Đồng bằng sông Cửu Long “khát” mùa nước nổi

(PLO) - Sông Mê Kông năm nay có khả năng cạn kiệt nước nên Đồng bằng sông Cửu Long dự báo sẽ không có lũ (mùa nước nổi). Hệ quả là xâm nhập mặn xuất hiện sớm và sâu, ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt và nông nghiệp kéo dài đến năm 2016. Nguyên nhân là do tác động của hiện tượng ElNino cường độ mạnh.
Một con kênh cạn khô nước ở huyện Tri Tôn (An Giang) mùa khô năm 2014. Ảnh: Lao động
Một con kênh cạn khô nước ở huyện Tri Tôn (An Giang) mùa khô năm 2014. Ảnh: Lao động
Mực nước giảm 1,5 – 1,8m
Số liệu của Đài Khí tượng Thủy văn (ĐKTTV) khu vực  Nam bộ cho biết, từ giữa tháng 5 tới nay, mực nước tại các trạm chính trên sông Mê Kông vùng trung và hạ Lào, Campuchia và đầu nguồn sông Cửu Long luôn thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN). 
Năm nay, có thời đoạn tại vùng thượng nguồn, mực nước sông Mê Kông thấp hơn mực nước thấp nhất lịch sử ở cùng thời kỳ từ 1 – 2m; còn khu vực đầu nguồn sông Cửu Long thấp hơn TBNN từ 1,5 – 1,8m. 
Ông Đặng Văn Dũng, Phó Giám đốc ĐKTTV Nam bộ giải thích: Năm nay mùa mưa đến muộn hơn so với mọi năm và lượng mưa cũng ít hơn. Cụ thể, lượng mưa trên lưu vực sông Mê Kông phổ biến hụt từ 30 – 50% so với TBNN. Từ đó, lượng dòng chảy đo được tại các trạm chính phổ biến thấp hơn TBNN từ 35 - 48%. 
Lũ thấp còn có nguyên nhân chủ quan từ phía con người; do lượng nước ít nên các hồ chứa, đập thủy điện tích cực trữ nước phục vụ cho mục đích của họ cũng góp phần khiến lượng nước tự nhiên trên sông giảm thêm. Lưu lượng nước về các hồ chứa ở thượng nguồn ít hơn TBNN từ 25 – 45%. 
Cũng theo ông Dũng, cuối năm 2014 hiện tượng ElNino đã xuất hiện tạo ra nền nhiệt cao, gây mưa muộn và lượng mưa thấp. Cụ thể, năm nay miền Bắc trải qua đợt nắng nóng kỷ lục, còn Nam bộ mưa đến rất trễ. Trong khi đó đến đầu tháng 9, lượng mưa ở thượng Lào và trung Lào đã giảm, chỉ có khu vực nam Lào và Campuchia còn mưa. 
ElNino mạnh kỉ lục, sông Cửu Long kiệt nước
Theo Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, năm 2014 các trung tâm khí tượng lớn của thế giới dự báo hiện tượng ElNino ở mức trung bình, yếu. Nhưng đầu năm nay họ đã điều chỉnh dự báo ElNino năm 2015 sẽ đạt cường độ mạnh kỷ lục như năm 1997 – 1998. 
Các trung tâm dự báo khí hậu trên thế giới nhận định, chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm xích đạo Thái Bình Dương (một trong những chỉ số đánh giá cường độ ElNino) tiếp tục tăng dần và có khả năng đạt giá trị cao nhất 2,1 – 2,3 độ C vào những tháng cuối năm 2015. 
Ngoài ra, có đến 85% khả năng ElNino sẽ kéo dài đến hết mùa xuân 2016. Như vậy, ngoài cường độ mạnh, nhiều khả năng ElNino lần này sẽ trở thành ElNino kéo dài nhất trong 60 năm qua. Lượng dòng chảy các sông suối trong các năm ElNino mạnh và kéo dài thường thiếu hụt so với TBNN từ 30 – 50%, một số nơi hụt tới 80%. Trên nhiều lưu vực sông xuất hiện mực nước thấp nhất lịch sử. 
Ông Đặng Văn Dũng cho biết, đối với lưu vực sông Mê Kông theo nguyên tắc đầu mùa mưa nước sẽ chảy vào Biển Hồ (Tonlé Sap); đến giữa mùa khi đã tích đủ nước sẽ chảy ngược về các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long mang theo nguồn thủy sản vô cùng phong phú. Bên cạnh đó, lũ còn có tác dụng thau chua, rửa phèn, bồi đắp phù sa… 
Năm nay, nước không đủ vào Biển Hồ và nơi này mực nước đang rất thấp nên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thiếu nước, không có lũ. Cảnh báo tình trạng thiếu nước mùa khô 2015 – 2016 gay gắt. “Trừ trường hợp có những diễn biến bất thường của thời tiết thì năm nay sẽ xảy ra tình trạng căng thẳng về nguồn nước”, ông Dũng nhận định. 
ĐKTTV Nam bộ đã dự báo trước đỉnh lũ năm nay sẽ ở mức thấp hơn đỉnh lũ năm 2014 và thấp hơn TBNN, tại Tân Châu trên sông Tiền có khả năng ở mức 3m, dưới báo động một là 0,5m; tại Châu Đốc trên sông Hậu ở mức 2,7m, dưới báo động 1 là 0,3m. Tuy nhiên, đến giữa tháng 10, thời điểm đỉnh lũ, mực nước cao nhất đo được ở Tân Châu là 2,55m, thấp hơn cả dự báo.  “Có thể nói ĐBSCL hoàn toàn không có lũ” – ông Dũng quan ngại.
Đặc biệt, đỉnh lũ năm nay lại trùng với đỉnh triều cường. Khi mực trên sông quá thấp lại đúng vào ngay lúc đỉnh triều cường cao đẩy nước mặn xâm nhập sâu vào các nhánh sông và vào nội đồng. ĐKTTV Nam bộ cũng dự báo vùng hạ lưu các sông Nam bộ, đỉnh triều cao nhất năm sẽ xuất hiện vào cuối tháng 11. 
Tại Cần Thơ trên sông Hậu có khả năng ở mức 2 – 2,1m, tại Mỹ Thuận trên sông Tiền ở mức 1,9 – 2m; cao hơn báo động 3 từ 0,1 – 0,2m. Tại Trạm Phú An trên sông Sài Gòn, mực nước đỉnh triều cao nhất sẽ cao hơn báo động 3 xấp xỉ đỉnh triều năm 2014 ở mức 1,65 – 1,7m.  
“Các địa phương cần có biện pháp trữ nước, đề phòng nguy cơ thiếu nước ngọt trong những tháng đầu mùa khô 2015-2016”, Phó Giám đốc ĐKTTV Nam bộ khuyến cáo. 
Khô hạn cục bộ trong mùa mưa
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, tổng lượng mưa trong 8 tháng đầu năm 2015 trên phạm vi toàn quốc phổ biến thiếu hụt so với TBNN cùng thời kỳ (trừ khu vực đông bắc của Bắc bộ, đặc biệt là Quảng Ninh). Đến nửa cuối tháng 5, ở Tây Nguyên và Nam bộ đã có mưa chuyển mùa nhưng mùa mưa thật sự bắt đầu vào nửa cuối tháng 6 (muộn hơn TBNN khoảng 1 tháng), nên tình trạng khô hạn ở khu vực này cơ bản đã chấm dứt. Riêng khu vực Trung bộ hiện tại vẫn còn ít mưa, nên khô hạn vẫn xảy ra cục bộ ở Trung Trung bộ và Nam Trung bộ. 

Đọc thêm