Đón Mùi, “đàm tiếu”… chuyện dê

(PLO) - Quanh một vòng 12 con giáp, năm nay, đến lượt chú dê giữ nhiệm vụ “hành khiển”. Bản tính hiền lành, chỉ ăn cỏ cây hoa lá, ấy thế mà con dê lại là một hình tượng có nhiều “lời đàm tiếu” nhất từ xưa đến nay, thuộc đủ mọi cung bậc “trên đến thánh thần, dưới chí phàm tục”…Lượm nhặt vài chuyện cổ kim quanh chú dê, đọc chơi những ngày xuân nhàn…
Dê trong lễ “tam sinh”
Dê trong lễ “tam sinh”
Đối với người Việt, dê rất quen thuộc trong đời sống sản xuất cũng như tinh thần tâm linh và đời sống văn hoá nghệ thuật. 
“Chuyên dùng” tế lễ…
Dê là một trong sáu con vật nuôi thông dụng nhất trong Lục súc gồm dê, gà, chó, lợn, ngựa, trâu và là một trong “tam sinh” - ba thứ lễ vật đặc biệt để cầu cúng, tế dâng thánh - gồm dê, lợn, bò.
Trong sách Lĩnh Nam Chích quái, khi nói về họ Hồng Bàng, có kể lại rằng từ thời xa xưa, người Việt đã biết giết trâu, dê làm đồ lễ, nuôi dê làm gia súc và dùng tế lễ. Trong bài Đào Nguyên Hành, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan lại tả cảnh nông thôn Việt Nam là “Trâu bò, gà lợn, dê ngan/Đầy lũ đầy đàn, rong thả khắp nơi”. 
Vào thời nhà Nguyễn, con dê chỉ được sử dụng trong việc tế lễ: “Dê vốn thật thuộc loài tế lễ/... Để hòng khi tế thánh tế thần/... Hễ có việc lấy dê làm trước/Dê dâng vào người mới lạy sau”. Theo Ðại Nam thực lục chính biên, mùa Ðông năm Minh Mạng (1836) thứ 17, nhà vua sai mua 220 dê đực và 100 dê cái, chọn 20 con dê đực giao Tể sinh làm lễ vật tế lễ Nam Giao, đặt tại đàn Thượng có thịt dê ướp dương hải.
Trong Kinh Cựu ước lại nói, khi nào một người phạm tội thì việc đầu tiên là đi kiếm cho mình một con dê, rồi mang nó đến trước bàn thờ. Vị tư tế sẽ sát tế con vật và rồi nghiễm nhiên tội họ được tha…
…vào cả văn chương
Vua Tấn Võ đế ngồi xe dê
Vua Tấn Võ đế ngồi xe dê 
Dê cũng là hình ảnh tiêu biểu đi vào thơ văn Việt. Trong “Hịch Tướng sĩ”, Trần Hưng Đạo nhắc đến hình ảnh con dê và coi đó là biểu hiện của bọn sứ giả Mông Cổ hống hách, ngạo mạn: “Uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình/Đem thân dê chó mà ngạo mạn tể tướng”. 
Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu có câu gởi phần tâm sự và lời chê trách người cộng tác với thực dân, làm tay sai dày xéo dân tộc khổ đau vì nô lệ: “Hai vầng nhật nguyệt chói loà/đâu dung lũ treo dê bán chó/ Mùi tinh chiên vấy đã ba năm, ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ”.
Sống động hơn cả là con dê trong ca dao, tục ngữ: “Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi/Em đây luống những ngậm ngùi tuổi Thân !!”. Trẻ em nhà quê khi chơi trò dung dăng dung dẻ vẫn đọc bài đồng dao vui nhộn “Dung dăng dung dẻ/Dắt trẻ đi chơi/Cho cháu về quê/Cho dê đi học/Cho cóc ở nhà/Cho gà bới bếp.”  Hay những câu thơ như: “Ru em buồn ngủ buồn nghê/Con tằm chín đỏ, con dê chín mùi (muồi) /Con tằm chín đỏ để lại mà nuôi/Con dê chín mùi làm thịt em ăn”.
Tô Vũ chăn dê và “Dấu dương xa”…
Bức khảm trai tích Tô Vũ chăn dê
 Bức khảm trai tích Tô Vũ chăn dê
Điển tích này gắn liền với Tô Vũ – một tôi trung của nhà Hán - khi đi sứ mang đất Hung Nô, bị Thuyền Vu Hung Nô giữ không cho về và truyền lệnh đầy ông này lên phương bắc (Bắc Hải) xa vắng, tuyết phủ quanh năm. Tô Vũ phải chăn một đàn dê đực, với sắc chỉ của chúa Hung Nô: “Bao giờ trong đàn dê, dê đực đẻ con, sứ thần Tô Vũ mới được trở về đất Hán”. Mãi cho đến khi nhà Hán thực hiện chính sách ngoại giao hòa hoãn với Hung Nô, Tô Vũ mới được tha về và ông trở thành một tấm gương về tinh thần trung quân ái quốc.
Ở Trung Quốc, nổi tiếng là điển tích Dương xa (tức xe dê kéo). Vua Tấn Võ đế thường dùng xe dê kéo đi mỗi đêm trong cung cấm, hễ dê dừng ở cửa phòng cung phi nào tức đêm ấy nhà vua sẽ ngủ với cung phi đó. Đối phó, hàng trăm cung phi mỗi đêm tìm lá dâu non- loại lá mà dê háu ăn - đặt trước cửa phòng mà nhử, mong chú dê kéo xe tham lá dâu non mà dừng lại. Tích này đã đi vào trong Cung oán ngâm khúc với những câu thơ: “Phải duyên hương lửa cùng nhau/ Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào/Ngấn phượng liễn chòm rêu lỗ chỗ/ Dấu dương xa đám cỏ quanh co”…
Tích “dương xa” bên Tàu chả biết kiểm chứng thế nào, nhưng trai thanh gái lịch Việt xưa thì rất thích trò “bịt mắt bắt dê” trong ngày hội đầu Xuân, bởi đó chính là dịp những kẻ “phải lòng” nhau tìm cách “vượt rào”: “Giả vờ bịt mắt bắt dê/Để cho cô cậu dễ bề... với nhau.” “Dễ bề” cái gì, ai có từng chơi “bịt mắt bắt dê” mới biết!
“Chuyện dê”- chủ đề muôn thuở
Giả vờ bịt mắt bắt dê/Để cho cô cậu dễ bề... với nhau
Giả vờ bịt mắt bắt dê/Để cho cô cậu dễ bề... với nhau 
Về tự nhiên, con dê có khả năng giao phối và sinh sản rất mạnh nên được gán cho hình tượng của sự dâm đãng và thô tục. Và lạ nữa là điều này được thể hiện trong nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Từ “Máu dê” để chỉ những người có ham muốn cao, không kiểm soát và muốn thể hiện khả năng sinh dục mạnh mẽ, “thói dê” lại khái quát bản tính ham chinh phục người khác giới hay sự dâm tiện, “dê cụ” hay “dê già” chỉ kẻ rất dâm đãng.
Vì con dê đực có khả năng truyền giống rất mạnh, nên người ta thường gán cho những ông có máu thích lang chạ trong vấn đề tình ái và tình dục biệt hiệu “Dê xồm”. “Bươm bướm mà đậu cành bông/Ðã dê con chị, lại bồng con em”. Những "ông dê xồm" này bị người đời coi khinh, vì họ không theo khuôn phép thuần phong mỹ tục. Người đời mỉa mai những người này bằng 2 câu “Phượng hoàng đậu nhánh sa kê/Ông thần ổng hổng vật mấy thằng dê cho rồi”. 
Trong truyện Lục Vân Tiên, bộ mặt trơ trẽn của Bùi Kiệm đã từng giở trò với Kiều Nguyệt Nga được cụ Đồ Chiểu tả rõ qua câu thơ: “Con người Bùi Kiệm máu dê/Ngồi chai bộ mặt như giề thịt trâu.” Còn nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng châm biếm những kẻ lẳng lơ, háo sắc, tán tỉnh phụ nữ một cách thô thiển: “Ong non ngứa nọc châm hoa rữa/Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa”…
Con dê hiền lành là thế, mà thật cũng lắm lời “đàm tiếu” thượng vàng hạ cám đến vậy, thực chẳng đáng ngẫm ngợi lắm sao…/. 

Đọc thêm