Đoàn viên gia đình sau 43 năm mang phận mồ côi xứ người

(PLO) - “Tôi không dám tin là người thân mình còn sống, nhưng tôi muốn trở về. Dòng máu Việt trong huyết quản thôi thúc tôi trở về để biết nơi mình được sinh ra”, Vance McElhinney (SN 1974, quốc tịch Bắc Ireland) tâm sự. Sau 43 năm mang thân phận là trẻ mồ côi nơi xứ người, “đứa trẻ Babylift” đã trở về đoàn viên cùng mẹ ruột của mình tại TP.Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).
Vance hạnh phúc bên mẹ trong những ngày ở Việt Nam
Vance hạnh phúc bên mẹ trong những ngày ở Việt Nam

Hành trình tìm về cội nguồn

Vance là 1 trong 100 đứa trẻ ở Việt Nam được đưa sang (Heathrow) Anh trong chiến dịch Babylift năm 1975. Vance là cái tên do bố mẹ nuôi anh đặt cho. 

Ngày ấy, sau khi đến Heathrow, anh được gia đình ông bà Cyril và Liz McElhinney đến từ Bắc Ireland nhận làm con nuôi. Trong ngôi nhà ở Lurgna (Armagh, Bắc Ireland), Vance được nuôi lớn cùng hai con trai của gia đình McElhinney là David và Stephen. Đến giờ, họ vẫn rất thân thiết với nhau.

Theo lời Vance, khi lên 10 tuổi, anh nhận ra những khác biệt với các anh em trong nhà, khác với bạn bè cùng trang lứa. Rồi một đứa trẻ da màu như anh bị một số kẻ phân biệt, bắt nạt và lăng mạ, bởi trông anh không giống bất kỳ người nào ở khu vực đó. Khi lớn lên, anh vuột mất cơ hội nghề nghiệp đầy hứa hẹn về công tác xã hội cũng vì xuất thân. Những lúc như thế, anh được bố mẹ nuôi động viên, san sẻ. 

“Gia đình bố mẹ nuôi đã làm tất cả vì tôi. Nếu không được họ nhận nuôi, tôi nghĩ mình không còn sống được tới nay. Thế nhưng, trong tim tôi luôn có một khoảng trống, nơi đó thuộc về người thân của tôi ở Việt Nam”, Vance tâm sự.

Đang giữa chừng câu chuyện, Vance kéo tủ lấy tấm hình với một bên là cậu bé cười rất tươi, một bên dán một mảnh giấy lớn có chữ M, trên đó còn có nét viết nguệch ngoạc ghi Van Tan Nguyen. Anh bảo, đó là kỷ vật duy nhất khi anh rời khỏi Việt Nam. Mỗi khi nghĩ về nơi chôn nhau cắt rốn, anh lại mong muốn tìm thấy bố mẹ ruột và nguồn gốc của mình. Bởi anh tin rằng dòng chữ Van Tan Nguyen là tên của mẹ mình đặt cho khi mới sinh ra.

Tấm hình duy nhất Vance dùng để tìm gia đình của mình ở Việt Nam
Tấm hình duy nhất Vance dùng để tìm gia đình của mình ở Việt Nam

Quyết tâm tìm về cội nguồn, đầu năm 2015, Vance tìm đến Dự án A Place To Call Home (Nơi gọi là nhà) của đài BBC Bắc Ireland để tìm kiếm thông tin người thân ở Việt Nam. Và dù chưa có thông tin gì hữu ích nhưng anh vẫn quyết vượt chặng đường xa hàng nghìn cây số để đến Việt Nam với mong muốn tìm về cội nguồn của mình. Hành trang anh mang theo là tấm ảnh quý giá có dòng chữ anh cho là tên của mình. 

Tuy nhiên, khi gặp gỡ những người hỗ trợ tìm kiếm ở Việt Nam, anh phải đối diện với một thực tế khắc nghiệt, đó là việc thiếu giấy tờ khiến hy vọng tái hợp gia đình của anh là không thể. Không chỉ vậy, một người hỗ trợ nói rằng có thể cái tên Van Tan Nguyen trên tấm ảnh của anh là do một nhân viên trong trại mồ côi đặt cho, chứ không phải tên anh khi sinh ra.

Lần tìm manh mối, Vance biết được trước khi vào Sài Gòn, anh được nuôi dưỡng ở cô nhi viện Ghềnh Ráng (TP.Quy Nhơn). Vậy là anh lại khăn gói ra Quy Nhơn để tìm kiếm thông tin. Tại đây, sau nhiều lần hỏi thăm, anh chẳng tìm được thông tin gì nên quay trở về Bắc Ireland trong nỗi thất vọng. 

Đến năm 2016, Vance tiếp tục tìm đến đài BBC Bắc Ireland để nhờ giúp đỡ. Chương trình phát sóng, anh nhận được nhiều tin nhắn, nhiều cuộc điện thoại và nhiều người tự xưng là bố mẹ của anh. 

Đặc biệt, trong rất nhiều tin nhắn, anh nhận thông tin từ một người tên Lê Thị Quỳnh Hương (sau này anh mới biết là con gái cậu ruột) có gửi bức ảnh bố mẹ và những thông tin về mình ngày nhỏ ở Quy Nhơn. 

Bất ngờ trước những nét tương đồng về ngoại hình, cũng như những thông tin về nơi đi của anh, giữa năm 2016, Vance về Quy Nhơn tìm gặp gia đình bà Lê Thị Anh (SN 1953, ở đường Tôn Thất Đạm, phường Đống Đa). 

Giây phút gặp nhau, bà Anh đưa cho Vance xem các tấm ảnh thời trẻ của vợ chồng mình và các tấm ảnh của anh khi còn nhỏ. Bà xác định anh chính là cậu con trai Nguyễn Thanh Châu của mình. Vance rất xúc động nhưng chưa dám nhận mẹ, mà chỉ hỏi người phụ nữ trước mặt về hai cái tên Nguyễn Thanh Châu và Van Tan Nguyen. 

Lúc ấy, bà Anh giải thích rằng tên Châu là tên bà đặt khi anh mới sinh ra, còn tên trong tấm ảnh kia có lẽ là do những người nuôi anh sau đó đặt lại. Nghĩ còn nhiều điều mơ hồ nên để chắc chắn, Vane xin mẫu tóc bà Anh để về Bắc Ireland xét nghiệm ADN. 

Khi về Bắc Ireland, mẹ nuôi của Vance lại lâm trọng bệnh, anh dành thời gian lo cho mẹ nên không thể xét nghiệm ADN ngay. Đến đầu năm 2018, Vance đã có kết quả xét nghiệm ADN xác nhận anh chính là con của bà Anh nên lập tức trở về Việt Nam. Ngày 25 tháng Chạp vừa qua, anh đã đoàn tụ với gia đình của mình tại TP.Quy Nhơn.

Hòa mình vào Việt Nam

Trò chuyện với chúng tôi, bà Anh kể, năm 1974, vợ chồng bà sinh được một người con trai đặt tên là Nguyễn Thanh Châu. Đến đầu năm 1975, bà bị thương nặng phải nằm viện điều trị dài ngày nên gửi con trai mới 8 tháng tuổi cho cô nhi viện Ghềnh Ráng để chị gái là một nữ tu trông nom giúp. 

Khi chiến tranh diễn ra ác liệt, các nữ tu đưa nhiều trẻ em mồ côi ở Quy Nhơn vào Sài Gòn. Sau ngày giải phóng, bà Anh không còn gặp được con trai mình nữa, người chồng cũng mất tích. Suốt mấy chục năm qua, bà sống một mình và luôn tìm kiếm con trai mình. 

Bà Anh còn giữ tấm hình lúc nhỏ của con trai
 Bà Anh còn giữ tấm hình lúc nhỏ của con trai

“Sau khi hết bệnh, tôi đi tìm con trai mình nhưng không thấy đâu, các nữ tu cho biết nó được đưa vào Sài Gòn và sau đó được đưa đi ra nước ngoài. Cứ nghĩ người ta đưa nó qua nước Mỹ nên tôi có nhờ bạn bè tìm kiếm nhưng tất cả đều biệt tăm. Tôi chỉ biết khóc nhưng vẫn luôn tự nhủ rằng, con còn sống nhưng không biết con đã lưu lạc phương trời nào, nhưng sẽ có ngày mẹ con sẽ đoàn tụ với nhau”, bà Anh kể.

Đến năm 2016, bà Anh đã gặp được con trai của mình. Và từ lần gặp ấy, bà luôn hồi hộp chờ giây phút đoàn tụ với con và giờ thì đã thành sự thật. Và vì muốn thấy con ở nơi xa xôi, bà học cách dùng điện thoại, dùng facebook, học tiếng Anh. Nghe chưa hiểu, nhưng chỉ cần được nhìn thấy con trai là người mẹ như bà cảm thấy rất vui.

Sau khi đoàn tụ với người thân ở Quy Nhơn, Vance đã đón cái Tết đầu tiên với mẹ ở Việt Nam. Anh bảo, mình muốn hòa mình vào Việt Nam, muốn tìm hiểu thêm về văn hóa, phong tục ở đất nước hình chữ S này, bởi anh là một người Việt Nam. 

Kế hoạch của anh là mỗi năm sẽ về nước và ở với mẹ vài tháng, sau đó trở lại Bắc Ireland để tiếp tục làm việc và chăm sóc người cha nuôi. Anh bảo, mẹ mình chắc sẽ không muốn dựa dẫm vào con cái, nhưng anh muốn chăm sóc bà, bởi đó là bổn phận của một người con. Công việc đầu bếp của anh có thể hỗ trợ bà về tài chính. 

Vance cho biết, anh dự định sẽ cưới vợ vào tháng 4/2018. Họ gặp nhau tại Quy Nhơn vào giữa năm 2016 khi Vance về gặp bà Anh. Cả hai thường xuyên liên lạc qua mạng xã hội. 

“Tôi và cô ấy quen nhau cũng tình cờ. Có lẽ là do duyên số và định mệnh muốn gắn bó với tôi ở mảnh đất này. Cô ấy hiện đang làm việc ở Quy Nhơn. Lần này về, tôi sẽ ngỏ lời cưới cô ấy. Sau đám cưới, chúng tôi sẽ đi tuần trăng mật ở một số nơi tại Việt Nam, bởi qua thông tin trên internet tôi biết quê hương mình có rất nhiều thắng cảnh đẹp, nổi tiếng”, Vance thổ lộ.

Sau khi đoàn tụ với gia đình, Vance đã đến cơ sở người khuyết tật Nguyễn Nga (TP.Quy Nhơn) trao 50 suất quà, mỗi suất trị giá 200 nghìn đồng cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn tại đây. Dự định của anh trong 3 tháng ở Việt Nam tới đây là dành thời gian tham gia các hoạt động thiện nguyện. Anh bảo, mình may mắn có được một gia đình tuyệt vời ở Bắc Ireland và bây giờ được đoàn tụ với mẹ ruột của mình tại Việt Nam. Anh đã được trao cơ hội thứ hai và giờ muốn giúp đỡ những trẻ em khác ở Việt Nam.

Đọc thêm