mọi thứ đính trên kiệu: Từ hoa thật, hoa giả trang trí, đến tua, vải… Sau phút tuyên bố phát ấn, dòng người dẫm đạp, xô đẩy, trèo lên nhau để vào đền lại có những hành xử đáng sợ hơn.
Lớp vào được trong đền thì đông đến nỗi trong đền không còn một chỗ trống, người kẹt cứng lấy nhau. Người ta xô đẩy, dẫm lên nhau, thậm chí ẩu đả nhau để giành ấn trong đền. 
Sau tiếng hô “mọi thứ trong đền đều là vật linh thiêng”, hàng trăm người phía trong đền đang thất vọng vì chưa có được ấn, đã manh động ào đến sờ mó, giật, kéo, lấy tất cả những thứ có thể trong đền. 
Cảnh hỗn loạn ở đền Trần
 Cảnh hỗn loạn ở đền Trần
Người ta rung chuông, trèo lên bàn thờ, bước qua cả bát hương để sờ vào thánh kiếm, vào tượng. Nhiều người giật lấy tất tần tật những thứ có thể lấy đi được trên bàn thờ như hoa quả, hương, nến đang cháy dở, thậm chí đồ trang trí cũng không chừa. 
Bên ngoài đền, hàng ngàn người khác đang trèo lên người nhau, huých nhau để chen lấn từng cen-ti-mét, trèo lên cây để ngóng xem, tranh thủ hái trụi các lộc non, lá già về làm “lộc làm ăn” cho mình. Vài chục người thì đu đeo, leo trèo lên các cột, mái ngói của đền. Nhiều người đánh, chửi rủa nhau, chử thề... trong lúc chen lấn giành ấn.
Ấn đền Trần, trong khi chỉ phát được cho một bộ phận người dân đến xin ấn, và thiếu trầm trọng trong sự thất vọng của hàng nghìn người, thì lại có thừa thãi để người ta mang ra bán chợ đen ngay trước đền. Thậm chí xa hơn vài cây số, trên các tuyến xe đò… ấn cũng được bán với giá gấp ba, thậm chí gấp chục lần giá xin ấn tại đền. Nhiều người dân bất bình, đặt câu hỏi liệu có sự thông đồng giữa “nhà đền” và cánh chợ đen?
Cạnh đó là tình trạng đổi tiền lẻ vẫn diễn ra tấp nập bên ngoài phạm vi đền, nhằm thỏa mãn nhu cầu “cho thánh tiền” của đông đảo người dân, mặc dù hoạt động này đã bị cấm… Tất cả tạo nên một bức tranh hỗn loạn, bát nháo và thiếu văn hóa tại một lễ hội văn hóa mang tính truyền thống lâu đời của người Việt. 
Luật pháp có thể là "cây gậy" dẹp loạn?
Dư luận đã đặt ra câu hỏi: Phải chăng chỉ có biện pháp mạnh là sử dụng chế tài pháp luật để răn đe, xử phạt những kẻ “đầu sỏ” gây náo loạn những chốn tâm linh, thì mới mong cơn “cuồng tín” của người dân có thể dịu đi phần nào?
Về hiện tượng này, Luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Văn phòng LS Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn LS TP.HCM đưa ra những kiến giải: “Những hành vi của những người tham gia lễ hội như vậy là không đẹp chưa nói là rất xấu. Xâm phạm đến tài sản của người khác mà không được phép của chủ sở hữu là vi phạm pháp luật, nhẹ thì bị xử phạt vi phạm hành chính, nặng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xâm phạm cả ban thờ mong được lộc
 Xâm phạm cả ban thờ mong được lộc
Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi Trộm cắp tài sản hoặc Công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác thì có thể bị phạt đến 2 triệu đồng; Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác thì có thể bị phạt đến 5 triệu đồng. 
Ngoài ra, những hành vi xúc phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm Hình sự cũng có thể bị xử phạt vi phạm Hành chính, cụ thể Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định phạt đến 300.000 đồng người có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; phạt đến 1 triệu đồng người có hành vi đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau.
Về khía cạnh đạo lý, LS Hiệp bày tỏ quan điểm: “Tín ngưỡng là nét đẹp văn hóa của người Việt và được pháp luật quy định, nhưng cuồng tín đến mức dị đoan thì pháp luật cấm. Người Việt ngày càng mê tín hơn. Có người mê tín đến mức thiếu suy nghĩ. 
Ai cũng biết lòng thành sẽ được chứng giám nhưng những hành vi “buôn thần bán thánh”, “tham sân si” như vậy ngay cả con người còn chưa chấp nhận được thì liệu thần thánh có chứng giám được không?
Pháp luật đã có quy định, còn lại phải tùy thuộc vào người thực thi. Ngoài giáo dục để nâng cao ý thức của người dân còn cần tăng cường lực lượng để phát hiện và xử phạt những hành vi vi phạm pháp luật như vậy thì mới mong lễ hội đi vào nề nếp, trật tự”.

Đọc thêm