Độc đáo làn điệu Sình ca của người Sán Chỉ

(PLO) - Bao đời nay, đồng bào người Sán Chỉ ở xã Hưng Đạo, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) vẫn luôn gìn giữ và phát triển thứ báu vật vô hình gọi là Sình ca- một làn điệu dân gian. 
Hát đối thử thách lấy dâu của người Sán Chỉ ở xã Hưng Đạo, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng).
Hát đối thử thách lấy dâu của người Sán Chỉ ở xã Hưng Đạo, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng).

Đây là lối hát đối đáp giao duyên trữ tình lãng mạn giống như hát ví, hát lượn của người Tày. Sình ca của người Sán Chỉ mang chất liệu từ hiện thực cuộc sống, là một loại hình sinh hoạt văn nghệ dân gian đã nuôi dưỡng những giá trị dung dị và lắng sâu trong tâm hồn người dân nơi đây.

Từ xa xưa, người Sán Chỉ đã có nhiều truyện cổ, thơ ca, hò vè, tục ngữ, ngạn ngữ được ghi chép lại bằng chữ Hán cổ. Đặc biệt trong số đó không thể không kể đến lối hát Sình ca – một hình thức sinh hoạt phong phú, hấp dẫn và cũng là nét đẹp văn hóa đặc sắc trong kho tàng văn hóa của đồng bào Sán Chỉ. Sình ca có lời hát đối đáp giao duyên dành cho những đôi trai gái hát đối nhau hàng nhiều ngày giờ và có thể hát vào mọi lúc mọi nơi. Hát Sình ca rất đa dạng, phong phú có thể hát khi gặp bạn hữu, hát trong đám cưới, nơi ngoài đồng ruộng, hơn thế nữa nó còn là sợi dây tơ hồng se duyên gắn kết những chàng trai, cô gái người Sán Chỉ bên nhau dài lâu.

Dân ca Sán Chỉ không những làm hấp dẫn, mê hoặc người hát, người nghe khi cất cao lời hát về cuộc sống thường nhật, mà còn là một kiểu giao tiếp đậm chất văn hóa, bày tỏ tình cảm của mình với nhau. Hát Sình ca không cần đến nhạc cụ vì vậy có lối hát tự do, được thể hiện một cách rất tự nhiên và mộc mạc. Nội dung bài hát xoay quanh những chủ đề gần gũi trong cuộc sống như sinh hoạt cộng đồng, lao động, giao lưu giải trí… Bởi vậy, đây thực sự là hình thức giao tiếp bằng âm nhạc đặc sắc hiếm có dân tộc nào khác có được.

“Các thế hệ đi trước luôn coi trọng di sản văn hóa dân tộc nên đã luôn để tâm đến việc truyền lại cho con cháu về hát Sình ca. Hễ ai được truyền dạy đều ghi chép vào sổ sách rồi cất giấu cẩn thận, mỗi khi rảnh rỗi mới đem ra tập luyện, học hát như học thuộc lòng, đến khi đi hát thì cứ hát với nhau thôi”, anh Đặng Văn Goành, người dân tộc Sán Chỉ ở xã Hưng Đạo cho hay.

Sình ca được chia thành hai loại hình: Sình ca ban ngày và Sình ca ban đêm. Sình ca ban ngày là loại hình có môi trường diễn xướng rộng hơn, được tổ chức trong lễ hội đầu xuân năm mới, trong đám cưới, đám tang, trong lao động sản xuất. Còn Sình ca ban đêm là thể loại phong phú nhất, có tính chất bao trùm của hát Sình ca. Hát Sình ca của người Sán Chỉ luôn đi kèm với những điệu múa sinh động và mô phỏng cuộc sống sinh hoạt thường ngày của bà con như đi tra lúa, đi xúc tép hoặc đi nương rẫy…

Trong đó, mỗi đoạn mô phỏng cảnh sinh hoạt đều được tái hiện chân thật, đầy đủ và có hồn. Điều đó tạo cho người xem một cảm giác vừa sinh động, gần gũi vừa cảm nhận được những ý nghĩa sâu xa về tình người, tình đời, tình yêu đôi lứa ở trong mỗi câu hát. 

Thông thường, những buổi hát Sình ca kéo dài hàng tuần, số lượng bài hát khoảng trên 500 bài, được ghi chép trong sổ sách bằng chữ Hán cổ. Theo luật chơi, người chơi hát không được trùng lặp, đêm hôm sau không được hát lại những bài đêm trước đã hát, thậm chí không được hát sai một chữ hay một vần nếu không sẽ thua cuộc và sẽ không được hát tiếp.

Vào các đêm hát, người dân tộc Sán Chỉ thường bắt đầu từ 7- 8 giờ tối và đến tận sáng hôm sau mới kết thúc. Trong cuộc thi hát đối đáp, những người tham gia được chia thành hai nhóm nam và nữ, mỗi đội có một nhóm trưởng đại diện, đòi hỏi phải là người hát hay, đối giỏi và linh hoạt. Các thành viên là người chưa xây dựng gia đình, không cùng huyết thống mới được tham gia.

Theo các cụ cao niên người Sán Chỉ, hát Sình ca là lối hát giao duyên, kết tình yêu đôi lứa nên những người đã có gia đình không được phép tham gia. Trong những ngày lễ, tết hay đám cưới thì tất cả mới được tham gia bình đẳng và hát với tinh thần giao lưu, giải trí chứ không được bày tỏ tình cảm với nhau. Sau những lần đối đáp giao duyên trong những lễ hội hay ngày cưới trong thôn bản, từ những câu Sình ca đằm thắm, những mối tình đã được nhen nhóm hình thành và đơm hoa kết trái. Đám cưới là điểm đến hạnh phúc đầu tiên của các cặp trai gái người Sán Chỉ khi trải qua một quãng thời gian yêu nhau trong sáng bởi tình yêu đó được kết thành bằng câu hát Sình ca.

“Xưa nay thanh niên nam, nữ đi chơi ngày lễ, những người đi chơi làng khác thì hát để tìm hiểu nhau. Đây chính là mối giao duyên giữa đôi lứa để từ đó có thể thành đôi. Ở Hưng Đạo ngày nay, người Sán Chỉ chỉ có một bản, muốn tìm bạn hát mới, đôi khi phải đi bộ hơn 20 km để qua Lũng Nặm tỉnh Bắc Kạn”, anh Triệu Văn Chuốn, ở xóm Khuổi Tặc, xã Hưng Đạo cho biết.

Những năm nay, cộng đồng người Sán Chỉ ở huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) đang chú tâm vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian Sình ca. Sình ca là hình thức đối đáp giữa nam và nữ, phần lời được sáng tác theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, ghi chép bằng chữ Hán. Cuộc sống hiện đại đã làm Sình ca ít nhiều bị mai một thế nhưng Sình ca luôn có vị trí lớn lao trong đời sống tinh thần của người Sán Chỉ. Làn điệu dân ca của người Sán Chỉ lấy chất liệu từ hiện thực cuộc sống, trong mỗi nếp nhà ở các bản làng, vì vậy nó hiện diện, nuôi dưỡng những giá trị dung dị và sâu lắng trong tâm hồn của người dân nơi đây. 

Có thể nói rằng, hát Sình ca là một nét đẹp văn hóa thể hiện sự hài hòa giữa tính nghi lễ và tính sinh hoạt trong đám cưới của người Sán Chỉ. Sình ca còn là hình thức sinh hoạt văn hóa mang tính tự do vì thế người ta có thể hát ở bất cứ đâu. Trải qua nhiều năm tháng, ngày nay lớp thanh niên trẻ dân tộc Sán Chỉ không còn biết chữ Hán để đọc được những lời hát Sình ca cổ, nhưng những làn điều Sình ca thì vẫn được người già trong làng lưu truyền và phát triển từ đời này sang đời sau. Trong những lễ hội truyền thống của người Sán Chỉ hiện nay vẫn không thể thiếu làn điệu Sình ca.

Đọc thêm