Đi tìm kho báu (Kỳ 1): Thực hư tàu Nhật chở kho báu đắm trên vùng biển Việt Nam

(PLO) - Dưới chế độ Việt Nam cộng hòa ở Sài Gòn, dân chúng đây đó đã râm ran chuyện kho báu ở vùng biển duyên hải miền Trung.
Lính Nhật hành quân trong một trận chiến hồi Thế chiến 2
Lính Nhật hành quân trong một trận chiến hồi Thế chiến 2

Tuy nhiên đến thời điểm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, thông tin về kho báu vẫn còn mơ hồ, không rõ ràng làm cho nhiều người bán tín, bán nghi. Khoảng 1963 - 1964 một số ngư dân và thương gia viết đơn xin chính quyền Sài Gòn cho trục vớt, khai thác của cải trong những con tàu của Nhật Bản bị đắm ở miền Trung thì bí mật mới dần được hé lộ.

Những thông tin lạ

Theo tài liệu cũ để lại, dưới thời Ngô Đình Diệm, cố vấn khét tiếng gian hùng Ngô Đình Nhu thấy rõ nguy cơ nguồn tài chính khó khăn. Trong lúc anh em nhà họ Ngô đang hô hào chuẩn bị Bắc tiến, từ một nguồn tin nào đó, Ngô Đình Như đã ra lệnh cho hai đàn em thân tín, đại tá Quyền và Huy, đưa một lực lượng hải quân và tàu lặn rầm rộ kéo ra Cam Ranh (Khánh Hòa) và Quảng Nam quần thảo 7 ngày để tìm kho báu. Nhưng cuộc thám sát bất thành vì nhiều lý do khác nhau.

Đầu năm 1964, một ngư dân ở Thừa Thiên - Huế đã gửi đơn xin tướng Nguyễn Khánh cho trục vớt kho báu ngoài biển. Cũng khoảng năm 1964, ông Đoàn Văn Khinh, quê ở Quảng Nam, lúc đó đang sống ở Sài Gòn, cũng có tờ trình xin Nguyễn Khánh cho trục vớt những con tàu Nhật bị đắm ở vùng biển Việt Nam để tìm báu vật.

Trong tờ trình, ông Khinh viết: Kính xin trung tướng cho phép tôi được khai thác số bảo vật lên đến hàng trăm triệu USD, trong những con tàu Nhật Bản bị đắm ở vùng biển từ Quảng Nam đến Phú Yên, trước để giúp cho chính phủ thêm ngân khố, sau để hiến vào công sản quốc gia một khoản không nhỏ.

Đáng chú ý là đơn của ông Tôn Thất Tấn, một thương gia ở Đà Nẵng. Ông Tấn thông qua Nguyễn Chánh Thi, nhờ Thi tác động với với Nguyễn Khánh cho ông được phép khai thác phu vụ làm ăn này. Ông Tấn kể trong đơn:

Năm 1958, trong một chuyến may mắn được đi biển cùng nhiều quan chức Nhật Bản, ông được hai vị chỉ huy là Sakamoto và Nasu chỉ trên bản đồ cho ông biết vị trí 158 con tàu Nhật bị phe Đồng minh đánh chìm trong chiến tranh thế giới thứ hai, trong đó có 5 con tàu chở vàng bạc, châu báu. Ngày 10/4/1964, tướng Nguyễn Khánh đã có bút phê: Nên thành lập một ủy ban để lo việc này, bởi vấn đề đáng quan tâm lắm.

Về phía Nhật Bản, khoảng 1963, họ đã cử ít nhất vài đoàn vào Quảng Nam - Đà Nẵng (trong đó có làng chài Nam Ô) dưới danh nghĩa khảo sát hợp tác kinh tế biển nhưng thực chất để tìm hiểu về kho báu. Đoàn “chuyên viên thống kê ngư nghiệp” của Keigi Torikei giúp lập bảng thống kê hải ngư 2 năm cho Quảng Nam. Đoàn chuyên viên ngư thuyền của Kiratsuka đến Đà Nẵng nghiên cứu các loại ghe thuyền bản địa, người giảng về phương thức tìm luồng cá, người khảo sát đo vẽ các loại ngư cụ.

Nhưng các lão ngư trong vùng cho biết: Họ còn dò hỏi rất kỹ những thông tin liên quan đến đoàn tàu Nhật bị đắm ngoài khơi từ chiến tranh thế giới lần thứ hai. Trong khi đánh bắt cá ngư dân Việt Nam có phát hiện những con tàu vỏ sắt không? Có tàu nào hình thù lạ? Đã bị khai thác báu vật chưa?

Một chiếc tàu của quân Nhật bị quân Đồng minh ném bom đánh đắm
Một chiếc tàu của quân Nhật bị quân Đồng minh ném bom đánh đắm

Vĩnh Tường – Công ty “vỏ bọc”

Trong bối cảnh khá bộn bề thông tin như vậy, nổi bật đơn thư do ông Phan Chu Tế đứng đơn, đề ngày 2/3/1964. Trong đơn, ông Tế trình bày: Ông quê ở Quảng Nam, lúc này sống ở Sài Gòn. Ông có người bạn thân là ông Hườn, chính ông Hườn kể cho ông Tế viết đơn. Chuyện kể của ông Hườn:

Ngày nọ, một người đàn ông Nhật không còn trẻ, đáp máy bay xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Nhờ bạn bè, ông nhanh chóng ổn định cuộc sống và lấy vợ là người Việt Nam. Vợ ông, trước đây là vợ một người lính Nhật Bản đã tử nạn. Vợ chồng ông lập ra công ty Vĩnh Tường làm ăn có tiếng ở Sài Gòn một thời.

Dưới cái vỏ bọc khá chắc chắn là ông chủ công ty Vĩnh Tường, ông ta bắt đầu hoạt động thu thập tin tức về đoàn tàu Nhật chở kho báu bị đắm ở biển Việt Nam. Không hiểu vì lý do gì bí mật về kho báu bị lộ và ông chủ công ty Vĩnh Tường cũng lộ nguyên hình là một viên đại tá quân đội Nhật Bản.

Phải chăng, do viên đại tá làm lộ bí mật về kho báu nên Diệm - Nhu đã tổ chức chiến dịch truy tìm ở miền Trung? Bí mật bại lộ, chủ hãng Dainam Kosi là Manusita, cũng là một bang trưởng Hắc Long (Rồng đen) đã xử viên đại tá, chủ công ty Vĩnh Tường tội chết.

Năm 1959, ông Hườn đã xin được vào làm ở công ty Vĩnh Tường và rất được ông chủ tin cậy. Năm 1961, trước khi chết, viên đại tá đã kể chi tiết cho ông Hườn hay: Cuối chiến tranh thế giới lần thứ hai, 126 con tàu của Nhật Bản chở của cải châu báu vơ vét được từ các nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Philippin… men theo bờ biển Việt Nam để về Nhật. Mỗi con tàu có tải trọng từ 3000 - 3500 tấn, hầu hết chở thiếc và cao su nhưng trong đó có 4 - 5 con tàu chở vàng bạc châu báu. Khi đi đến vùng biển Việt Nam thì bị máy bay quân đồng minh đánh chìm.

Thanh kiếm vớt được

Sau 1975, khi nước nhà thống nhất, thỉnh thoảng lại có thông tin ngư dân vùng Cù Lao Chàm phát hiện nhiều cổ vật gốm sứ trong các con tàu đắm. Thông tin này lan rộng ra cả nước, giới săn đồ cổ trong Nam ngoài Bắc như ngồi trên đống lửa. Nhiều người mò vào đến tận nơi cho “mục sở thị”. Tại Bãi Làng Cù Lao Chàm, ngư dân Trần Hai, con ông Trần Tau còn cho biết: Một ngư dân ở làng chài Duy Vinh có thanh kiếm Nhật, anh này nói tìm thấy trong một con tàu chìm ngoài khơi.

Một ngư dân ở làng chài Bình Sơn (Quảng Ngãi) lại cho hay: Anh có nghe, trước 1945, vài ngư dân trên đảo Cù Lao Chàm đã phát hiện một con tàu vỏ sắt, trong đó có nhiều đồ trang sức, vàng bạc quý báu và cả thuốc phiện. Liệu đây có phải là một trong các con tàu của hải quân Nhật chở báu vật bị đánh chìm?

Tướng Yamashita Tomoyuki, người chỉ huy kế hoạch chôn giấu của cải của phát xít Nhật
Tướng Yamashita Tomoyuki, người chỉ huy kế hoạch chôn giấu của cải của phát xít Nhật

Cùng nằm trên hành lang từ Đông Nam Á về Nhật Bản, ngoài Việt Nam, Philippin cũng được coi là một kho vàng lớn lên đến hàng nghìn tấn quân đội Nhật Bản chôn giấu vào cuối thế chiến II. Ngay từ cuối 1945, tư lệnh quân đội Mỹ ở Philippin, tướng Mac Arthur đã được báo cáo về vấn đề này.

Dưới thời tổng thống Marcoss, Philippin sôi sục tìm kiếm các kho vàng. Mỹ phối hợp với Philippin phát hiện nhiều kho vàng ở vịnh Subic. Đơn vị của Ballinger lại phát hiện một hang động chứa vô vàn thùng đựng vàng khối, mỗi khối nặng 75kg.

Một anh thợ khóa ở Philippin mò vào một đường hầm tìm thấy bức tượng toàn vàng ròng, cao khoảng 90cm, nặng 1 tấn. Trùm vàng ở Philippin hồi ấy, Santy được mệnh danh là “tỷ phú không tên”, giàu hơn nhiều lần Bill Gate, người mà giữa thế kỷ 20 đã có số tài sản lên đến hàng trăm tỷ USD. Ngay sau khi lên nắm chính quyền, Marcoss đã trực tiếp chỉ huy tìm kiếm kho báu. Chẳng thế mà phu nhân Marcoss còn nổi tiếng bởi phi vụ mua sắm hết hơn 3 triệu USD trong một ngày ở New York (Mỹ).

Không còn nghi ngờ gì nữa, thông tin về việc hơn 100 con tàu chở của cải của Nhật Bản bị quân đồng minh đánh chìm ở vùng biển miền Trung Việt Nam thời cuối thế chiến 2, trong đó có 4 - 5 con tàu chở vàng bạc châu báu là có thật. Nhưng nó nằm ở đâu dưới đáy biển miền Trung rộng lớn và tổ chức trục vớt nó thế nào là câu chuyện dài và không ít trắc trở bất ngờ...

(Mời xem tiếp số sau)

Đọc thêm