"Độ xe" ở Việt Nam là phạm luật?

(PLO) - "Độ xe" là thú chơi của những người yêu xe từ lâu. Tuy nhiên những chiếc xe "độ" quá đà đang gây nhiều hiểm họa với khổ chủ và người đi đường, thậm chí là phạm luật.
“Độ” để… nổi
Tùng “ngầu”, tên thật là Lê Thanh Tùng là một người “độ” xe có tiếng ở Hà Nội. Cách đây chừng 6 năm, Tùng chỉ thích dùng loại xe “cởi truồng”, tức là bỏ sạch vỏ, yếm của xe máy, dùng còi ô tô lắp vào. Đi đường, chỉ cần Tùng bấm còi một cái sẽ khiến nhiều người tránh đường, phần vì giật mình, phần vì không hiểu đường đang toàn xe máy, vậy mà lòi đâu ra chiếc… ô tô. Hóa ra không phải, ngoái lại nhìn thì chỉ thấy Tùng, với bộ quần áo chẳng giống ai, mái tóc cũng được nhuộm xanh, đỏ, tím, vàng và chiếc xe máy thì nhìn… gớm chết!
Sau đó một năm, ngoài “độ” chiếc xe như kể trên, Tùng lắp luôn bộ kích âm thanh làm cho chiếc xe nổ lớn, đi đến đâu cũng khiến người đi đường dạt sang một bên vì chói gắt, khó chịu. Chia sẻ trên facebook, Tùng tâm sự: “Đã thích thì phải chơi, đã chơi thì phải chơi trội. Mỗi người có một cái thú”.
Xe "độ" ra phố.
Xe "độ" ra phố. 
Không dừng ở những trò “độ” xe máy cổ điển, Tùng lên mạng tìm kiếm bạn bè, thậm chí lập hẳn “Hội những người thích “độ” xe”. Theo đó, trong nhóm của Tùng có người thích mạ ốc xe nhiều màu sặc sỡ, người thích dán pha - lê cho đèn pha xe máy, người lại thích đeo mặt nạ cho xe. Bản thân Tùng thích thay đổi kích thước bánh xe là nhờ những tay thợ cừ khôi nhất thay đổi bộ bánh xe, khiến chiếc xe có hình thù vô cùng quái dị. 
Lê Văn Quân - bạn cùng chơi với Tùng chia sẻ: “Cũng là chơi nhưng em chơi vừa thôi. Dán mặt nạ vào xe, gắn phần phụ vào đuôi xe đã là quá với em rồi. Với một số người chơi nổi quá, em không theo kịp. Thực ra em vẫn là dân chơi… bình dân!”. 
Tôi hỏi: “Tại sao ngày càng nhiều người thích “độ” xe đến vậy?”. Quân thành thật: “Nhiều lý do lắm, có người thể hiện cá tính, có người thể hiện với bạn bè một vài kiểu xe lạ mắt. Lại có người vì bốc đồng mà làm theo trào lưu. Nhưng cũng có người, ví như Tùng “ngầu” chẳng hạn, thì đó là niềm đam mê. Có khi vì đam mê mà bỏ bê hết cả công việc để sưu tầm mẫu “độ”, rồi cuốn theo nó không dứt ra được”.
Kiểu gì cũng… chiến
Ở Hà Nội, anh Trần Việt Hải rất nổi tiếng với tài “độ” xe và “độ” cho rất nhiều người mà theo anh, thế giới này cũng vô cùng sinh động và phức tạp. Hải thường cải tạo cho những chiếc xe “bãi” (thải, loại), sau một thời gian chúng cũng trở nên vô cùng ngộ nghĩnh.
Hỏi chuyện, Hải cho hay thực tế “độ” xe ở Hà Nội vẫn chưa phát triển mạnh. Nhưng anh cũng khẳng định dân chơi vẫn có cách chơi riêng của họ và họ có thể chọn từ cách giản dị nhất là thay đổi màu sơn của xe ô tô, xe máy, hoặc kinh khủng hơn là chỉ giữ lại bộ khung, còn thay đổi, thêm nếm toàn bộ, chế cái nọ xọ ra cái kia.
Theo tìm hiểu, trong giới “độ” xe cả xe máy, ô tô, đôi khi một chiếc xe bình thường, đơn giản, có giá rất… bèo, qua bàn tay cải tiến của người chơi và người thợ chúng bỗng trở nên có giá, đẹp mắt. Thực tế, một chiếc ô tô ở Việt Nam có giá khá đắt. Nhiều người chơi bình thường đã chọn những chiếc xe cũ, xe giá rẻ để “xài”, vẫn cho hiệu quả cao. 
Người chơi xe dành nhiều thời gian, công sức, đam mê để "độ" xe.
Người chơi xe dành nhiều thời gian, công sức, đam mê để "độ" xe. 
Cũng theo những người “độ” xe, trong một chiếc xe, la-zăng (hay vành xe, mâm xe) luôn là bộ phận được dân chơi xe quan tâm nhất. Chỉ cần đổi la-zăng mới là chiếc xe đã có hình dáng và phong cách khác hẳn. La-zăng được làm từ nhiều chất liệu như hợp kim nhôm, thép, hợp kim magie hay carbon với nhiều kích thước, mẫu mã khác nhau mà nguồn hàng la-zăng chủ yếu được nhập từ Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc…
Qua các “đầu mối”, tôi được biết mấy năm nay đất Hà thành nổi lên một tên tuổi “độ” xe có tiếng, đó là Dũng “bưởi”. Các dòng xe như Honda Dax, Chaly, chỉ qua bàn tay anh là đã có một sức sống mới. Theo thông tin, kiểu gì Dũng cũng chế được, miễn là khách có yêu cầu. Anh thường tự vạch mẫu và đặt hàng lẻ về lắp ghép, hoặc cùng bè bạn… đổi đồ cho nhau.
“Độ” đến thế nào?
Ở nước ngoài, việc “độ” xe được cho phép, nhưng có một cơ quan đăng kiểm quản lý và kiểm tra kỹ thuật, nếu đạt yêu cầu mới cho sử dụng. Đây là việc cần thiết để những chiếc xe này bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông. Còn ở nước ta, ông Nguyễn Hữu Trí - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay: “Ở Việt Nam hiện nay, hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu, tai nạn giao thông vẫn đang là vấn đề gây bức xúc, gây thiệt hại rất lớn cho xã hội, cần nhiều giải pháp để kiềm chế, chúng ta không cho phép “độ” xe. Nếu chỉ thay thế một số chi tiết phụ kiện bên ngoài, không ảnh hưởng đến an toàn thì pháp luật không cấm.  Tất cả các hành vi tự ý “độ” xe không thỏa mãn các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đều nguy hiểm khi tham gia giao thông, gây mất an toàn giao thông và đều bị xử phạt”.
Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, việc xử phạt không đơn giản bởi lực lượng cảnh sát giao thông không xác định được kết cấu ban đầu của chiếc xe như thế nào, căn cứ vào đó xác định mức độ thay đổi kết cấu xe để hình thành mức phạt. Do đó, để bảo đảm an toàn giao thông, các cơ quan chức năng cần có cơ chế, quy định cụ thể hơn để kiểm soát mức độ thay đổi kết cấu xe, dễ áp dụng mức xử phạt. Có một nghịch lý là, mức độ xử phạt hiện nay là quá nhẹ, khiến dân “độ” xe không sợ.

Đọc thêm