Đi tìm dấu tích vụ giặc Pháp thảm sát dân lành Quảng Bình: Quạnh hiu ngày giỗ làng

(PLO) - Chúng tôi đã tự thầm trách mình rằng hiểu về Quảng Bình khá nhiều nhưng lại biết tới sự kiện bi tráng này quá muộn. Chạnh lòng hơn khi lớp thế hệ hôm nay, dường như không biết ở mảnh làng quê hương mình chôn nhau cắt rốn 67 năm trước, từng xảy ra một vụ thảm sát kinh hoàng của thực dân Pháp - nơi tổ tiên họ đã đổ gục xuống trước họng súng quân thù…
Bắc Trạch ngày mới hôm nay
Bắc Trạch ngày mới hôm nay

Lần giở những trang sử liệu trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Bắc Trạch 1944 – 1975 (sơ thảo) mới hay rằng, từng tấc đất Bắc Trạch bên chân sóng sông Gianh ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình này đều quá đỗi thiêng liêng bi tráng.

Mối thù giặc Pháp

Phải chăng là sự ngẫu nhiên của lịch sử? Hay do một sắp đặt nào đó mà mảnh đất nhỏ bên dặm dài thiên lý Bắc – Nam này, luôn mang trong mình một sứ mệnh chiến lược?

Từ thời Đại Việt – Chăm Pa (thế kỷ III – XI), rồi đến 2 thế lực phong kiến Trịnh - Nguyễn (thế kỷ XVII) phân tranh Đàng Trong – Đàng Ngoài, Bắc Trạch đều là nơi xảy ra những trận chiến ác liệt. Hàng trăm năm đằng đẵng, mảnh đất này luôn là chiến trường tàn khốc, người dân đôi bờ đêm đêm thổn thức theo tiếng hát ru con: “Sông Gianh nước chảy đôi dòng/ Đèn chong đôi ngọn, biết trông ngọn nào”.

Từ gia phả các dòng họ ở Bắc Trạch ghi nhận được rằng, những cư dân sống trên vùng đất trù phú này vốn gốc gác từ vùng Thanh – Nghệ Tĩnh. Họ có thể là những người lính đi đánh trận ở lại sau chiến trận đã tàn, những nông dân tay trắng bởi sưu cao thuế nặng đã liều lĩnh bỏ xứ, dấn thân với cuộc di cư vào phương Nam… Bắc Trạch sơ khai là địa giới của hai ngôi làng nhỏ: Đặng Đề và Thanh Ba. Sau Cách mạng tháng Tám 1945 sáp nhập thành làng Ba Đề. Đến tháng 6/1956, Ba Đề chính thức mang tên mới là xã Bắc Trạch cho đến tận hôm nay.

Sau khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp tức tốc thiết lập bộ máy thống trị với chính sách khai thuộc địa tàn khốc. Dân làng Ba Đề cũng không ngoại lệ, chính quyền thực dân đã đẩy người nông dân xứ này vào nghèo nàn, lạc hậu, tăm tối và bế tắc bởi sưu cao thuế nặng, bởi phu phen tạp dịch và chính sách ngu dân. 

Cũng từ đó, người Ba Đề nuôi lớn trong lòng một mối thù với thực dân. Thông qua các phong trào cách mạng chống Pháp trước những năm 1950, đội ngũ cán bộ Việt Minh ở làng Ba Đề ngày càng được tôi luyện trưởng thành và tận lực lãnh đạo nhân dân trong phong trào đánh giặc, giữ vững sản xuất, bảo vệ chính quyền và những thành quả cách mạng đã giành được. Nhưng rồi, con nước lớn của trận lụt năm 1950 đã cuốn phăng sạch của cải, mùa màng và để lại cho nhân dân Ba Đề bộn bề khó khăn chồng chất.

Cụ Thiết bên tấm ảnh của người cha đã hy sinh trong cuộc kháng chiến giữ quê hương
Cụ Thiết bên tấm ảnh của người cha đã hy sinh trong cuộc kháng chiến giữ quê hương

Ngày hè tháng 8 tang thương

Giữa lúc bà con đang tập trung giải quyết nạn đói thì quân Pháp lợi dụng thời cơ dồn lực lượng càn quét hòng giành lại trên chiến trường và các vùng giải phóng của Việt Minh. Ngày ngày địch ở đồn Thanh Khê cho ca nô chạy trên sông Gianh và sông Thanh Ba (hai con sông nằm bên làng Đại Đề) ráo riết bắn pháo vào làng, vào đồng ruộng, chợ, đường giao thông, chuồng gia súc… nhằm bao vây kinh tế Ba Đề. Pháp còn tung gián điệp vào làng để mua chuộc cán bộ, chiến sĩ cách mạng…

Dẫu vậy, quân dân Ba Đề vẫn một lòng theo Đảng, củng cố lực lượng, đẩy mạnh các hoạt động tập kích, phục kích lính Pháp đi càn, hoạt động tình báo… Ngày 5/8/1951, du kích làng Ba Đề chặn địch từ đồn Thanh Khê càn vào làng, diệt nhiều giặc Pháp. Đến 10/8, họ tiếp tục phối hợp với du kích làng Cao Lao chống địch vây ráp không cho nông dân ra đồng… Hoạt động du kích gan cường khiến quân Pháp ở các đồn chiếm đóng lân cận như Thanh Kê, Ba Đồn, Hạ Trạch rất lo sợ. Mỗi khi vào làng, tránh quân dân Ba Đề đánh chặn, bọn lính bảo an phải giả dạng dân đi làm ruộng, súng được giấu trong áo, trong tơi.

Theo lời kể của một số nhân chứng, ngày 20/8/1951, phát hiện địch từ đồn Thanh Khê giả dạng đi vào làng, tổ du kích trực chiến gồm những thanh niên rất trẻ gồm các anh: Phan Trung Thiết, Phan Thọ, Phan Nhân, Nguyễn Con, Phan Dư và Phan Xuy phối hợp cùng các chiến sĩ Đại đội 363 – bộ đội địa phương tổ chức thế trận đón địch. Họ thống nhất mật hiệu với mẹ Liên – chủ quán nước đầu làng. Khi toán lính giả dạng (có tên Việt gian tên Xàng, quê ở xã láng giềng Hạ Trạch dẫn đường) sắp vào quán nước, mẹ Liên gọi to: “Bò ăn ló ơ bây!” (bò ăn lúa chúng mày ơi - NV), du kích cùng bộ đội lúc ấy chỉ có dao và rựa, lao thẳng giữa bọn lính giáp lá cà. Bị tấn công bất ngờ, giặc tháo chạy, chiến sĩ Phan Dư xông vào chém rồi quật ngã một tên, cướp súng.  

Và như câu chuyện đã kể trong các bài viết trước, điên cuồng trước tinh thần yêu nước của bà con, giặc Pháp mở cuộc hành quân càn quét vào làng một ngày sau đó, 21/8/1951. Chúng đốt nhà, cướp thóc gạo, lùa trâu bò… Chưa dừng lại, chúng dồn hơn 100 người dân thường và giết hại không thương tiếc hơn 70 người không kể già trẻ, gái trai…  

Những người chứng kiến vụ thảm sát kinh hoàng ấy ở Bắc Trạch, giờ chỉ hai người còn sống. Ông Nguyễn Xuân Kiên (82 tuổi) – nguyên là Bí thư Đảng ủy xã thời chống Mỹ nay đã không còn minh mẫn. Còn cụ Phan Trung Thiết - vài tháng nữa là cụ tròn 90 tuổi đời và 70 tuổi Đảng. Chống Pháp, cụ là du kích tham gia vụ cướp súng ngày 21/8, sau vào bộ đội thông tin tuyên truyền.

Cụ Thiết bảo, chuyện xưa qua rồi, mọi thứ đã là dĩ vãng. “Nhưng nhiều người sống sót sau cuộc thảm sát ấy đã sống phần đời còn lại trong đau đớn, ám ảnh. Tui cũng không thể hiểu được là tại sao những tên lính ấy lại có thể nhẫn tâm giết những người dân lành không một tấc sắt trong tay? Rồi người già và trẻ em nữa”, cụ nói.

Sau vụ tàn sát, tổ chức Đảng tại địa phương đã phát động dân làng kéo về đồn Thanh Khê đấu tranh phản đối tội ác man rợ của giặc và bắt tên lý trưởng tay sai Pháp ở Ba Đề là Nguyễn Văn Xạ phải đâm đơn kiện. Thực dân Pháp buộc phải xoa dịu tình hình bằng việc bồi thường cho làng 750m vải, gạo, tiền mặt và dầu. Nhưng tên lý trưởng nhận về không chia lại cho bà con và bỏ trốn biệt vào Nam.

Ông giáo về hưu Phan Văn Quỳnh và cụ Phan Trung Thiết thuật lại về vụ thảm sát kinh hoàng 67 năm trước
Ông giáo về hưu Phan Văn Quỳnh và cụ Phan Trung Thiết thuật lại về vụ thảm sát kinh hoàng 67 năm trước

Quạnh hiu một buổi giỗ làng

Suốt câu chuyện của cụ Thiết với chúng tôi là việc cụ thấy những người sống sót sau thảm sát đã sống phần đời còn lại rồi nhắm mắt trong ám ảnh với ước nguyện chưa thành bởi cuộc thảm sát này chưa được nhìn nhận một cách đúng nghĩa. Cụ Thiết mong ngóng đỡ tủi lòng hơn khi khuất bóng là có một tấm bia, một công trình ghi nhận nào đấy để mai sau thế hệ cháu con biết mà nhắc nhớ tổ tiên đã nằm xuống dưới họng súng quân thù.

Để thực hiện bài viết này, từ những thông tin mơ hồ ban đầu, chúng tôi lần tìm hết các thông tin trên mạng internet về chiến tranh, thảm sát tại Quảng Bình nhưng Ba Đề không hề có một dòng chữ. Thậm chí khi biết nơi này vốn là tên gọi xưa của xã Bắc Trạch, nhưng liên lạc với chính quyền địa phương, hầu như không ai nắm rõ. May thay tìm được ông giáo về hưu Phan Văn Quỳnh – Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Bắc Trạch – người nghe tổ tiên kể lại được chút ít thông tin và dẫn chúng tôi tìm gặp cụ Thiết.

Ngày 21/7 Âm lịch, dân làng Ba Đề tổ chức lễ tang cho những dân nghèo xấu số. Và suốt nhiều năm sau, người dân ở Bắc Trạch lấy ngày đó để tổ chức một ngày giỗ làng. “Nhưng những nhân chứng dần khuất núi, câu chuyện bị lãng quên dần đi theo thời gian. Bây giờ hàng năm, ngày giỗ làng vẫn được tổ chức và cháu con vẫn tụ hội về nhưng hầu như không ai hiểu rõ ý niệm thiêng liêng”, ông Quỳnh cho hay. Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Bắc Trạch được soạn sơ thảo từ năm 1999 hơn 300 trang, nhưng thông tin về vụ thảm sát cách đây 67 năm chỉ chưa đầy một trang giấy…

Bắc Trạch xưa chi chít hố bom, hầm công sự, pháo đài nay đã lành vết thương với những vùng dân cư mới sát bên dặm dài thiên lý Bắc – Nam. Với những công trình trường học, trạm xá, chợ, nhà xưởng và nhà dân cao tầng đỏ au màu ngói mới… Vết tích chiến trận bi tráng xưa không còn. Chiều về, đứng bên mảnh làng Ba Đề xưa nhìn hai dòng sông Gianh và Thanh Ba cuồn cuộn nước đổ ra biển Đông, về hướng làng xóm, cánh đồng quê yên bình, chúng tôi tin có một phần hài cốt của những lớp người tiên tổ ngã xuống trong cuộc thảm sát 67 năm trước, đã hòa theo dòng phù sa về tưới tắm, vun đắp cho những ruộng lúa, vườn cây, những làng quê trù phú, mỡ màu.

Dẫu biết không gì vĩnh cửu trước thời gian. Nhưng nghĩ đến những người dân xấu số bỏ mạng trong cuộc thảm sát kinh hoàng ấy, chúng tôi thấy như vẫn phảng phất đâu đó những ánh mắt uất hờn của người trẻ, những tiếng khóc người già ám ảnh. Lại chợt trở lòng trách hậu thế đã quá hững hờ...

Đọc thêm