Dồn điền đổi thửa, nông dân không ruộng lang thang kiếm sống

(PLO) - Gần 2/3 người dân dù ra nhận ruộng vẫn ấm ức trong lòng, 1/3 còn lại thì kiên quyết không thỏa hiệp. Hậu quả là “bờ xôi ruộng mật” bỏ trắng, trong khi nhà nông lang thang kiếm sống.
Ruộng nhà “quan” bờ xôi ruộng mật, ruộng nhà dân nước ngập trắng băng
Ruộng nhà “quan” bờ xôi ruộng mật, ruộng nhà dân nước ngập trắng băng
Qua hơn một năm xã Kim Lũ (Sóc Sơn, Hà Nội) thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa (DĐĐT) từ tháng 7/2012 đến tháng 11/2013, trải qua hai vòng giao đất, người dân thôn Kim Trung đã bức xúc càng thêm bức xúc. 
Cán bộ và dân “giao chiến”  
Giao ruộng vòng ba vào đầu năm 2014, tình trạng hỗn loạn vẫn diễn ra. Người dân phản ánh, phát hiện gần một mẫu đất trống tương đương 3.600m2 bị cắt hẳn ra ngoài, không có trong bản đồ để chia. Phần đất này là đất rau xanh nằm lẫn trong khu dân cư. Dân phản đối bằng cách bảo nhau mang mạ ra cấy tại những mảnh đất này. 
Tuy nhiên sau 5 ngày khi mạ đã bén rễ, cán bộ Tiểu ban DĐĐT đã cho máy về cày san phẳng. Để người dân không làm ảnh hưởng quá trình máy làm việc, lực lượng công an được huy động đứng vây quanh bờ. Người dân bức xúc đành đứng phía ngoài phản đối. 
Sau đó, khi cán bộ và công an về, họ lại ra cấy lại. Chỉ trong một ngày, 3 lần luân phiên người dân cấy, cán bộ lại cho máy san phẳng. Không thể chịu nổi, “tức nước vỡ bờ” dẫn đến cuộc ẩu đả giữa hai bên. 
“Một bên là rất đông công an và cán bộ, một bên là gần 50 hộ dân đem mạ ra cấy. Cứ thế tóm lấy nhau, xô xát quyết liệt. Cuộc giằng co kéo dài mấy tiếng, quần nát cả bãi ruộng. Ai cũng lấm lem bùn đất” - một người dân trong cuộc nhớ lại.
Sau sự việc, người dân vẫn thấy công an đi lại khu đất này để xem chừng. Đặc biệt ngày 14/3/2014, bà Lê Thị Tưởng (48 tuổi) mang mạ ra ruộng đất rau cấy, bị hai công an viên lôi lên bờ. Hốt hoảng, bà Tưởng kêu lên. 
“Mọi người thấy tôi hô hoán liền kéo đến nhưng hai công an kia vẫn cứ lôi tôi đi bằng được. Họ không nói lí do tại sao bắt, tôi kháng cự thì bị họ dí dùi cui điện, cả những người lao vào giúp tôi cũng bị dí dùi cui vào người. Áo tôi rách toang, tay tím bầm, người tê dại. Hôm đó, người dân kéo đến rất đông nhưng tôi vẫn bị dẫn lên huyện. Trên ấy, công an chỉ hỏi lí do tại sao ra ruộng đó, sau khi tôi trình bày thì được thả về” - bà Tưởng nhớ lại.
Mới đây 18 hộ dân trong số 50 hộ đem mạ ra cấy để giữ đất rau cũng nhận được giấy mời lên đồn công an. “Giấy mời không nói rõ là lên làm gì, nhưng nghĩ có người đi cấy mà bị công an bắt thì cũng sợ. Chắc chúng tôi toàn là người dân hiền lành, dễ bắt nạt nên họ muốn lôi ra răn đe làm gương cho dân làng” - một người cho biết. 
Loạn làng?
Theo bà Lê Thị Xuất, thành viên Ban giám sát cộng đồng, tại vòng một chia ruộng, cán bộ Tiểu ban đã cắt đưa bảy mẫu đất chung của làng ra ngoài bản đồ, gọi đó là đất 5% để sau này bán đấu giá. Tại vòng hai, giao thiếu khoảng 8.000 m2, còn vòng ba là một mẫu đất rau như đã nói ở trên. 
“Nếu số này cộng lại với diện tích đất trong làng không được giải phóng, đất các thôn khác lấn sang... ước tính mỗi khẩu sẽ bị mất đến 156m2 đất nông nghiệp” - bà Xuất nhẩm tính.
Ông Lê Văn Thị, đảng viên, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh, cho biết thêm, gần hai năm qua tình hình thôn xóm rất bất ổn. “Có thể nói là loạn làng: nào là anh em ruột cãi vã, bố con từ nhau, hàng xóm xích mích, người dân không tin chính quyền... Nhiều người vì giữ đất mà cố tình xây mộ to ra, rồi xây các công trình chiếm cả đất ở nghĩa địa. Nói chung là họ nghĩ ra rất nhiều mánh khóe để chiếm giữ đất” - ông Thị chia sẻ.
Nhắc về việc giải tỏa mặt bằng, xử lý các công trình xâm phạm đến đất ruộng, người dân phản ánh các trường hợp chưa bị xử lí, chưa thu hồi trả lại đất nông nghiệp vẫn còn nhiều. Lí do thì theo người dân cho biết, đó là các công trình của người nhà cán bộ xã. 
Bức xúc về vấn đề này, bà Đỗ Thị Phượng (57 tuổi) cho biết, trước đó, bà có xây nhà cho con gái trên đất canh tác nông nghiệp của gia đình được giao. Mới đây ngôi nhà bị giải tỏa trả lại đất nông nghiệp. “Tôi sẵn sàng chấp hành dù biết gia đình sẽ thiệt hại. Thế nhưng rất nhiều người xây nhà cũng ở khu đó như trường hợp nhà tôi lại không bị giải tỏa. Có phải vì tôi không phải họ hàng cán bộ nên mới bị bất công như thế” - bà Phượng bức xúc.
Dân thôn thống kê, công tác giao ruộng đã trải qua 25 cuộc họp dân, vậy mà ấm ức vẫn hoàn ấm ức. Hơn 100 hộ dân kiên quyết không nhận ruộng. Công cuộc DĐĐT không thành công, người dân rơi vào cảnh ruộng mới chưa có, ruộng cũ đã bị phá tan hoang. Hệ lụy của việc không có đất cày cấy là nhiều gia đình đã lâm vào cảnh chạy ăn từng bữa, không có tiền cho con đi học; gia đình li tán, tha phương khắp nơi kiếm sống. 
Theo ông Thị, thôn Kim Trung có 1.601 khẩu, người dân hầu hết chỉ trông cậy vào đồng ruộng. Với khoảng 1.850 sào đất sản xuất nông nghiệp, sản lượng bình quân 150kg thóc/sào/vụ. Như vậy, với hai vụ lúa không sản xuất được, nhân dân mất khoảng trên 500 tấn thóc.
Một nông dân bức xúc trên “thửa ruộng” nước ngập quá thắt lưng
Một nông dân bức xúc trên “thửa ruộng” nước ngập quá thắt lưng 
Nhà nông không ruộng lang thang kiếm sống
Nhiều hộ dân chỉ trông vào cây lúa, không có ruộng là không có gạo, vì thế mà buộc phải ra gắp thăm nhận ruộng. Tiêu biểu là hộ gia đình ông Lê Văn Sự (42 tuổi), nhận ruộng cấy được ba vụ ngay từ vòng một, oái oăm thay, lại nhận đúng ruộng… không thể canh tác. Chẳng ngại ngần, ông Sự sẵn sàng lội xuống giữa ruộng để chứng minh. Nước ngập gần nửa người ngay trên mảnh ruộng được coi là đất tốt.
“Gia đình tôi 4 người cũng chỉ trông cậy vào 2 sào ruộng. Nhà thuộc hộ nghèo, bởi sợ bị ra khỏi danh sách vì không nhận ruộng nên tôi đã ra gắp phiếu ngay vòng một. Cán bộ nói đây là ruộng có thể canh tác hai vụ lúa, một vụ màu. Thế nhưng nơi tôi đứng, nước ngập gần nửa người thì thử hỏi trồng được cây gì”? - ông Sự không giấu nổi sự ức chế trong lòng. Cũng bởi thế, gần 2 năm nhận ruộng, gia đình ông vẫn chưa hề sử dụng.
Nhắc đến cảnh nhà, ông Sự không ngừng than thở. Vốn bị hen phế quản từ bé, ông chẳng thể lao động nặng. Hai vợ chồng cùng hai con gái nhiều năm qua vẫn chưa thể thoát nghèo. “Bốn miệng ăn chỉ trông cậy vào hai sào ruộng mà giờ ruộng không cấy nổi. Vợ chồng phải đi làm phụ hồ khắp nơi để kiếm tiền đong gạo. Con cái cũng vừa cho nghỉ học vì không có tiền đóng học phí. Suốt ngày nơm nớp lo đói, gia đình tôi không biết phải làm sao khi được nhận ruộng mà cũng như không” - ông Sự chia sẻ.
Gia đình ông Sự nhận ruộng mà vẫn lao đao. Vì thế, có thể hình dung hầu hết những hộ không nhận ruộng cũng rơi vào cảnh khốn đốn tương tự. Cụ Lê Văn Giới (74 tuổi) cho biết, những lúc rảnh, vợ chồng cụ lại ra các bờ ruộng tìm rau về ăn qua bữa. 
“Tôi được ba đứa con, hai con gái đã lấy chồng. Còn đứa con trai mắc bệnh thần kinh chẳng làm được việc gì. Cả nhà mấy miệng ăn trông cậy hết vào vợ nó đi buôn “đồng nát”. Có những lúc nghĩ tủi, sống khổ chẳng khác nào nạn đói” - cụ Giới buồn rầu. 
Bà Xuất cho biết, dù rơi vào cảnh lo ăn từng bữa nhưng nhiều hộ dân vẫn kiên quyết không nhận ruộng để đòi sự công bằng. “Họ làm đủ nghề chỉ để kiếm gạo ăn. Nào là mò cua bắt ốc, đi làm ô sin, phụ hồ, nhặt rác... Khổ cực nên nảy sinh nhiều bất bình giữa người dân và cán bộ. 
Ngay trong lần chia đất vòng một, ngày 21/6/2013, nhiều người dân lũ lượt kéo lên quốc lộ chặn xe, ngửa nón kêu cứu đói. Làm việc này, người dân cũng chỉ mong lãnh đạo cấp trên về giải quyết thấu đáo cho người dân ổn định đời sống trở lại” - bà Xuất chia sẻ.
Nói thêm về nỗi bức xúc của người dân, bà Xuất cho biết, tại các buổi họp, cán bộ lãnh đạo không lắng nghe ý kiến của dân, không thực hiện theo nội dung dân bàn mà chỉ theo ý chí chủ quan của cán bộ. Với dân chưa giải quyết được, nhưng báo cáo với trên là đã làm xong. Hơn nữa, cán bộ còn thay đổi cả nội dung biên bản họp. 
“Suốt gần hai năm qua, chúng tôi đã gửi đến 53 lá đơn lên các cấp. Trong đó có đơn cứu đói, đơn tố cáo cán bộ giả mạo biên bản họp, đơn tố cáo cán bộ chia thừa đất cho người nhà. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết” - bà Xuất cho biết.
Trước những bức xúc của người dân thôn Kim Trung, PLVN đã có cuộc tiếp xúc với những người có trách nhiệm trong công cuộc DĐĐT của chính quyền xã. Họ sẽ giải thích ra sao? 
(Còn tiếp)

Đọc thêm