Đóng hồ sơ vụ gián điệp nguy hiểm nhất lịch sử nước Mỹ

(PLO) - Đã gần 30 năm, nhưng Mỹ và Israel vẫn tranh luận về điệp viên Jonathan Pollard, nhất là sau quyết định hôm 28/7 của Washington. Bởi nếu không có gì thay đổi, ngày 21/11/2015, điệp viên nổi tiếng này sẽ được phóng thích, nhưng vẫn phải ở lại Mỹ 5 năm, trước khi đến Israel. 
Jonathan Pollard đang thụ án tại một nhà tù ở Bắc Carolina sau khi nhận tội làm gián điệp cho Israel từ tháng 6/1984 cho đến khi bị bắt hồi tháng 10/1985.
Jonathan Pollard khi bị bắt
Jonathan Pollard khi bị bắt 
Mối quan tâm của lãnh đạo
Theo Washington Post, vì tuyên bố phóng thích Jonathan Pollard diễn ra đúng thời điểm căng thẳng Mỹ và Israel lên tới đỉnh điểm sau thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được với nhóm P5+1; nên giới bình luận coi việc thả điệp viên này nhằm giải tỏa tranh luận giữa Washington và Tel Aviv xung quanh thỏa thuận hạt nhân Iran. Tờ Washington Post cho biết, mặc dù lạc quan nhưng Israel vẫn tỏ ra thận trọng trước tin Jonathan Pollard sắp được phóng thích. 
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Israel vẫn nhấn mạnh, việc trả tự do cho Jonathan Pollard sẽ không làm lung lay kế hoạch tẩy chay thỏa thuận hạt nhân Iran của họ. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phủ nhận đây là cách Washington sử dụng nhằm xoa dịu Tel Aviv sau thoả thuận hạt nhân Iran. 
Còn tờ Yedioth Ahronoth của Israel cho rằng, khó mà nói thời điểm phóng thích Jonathan Pollard chỉ là sự tình cờ. Tờ Haaretz của Israel từng đưa tin, nếu Jonathan Pollard được thả trong năm 2015, câu chuyện gián điệp của ông sẽ được Pháp xây dựng thành bộ phim "Les Patriotes" (Những người yêu nước) do Eric Rochant làm đạo diễn.
Phóng viên Jeffrey Goldberg của tờ Bloomberg tuyên bố, liên minh cánh tả của Thủ tướng Benjamin Netanyahu và những thành viên thuộc chính đảng Likud sẽ nhiệt liệt đón chào Jonathan Pollard tại sân bay quốc tế Ben - Gurion, nhưng họ sẽ không đổi đất lấy ông ta. 
Khi nói với tờ The Daily Beast, ông Aaron David Miller, cựu quan chức đàm phán Trung Đông, hiện là Phó chủ tịch Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson cho rằng, nếu không thể đạt được thương lượng hòa bình và không phóng thích Jonathan Pollard, đó thực sự là một thảm họa. 
Còn cựu đại sứ Mỹ ở Israel Daniel Kurtzer (2001-2005), từng nói với tờ The New York Times rằng, cuộc thương lượng phóng thích Jonathan Pollard, đã được đăng trên tờ The Jerusalem Post và điều này rộng đường cho các cuộc đàm phán sắp tới. Tờ Politico cũng dẫn tuyên bố của 2 luật sư cho Jonathan Pollard là Eliot Lauer và Jacques Semmelman - phủ nhận mọi liên quan của việc phóng thích cho điệp viên này tới các diễn biến hiện nay ở Trung Đông.
Trong nhiệm kỳ Thủ tướng đầu tiên, ông Benjamin Netanyahu đã chấp thuận cấp quyền công dân Israel cho Jonathan Pollard (năm 1995), đến năm 2002, ông tới thăm điệp viên này tại nhà tù Mỹ. Năm 1998, Thủ tướng Benjamin Netanyahu từng gây sức ép với Tổng thống Bill Clinton để thả Jonathan Pollard, nếu muốn Israel chấp nhận ký hiệp ước hòa bình tạm thời với người Palestine (gọi là Hiệp ước Wye River), nhưng thất bại do vấp phải sự chống đối của Giám đốc CIA George Tenet. 
Ngay từ đầu thập niên 1990, việc trả tự do cho Jonathan Pollard từng là một trong những điều khoản của đàm phán hòa bình Trung Đông giữa Israel và Mỹ. Ngày 10/3/2012, Nhà Trắng phủ nhận ý định trả tự do cho Jonathan Pollard, bất chấp việc Tổng thống Shimon Peres gửi thư cho Tổng thống Barack Obama. 
Vẫn tranh cãi không ngớt
Theo Đài PBS, Jonathan Pollard trở thành công dân Israel năm 1995 nhưng năm 1996, Israel lại phủ nhận Jonathan Pollard là điệp viên của mình, sau đó (1998) Tel Aviv đã thừa nhận điều này. Israel tuy xin lỗi Mỹ về vai trò của họ trong vụ án Jonathan Pollard, nhưng không thừa nhận đã trả tiền cho điệp viên này. Và đã có nhiều chiến dịch vận động trả tự do cho Jonathan Pollard, người được coi là anh hùng của Israel, cả trong và ngoài nước Mỹ. Một quảng trường ở Jerusalem được mang tên Jonathan Pollard.
Theo giới truyền thông, lệnh phóng thích Jonathan Pollard được đưa ra sau khi 3 thành viên thuộc Ủy ban xem xét ân xá của Mỹ bỏ phiếu thuận, trong khi Bộ Tư pháp không phản đối. Giới chức Mỹ cho biết, Jonathan Pollard được phép hứa danh dự không tái phạm sau 30 năm ngồi tù. 
Luật sư của Jonathan Pollard cho biết, ngày 28/7, giới chức Mỹ đã quyết định, sẽ phóng thích điệp viên này vào ngày 21/11/2015, sau khi ông ngồi tù được 30 năm. Theo những điều khoản trả tự do trước thời hạn, Jonathan Pollard phải ở lại Mỹ 5 năm, nhưng luật sư của ông cho biết, họ đã yêu cầu Tổng thống Barack Obama trả tự do và cho phép người này đến định cư tại Israel. 
Những người ủng hộ nói rằng, Jonathan Pollard đã bị trừng phạt quá mức, nhưng một số công tố viên và quan chức Mỹ vẫn coi ông là kẻ phản bội, không nên phóng thích. Jonathan Pollard phải nhận mức án chung thân, giống như Aldrich Ames và Robert Hanssen, 2 sĩ quan tình báo Mỹ từng bị buộc tội làm gián điệp cho Liên Xô trước đây.
Jonathan Pollard sinh ngày 7/8/1954, trong một gia đình trí thức gốc Do Thái ở Galveston, Texas, Mỹ. Là người thông minh, lại sinh ra trong một gia đình có truyền thống học thức nên Jonathan Pollard luôn thể hiện là học trò xuất sắc, nhưng luôn bị bạn trêu, chế nhạo và đánh đập. 
Năm 1970, Jonathan Pollard đến Israel nhân chuyến tham quan dành cho học sinh năng khiếu và rất ấn tượng về điều này, thậm chí muốn sống ở Israel. Khi theo học tại Đại học Stanford, Jonathan Pollard đã nổi tiếng với những kiến thức về lịch sử quân sự, các bài thuyết trình về tình hình chiến sự liên quan đến Israel. 
Năm 1976, Jonathan Pollard tốt nghiệp và tiếp tục theo học luật tại Đại học Tufts ở Boston. Năm 1977, ông xin vào làm việc tại CIA, nhưng không được chấp nhận. Năm 1979, Jonathan Pollard được cơ quan tình báo hải quân mời làm chuyên viên nghiên cứu tại Văn phòng tình báo chiến dịch ở Suitland, Maryland, Mỹ. Năm 1984, Jonathan Pollard được làm việc tại Trung tâm cảnh báo chống khủng bố của cơ quan tình báo hải quân. 
Trong thời gian này, Jonathan Pollard tình cờ tái gặp người bạn cũ Steven Stem và được nghe về Đại tá không quân Israel Avi Sella. Và cuộc gặp đầu tiên giữa Jonathan Pollard với Đại tá Avi Sella đã diễn ra tại quán cà phê trong khách sạn Hilton ở Washington. Người đầu tiên Jonathan Pollard tiếp xúc là Đại tá Avi Sella, sau đó là Joseph Yagur, người làm việc cho cơ quan tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Israel. Từ đó, Jonathan Pollard trở thành điệp viên.
Người dân Israel đòi Mỹ trả tự do cho Jonathan Pollard
Người dân Israel đòi Mỹ trả tự do cho Jonathan Pollard 
Nhiều tin đồn khác nhau
Theo cáo buộc, Jonathan Pollard đã sử dụng quyền truy cập thông tin nhạy cảm và tuyệt mật hàng đầu để thâm nhập hệ thống thông tin quốc phòng Mỹ, và cung cấp cho Israel hàng ngàn trang tài liệu của tình báo Mỹ về quân sự và kỹ thuật thu được ở Liên Xô, các quốc gia Arab và Pakistan. Hải quân Mỹ và FBI từng phỏng vấn Jonathan Pollard sau khi điệp viên này xoá bỏ mọi dữ liệu đánh cắp khỏi văn phòng của mình. 
Theo Ynetnews, Jonathan Pollard từng thú nhận với nhân viên điều tra việc đã trao tài liệu mật cho Nam Phi và Australia. Jonathan Polllar và vợ Anne Henderson Pollard từng rất sợ hãi bởi họ cho rằng, sẽ sớm bị bắt về tội làm gián điệp, nên đã quyết định tìm đến Đại sứ quán Israel ở Mỹ, nhưng không nhận được sự giúp đỡ. 
Năm 2006, nhân viên tình báo Israel Rafi Eitan, người đã huấn luyện Jonathan Pollard đã nói với tờ Yediot Aharonot rằng, điệp viên này đã cung cấp nhiều thông tin có chất lượng cùng sự chính xác cao. Tờ Newsweek đưa tin, Jonathan Pollard có tài khoản trị giá hàng triệu USD ở Thụy Sỹ bởi Israel từng hứa đền bù cho điệp viên này 30.000 USD/năm kể từ khi ông phải ngồi tù.
Theo giới truyền thông, mùa hè năm 1984, cơ quan tình báo Mossad của Israel đã bí mật tuyển Jonathan Pollard, người Mỹ gốc Do Thái làm gián điệp, khi đó là chuyên viên phân tích tình báo của Trung tâm cảnh báo chống khủng bố của cơ quan tình báo hải quân. Và đã bị bắt khi đang cố xin tị nạn tại Đại sứ quán Israel ở Washington hồi tháng 10/1985. Jonathan Pollard bị tuyên án chung thân (năm 1987) với tội danh “tiết lộ bí mật quốc gia cho chính phủ nước ngoài”. 
Giới truyền thông khi đó đưa tin, Jonathan Pollard được trả khoảng 50.000 USD cho số tài liệu mật đã cung cấp cho cơ quan tình báo Mossad. Jonathan Pollard từng tuyên bố, trở thành gián điệp vì lý tưởng trung thành với Israel và thông tin chỉ nói về tình hình quân sự các nước Arab, Pakistan, Liên Xô chứ không phải Mỹ. 
Sau khi Jonathan Pollard bị bắt, chính phủ Israel lập tức phủ nhận mối quan hệ, thậm chí còn cho điều tra và đồng ý hợp tác với Mỹ, cũng như trả toàn bộ số tài liệu điệp viên này từng cung cấp. Khi biết điều này, Jonathan Pollard mới khai chi tiết hoạt động gián điệp của mình, nhưng vẫn khẳng định, mình không phản bội nước Mỹ, chỉ tìm cách giúp đỡ đồng minh Israel. 
Luật sư của Jonathan Pollard đã thỏa thuận với bồi thẩm đoàn - thân chủ của họ sẽ nhận tội nếu thẩm phán không tuyên án tử hình và điệp viên này chịu án tù chung thân. Một trong những lý do khiến bồi thẩm đoàn đưa ra mức án chung thân bởi trước đó họ nhận được bản cáo buộc dài 46 trang của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Casper Weinberger về những thiệt hại mà Jonathan Pollard đã gây ra. Còn vợ Jonathan Pollard bị xử với 2 tội danh. Sau khi ngồi tù 3 năm 4 tháng, Anne Henderson Pollard được tạm tha (tháng 3-1990) và cuối năm 1990, Jonathan Pollard đã gửi đơn ly dị vợ./. 

Đọc thêm