Độc đáo mứt rong hồng vân xứ biển Thái An

(PLVN) - Ở tỉnh Ninh Thuận, trong những ngày giáp Tết Tân Sửu 2021, bên cạnh những loại mứt quen thuộc như: mứt dừa, mứt bí đao, mứt gừng… còn có những loại mứt mang đặc thù vùng “nắng gió” như: mứt táo, mứt nho, đặc biệt mứt rong biển Hồng vân của làng quê Thái An được du khách xa gần mua về làm quà. 
Nguyên liệu sản xuất mứt rong biển Hồng vân.
Nguyên liệu sản xuất mứt rong biển Hồng vân.

Nằm sát cạnh bờ biển, thôn Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) được thiên nhiên ưu đãi nguồn rong biển dồi dào. Đây là nguyên liệu chính đề người dân địa phương chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon bổ dưỡng, trong đó nổi bật là mứt Hồng vân.

Theo người dân thôn Thái An, từ lâu người dân ở đây đã phát hiện ra mùi vị thơm ngon và tính chất bổ dưỡng của rong hồng vân nên đã làm mứt. Hầu hết người dân thôn Thái An đều biết nấu mứt rong Hồng vân. Trước đây, trong thôn có hơn 60 cơ sở lớn nhỏ sản xuất mứt rong Hồng vân, nhưng hiện tại chỉ còn hơn 10 hộ làm mứt này để bán cho khách du lịch.

Rong Hồng vân sau khi được chế biến.
 Rong Hồng vân sau khi được chế biến.

Trước đây, người dân thôn Thái An chỉ làm mứt dùng trong gia đình. Tuy nhiên, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nhận thấy mứt rong Hồng vân tiêu thụ tốt nên một số hộ dân ở Thái An đã đầu tư cơ sở sản xuất.

Cơ sở mứt Tùng do chị Võ Thị Tùng xây dựng hơn 10 năm qua đã thu hút được nhiều du khách mỗi khi ngang qua. Theo chị Tùng, quy trình làm mứt Hồng vân không khó, nhưng đòi hỏi công phu và kỹ lưỡng. Rong lấy từ biển về được rủ sạch phơi khô, giặt trắng, trước khi nấu phải nhặt và rửa lại thật sạch rồi ngâm cho nở, sau đó nấu và đánh cho nhuyễn rồi cho gừng, đường vào đánh tiếp. Sau khi trộn đều, bột được múc ra khay với độ dày khoảng 20mm, đem phơi khô trong thời gian từ 6 - 7 ngày, rồi cắt thành lát đem phơi và đóng hộp bảo quản.

Mứt rong biển cắt thành lát đem phơi.
 Mứt rong biển cắt thành lát đem phơi. 

Cách đây hơn 10 năm, chị Lê Thị Mỹ Hạnh quyết định đầu tư sản xuất mứt rong Hồng vân, với tâm nguyện góp phần gìn giữ và giới thiệu nghề truyền thống độc đáo của vùng quê Thái An đến các tỉnh trong nước. Mứt của cơ sở chị Hạnh vẫn làm theo phương pháp truyền thống, nhưng đặc biệt chú ý khâu vệ sinh và bảo quản nên được nhiều người tin dùng. Hiện nay, sản phẩm mứt rong hồng vân của cơ sở chị được tiêu thụ rộng rãi tại nhiều địa phương trong nước.

“Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, mứt rong hồng vân được biến tấu với các nguyên liệu mới lạ như: lá dứa, hoa đậu biếc, lá cẩm… tạo màu sắc, mùi vị hấp dẫn hơn. Tết năm nay, cơ sở tôi sản xuất khoảng 1 tấn mứt theo đơn đặt hàng sẵn. Do sản xuất bằng phương pháp thủ công, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết nên trung bình cơ sở sản xuất khoảng 75kg mứt/tuần, với giá bán dao động từ 120.000 - 130.000 đồng/kg”, chị Hạnh chia sẻ.

Người dân địa phương cho biết, mứt rong Hồng vân có vị ngọt thơm ngon của bột rau, đường và gừng tươi, vị mặn mòi của biển khơi lại giàu khoáng chất, có thể hỗ trợ chữa được nhiều loại bệnh, nhất là bệnh bướu cổ do chứa nhiều i-ốt.

Ông Nguyễn Hải Đăng - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải, cho biết: “Nghề làm mứt rong Hồng vân là nghề truyền thống có từ lâu đời đối với người dân vùng bãi rạng. Đây là nghề riêng có của địa phương đem lại thu nhập đáng kể cho người dân. Hiện nay, chính quyền đang gắn kết với các điểm du lịch vườn nho ở địa phương để giới thiệu sản phẩm đặc thù này đến du khách”.  

Đọc thêm