Đồng bào thiểu số làm du lịch: Hòa nhập nhưng không hòa tan

(PLVN) - Đồng bào dân tộc thiểu số có nền văn hoá bản địa đa dạng, có tín ngưỡng và ngôn ngữ riêng. Đây sẽ là lợi thế phát triển du lịch nếu được khai thác hợp lý, biết cách bảo tồn, phát huy, tránh bị “hòa tan”.
Lễ hội Pơthi của người Jarai – nơi tôn vinh đầy đủ những giá trị văn hóa đặc sắc nhất trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Lễ hội Pơthi của người Jarai – nơi tôn vinh đầy đủ những giá trị văn hóa đặc sắc nhất trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Biến manh mún thành lợi thế

Hiện nay, ngày càng nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số hiểu được văn hoá bản địa chính là bản sắc, là “nam châm” thu hút du khách thập phương, cũng có thể chính là “chìa khoá” giúp đồng bào cải thiện kinh tế của mình. Nhưng, điều này vẫn còn manh mún ở một số buôn, bản, thậm chí có thể thiếu định hướng, khai thác không đúng, xuyên tạc hoặc lạm dụng. 

Bởi lẽ, để xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng, bền vững dựa trên văn hoá bản địa cần được nghiên cứu, sàng lọc kĩ lưỡng, sau đó tái hiện, phát triển thành ý tưởng rồi phổ biến cho đồng bào thiểu số học và thực hiện. Đây là một quá trình lâu dài, cần những người có hiểu biết, tâm huyết để hướng dẫn, “nuôi dưỡng” niềm tự hào và “truyền lửa” cho đồng bào gìn giữ bản sắc văn hoá, dựng kế sinh nhai trên chính phong tục, tập quán và bản sắc dân tộc mình.

Đơn cử, có anh cán bộ người Bahnar tại làng Kgiang, huyện Kbang (Gia Lai) luôn mong muốn gìn giữ, bảo tồn, quảng bá nét đẹp văn hoá riêng của người Bahnar tại Tây Nguyên. Do vậy, anh đã thực hiện nhiều hoạt động để cải thiện nhận thức, giúp đồng bào Bahnar làm du lịch.

Nhận thấy nhiều du khách trong, ngoài nước mặc dù mong muốn hiểu hơn về con người Tây Nguyên nhưng vẫn vướng bận nhiều lo ngại, ví như đến buôn, bản đường sá trắc trở, điều kiện ăn ở có thuận lợi không, ở đó làm gì, chơi gì… nên anh cán bộ này bắt đầu đi học hỏi nhiều nơi để khởi nghiệp về mô hình homestay. 

Theo người cán bộ trẻ này, sự ủng hộ của đồng bào trong làng có ý nghĩa quan trọng với mô hình anh xây dựng. Do vậy, trước khi làm homestay, anh đã vận động những gia đình có truyền thống đan lát, dệt thổ cẩm, làm rượu cần, nuôi lợn, gà giữ nghề.

Bên cạnh đó, anh nhờ nghệ nhân trong làng mở lớp dạy cồng chiêng, múa xoang và các loại nhạc cụ truyền thống cho người trẻ; đồng thời mở lớp dạy cách làm cơm lam, gà nướng, món ăn truyền thống hợp vệ sinh để phục vụ du khách. Bên cạnh các hoạt động nuôi lợn, gà, trồng rau phục vụ homestay, tại đây còn có các dạng tour du lịch sinh thái như: chơi thác, đi lấy mật ong rừng, bắt cá suối…

Khi đồng bào hiểu rõ các tập tục văn hoá hàng ngày của họ có thể trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, có thể mang tới nguồn lợi kinh tế thì họ sẽ chủ động gìn giữ được văn hóa của người Bahnar, đồng thời trau dồi, học hỏi cách làm du lịch hiệu quả. Hiện, làng Kgiang có 140 hộ dân, tất cả đều tham gia làm du lịch. 

Trong đó, hàng chục nghệ nhân đánh cồng chiêng, diễn tấu các loại nhạc cụ dân tộc có thể giữ được nghề truyền thống của họ. Được biết, mô hình làm du lịch như anh cán bộ người Bahnar đã thu hút được hàng ngàn du khách trong và ngoài nước. Kbang còn được chọn là huyện điểm trong công tác phát triển du lịch của tỉnh, theo chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Dũng với báo chí. 

“Truyền lửa” cho người trẻ

Lại nói, tại làng Bhờ Hôồng, xã sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam - một trong những ngôi làng lâu đời của đồng bào Cơ Tu; các nghệ nhân trong làng có thể sử dụng cả chục nhạc cụ truyền thống ngay trong lúc đan lát.

Kho tàng nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu có rất nhiều loại. Nhờ biết truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác nên đồng bào Cơ Tu ở tỉnh Quảng Nam phần nào giữ được nét bản sắc này. Mặt khác, hát lý, nói lý là hình thức hát đối đáp rất độc đáo của cộng đồng người Cơ Tu; đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di sản văn hóa cấp quốc gia vào năm 2015. 

Vài năm trở lại đây, khi du lịch được kết nối giữa đồng bằng với miền núi, văn hoá của người Cơ Tu đã góp phần tạo nên nhiều sản phẩm độc đáo. Ví dụ, sản phẩm dệt thổ cẩm của phụ nữ Cơ Tu ngày càng trở nên thu hút với du khách thập phương. Còn biểu diễn nhạc cụ truyền thống trong lao động vừa là cách truyền dạy, bảo tồn âm nhạc truyền thống hiệu quả vừa là những “món ăn tinh thần” đối với du khách. 

Du khách trải nghiệm văn hóa bản địa ở vùng cao Quảng Ninh
 Du khách trải nghiệm văn hóa bản địa ở vùng cao Quảng Ninh

Được biết, tại xã Tà Bhing, huyện Nam Giang của tỉnh Quảng Nam, Tổ chức Cứu trợ và Phát triển quốc tế, gọi tắt là FIDR của Nhật Bản và UBND huyện phối hợp triển khai dự án du lịch cộng đồng. Từ đó, mỗi năm có cả vạn lượt khách đến với những ngôi làng văn hóa Cơ Tu; cộng đồng làng ở đây thu về gần 1 tỷ đồng... Chính quyền tỉnh Quảng Nam cũng đã đầu tư hệ thống giao thông để du khách đến được với những ngôi làng ở tận vùng sâu, vùng xa.

Đây là một số câu chuyện tích cực về việc người thiểu số được hướng dẫn cách làm du lịch trên văn hoá bản địa đã thành công, họ đã “hoà nhập nhưng không hoà tan”. Không chỉ người Bahnar, đồng bào Cơ Tu, người Dao, người Mông mà ở nhiều vùng miền khác nhau trên mảnh đất hình chữ S cũng đã có được những chuyển biến tích cực trong nhận thức về hoạt động gìn giữ, bảo tồn văn hoá trong du lịch. 

Đơn cử, toàn tỉnh Lào Cai hiện có trên 300 điểm lưu trú tại gia, tập trung chủ yếu ở các huyện: Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát… Hàng nghìn đồng bào dân tộc đang tập trung, hăng say làm du lịch trên chính mảnh đất quê hương. Người dân không chỉ được chính quyền đầu tư, hỗ trợ về cơ sở vật chất mà còn thường xuyên được tham gia tập huấn nâng cao kỹ năng làm du lịch cộng đồng. 

Theo đó, lớp trẻ người dân tộc thiểu số đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động bảo tồn văn hoá và phát triển du lịch. Nhờ sự trẻ trung, nhiệt huyết, ham học hỏi, lớp trẻ chính là lực lượng nòng cốt của ngành du lịch, vừa là thế hệ tiếp nối nghề truyền thống, vừa là lực lượng xây dựng, phát triển, phục vụ trong ngành du lịch. 

Thiết nghĩ, đất nước ta luôn tự hào với 54 dân tộc anh em, nhưng lại đang bỏ lỡ quá nhiều cơ hội để bảo tồn và khai thác bản sắc văn hoá độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển du lịch. 

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện:  

“Cần thúc đẩy các hoạt động giao lưu giữa các dân tộc; xuất bản các sách báo, ấn phẩm bằng ngôn ngữ của đồng bào; đề xuất cần có cơ chế, chính sách khuyến khích bảo tồn và phát huy các tác phẩm văn hóa nghệ thuật sử dụng tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường thuyết minh phim, sản xuất phim sử dụng tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số; phục dựng các hoạt động, sinh hoạt văn hóa, lễ hội...”.

Bà Hà Thị Khiết - Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: 

“Công tác triển khai thực hiện việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn và bất cập. Thực tế, không ít người có nguyện vọng muốn được học ngôn ngữ của dân tộc mình, tuy nhiên người biết tới ngôn ngữ đó chỉ còn lại rất ít, đa phần họ lại chỉ biết nói nhưng không thể viết hay đọc, vì vậy công tác phát triển ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số rất khó khăn.

Công tác bảo tồn tiếng dân tộc cần nhiều biện pháp, nhiều chính sách, thời gian và chi phí lớn, trong khi hiệu quả lại không cao, nếu không được tiếp tục sử dụng thì ngôn ngữ riêng của họ cũng dần mất đi”.

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: 

“Trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đồng bào vùng dân tộc thiểu số trên cơ sở nghiên cứu ở vùng Tây Bắc, đầu tiên cần phải tôn trọng tín ngưỡng truyền thống của cộng đồng các dân tộc, không lặp lại những sai lầm của cải cách dân chủ và quan niệm coi tôn giáo tín ngưỡng là mê tín dị đoan, cấm học chữ cổ, cấm lễ cấp sắc... Những hành động bài trừ này đã làm đứt đoạn văn hóa…

Tiếp đó là bảo tồn và  phát huy chữ viết truyền thống, xây dựng một số bộ chữ viết phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa của các dân tộc thiểu số, căn cứ vào nguyện vọng và nhu cầu của đồng bào. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phải gắn liền với phát triển du lịch. Trong đó cần bảo vệ, tôn trọng ý kiến, đề cao vai trò của cộng đồng.

Không nhất thiết người dân phải bỏ kinh tế truyền thống chạy theo du lịch mà có thể tiến hành song song hai hoạt động; làm du lịch theo hướng trải nghiệm; phát huy bản sắc văn hóa, xây dựng tính đặc thù của mỗi tộc người để tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo”. 

Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Thanh - Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam:

“Sự nghiệp bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa của các dân tộc thiểu số nước ta đặt ra những nhiệm vụ vừa có tính bức xúc, vừa có tính lâu dài đồng thời phải có những giải pháp hữu hiệu. Nhiều nhóm giải pháp được đặt ra, trong đó có việc tôn trọng lịch sử, tiếng nói, chữ viết và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của từng cộng đồng dân tộc.

Trên tinh thần coi văn hóa của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam là nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, cần có kế hoạch tổ chức khẩn trương, dứt điểm trong việc đầu tư kinh phí, nhân lực có chuyên môn để khảo sát, thống kê, phân loại, nghiên cứu đồng bộ lịch sử, tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán, giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc anh em.

Tiếp đó, các địa phương cần làm tốt việc dạy song ngữ ở các trường dân tộc thiểu số (tiếng Việt và tiếng dân tộc bản địa), tập trung vào các dân tộc có số lượng dân cư đông đảo…”.

PGS.TS Tạ Văn Thông, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: 

“Trong số 53 dân tộc thiểu số, không ít dân tộc có số dân ít hơn 10 nghìn người, như: Pà Thẻn, Lô Lô, La Hủ, Lự, Chứt… Có dân tộc ít hơn một nghìn người, như Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Ơ Ðu… Ở nước ta, nhiều dân tộc có tiếng nói và chữ viết riêng. Sự hình thành và phát triển ngôn ngữ các dân tộc thiểu số khá phong phú, đa dạng.

Trong đó, có một số hệ chữ viết có lịch sử ra đời cách đây nhiều thế kỷ, như: Tiếng Thái, Chăm, Khmer, Mường, Tày, Nùng, Dao, Mông... Tuy nhiên, trong xu hướng hội nhập quốc tế và trong cơ chế thị trường thì nguy cơ mai một một số ngôn ngữ dân tộc thiểu số đang hiện hữu”.

Đỗ Trang – Hà Trang (tổng hợp)

Đọc thêm