Đổi mới Chương trình - SGK: Không thể một bước tới… trời!

(PLO) - Trước dự kiến xây dựng chương trình và sách giáo khoa mới, GS. Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Chủ nhiệm UB VH, GD TTN & NĐ của QH) bày tỏ quan điểm rằng, việc làm bộ sách mới có thể sẽ không giống như xây một ngôi nhà mới, phải đập nhà đi, làm lại từ đầu.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Là người biên soạn SGK Tiếng Việt  một số lớp tiểu học và THCS hiện hành, trong lần đổi mới chương trình -SGK sắp tới, theo ông, SGK môn tiếng Việt nên thay đổi như thế nào?   
- Trong SGK Tiếng Việt tiểu học hiện nay, yếu nhất là lớp 1, cần sớm thay thế. Giáo viên phản ánh là có nhiều bài nặng hoặc khó triển khai. Riêng tôi thấy chỗ yếu nhất của nó là không hiệu quả. Ví dụ, gần hết học kỳ I mà bài đọc, bài viết của học sinh vẫn chỉ có vài dòng thì học sinh làm sao nhớ chữ, đọc nhanh, viết nhanh được? Học ngôn ngữ phải luyện tập nhiều mới tiến bộ. Còn SGK lớp 4, lớp 5 có phần còn nặng, cần điều chỉnh mạnh dạn hơn nữa. Sách Ngữ văn THCS cũng nặng và chưa đạt yêu cầu tích hợp cao.
Từ góc nhìn về SGK Tiếng Việt nói riêng đến cái nhìn tổng quát, có người nói rằng ngành Giáo dục đang thiếu chủ biên, tổng chủ biên, có phải không, thưa ông?
- Theo tôi, ngành Giáo dục không thiếu người nhưng vấn đề là tìm có trúng hay không. Thứ hai, giả sử tìm được đúng người rồi nhưng những người đó có thực thi được đầy đủ nhiệm vụ hay chỉ đóng vai tổng chủ biên hình thức thì điều đó phụ thuộc vào chỗ họ có đủ thời gian thực thi nhiệm vụ hay không. Theo lộ trình mà Chính phủ đã phê duyệt, năm 2018 sẽ bắt đầu triển khai SGK mới và quá trình thay sách diễn ra theo kiểu “cuốn chiếu”, mỗi năm một lớp ở một cấp học. 
Nhưng bây giờ là giữa năm 2015 vẫn chưa có chương trình tổng thể; còn chương trình từng môn học thì chưa đả động gì. Tôi ngờ nhanh nhất cũng phải hết năm 2016 mới ra được chương trình, năm 2017 mới xong bản thảo những cuốn SGK đầu tiên, năm 2018 triển khai đại trà. Không hiểu tổng chủ biên môn học, tổng chủ biên cấp học và tổng chủ biên toàn bộ hệ thống SGK sẽ nghiên cứu, đề xuất ý tưởng, chỉ đạo viết, đọc, duyệt, sửa chữa bản thảo vào lúc nào?
GS. Nguyễn Minh Thuyết
GS. Nguyễn Minh Thuyết 
Theo ông, người viết SGK phải đạt được những tiêu chuẩn gì? Quan điểm của ông ra sao khi Bộ GD-ĐT có thể sẽ mời giáo viên tham gia viết SGK?
- Trước hết, người viết SGK phải có kiến thức sâu rộng. Đó không chỉ là kiến thức về ngành khoa học của mình mà còn là kiến thức sư phạm và kiến thức về xã hội, tự nhiên. Thứ hai, người viết SGK phải có kĩ năng viết sách. Viết SGK không đơn giản như viết sách tham khảo. Từng từ, từng câu phải được cân nhắc rất cẩn thận. 
Tôi lấy ví dụ cách đây 4 năm, có người gửi thư đến Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phản ánh tại sao SGK Tiếng Việt lớp 4 viết nhà thám hiểm Magellan “bỏ mình” tại Philippines mà không phải là “hy sinh”. Phải chăng tác giả sách dùng từ thiếu cân nhắc? 
Tôi phải giải thích Magellan là một Đô đốc Hải quân Tây Ban Nha. Ông được Nhà Vua Tây Ban Nha cử đi thám hiểm và chinh phục những vùng đất mới. Hợp đồng giữa Nhà Vua với Magellan ghi rõ mỗi khi chiếm được một vùng đất mới, Magellan được làm Thống đốc và hưởng 50% hoa lợi từ thuộc địa mới đó. 
Khi đến Cebu, Philippines, ông và đồng đội giúp một bộ lạc chống lại bộ lạc khác. Trong một trận chiến, ông bị tù trưởng của bộ lạc mà ông chống lại giết chết. Sau khi giành được độc lập, người Philippines dựng tượng tôn vinh vị tù trưởng này. Dòng chữ vàng dưới chân tượng ghi rõ đây là người Philippines đầu tiên đã giết chết một tên xâm lược. 
Như vậy, người viết sách không hề dùng từ tùy tiện. Bạn đọc phê bình vì không nắm được thông tin. Nhưng trong bài tập đọc này, tôi cũng có điểm sai mà biên tập viên của nhà xuất bản phát hiện ra. Tôi viết: tàu của Magellan đi từ cảng biển Sevilla, nhưng thực ra đó chỉ là cảng nước sâu ở trong nội địa. Tóm lại, để viết SGK cần có kiến thức bách khoa, nhất là viết SGK khoa học xã hội và đặc biệt là ở tiểu học. 
Về việc giáo viên có thể tham gia viết SGK, tôi nghĩ có người thích hợp với việc viết SGK và trên thực tế đã có những giáo viên tham gia viết. Nhưng không phải ai cũng thích hợp với công việc này. Vì vậy, tôi vẫn tâm đắc với ý kiến của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, nhìn chung giáo viên thích hợp với vai trò thẩm định SGK hơn là viết SGK.
Trân trọng cảm ơn ông!
Làm giáo dục thì đừng “đẽo cày giữa đường”
Trả lời câu hỏi: “Phải chăng bộ SGK hiện hành quá hạn chế nên việc phải thay một bộ SGK mới mới gấp rút như vậy (theo kế hoạch, đầu năm 2018 sẽ có bộ sách mới ở ba cấp học phổ thông - PV), GS.Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, khó khăn rất lớn của chương trình (CT) -SGK hiện hành là nó được triển khai trong điều kiện rất hạn chế nên không phát huy được ưu điểm của mình. 
Lớp học ở đô thị thường quá đông, giáo viên khó mà tổ chức cho học sinh hoạt động như yêu cầu của phương pháp dạy học mới được. Ở nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa thì nhiều nơi cơ sở vật chất trường lớp quá nghèo nàn, nói thẳng ra là không đủ điều kiện tối thiểu để đảm bảo chất lượng giáo dục. Khó khăn này sẽ còn tồn tại trong nhiều năm nữa. Kể cả CT-SGK mới cũng sẽ phải chịu thử thách này. 
Theo GS.Nguyễn Minh Thuyết, một khó khăn không nhỏ nữa trong việc triển khai CT-SGK là dư luận. Dư luận thể hiện sự giám sát của xã hội mà những người làm giáo dục phải lắng nghe và tiếp thu. Nhưng đánh giá giáo dục, đánh giá CT-SGK đòi hỏi phải có chuyên môn, nhất là chuyên môn về sư phạm. 
Một số ý kiến nóng vội trong dư luận có thể gây tác hại vì nó làm cho những nhà giáo dục không có lập trường kiên định chùn tay. Làm giáo dục hay làm bất cứ cái gì cũng vậy, rất cần có chủ kiến và bản lĩnh. Nghe dư luận là cần, nhưng hễ ai nói gì cũng nghe thì thành “đẽo cày giữa đường”, không đạt được mục tiêu nào cả.

Đọc thêm