Đốt hàng trăm quả đồi đổi lấy... vài tấn thóc

(PLO) - Chỉ trong 4 năm, hàng ngàn ha rừng của huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã bị “xóa sổ” với tốc độ chóng mặt. Tình trạng phá rừng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại bởi 5 tháng của năm 2016, tiếp tục có 313 vụ phá rừng tại địa bàn này được phát hiện.
Bị bức tử, tỷ lệ che phủ rừng Mường Nhé hiện chỉ còn 45%
Bị bức tử, tỷ lệ che phủ rừng Mường Nhé hiện chỉ còn 45%

Thống kê chưa đầy đủ, 1.000 ha rừng bị mất trong báo cáo của UBND huyện Mường Nhé có thể nói đã không phản ánh đúng thực chất tình trạng phá rừng hết sức nghiêm trọng đang diễn ra tại đây. 

Đâu rồi thời voi đi rầm rập, rừng hàng trăm ngàn ha?

Nhiều tài liệu mô tả lại vào đầu những năm 1980, rừng Mường Nhé giữ kỷ lục trên cả nước, với diện tích được khoanh đếm, bảo vệ khoảng hơn 310 ngàn ha. Cán bộ bảo tồn thời kỳ này từng ước tính những đàn voi đi nườm nượp khắp Mường Nhé lên tới 250 con; đàn bò tót khoảng 300 cá thể; nai, hoẵng, sơn dương, cầy cáo thì nhiều vô kê. Thế nhưng, tới giờ này, “kho báu” thiên nhiên ở Mường Nhé và vùng lân cận đã và đang bị tàn sát khiến những người tận tâm với rừng cảm thấy xót lòng.  

Bản Nà Pán, xã Mường Nhé cách trung tâm huyện này chừng 2 km. Tại đây đang có khoảng 10 hộ dân là người dân tộc thiểu số di cư về đây sinh sống. Sự cư trú bất hợp pháp của các hộ dân kèm theo phương thức sản xuất lạc hậu - đốt rừng làm nương, đã khiến 400 ha rừng tự nhiên ở đây bỗng chốc bị phá tan tành. 

Hàng ngàn gốc cây đen kịt nằm trơ trên những triền đồi mà lớp thảm thực vật đã bị cạo trọc theo các vụ đốt rừng, 10 hộ dân phá hàng trăm ha rừng dù được xác định danh tính cụ thể nhưng việc xử lý cũng không diễn ra –là những chỉ dấu cho thấy tình trạng tàn phá rừng ở Mường Nhé thực sự vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chính quyền, lực lượng chức năng địa phương và vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy nó sẽ dừng lại. 

Tìm hiểu của phóng viên PLVN tại địa bàn này cho thấy, sau khi hoàn thành việc thành lập và chia tách huyện cho đến hiện nay đã có trên 80 ngàn ha diện tích tự nhiên của Mường Nhé đã bị “cạo trọc”. Vì thế, con số chưa đầy 1.000 ha rừng bị phá đề cập trong báo cáo của UBND huyện Mường Nhé có thể nói đã không phản ánh đúng thực tế về tình trạng phá rừng đang diễn ra hết sức nghiêm trọng ở đây. 

Bí thư huyện: “giữ để họ... phá mà thôi”!?

Cụm từ “bất lực”, “ngoài tầm”, “lúng túng”… được cán bộ tỉnh Điện Biên sử dụng thường xuyên khi nói về tình trạng phá rừng và di dân tự do ở Mường Nhé. Cứ nhìn vào con số 313 vụ phá rừng trái pháp luật từ năm 2015 đến tháng 6/2016, nhưng lại chỉ 20 vụ được xử lý và chỉ có 6 vụ chuyển hồ sơ truy cứu trách nhiệm hình sự, thì đủ thấy sự bế tắc trong việc ngăn chặn tình trạng phá rừng của chính quyền sở tại. 

“Làn sóng” di cư tự do của người dân tộc thiểu số đến huyện Mường Nhé được xác định là nguyên nhân chính làm của sự “biến mất” hàng ngàn ha rừng tự nhiên để lấy đất làm nương. 

Ông Lù Văn Thanh - Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé xác nhận với phóng viên: Một lượng lớn người dân di cư tự do phá rừng để lấy đất trồng cây lương thực, lấy gỗ làm nhà ở với những thủ đoạn rất tinh vi, vi phạm có tổ chức, khi bị các cơ quan chức năng phát hiện thì lẩn trốn vào rừng, dùng số đông để áp đảo, gây sức ép, cản trở không hợp tác với các lực lượng thi hành công vụ. 

Trong khi ông Nguyễn Quang Sáng - Bí thư huyện ủy Mường Nhé thì lại dẫn chứng, trong hơn 3,6 vạn dân Mường Nhé hiện nay thì có đến 70% là người H’Mông, với phương thức sản xuất đốt rừng làm nương rất lạc hậu. Ông Bí thư huyện ủy tính toán, cứ 1 ha nương mà người dân phá rừng để trồng lúa trung bình chỉ sản xuất được 1 năm/1 vụ, với năng suất chỉ được 1 tấn/ha với trị giá thu lại chỉ được vài triệu đồng/năm. 

“Không thay đổi phương thức canh tác của người dân chúng ta không thể nào giữ được rừng. Và những diện tích rừng còn lại mà chúng ta đang cố giữ cũng chỉ giữ để cho họ... phá mà thôi”- Bí thư Sáng ngao ngán. 

Cũng theo lãnh đạo địa phương, không ổn định được dân cư, không thay đổi được phương thức canh tác lạc hậu và không có giải pháp hiệu quả để ngăn chặn tình trạng di dân tự do hiện nay, thì diện tích rừng còn lại của Mường Nhé cũng khó mà giữ, kể cả khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé nơi lực lượng chức năng đang ngày đêm cố gắng bảo vệ để giữ lại hàng chục ngàn ha rừng đặc dụng trước sự xâm lấn như “tằm ăn rỗi” của hàng ngàn dân di cư đang muốn có đất để làm sinh kế. 

* Vì sao không “xử” kiên quyết vụ phá 400 ha rừng?

“Việc xử lý vi phạm rừng ở Mường Nhé là không nghiêm túc. Vụ phá 400 ha ở Nà Pán, cách trung tâm huyện có vài km, có đối tượng rõ ràng nhưng vẫn không xử lý kiên quyết. Để giữ rừng tỉnh Điện Biên cần phải có Nghị quyết chuyên để về bảo vệ rừng, thậm chí lập hẳn Ban Chỉ đạo để xử lý thật nghiêm túc tình trạng phá rừng hiện nay”,  ông Nguyễn Quốc Trị, Cục trưởng Cục kiểm lâm .

* Lúa nương đang “đốn” rừng

“1 ha nương dùng để trồng lúa trung bình chỉ sản xuất được 1 năm 1 vụ với năng suất rất thấp, chỉ được 1 tấn/ha với trị giá được vài triệu đồng. Một ha canh tác theo kiểu này chỉ duy trì được 2 năm là đất bạc màu và người dân sẽ phải chuyển sang chỗ khác để tiếp tục phá rừng làm nương. Năng suất trồng lúa trên nương chỉ bằng 1/5 trồng bằng ruộng nước. Diện tích lúa nương ở Điện Biên hiện nay là rất lớn.  Đây là phương thức sản xuất rất lạc hậu cần phải chuyển đổi”, ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt.

Đọc thêm