“Đội cấp cứu gia đình” tại khúc cua “tử thần”

(PLO) - Đã 20 năm, lúc nào vợ chồng, con cái họ cũng thay nhau túc trực, sẵn sàng bông băng cứu người không kể ngày đêm, mưa nắng.
Dụng cụ cấp cứu đơn giản của gia đình anh Tuân - chị Kim.
Dụng cụ cấp cứu đơn giản của gia đình anh Tuân - chị Kim.
“Đội cấp cứu gia đình” của vợ chồng anh Nguyễn Văn Tuân (SN 1959) và chị Đỗ Thị Kim (SN 1961, ở thôn 5, xã Đức Hiếu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) đã cứu được hơn 3.000 người gặp nạn tại khúc cua tử thần trên quốc lộ 14 từ TP.HCM đi các tỉnh Tây Nguyên.
Sổ tay 20 năm cấp cứu
Từ TP.HCM đi các tỉnh Tây Nguyên, trước khi đến cầu 38 trên quốc lộ 14 thuộc địa phận thôn 5 (xã Đức Hiếu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước), xe phải đổ dốc ôm cua một đoạn gấp khiến cho nhiều tay lái bất ngờ trở tay không kịp. Hàng ngàn vụ tai nạn giao thông đã xảy ra tại đây. Cánh lái xe thường lắc đầu lè lưỡi gọi là khúc cua tử thần.
Sát bên đầu cầu là một quán nước nhỏ để khách đường xa dừng chân sau một hành trình đầy khói bụi. Nơi đây cũng là trạm cứu thương quen thuộc với những nạn nhân không may bị tai nạn giao thông trên đoạn đường này. Chủ quán nước kiêm “nhân viên y tế” tự nguyện là vợ chồng anh Nguyễn Văn Tuân và chị Đỗ Thị Kim. Gần 20 năm qua, gia đình anh chị đã chứng kiến không biết bao nhiêu vụ tai nạn thương tâm xảy ra ngay trước cửa nhà mình và cũng chính anh chị đã cứu sống hàng ngàn người thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Chúng tôi ghé thăm quán trong lúc chị Kim đang tất bật phục vụ nước cho lữ khách dừng chân. Tranh thủ tiếp chuyện phóng viên, chị Kim mở tủ lấy từng cuốn vở học sinh ghi thông tin về người bị nạn được cất cẩn thận trong tủ. Tình hình giao thông tại khu vực cầu 38 này được ghi chép cẩn thận trong những trang giấy đã ngả màu ố vàng. 
Theo thống kê của gia đình, từ năm 1994 đến nay, tại khu vực cầu đã xảy ra hơn 2.700 vụ tai nạn, với hơn 3.000 người bị nạn, trong đó có 80% trường hợp chấn thương nặng (chấn thương sọ não, gãy chân tay), khoảng 30 người chết. 
Ám ảnh nhìn người chết vì tai nạn
Câu chuyện của bà chủ quán thu hút tất cả mọi người đang có mặt. Chị kể: “Có những vụ tai nạn thương tâm không thể nào quên. Như trường hợp anh Nguyễn Hữu Bình quê Bình Định. Khi xe ô tô của anh Bình bị tai nạn lật bên đường, người bị thương rất nặng, gãy xương cổ, đứt hai động mạch chủ, máu ra nhiều. Tôi đỡ anh Bình trên tay, nghe nói “Cô ơi cứu con với, con không muốn bỏ vợ con!” mà không cầm được nước mắt. 
Khi băng bó vết thương xong, tôi hỏi địa chỉ nhà để kêu vợ con tới thì anh ấy không nói được nữa và mất trên đường đi cấp cứu. Đến giờ tôi vẫn day dứt vì nhìn thấy người chết trước mắt mà không có cách nào cứu được”.
Khúc cua “tử thần” này đã xảy ra hàng ngàn vụ tai nạn giao thông thảm khốc.
Khúc cua “tử thần” này đã xảy ra hàng ngàn vụ tai nạn giao thông thảm khốc. 
Nhiều tai nạn tại khúc cua tử thần này, gia đình chị Kim mỗi lần nhắc lại vẫn còn rùng mình. Như lần chiếc xe khách lật nhào giữa đường vì cua gấp, hàng chục người còn kẹt trong xe, nhiều người bị thương. Vợ chồng chị Kim và các con lao đến đưa người bị thương ra ngoài. Trong xe lúc đó có khoảng 40 người, 16 người bị thương nặng. Bông, băng dự trữ trong nhà đều hết sạch. Gia đình chị phải cắt mùng, mền, quần áo của mình để băng vết thương cho người bị nạn. Người nhẹ thì băng bó để nằm tại chỗ, người nặng thì vợ chồng chị phải ra đường chặn xe nhờ chuyển gấp đến bệnh viện cấp cứu. 
Mấy chục năm làm việc tốt, có lần chị Kim cũng gặp nạn suýt mất mạng, nhưng không phải do va chạm giao thông mà do hôi của. Năm 2001, một chiếc xe hơi bị lật úp trên đường, mọi người trong xe đều bị thương bất tỉnh. Chị Kim đang lo sơ cứu thì phát hiện hơn chục thanh niên lợi dụng lấy trộm tài sản trong xe. Vợ chồng chị ngăn cản, bị đám thanh niên cầm dao, gậy xông tới vây kín nhà gây sự, chị bị đánh bất tỉnh phải nhập viện, anh Tuấn bị thương. Rất may lực lượng công an đã kịp thời có mặt bắt giữ các đối tượng và trao trả lại tài sản cho người bị nạn.
Cứ như vậy suốt gần 20 năm nay, hết vụ tai nạn này đến vụ khác nối tiếp nhau, anh chị Kim và các con trở thành “Đội cấp cứu gia đình” tự nguyện. Cũng từng ấy năm, với chiếc băng ca, túi cứu thương và chiếc bình ắc-quy lúc nào cũng sẵn sàng, hễ có tai nạn xảy ra là vợ chồng, con cái chị Kim lập tức chạy ra, mỗi người một tay sơ cứu cho người bị nạn. 
Thay nhau trực cấp cứu trên đường
Theo lời kể, vợ chồng anh Tuân – chị Kim là bộ đội xuất ngũ, cùng quê Thanh Hóa. Năm 1993, họ rời quê hương vào xây dựng kinh tế mới tại vùng đất này và bắt đầu công việc cứu người bị tai nạn giao thông như cái duyên trời định. 
Chị Kim nói: “Mỗi lần xảy ra tai nạn, chúng tôi thấy người bị nạn máu me đầm đìa, la hét hoảng loạn rồi khổ sở chờ đợi đón xe để đi cấp cứu, nhiều người đã chết do mất máu quá nhiều. Vì thế, năm 1994 chúng tôi tự nguyện sơ cứu cho người bị nạn và đến năm 1996 thì Hội Chữ thập đỏ tỉnh thành lập chốt sơ cấp cứu tại đây, nhưng không có người trực mà công việc này lại do gia đình tôi đảm nhiệm”.
Từ đó đến nay, anh chị tự nguyện làm nhân viên cứu thương, tự bỏ tiền túi mua bông băng, thuốc sát trùng, thay phiên nhau trực tại cầu để kịp thời giúp người bị nạn. Công việc hoàn toàn do gia đình chủ động, chỉ có bông băng, thuốc sát trùng ban đầu được Hội Chữ thập đỏ cấp, sau này lúc có lúc không.
Do thời gian ở quân ngũ, anh Tuân được học lớp y tá và làm việc ở Hội Chữ thập đỏ xã nên có kinh nghiệm trong việc sơ cứu. Sau khi hướng dẫn cho mọi người trong gia đình, vợ anh và các con đều thành thục với cách băng bó vết thương. Lại thêm trong suốt một thời gian dài cấp cứu cho hàng nghìn ca nên “Đội cấp cứu gia đình” đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm. 
Chị Kim thuộc làu các bước sơ cứu, chia sẻ với khách: Khi gặp người bị thương nặng phải cấp cứu tại chỗ, làm thật nhanh, nhưng động tác cũng phải hết sức nhẹ nhàng, thận trọng. Chờ khi nạn nhân thở đều thì cho lên băng ca đưa vào nhà hoặc lên xe cấp cứu. Nếu bị thương ở ngực phải băng bó ngay hoặc lấy bát úp vào vết thương nếu để gió lùa vào không thở được rất dễ tử vong. Cô con gái út Nguyễn Thị Ngọc (SN 1995) là trợ thủ đắc lực của anh chị từ năm 9 tuổi. Ngọc nói: “Do tiếp xúc từ nhỏ nên con không thấy sợ khi thấy người bị tai nạn. Bây giờ con có thể tự làm được mọi việc khi sơ cứu nạn nhân”. 
Việc làm của gia đình anh Tuân – chị Kim đã được chính quyền các cấp ghi nhận, gia đình anh chị đã được nhận nhiều giấy khen, bằng khen vì hoạt động giúp ích cho cộng đồng, xã hội. Gia đình đã trân trọng lưu giữ những giấy khen, bằng khen đó, và vẫn ngày đêm tự nguyện “trực cấp cứu” trên đường, vì theo chị Kim: “Nhìn thấy cảnh người bị nạn nằm la liệt ngoài đường, gia đình tôi không thể cầm lòng. Chúng tôi làm việc này chỉ mong giảm bớt đi những cái chết thương tâm và tích đức cho con cháu sau này”. 

Đọc thêm