Đổi đời nhờ nhung hươu

(PLO) - Nhờ nuôi hươu lấy lộc, nhiều năm liền gia đình ông Phan Đức Hòa ở xóm 1, xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã thu về hàng trăm triệu đồng nhờ nuôi hươu lấy lộc. Ngoài việc phát triển kinh tế, ông Hòa còn tích cực tham gia các phong trào xã hội, chia sẻ kinh nghiệm giúp các hộ gia đình khó khăn cùng vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Bà Loan, vợ ông Hòa đưa phóng viên ra thăm chuồng nuôi hươu của gia đình
Bà Loan, vợ ông Hòa đưa phóng viên ra thăm chuồng nuôi hươu của gia đình

Vượt qua đoạn đường dài lởm chởm đá răng ngựa, hút sâu vào những tán cây rừng mọc lổm nhổm trên những mỏm núi đá, chúng tôi tìm về xóm 1, xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu để thăm trang trại nuôi hươu, nai lấy nhung của gia đình ông Hòa. Cái nắng hè gay gắt của miền Trung kèm theo những trận gió Lào liên tục bủa vây khiến cuộc sống của bà con nơi đây từng mệnh danh là vùng đất nghèo “chó ăn đá, gà ăn sỏi”.

Chưa nói đến chuyện làm giàu, chỉ cần tồn tại được ở vùng đất này cũng là thách thức lớn với người dân. Ấy vậy mà giữa vùng đồi núi đó, chúng tôi được tận mắt tham quan đồi cỏ sữa xanh mướt cùng trang trại nuôi hơn 20 con hươu, nai đang tuổi cắt lộc.

Đón tiếp chúng tôi trong một ngôi nhà khang trang, hai vợ chồng ông Hòa bùi ngùi nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp. ông Hoà cho biết, do ngày trước ở vùng này quanh năm chỉ có cái rét và cái nóng của gió Lào lại kèm theo thổ nhưỡng không thuận lợi cho cây trồng nên cuộc sống của bà con vô cùng khó khăn, thậm chí còn phải chạy ăn từng bữa.

Tuy điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho trồng trọt nhưng đó lại là tiềm năng để phát triển động vật ăn cỏ, nhất là hươu, nai. Vì thế ông Hòa đã quyết định lựa chọn nuôi hươu, nai là hướng đi để lập nghiệp.

Theo người dân nơi đây, nuôi hươu lấy nhung không phải là chuyện mới có ở vùng này. Từ thập kỷ 80, 90, đã từng có nhiều nhà nuôi hươu. Tuy nhiên giá trị kinh tế mang lại không cao vì ngày đó người ta nuôi hươu chỉ theo phong trào, nhà nuôi vài con, không có kinh nghiệm chăm sóc nên hươu dễ bị mắc bệnh khiến chất lượng lộc rất thấp. Vì thế nên con hươu không tồn tại được lâu dài trên vùng đất này.

Do xuất thân từ gia đình thuần nông, lại có lịch sử về chăn nuôi nên ông Hòa đã bén “duyên” với con hươu ngay từ ngày đầu lập nghiệp. Ông Hoà tâm sự: “Ban đầu khi vợ chồng tôi ra ở riêng, bố mẹ cũng chỉ cho con hươu làm giống. Qua tìm hiểu tôi thấy nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn và đã thoát nghèo vươn lên làm giàu nhanh chóng. Nhận thấy đây là mô hình bền vững nên tôi quyết định tìm hiểu về kỹ thuật nuôi hươu rồi vay vốn ngân hàng mua thêm con giống, xây dựng chuồng trại ”.

Mới đầu cũng có nhiều người lo sợ, bởi bạn bè và người thân trong gia đình cũng đã nuôi hươu nhưng đều thất bại. Đúc rút kinh nghiệm từ những người nuôi trước, ông Hòa vẫn xây dựng chuồng trại, tận dụng bãi đất hoang để trồng thêm cỏ. Nghĩ là làm, ban đầu ông Hòa vào Hà Tĩnh tìm mua con giống. Giá hươu giống thời điểm đó rất cao, một con đực mua về phải bán cả mấy tạ lúa nhưng ông vẫn quyết tâm theo đuổi. Để có thêm vốn, ông Hòa còn kết hợp đầu tư chăn nuôi thêm trâu, bò.

Bà Loan, vợ ông Hòa nói thêm: “Không ít lần hươu bị bệnh, chết hoặc bị sút cân, cho lộc về không đạt, những lúc đó hai vợ chồng tôi gần như tuyệt vọng. Khó khăn chồng chất khó khăn, nhiều hôm tôi nằm không ngủ được trằn trọc, chỉ mong tìm được giải pháp và hướng đi để con giống của mình đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Từ những lần thất bại đó nên vợ chồng tôi mới đúc rút được kinh nghiệm trong kỹ thuật chăn nuôi”.

Trong chuồng là một con hươu được ông Hòa chăm sóc đúng kỹ thuật
Trong chuồng là một con hươu được ông Hòa chăm sóc đúng kỹ thuật

Qua nhiều lần thất bại, mãi đến những năm 1995, ông Hòa mới bắt đầu có thu nhập từ lộc hươu. Mặc dù giá trị mang về chưa lớn nhưng khoản tiền đó cũng đã giúp cho gia đình bớt đi phần nào chật vật. Ông Hòa kể tiếp: “Thu được lộc từ những lứa đầu tiên, tôi gần như đã nắm được tất cả kỹ thuật. Về sau tôi bắt đầu nghĩ đến việc mở rộng quy mô chăn nuôi và bán giống hươu cho người dân. Nhờ bán giống và lộc nên gia đình tôi cũng khấm khá dần, cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm”.

Nói về kinh nghiệm chăm sóc đàn hươu, nai hơn 20 con của mình, ông Hoà bật mí: “Nuôi hươu nhàn lắm bởi nó ăn rất ít, không kén chọn thức ăn như trâu, bò. Hươu chỉ thích ăn cỏ xanh, trung bình mỗi con ăn khoảng 3 kg cỏ xanh một ngày đêm”.

Ông Hòa cho biết thêm: “Thời kỳ đàn hươu mới bắt đầu mọc nhung hoặc vừa cắt lộc xong cần phải tăng cường chế độ ăn hợp lý cho chúng. Để kích thích khả năng phục hồi, thời kỳ này tôi phải cho ăn thêm ngô hạt, cám để đảm bảo chất dinh dưỡng”.

Do lợi thế về địa hình gò đồi, đất đai rộng nên ông Hoà còn trồng thêm hơn 4 sào cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho đàn hươu. Cũng nhờ có nguồn thức ăn dồi dào nên đàn hươu của gia đình ông Hòa con nào con đấy đều béo tốt và cho lộc nhiều.

Bên cạnh việc chăn nuôi hươu, ông Hòa còn tận dụng thời gian rảnh rỗi để chăn nuôi lợn sạch và kinh doanh thêm thức ăn chăn nuôi. Gia đình ông Hòa đầu tư xây chuồng trại rất bài bản và khoa học, nuôi 6 con lợn nái, nuôi gần 100 con lợn thịt mỗi lứa. Hiện tại ông Hòa có 16 con hươu và 2 con nai đang ở độ tuổi cho lộc.

Mỗi năm ông Hòa thu nhập hàng trăm triệu đồng từ tiền bán hươu giống, lộc hươu. Bên cạnh đó, ông Hoà còn xuất ra thị trường hàng tấn thịt lợn sạch đi khắp các tỉnh, thành. Hiện đàn lợn của gia đình cũng cho thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông còn thu về cả trăm triệu đồng từ đại lý phân phối thức ăn cho các trang trại.

Nhờ vào sự táo bạo và tinh thần ham học hỏi, nhiều năm liền gia đình ông được khen thưởng là hộ nông dân tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất. Cũng nhờ sự cố gắng đó, gia đình ông Hòa không những vươn lên thoát nghèo, nuôi 4 người con ăn học thành tài mà ông còn xây được căn nhà khang trang, sắm các thiết bị phục vụ gia đình.

Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, ông còn tích cực tham gia các phong trào xã hội, giúp đỡ người dân quanh vùng về kỹ thuật chăn nuôi, đầu tư nguồn vốn và con giống cho các hộ gia đình góp phần thực hiện tốt công tác xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Đọc thêm