Độc đáo nghi lễ hỏi vợ của người T’Rin

(PLO) - Đốn củi hỏi vợ không chỉ là một tập tục mà còn là một nét đẹp văn hoá, giáo dục độc đáo của người T’Rin. Nó là thước đo bản chất và nhân cách của những chàng trai T’Rin, không những đánh dấu sự trưởng thành về tuổi đời mà còn mang ý nghĩa về khả năng tự chủ trong cuộc sống. 
Vợ chồng già Hà Mà Dá khoe chiếc vòng đồng đã theo mình hơn 60 mùa rẫy.
Vợ chồng già Hà Mà Dá khoe chiếc vòng đồng đã theo mình hơn 60 mùa rẫy.

Hiện nay, dù đã giảm nhưng lễ vật củi cùng với chiếc vòng đồng và nghi lễ đút thịt trong ngày cưới vẫn còn lưu giữ. Phong tục này là bức thông điệp tình yêu của người T’Rin.

Đốn củi hỏi vợ

Theo phong tục của người T’Rin ở xã Yang Ly (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa), bước vào tuổi cập kê, các chàng trai bắt đầu đi đốn củi để hỏi vợ. 

Theo già Hà Mà Dá (78 tuổi, ngụ thôn Gia Cố), muốn tìm được vợ, bên cạnh phải đánh mã la (một loại nhạc cụ bằng đồng, còn gọi là chiêng không núm – NV) hay, múa giỏi, các chàng trai T’Rin còn phải có sức khỏe và sự chịu đựng dẻo dai để vào rừng sâu đốn củi làm lễ vật. 

“Các cô gái bao giờ cũng muốn người mình “chọn mặt gửi vàng” có sức khỏe dẻo dai, cái bụng thật thà, chịu khó làm ăn, chứ chẳng ai muốn chồng mình sau này lười biếng cả. Những bậc làm cha làm mẹ cũng thế, cũng muốn có một chàng rể siêng năng. Chính vì vậy, đồng bào chúng tôi mới hình thành tập tục đốn củi hỏi vợ, mục đích là nhằm thử sức chàng trai trước khi lấy vợ”, già Dá cho biết.

Già Dá bật mí, ngày trước, để cưới được vợ xinh đẹp, giỏi giang, già cũng như bao trai làng cùng thời phải vào rừng sâu đốn củi. “Ngày trước, muốn lấy vợ phải chặt đủ trăm bó củi. Chặt củi cực lắm vì phải chặt cây mọc trên núi cao, thân chắc để chụm lửa lâu tàn. Từ làng đến nơi chặt củi phải hơn một cây số theo đường chim bay, nếu đi đường mòn phải mất hơn 3 giờ đồng hồ. Củi chặt phải chọn thân cây đều, to cỡ cùm chân người lớn, mỗi bó bằng một vòng ôm. Để được lấy vợ, già phải mất một mùa rẫy chặt củi đấy”, già Dá bộc bạch.

Không chỉ nhọc nhằn, việc vào rừng chặt củi gắn liền với nhiều mối hiểm nguy. Thời già Dá tìm vợ, rừng rậm có nhiều thú dữ rình rập như cọp, rắn độc. Chỉ cần sơ hở là sẽ trở thành mồi ngon của thú dữ. Cực khổ, nguy hiểm là vậy nhưng muốn được vợ, các chàng trai phải liều mình đi đốn củi, nếu không sẽ chẳng cô gái nào thèm để ý.

“Một điều kiêng kỵ là không được gian lận. Nếu chàng trai gian lận số củi mà bị phát hiện thì phạt vạ rất nặng. Không chỉ không được vợ mà còn bị phạt bò, hèo, rượu cần để thiết đãi dân làng. Chàng trai sẽ bị mọi người chê cười và chắc chắn về sau sẽ không tìm được vợ là người làng”, già Dá nói.

Theo các bậc cao niên nơi đây, nhiều trường hợp chàng trai đã đốn đủ trăm bó củi nhưng “nhạc phụ” tương lai khó tính, không ưng số củi đó nên bắt đi đốn lại. Việc này là muốn thử thách tính tình, sự kiên nhẫn của chàng rể tương lai. Nếu chàng trai chán nản thì coi như công đốn củi trước đó đổ sông đổ biển. Ở làng Gia Cố đã có nhiều chàng trai chán nản bỏ cuộc vì điều này. Tuy nhiên, sau đó họ cũng tìm được người con gái khác và sống với nhau rất hạnh phúc.

Theo ông Xa Nga - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Yang Ly, người xưa đặt ra tập tục này trước tiên để xem cái sức, cái chí của chàng trai sắp làm chồng con gái mình. Chặt củi mất nhiều sức lực, cực khổ, mất nhiều thời gian. Người không chặt đủ số củi theo thời gian, số lượng thử thách chứng tỏ anh ta không quyết tâm đến với con mình, hoặc anh ta không đủ sức khỏe, tính nhẫn nại. Người già quan niệm thanh niên mà như vậy thì không đủ mạnh mẽ để chăm lo, bảo vệ cho gia đình.

Chiếc vòng đồng - vật thiêng chứng minh cho tình yêu của người T’Rin.
Chiếc vòng đồng - vật thiêng chứng minh cho tình yêu của người T’Rin.

Từ năm 1999, UBND tỉnh Khánh Hòa có Công văn số 618/CV-UB hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Tại điều 8 của công văn về bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan trong lễ cưới, ghi rõ: “Xóa bỏ tục lệ thử tài chú rể bằng cách chú rể phải lên rừng chặt cây. Vì tục lệ này vi phạm Luật Bảo vệ rừng. Xóa bỏ tục chặt 100 bó củi làm lễ vật cưới của người T’rin, có thể tìm kiếm một số bó củi khô nộp lễ cưới tượng trưng theo tập quán”.

“Khi được cán bộ giải thích, vận động, bà con hiểu rõ tục lệ lên rừng chặt cây không còn phù hợp với cuộc sống mới, mất nhiều thời gian, công sức và không cần thiết nên đã thôi dần. Nhờ đó mà những năm gần đây đã không còn cảnh những chàng trai T’rin phải lầm lũi vác rựa vào rừng đốn cây để có được vợ. Bây giờ, chỉ cần một bó củi khô là chàng trai có thể cưới được vợ”, ông Xa Nga cho biết.

Vật thiêng và lạ lùng nghi lễ đút thịt

Theo tập tục, sau khi chàng trai đốn đủ số củi để làm lễ vật và được gia đình cô gái đồng ý, gia đình nhà trai phải sang nhà gái làm lễ dạm hỏi với các lễ vật cần thiết gồm: chiếc vòng đồng, những sợi dây cơm (chuỗi hạt nhiều màu sắc), chiếc khăn lau mặt mới… Có gia đình tùy theo yêu cầu của họ nhà gái còn bổ sung thêm ché rượu cần, chiếc nhẫn vàng hay con heo 3 gang tay (chiều dài heo bằng 3 gang tay). 

Già Dá bảo, bây giờ việc đốn củi để hỏi vợ không còn khắt khe như trước. Tuy nhiên, trong lễ dạm hỏi không thể thiếu chiếc vòng đồng - vật thiêng chứng minh cho tình yêu của người T’Rin. Sau phần đánh mã la đón tiếp khách, việc kế tiếp là họ nhà gái sẽ mời trầu tất cả mọi người của họ nhà tai. Và, dù không ăn được trầu thì tất cả mọi người họ nhà trai cũng phải nhận trầu từ cô gái.

Phần quan trọng nhất trong lễ dạm ngõ chính là việc đôi trai gái trao những chiếc vòng đồng đính ước mà hai nhà đã chuẩn bị. Những chiếc vòng đồng này được hai người mai mối của hai bên gia đình bê trong lễ dạm hỏi. Lúc này, chàng trai mở tráp được quấn bằng vải đỏ để lấy chiếc vòng đồng đeo vào tay cô gái. Cô gái cũng làm điều tương tự với chàng trai. Sau đó, đôi trẻ quỳ xuống dâng rượu lên hai người mai mối như một sự trả ơn.

“Nếu một trong hai người không nhận chiếc vòng đồng từ tay người kia thì coi như họ không có tình cảm với nhau nữa và người mai mối phải tính đến một phương án khác. Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm. Cũng vì vậy nên chiếc vòng đồng trở thành một lễ vật không thể thiếu trong lễ dạm hỏi của người T’Rin. Đó như một mình chứng cho một tình yêu đẹp và trọn vẹn của đôi trẻ”, già Dá vui vẻ cho biết.

Sau lễ dạm hỏi một thời gian, nhà gái phải sang nhà trai đáp lễ và bàn ngày lành tháng tốt tổ chức lễ cưới. Nhà giàu hay nghèo thì khi tổ chức lễ cưới cũng phải có rượu cần, mổ heo dài ít nhất 3 gang tay để khao đãi người thân và bà con dân làng cùng chung vui.

Theo già Dá, trong lễ cưới không thể thiếu nghi lễ đút thịt. Bắt đầu lễ cưới, cha của chú rể cầm bát thịt heo ngon nhất gắp một miếng đút cho cha cô dâu và ngược lại. Sau đó, mẹ của chú rể và cô dâu cũng thực hiện nghi lễ đút thịt. Tiếp đến là chú rể và cô dâu đút thịt cho nhau trong thế mặt đối mặt. 

Cuối cùng là nghi lễ cô dâu tay bưng chén thịt, tay gắp miếng thịt ngon nhất đút cho cha chồng. Sau đó, cha chồng thực hiện động tác trả lễ tương tự. Đến đây thì mọi người cùng nhau dự tiệc ăn uống no say và chúc mừng đôi trẻ sống hạnh phúc trong tiếng mã la vui nhộn.

“Nghi lễ đút thịt như một cử chỉ để tỏ tấm lòng gần gũi, sẻ chia những đắng cay, ngọt bùi trong gia đình, dòng tộc. Kể từ đây, cô dâu chú rể phải biết nể trọng những người thân có vai vế lớn hơn mình và tuân thủ những điều cấm kỵ được coi là xúc phạm tới họ theo luật tục của người T’Rin”, già Dá cho biết.

Ông Xa Nga cho biết: “Có thể nói nghi lễ đút thịt trong lễ cưới là hiện tượng giao lưu văn hóa, trả lễ trả nghĩa vô cùng độc đáo trong văn hóa cưới hỏi của người T’Rin. Vì là một nét độc đáo nên đồng bào nơi đây vẫn gìn giữ nghi lễ này”.

Ngày nay, mặc dù ít nhiều chịu ảnh hưởng của lối sống hiện đại nhưng đồng bào T’Rin vẫn luôn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc mình. Họ đã biết loại bỏ những thủ tục rườm rà, thay vào đó là những yếu tố tích cực phù hợp với xu thế hiện nay và chắt lọc giữ gìn những tinh hoa văn hóa truyền thống.

Đọc thêm