Động viên lao động Việt Nam ở nước ngoài yên tâm làm việc, hạn chế đi lại

(PLVN) - Đây là một trong những trọng tâm công việc của kế hoạch ứng phó với dịch bệnh Covid-19 được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung giao cho các đơn vị trực thuộc.  
Động viên lao động Việt Nam ở nước ngoài yên tâm làm việc, hạn chế đi lại

Theo đó, về vấn đề lao động trong nước, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ đạo tiếp tục rà soát, nắm chắc tình hình lao động, việc làm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tập đoàn trong nước cũng như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để góp phần ổn định sản xuất; khuyến khích các doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu phát triển sản xuất, đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống người lao động. Phối hợp với các địa phương kiểm soát chặt chẽ lao động qua lại đường mòn, lối mở tại các tỉnh biên giới.

Việc tiếp nhận lao động là người Trung Quốc quay trở lại Việt Nam làm việc phải xây dựng phương án tiếp nhận có chọn lọc, theo trình tự chặt chẽ và có lộ trình đối với một số chuyên gia, lao động tại một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định, xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của công việc. Đồng thời phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm ổn định tư tưởng của các lao động trong doanh nghiệp. Bộ trương lưu ý, tất cả các trường hợp lao động quay trở lại làm việc đều phải tuân thủ quy định của Bộ Y tế về việc kiểm tra sức khỏe, cách ly.

Về vấn đề lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (nhất là lao động tại Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu đẩy mạnh việc tuyên truyền ứng dụng “Kết nối người lao động đang làm việc ở nước ngoài” (COLAB SOS) của Trung tâm lao động ngoài nước để khuyến khích người dân sử dụng ứng dụng một cách có hiệu quả. 

Bên cạnh việc tuyên truyền, động viên, khuyến khích người lao động Việt Nam ở nước ngoài, nhất là tại tỉnh Daegu và Gyeongbuk (Hàn Quốc) yên tâm làm việc, hạn chế đi lại, không đến các vùng có dịch và không rời khỏi quốc gia, vùng lãnh thổ đó khi không cần thiết nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, thì các doanh nghiệp đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cần dừng ngay việc lao động đi làm việc tại các khu vực có dịch. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp không chấp hành.

Có các biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo người lao động (kể cả lao động bất hợp pháp) chủ động khai báo y tế, theo dõi sức khỏe theo quy định của các nước sở tại trong trường hợp bị nhiễm hoặc nghi nhiễm dịch Covid-19 hoặc đến từ các vùng khác.

Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các doanh nghiệp đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cần dừng ngay việc lao động đi làm việc tại các khu vực có dịch (ảnh minh họa)
 Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu  các doanh nghiệp đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cần dừng ngay việc lao động đi làm việc tại các khu vực có dịch (ảnh minh họa)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng yêu cầu Cục Quan hệ lao động và Tiền lương chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế khẩn trương rà soát các quy định của pháp luật về lao động và các văn bản có liên quan để hướng dẫn các doanh nghiệp phương án xử lý do ảnh hưởng của dịch bệnh như: các trường hợp người lao động được tiếp tục hưởng lương, các trường hợp ngừng việc, việc giải quyết chế độ ngừng việc, tiền lương ngừng việc cho người lao động, các trường hợp doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất, kinh doanh…

Xung quanh vấn đề người lao động Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản tại Hà Nội, ngành LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết đã cấp phép cho khoảng 23.000 lao động người nước ngoài làm việc tại Hà Nội, tính từ năm 2018 đến nay. Trong đó, lao động đến từ Hàn Quốc chiếm hơn 40% (gần 10.000 người), lao động Nhật Bản hơn 5.000 người, lao động Trung Quốc hơn 1.000 người. Lao động người nước ngoài cư trú nhiều ở quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân...

Ngành LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết lao động đến từ Hàn Quốc có gần 10.000 người
 Ngành LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết lao động đến từ Hàn Quốc có gần 10.000 người

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân, thực tế, số lao động nước ngoài đang làm việc có biến động so với số giấy phép được cấp, bởi có những người về nước dịp Tết, có người nghỉ phép chưa quay trở lại, có người mới hết hạn giấy phép lao động. Trước những diễn biến mới phức tạp của dịch Covid-19, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội tiếp tục thống kê danh sách lao động nước ngoài đang làm việc trên địa bàn Tthành phố nhất là những người đến từ quốc gia, vùng có dịch.

Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cũng yêu cầu các doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài đến từ vùng có dịch, rà soát, báo cáo rõ những thông tin liên quan đến người lao động (NLĐ). Qua đó sẽ sàng lọc, khoanh vùng những đối tượng có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 để tổ chức cách ly, theo dõi. Từ kết quả rà soát, Sở sẽ thành lập đoàn đi kiểm tra thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. 

Cùng ngày, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội có công văn yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, Sở yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn thành phố báo cáo số lượng người lao động có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội hiện đang làm việc tại các nước: Hàn Quốc, Italia, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore.

Các đơn vị, doanh nghiệp thống kê cụ thể lao động hiện đang làm việc tại tỉnh/thành phố, quốc gia nào; ngày xuất cảnh, ngày dự kiến về nước và báo cáo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội trước ngày 2/3/2020.

Đọc thêm